Thủ Tướng Ấn Độ Shri Narendra Modi đang chia sẻ với Chủ Tịch Tập Cận Bình và Phu Nhân Bành Lệ Viện về di sản Phật Giáo tìm thấy ở tỉnh Gujarat nhân dịp dự triển lãm tại Hyatt Hotel, Ahmedabad, Ấn Độ ngày 17 tháng 9, 2014. (The Office of Narendra Modi/ Wikimedia Commons)
Bài VI ANH
Ấn Độ đang vượt Trung Quốc Cộng Sản (gọi tắt là Trung Cộng – TC) rồi. Ấn độ trở thành nước đông dân nhất thế giới và đà kinh tế đang phát triển mạnh và vững hơn TC.
Một, Sự kiện và Thời sự: MarketWatch phân tích số liệu của Liên Hiệp Quốc nhận thấy dân số Ấn Độ tăng thêm trung bình 36,470 người mỗi ngày. Với dân số 1,425,782,975 (1.425 tỷ người) người, tính đến ngày 14/4/2023, Ấn đã vượt TC để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, trong khi dân số của TC giảm xuống mặc dù chậm, khoảng 983 người mỗi ngày.
Hai, đi vào phân tích: Vạn vật vô thường, dân số một nước không bất biến không tránh khỏi sự thay đổi xuống lên ảnh hưởng đến tình hình thịnh suy của một quốc gia dân tộc.
Nhớ dù Trung Hoa xưa lớn mạnh, thời nhà Đường dân tộc Trung Hoa cực thịnh, dân Trung Hoa coi mình là “ Thòn Dành” (người Đường hay Đường nhân), Vua nhà Đường vẫn cử Đường Tăng vượt đường xa vạn dậm, vô vàn cách trở khó khăn đi qua Tây Trúc tức Ấn độ thỉnh kinh Phật về hoằng hóa ở Trung Hoa.
Bây giờ năm 2023 chuyện dân số Ấn độ vượt qua TC không những là chuyện quốc gia đại sư của hai nước có dân số nhiều nhứt hoàn cầu, mà đó cũng là chuyện của thế giới nữa. Thế giới thời đại này như một xóm nhà và các nước là những láng giềng trên phương diện kinh tế toàn cầu, chánh trị hoàn vũ. Do đó vấn đề cần phân tích là liệu Ấn Độ có thể vượt qua TC để trở thành siêu cường kinh tế và chánh trị hay TC không.
Dù dân số TC sụt giảm thua Ấn độ, TC vẫn đang dẫn đầu về quy mô kinh tế, ảnh hưởng địa chính trị và sức mạnh quân sự. Nhưng cục diện đang thay đổi, các chuyên gia cho biết. Theo quan điểm của Michael Spence, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001, “thời khắc của Ấn Độ đã đến.” Ấn sẽ đuổi kịp TC, theo hiệu trưởng kiêm giáo sư tại Đại Học Stanford nói với BBC. “Nền kinh tế TC sẽ chậm lại, còn Ấn Độ thì không.”
Ấn Độ vì vậy có thể thay thế TC trở thành công xưởng của thế giới, vì hàng hóa của TC bị mang tiếng là “chết vì Trung Quốc” theo quyển sách nổi danh ở Mỹ và đã lan tỏa trong cộng đồng thế giới, còn hàng hóa Ấn độ thì không.
TC là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chỉ thua Mỹ; kinh tế TC lớn hơn gần năm lần so với Ấn Độ, nước xếp ở vị trí thứ năm. Nhưng việc trở thành một siêu cường toàn cầu thì ngoài dân số và kinh tế, còn phụ thuộc vào sức mạnh mềm, lòng tin của các nước. TC khó đua chen với Mỹ cũng như Ấn độ vì TC không tử tế với các láng giềng và đối tác.
Báo The Economist phân tích nếu TC muốn thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ, Bắc Kinh cần có được sự hậu thuẫn và phải nên tử tế với các láng giềng của TC. Về phương diện này TC thua Ấn độ, TC đứng sau Ấn độ. Tập Cận Bình đã, đang gây lo sợ cho những nước xung quanh. Bắc Kinh đã thành công trong việc thay đổi nguyên trạng có lợi cho mình trong ngắn hạn. Tàu chiến, máy bay TC thường xuyên quấy nhiễu ở Á Châu Thái Bình Dương nhứt là Biển Đông, dựng lên bảy đảo nhân tạo kiên cố trên các rạn san hô tranh chấp ở Biển Đông.
Những lợi ích này TC đã phải trả giá rất đắt. Nhật Bản tăng gấp đôi chi quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác an ninh với các đồng minh của Mỹ để phòng chống TC. Phi Luật Tân cho Mỹ sử dụng thêm bốn căn cứ quân sự, trong đó có ba nơi rất hữu ích trong trường hợp chiến tranh ở Đài Loan chống TC. Việt Nam, dù là nước cộng sản như TC, lần đầu tiên từ 40 năm đón tiếp hàng không mẫu hạm Mỹ, và sau đó thêm hai chuyến thăm nữa. Ấn Độ cấm hàng chục ứng dụng TC, hợp tác quốc phòng với Mỹ và các đồng minh, tham gia Bộ Tứ và chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương do Mỹ chủ trương.
Quyền lực mềm cũng đóng vai trò then chốt cho sự vượt trội của Ấn độ. Ngành công nghiệp điện ảnh Bollywood của Ấn Độ rất hiệu quả trong việc quảng bá đất nước ra quốc tế – và phá kỷ lục trên Netflix.
Nhưng còn cái gọi là Chinawood: ngành công nghiệp điện ảnh của TC nặng về tuyên truyền chánh trị nên gò bó, thái độ lang sói đối với các chế độ tự do, dân chủ không hợp với khán thính giả của các nước tự do, dân chủ.
Về kinh tế tài chánh năm 2024 IMF đánh gia kinh tế TC tuột dốc thêm 0.5%, giảm xuống còn 6.3%. Còn Ấn Độ vẫn là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất trên thế giới,
Kinh tế Ấn dễ phát triễn hơn TC nhờ môi trường tự do dân chủ. Nhờ giáo dục và kỹ thuật Ấn Độ lấy tiếng Anh làm chuyển ngữ trong giáo dục dân Ấn có thể ra ngoại quốc làm việc cho Mỹ, kiếm một nguồn ngoại tệ và kinh nghiệm khoa hoc kỹ thuật dễ hơn dân Trung Hoa.
Báo Pháp mới đây có một số nhận xét tích cực về thế mạnh của Ấn vượt qua TC , cho rằng thế kỷ 21 là của Ấn Độ. Bên cạnh cuộc đối đầu Mỹ-Trung, nổi lên một người khổng lồ thứ ba. Đất nước này đã thay đổi tầm vóc, năm ngoái vừa kỷ niệm 75 năm độc lập. Ấn Độ trở thành nền kinh tế thứ năm thế giới sau Anh quốc – quốc gia lần đầu tiên được một thủ tướng gốc Ấn lãnh đạo là ông Rishi Sunak.
Ấn Độ với vai trò chủ tịch luân phiên G20 tháng Chín. Ấn cũng đồng thời đứng đầu Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, với lịch trình tập trung cho toàn vẹn lãnh thổ để trả đũa những vụ đụng độ với Trung Quốc ở Hy Mã Lạp Sơn. Tương quan lực lượng với Bắc Kinh dần được rút ngắn, do tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn 3% một năm vì dân số giảm, khủng hoảng địa ốc, đảng kiểm soát chặt kinh tế xã hội, xử trí tệ hại đại dịch Covid.
Trong khi đó Ấn Độ có hy vọng trở thành cường quốc kinh tế thứ ba thế giới vào năm 2030. Trước hết nhờ dân số đã vượt qua Trung Quốc, tiền lương chỉ bằng 1/3, được hưởng lợi trước làn sóng di chuyển sản xuất khỏi Hoa Lục theo chiến lược China Plus One. Cộng đồng Ấn kiều 28 triệu người hàng năm gởi về nước nhà Ấn độ $90 tỷ đô la góp phần làm thăng bằng cán cân thanh toán.
Ấn Độ đang xích gần lại với phương Tây để ngăn chận Trung Quốc: tham gia Bộ Tứ, siết chặt hơn quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Về quân sự, New Delhi tăng ngân sách quốc phòng từ $49 tỷ lên $77 tỷ mỹ kim trong 10 năm, và đa dạng hóa nguồn cung: mua drone Reaper của Mỹ, chiến đấu cơ Rafale và tàu ngầm của Pháp trong khi lâu nay mua đến 86% vũ khí từ Nga.
Ấn Độ có lực lượng lao động giỏi tiếng Anh, có nền kinh tế kỹ thuật số, có tiếng Anh là chuyển ngữ trong giáo dục, hàng năm đào tạo ra 500,000 kỹ sư. Cuối tháng Sáu, ông Narendra Modi Thủ Tướng Ấn được tổng thống Joe Biden tiếp đón trọng thể ở Tòa Bạch Ốc, cho thấy sức mạnh của các ông chủ gốc Ấn. Từ Sundar Pichai (Google) đến Satya Nadella (Microsoft), hay Shantanu Narayen (Adobe Systems) và Arvind Krishna (IBM), họ lãnh đạo những tập đoàn công nghệ đa quốc gia sừng sỏ của thế giới. Trong khi đó TC với dân số 1.412 tỷ người mà không có một giải Nobel khoa học kỹ thuật nào.