Bài VI ANH
Tổng Thống Pháp biến nho trái mùa của Pháp và chùm nho uất hận của Mỹ thành rượu Champagne, Âu Mỹ cùng chống Nga, ly gián Trung Cộng xa Nga.
Mỹ liên minh cùng Liên Âu trực tiếp yễm trợ vũ khí, tài chánh cho Ukraine phản công Nga xâm lược. Mỹ và Liên Âu còn ra hàng trăm lịnh trừng phạt Nga về kinh tế, tài chánh, cấm vận xuất nhập cảng hàng hóa nguyên liệu của Nga. Nhưng Tổng Thống Macron của Pháp lại hái nho trái mùa, điện đàm và bay sang Trung Quốc gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình, người gọi Tổng Thống Vladimir Putin của Nga là “bạn không giới hạn.” Mới đây Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron còn mời chủ tịch Ủy Ban Châu Âu là bà Ursula von der Leyen cùng đi Trung Quốc từ ngày 5 đến 8 tháng 4, 2023. Hội kiến với Chủ Tịch Tập Cận Bình, thuyết phục Bắc Kinh can thiệp giải quyết chiến tranh Ukraine. Cảnh cáo Trung Cộng trước mọi ý đồ cung cấp vũ khí cho Nga. Kỳ vọng Trung Cộng can thiệp với Nga để kết thúc chiến tranh Ukraine.
Tổng Thống Mỹ Joe Biden “bức xúc” suýt sút giày khỏi chân; dân chúng Mỹ cho rằng Macron và Leyen củng cố thêm uy tín cho Tập Cận Bình trên bàn cờ ngoại giao quốc tế. Thiếu điều Chú Sam phát cáu lên tiếng tẩy chay không ăn french fries nữa. Tổng Thống Pháp Macron lãnh đủ búa rìu hái nho trái mùa Pháp và chùm nho uất hận của Mỹ
Nhưng Pháp là vua làm rượu nho, đã hóa bại thành thắng trong viêc làm rượu nho. Tổng Thống Macron trộn nho trái mùa của Pháp với nho uất hận của Mỹ để làm ra rượu Champagne là rượu dành cho niềm vui thành công, chiến thắng trong công luận, khiến đôi bờ Đại Tây Dương gần lại, Tân Thế Giới và Cựu Thế Giới liên kết lại chống Cộng Sản độc tài, chuyên chính như chống Đức Quốc Xã phát-xít trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Nếu xét cuộc chiến của Pháp và Liên Âu trên phương diện chiến tranh tâm lý, chiến tranh chánh trị, ngoại giao, thì Tổng Thống Macron của Pháp trẻ trung và Chủ Tịch Ủy Ban Liên Âu, người đẹp đẽ của Liên Âu đã tạo được cảm tình với Tập Cận Bình, hoàng đế của Trung Cộng và tạo được nghi ngờ của Putin đối với Tập Cận Bình. Tổng Thống Putin coi như mất hậu thuẫn chiến thắng Ukraine và thêm thế yếu suy tàn của chế độ Putin.
Dù không nên tin những gì Cộng Sản nói trên phương diện thông tin và hành động, nhưng lời tuyên bố công khai của Chủ Tịch Tập Cận Bình với Tổng Thống Pháp và Chủ Tịch Liên Âu trước truyền thông trong ngoài Trung Quốc cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với tình hình chiến tranh Nga-Ukraine. Làm sao Putin không xuống tinh thần khi mà Tập Cận Bình là người đã tuyên bố Putin là “bạn không giới hạn” lại tuyên bố với Tổng Thống Macron và Chủ Tịch Ủy Ban Liên Âu toàn những điều trái với chiến lược của Putin.
Tin đài phát thanh RFI của Pháp ngày 6 tháng 4 cho biết Tổng Thống Pháp kêu gọi Chủ Tịch Tập Cận Bình hãy “đưa Nga trở lại với lẽ phải” và giúp tất cả các bên ngồi bàn vào thương nghị. Điện Elysée của Pháp đánh giá đối thoại giữa nguyên thủ hai nước diễn ra “thẳng thắn” và “mang tính xây dựng.”
Theo thông tấn xã AFP của Pháp, sau cuộc hội đàm, lãnh đạo hai nước cùng kêu gọi nhanh chóng tiến hành đàm phán hòa bình, và lên án mọi hành động sử dụng vũ khí hạt nhân mà Putin tuyên bố sẽ triển khai. Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định “không được sử dụng vũ khí hạt nhân,” cũng như ‘”tấn công vào thường dân,” và “không sử dụng vũ khí hóa học và sinh học trong bất cứ hoàn cảnh nào.”
Về phần mình, Tổng Thống Pháp Emmnuel Macron tuyên bố, “Phải loại trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn khỏi cuộc xung đột này.” Nguyên thủ Pháp cũng lên án thông báo của Nga chuẩn bị triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus, ngược lại các cam kết song phương, cũng như với “các cam kết quốc tế.” Tổng Thống Pháp cũng nhấn mạnh không thể có được hòa bình nếu “nhân dân Ukraine không được tôn trọng,” và nếu “không có một cử chỉ thiện chí từ phía Nga.”
Trong cuộc hội đàm với Tổng Thống Pháp, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẵn sàng điện đàm với đồng nhiệm Ukraine, Tổng Thống Volodymyr Zelensky, theo một nhà ngoại giao Pháp có mặt trong cuộc đối thoại.
Trước cuộc gặp nguyên thủ Trung Quốc, Tổng Thống Pháp và Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã gặp Thủ Tướng Lý Cường (Li Qiang). Trong cuộc gặp Thủ Tướng Trung Quốc, lãnh đạo Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại giữa Trung Quốc và Pháp “trong những thời điểm khó khăn này,” “khả năng chia sẻ một phân tích chung và xây dựng một con đường chung là điều cần thiết.”
Về phản ứng của Nga, Điện Kremlin đã ngay lập tức loại trừ khả năng Trung Quốc đứng ra làm trung gian đàm phán. Theo AFP, trả lời báo giới hôm nay sau phát biểu nói trên của Tổng Thống Pháp, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitri Peskov, khẳng định, “Tình hình hiện tại với Ukraine là phức tạp, không có triển vọng cho một giải pháp chính trị. Trong hiện tại, chúng tôi không có giải pháp nào khác là tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt.”
Nhân quyền cũng đã là một chủ đề trong cuộc đối thoại giữa hai nguyên thủ Pháp – Trung. Tổng Thống Macron khẳng định chủ trương của Paris là “thẳng thắn” nêu vấn đề với phía Trung Quốc với thái độ “trân trọng,” và đưa ra các đòi hỏi về nhân quyền không có nghĩa là bên này hay bên kia “lên lớp dạy dỗ nhau.”
Ngay sau cuộc hội kiến riêng với lãnh đạo Trung Quốc, Tổng Thống Pháp và Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu đã có cuộc đối thoại chung với lãnh đạo Trung Quốc. Sau cuộc đối thoại ba bên, lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu cho biết đã đề cập đến “tình trạng xuống cấp mạnh” về nhân quyền tại Trung Quốc, đặc biệt tại vùng Tân Cương, nơi sinh sống của cộng đồng sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, và hai bên cần “tiếp tục thảo luận về các vấn đề này.”
Thế là Tổng Thống Macron bất chiến tự nhiên thành, mở Champagne mời Chủ Tịch Tâp Cận Bình trong khi Putin lên đường qua thế giới đại đồng Cộng Sản tam vô – vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo – có xương tàn cốt rụi Stalin đang chờ đón.
*
Chú thích hình: Chủ Tịch Tập Cận Bình (giữa), cùng Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von de Leyen tại hội nghị ở Bắc Kinh ngày 6 tháng 4, 2023. (Dati Bendo/ Wikimedia Commons)
Bị chú:
Chùm Nho Uất Hận (tiếng Anh: The Grapes of Wrath), còn có tên trên bản dịch là Chùm Nho Thịnh Nộ là tiểu thuyết của văn hào John Steinbeck, bao gồm 30 chương, phản ánh những biến đổi sâu sắc trong nông thôn nước Mỹ khoảng những năm đầu thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của thời đại công nghiệp hóa. Với tác phẩm này, Steinbeck đã được trao giải Pulitzer vào năm 1940. Năm 1962, Steinbeck được trao giải Nobel Văn Học, mà Chùm Nho Uất Hận là sáng tác chính của Steinbeck được Viện Hàn Lâm Thụy Điển đưa ra như một trong những lý do trao giải.