Bài KIỀU MỸ DUYÊN
Thứ Năm 8/24/2023, Hà Giang và tôi lên đường đến Arizona theo lời mời của cô Mộng Tuyền, chủ báo Bút Tre, và ông Lê Văn Lâm, hội trưởng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị ở Arizona. Đồng hương ở Arizona đón khách nồng nhiệt. Phượng, vợ bác sĩ Nguyễn Quốc An để lại lời nhắn trong điện thoại, “Cô ơi, con làm món chay đãi cô và chị Hà Giang nhé.”
Phượng làm y tá trong bệnh viện, chúng tôi đến chiều thứ Năm, Phượng làm toàn thời gian, nấu ăn chay tốn nhiều thì giờ lắm. Mộng Tuyền, chủ báo Bút Tre mà Kiều Mỹ Duyên cộng tác từ lâu rồi, và Vy Lê, hai người trẻ đón chúng tôi ở phi trường rồi đưa về Phoenix, từ đó đến thành phố Chandler, nhà của An và Phượng cả giờ đồng hồ. Từ Orange County máy bay đến Las Vegas rồi đến Arizona, nên chúng tôi không thể ăn tối ở nhà An và Phượng được. Đi đâu cũng gây nỗi phiền cho người khác.
Arizona là một tiểu bang Tây Nam Hoa Kỳ, tiểu bang thứ 48 của Hoa Kỳ. Diện tích 113,998 dặm vuông (295,000 km2), lớn thứ sáu, sau New Mexico và trước Nevada. Khoảng 15% là sở hữu tư nhân, phần còn lại là rừng công cộng, công viên, khu bảo tồn, lãnh thổ ủy trị và khu dành riêng cho người bản địa. Arizona tiếp giáp với New Mexico, Utah, Nevada, California, và Mexico, và có một điểm chung với Colorado. Khí hậu Arizona là khí hậu sa mạc, với mùa hè rất nóng và mùa đông dịu. Arizona có nhiều rừng quốc gia, vườn quốc gia, và tượng đài quốc gia.
Nhiều địa điểm thăm viếng hùng vĩ được du khách ưa thích ở tiểu bang Arizona, Grand Canyon, thung lũng Monument, đập Hoover, thị trấn Sedona, thác nước Havasu, v.v.. Arizona, vùng đất ngoài hành tinh có thực trên thế giới.

Nóng ơi là nóng, xuống phi trường là cảm được nóng cháy da thịt. Trước đó vài tuần, chúng tôi đọc tin tức thấy lúc nóng 125 độ F (gần 52 độ C), có nhiều người thở không được phải đưa đi nhà thương, người ngã xuống chỗ đậu xe thì bị phỏng phải đi nhà thương.

Ngày hôm sau, thứ Sáu 8/25/2023, chúng tôi thăm giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cha chánh xứ Hoàng Thanh Sơn và cha phó xứ Nguyễn Hoàng Anh. Linh mục Thomas Nguyễn Hoàng Anh cho biết, “Ở đây có 1,000 gia đình Công Giáo.”

Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam xây năm 2014, hai tầng, uy nghi tráng lệ, nhiều chỗ đậu xe, nhà nguyện rất rộng, chia làm nhiều phòng, trang hoàng rất đẹp. Linh mục Thomas cho biết đồ trang hoàng trong nhà thờ được mua từ Việt Nam.
Chúng tôi thưa với cha rằng, chúng tôi rất hãnh diện là trong Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có một linh mục Việt Nam làm giám đốc di dân mục vụ, chăm sóc 196 quốc gia di dân.
Linh mục Thomas Nguyễn Hoàng Anh nói ngay, “Cha Anthony Đào, dòng Đa Minh. Chúng tôi cũng là dòng Đa Minh, từ Houston sang đây.”

Rời giáo xứ Các Thánh Tử Đạo, chúng tôi đến viếng tượng đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam Arizona. Đài chiến sĩ uy nghi, tráng lệ, gió lồng lộng, những tấm mộ bia ghi tên những chiến sĩ anh hùng. Đến đây rồi mới thấy một điều huyền nhiệm, người sống và người chết gần nhau, thông cảm nhau, nghĩ đến nhau, người chết phù hộ người sống, người sống nghĩ đến người chết và cầu nguyện cho người chết.

Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam nằm trong Công Viên Tưởng Niệm, tại trung tâm thành phố Gilbert, Arizona, bắt đầu xây dựng ngày 19/3/2016. Công viên Tưởng Niệm do Hội Cựu Quân Nhân Hoa Kỳ Arizona chủ xướng, có sự hợp tác của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Arizona trong ban xây dựng và vận động gây quỹ, chi phí xây dựng là 5 triệu đô la. Đài Tưởng Niệm là một bức tường tương đương 80% bức tường đá đen của Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam ở Washington, DC, và có khắc tên của 58,307 binh sĩ Hoa Kỳ hy sinh trong cuộc chiến Việt Nam. Có một bản đồ miền Nam Việt Nam trên tấm đá hoa cương rộng 4 foot, cao 12 foot, để “tưởng nhớ những chiến sĩ và công dân từng chiến đấu và sống ở mảnh đất Việt Nam Cộng Hòa.” Tấm bản đồ này cũng để mọi người “hiểu hơn sự hy sinh của những người miền Nam Việt Nam cho con cháu họ và tất cả chúng ta trong một giai đoạn lịch sử.” Có một góc dành cho cộng đồng Việt Nam xây Nhà Tưởng Niệm Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân Việt Nam Cộng Hòa.

Trời nóng như lửa nhưng vẫn có người thăm viếng tượng đài này. Tượng đài sừng sững ở giữa khu đất rộng, hình chiến sĩ, mộ bia chiến sĩ, những người đã hy sinh, nằm xuống vì lý tưởng Tự Do, được ngưỡng mộ, được mọi người nghĩ tới, được chăm sóc làm cho gia đình của những chiến sĩ cảm thấy ấm lòng.
Những chiến sĩ anh hùng, hy sinh vì lý tưởng Tự Do bao giờ cũng được tưởng nhớ trong những ngày lễ như lễ Độc Lập, ngày Tết. Về cộng đồng Việt Nam thì những ngày 30/4, 19/6 là ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được tưởng nhớ nhiều nhất. Những ngày đó, các quân nhân cán chính trong bộ quân phục của mình, dù bây giờ đã lớn tuổi nhưng vẫn uy nghi như ngày xưa. Hậu duệ tiếp tục nối gót ông cha của mình tham gia các cuộc diễn binh.
Đứng trên đồi gió lộng, nhìn xung quanh, những bia đá khắc tên người chiến sĩ, quân đội Hoa Kỳ, đồng đội, đồng minh, trong đó có chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, không ai không khỏi bùi ngùi, xúc động nhớ đến quê hương xa vời vợi bên kia Đại Tây Dương, quê hương trong trái tim của người tị nạn lưu vong. Nghĩa trang Hạnh Thông Tây, Biên Hòa nay còn đâu?

Hình các chiến sĩ tạc bằng đá, sơn đen, vẫn hiên ngang ngạo nghễ trên ngọn đồi lộng gió này. Tôi muốn khóc vì là phóng viên chiến trường, chúng tôi có mặt ở khắp vùng hỏa tuyến, giữa súng nổ, bom rơi, và dòng người tị nạn chạy từ Quảng Trị xuôi miền Nam, đồng bào cao nguyên trung phần chạy về Sài Gòn, người lính hiên ngang bảo vệ cho dân chúng chạy loạn. Hình ảnh đó không thể nào phai mờ trong trí nhớ của chúng tôi.
Tôi thì thầm, hỡi những chiến sĩ anh hùng, các anh không chết, các anh vẫn còn trong trái tim của chúng tôi với sự kính nể vô vàng. Xin các anh có linh thiêng về phù hộ cho chúng tôi có một ngày về quê hương khi quê hương có Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải.
Những tấm mộ bia khắc ghi công ơn của người chiến sĩ, những tượng đá uy nghi trên đồi cao. Dưới chân đồi là đường xe qua lại, chúng tôi biết có những con mắt thu hút bởi những tượng chiến sĩ.
Anh không chết đâu anh, những chiến sĩ anh hùng.

Đến Arizona, tôi muốn thăm hai người. Người thứ nhất đó là chị Oanh, chủ báo Rạng Đông, chúng tôi gặp nhau ở Seattle lúc họp hội phụ nữ quốc tế. Chị Oanh đem báo Rạng Đông tặng cho tôi. Tôi hẹn khi nào lên Arizona, tôi sẽ thăm anh chị. Không ngờ chồng chị chết trước, rồi sau đó chị qua đời, tờ báo không có người thừa kế, báo Rạng Đông chết theo người chủ. Người thứ hai tôi muốn thăm là Bùi Quang Lâm, chủ nhà in. Mỗi lần về Orange County, Lâm đều đến thăm tôi. Lâm in báo Biệt Động Quân. Lâm qua đời vì Covid-19, con của Lâm thừa kế sự nghiệp của bố.
Anh Thuận chở chúng tôi đi tìm nhà in của Lâm, đi vòng vòng nhiều con đường, rồi cuối cùng phải về vì tìm không được nhà in của Lâm.
Chủ tịch hội cựu tù nhân chính trị, ông Lê Văn Lâm nói, ở đây nhiều người nợ Lâm, nhiều hội đồng nợ Lâm, vì Bùi Quang Lâm giúp nhiều hội đoàn lắm. Lâm không vào hội đoàn hay đảng phái chính trị nhưng ai cần gì thì Lâm giúp.
Chúng tôi muốn đốt cho Lâm một nén nhang, nhưng không tìm được nhà in hay nhà của Lâm, chúng tôi đành chịu.

Đi đến đâu, chúng tôi cũng muốn thăm thư viện của thành phố. Ông Lê Văn Lâm đưa chúng tôi đi thăm thư viện thành phố. Thư viện ở Arizona gồm năm tầng lầu, trời nóng như lửa nhưng người ham đọc sách ra vào thư viện như đi đại nhạc hội. Chúng tôi đem một số sách tặng cho thư viện. Người nhận sách vui vẻ đứng dậy nhận sách và nói, “Chúng tôi rất trân trọng những quyển sách này. Nhiều người đến đây thường hỏi chúng tôi về kệ sách Việt Nam đặt ở đâu?”

Người quản thủ thư viện hỏi chúng tôi địa chỉ của tác giả để gửi thư cảm ơn. Chúng tôi nói chúng tôi phải cảm ơn thư viện vì thư viện nhận sách của chúng tôi.
Linh mục Anthony Đào Quang Chính đã từng làm giám đốc di dân mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng đã xuất bản sách bằng tiếng Anh, tiếng Việt năm 1999- 2000. Sách của linh mục rất có giá trị vượt thời gian nhưng không thấy ở thư viện này. Sách của linh mục Nguyễn Tầm Thường cũng nhiều lắm, nhưng không thấy ở thư viện. Sách của các cố Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Hòa Thượng Giác Nhiên, Hòa Thượng Thiên Ân, Hòa Thượng Mẫn Giác cũng không thấy bóng dáng ở thư viện này.Ở chùa thì có nhiều sách của các ngài, bằng tiếng Anh, Việt, v.v.. Mong các tín đồ Công Giáo, Tin Lành, Phật tử, Phật Giáo Hòa Hảo, Phật Giáo Cao Đài có sách, đem tặng cho các thư viện, cần lắm.

Chúng tôi hỏi người làm thư viện chỗ nào để sách Việt Nam thì họ đưa chúng tôi đến cuối phòng, một hàng sách không nhiều lắm. Chúng tôi xem từng quyển, than ơi, toàn là sách đến từ Việt Nam, in từ Việt Nam, tác giả của Việt Nam, hơn 70 quyển sách, chỉ có hai quyển sách duy nhất nói về ông Hà Thúc Ký in ở Mỹ, và quyển sách tiếng Việt tác giả là thầy Nhất Hạnh, quyển “Tri Kỷ Của Bụt”.
Trên đường về chúng tôi rất buồn, tác giả Việt Nam in sách Việt Nam ở nước Mỹ nhiều lắm, họ không tặng cho thư viện hay thư viện không mua sách của họ nên trong tủ sách về Việt Nam rất ít sách. Sở dĩ Chinh Chiến Điêu Linh của Kiều Mỹ Duyên có nhiều ở thư viện Mỹ vì có một nhà văn Mỹ ở Florida giới thiệu sách của chúng tôi, cho nên sách Chinh Chiến Điêu Linh nói về chiến sĩ Quân Lực Cộng Hòa hào hùng có mặt ở nhiều nơi thư viện Quốc Hội, thư viện của tiểu bang và thư viện của trường đại học, một phần thư viện mua, một phần Kiều Mỹ Duyên tặng cho thư viện.
Mong các tác giả Việt Nam đã xuất bản sách ở khắp nơi trên thế giới bằng tiếng Việt hoặc ngoại ngữ nên tặng sách cho các thư viện ở thành phố, trường đại học, thư viện quốc hội để cho độc giả nào muốn tham khảo thì họ có tài liệu để tham khảo. Thế hệ thứ hai cũng viết rất nhiều sách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, v.v..
Hiện nay, các trường đại học Mỹ cũng có những chương trình viết về lịch sử Việt Nam, hành trình của người tị nạn, như đại học Irvine, Harvard, UCI, các đại học miền Đông.
Số người đọc sách vẫn còn nhiều, đó là lý do các thư viện Hoa Kỳ, lúc nào cũng tiếp nhận sách tặng một cách ân cần, niềm nở. Nhiều gia đình có nhiều sách để đầy nhà nhưng không biết cho ai, nên cho thư viện là tốt nhất, thư viện thành phố, thư viện các đại học, thư viện của chính phủ, tiểu bang, liên bang. Mong sách Việt về cuộc chiến Việt Nam, sách về văn hóa, phong tục, tập quán Việt Nam được tác giả tặng cho thư viện.
Sách là nhu cầu của độc giả, là một phần của đời sống của con người. Mong quý đồng hương có sách của chính tác giả hoặc sách của bằng hữu tặng sách cho thư viện. Quý vị lớn tuổi không thể khuân sách đến thư viện thì nhờ con cháu của mình chở đi, hoặc gọi các hội từ thiện sẽ có người giúp đỡ. Mong thư viện của Hoa Kỳ có nhiều sách tác giả là người Việt Nam, viết về Việt Nam một cách trung thực, có tinh thần quốc gia viết sách.
Chuyến thăm Arizona để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Chúng tôi được đón tiếp nồng hậu, được thăm viếng nhiều danh lam thắng cảnh, thưởng thức nhiều món ăn ngon, và cảm nhận cuộc sống thanh bình nơi đây. Trời thì nóng nhưng lòng người ấm!
Orange County, 9/2023
(kieumyduyen1@yahoo.com)