Trong mấy ngày qua, trường hợp Đường Văn Thái, 41 tuổi, còn có tên là Thái Văn Đường, bị bắt về Việt Nam đã gây xôn xao trên mạng xã hội tiếng Việt. Ông ta mất tích ở Bangkok chiều thứ Năm, 13 tháng 4, đúng lúc Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken sắp tới Hà Nội và chỉ một thời gian ngắn sau khi Đường Văn Thái được phỏng vấn bởi Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.
Nhiều nguồn tin cho rằng Thái bị bắt vì chuyện đấu đá trong nội bộ đảng cầm quyền Cộng Sản, không liên quan đến ngoại giao Mỹ-Việt. Tuy nhiên, việc công an Việt Nam bắt ông ta trên lãnh thổ Thái Lan là phạm luật quốc tế. Biết vậy nên báo chí trong nước theo chỉ thị của Đảng đã đồng loạt loan tin hôm Chủ Nhật rằng ông Thái bị bắt trong lúc “xâm nhập trái phép vào Việt Nam” tại biên giới Hà Tĩnh.
Đường Văn Thái quê quán ở thôn Hà Lâm 3, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, đã đến Thái Lan từ năm 2018 để xin được tỵ nạn chính trị và qua Mỹ.
Tại Thái Lan, Đường Văn Thái thường đưa tin trên YouTube, Facebook về chính trường, đấu đá phe phái trong nội bộ đảng CSVN. Hai ngày trước khi bị bắt, ông Thái loan tin trên YouTube rằng các quan chức cộng sản “Tối ngày chửi Mỹ, nhưng ai cũng giấc mơ Mỹ.” Ông ta nói rằng cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ Tướng Phạm Minh Chính, Chủ Tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đều có điểm chung là “có con học ở Mỹ, có nhà ở Mỹ.” Mấy quan chức khác như Nguyễn Trọng Nghĩa (trưởng ban Tuyên Giáo Trung Ương) và Lê Quốc Minh (tổng biên tập báo Nhân Dân) cũng tương tự.
Đường Văn Thái bị mất tích sau khi đến phi trường Suvarnabhumi, Bangkok để đón một người quen từ Việt Nam. Các nguồn tin cho biết công an đã gài bẫy để bắt ông Thái về Việt Nam hôm thứ Năm, đến Chủ Nhật hàng loạt báo chí trong nước cùng loan tin Thái bị bắt trong lúc “xâm nhập trái phép.”
Vụ bắt cóc Đường Văn Thái gợi nhớ vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc blogger, nhà báo tự do Trương Duy Nhất đầu năm 2019, tại trung tâm mua sắm Future Park ở ngoại ô Bangkok. Khi đó ông Nhất qua Bangkok xin tỵ nạn chính trị. Sau hai tháng không có tin tức, Trương Duy Nhất xuất hiện tại trại giam Hà Nội. Tiếp đó, ông Nhất bị kết án 10 năm tù vào năm 2020. Một vụ bắt cóc khác mà mật vụ CSVN đã thực hiện là bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Bá Linh, Đức.
Về trường hợp người tỵ nạn bị bắt cóc, Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của BPSOS, cho biết kẻ chủ mưu đã khôn khéo chọn dịp lễ Songran (Lễ Tạt Nước) của Thái Lan, là thời điểm phố xá đông đúc và xe cộ tấp nập nhất trong năm, để thực hiện việc bắt cóc mà không ai để ý.
Ông Thắng nhận xét, “Việc một người đã được Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ công nhận tư cách tỵ nạn bị mất tích ở Bangkok và sau đó xuất hiện ở Hà Tĩnh là một thách thức nghiêm trọng cho nghĩa vụ bảo vệ người tỵ nạn của cơ quan LHQ này.”
Đường Văn Thái được xem là một nhà hoạt động dân chủ, và trong những người hoạt động này cũng chia rẽ giữa bênh vực và đả kích ông Thái.
Một bí ẩn là ông Thái rất thạo tin đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng Sản. Theo Blog Trân Văn (VOA Việt Ngữ), nhiều tin mà ông ta cung cấp qua Facebook hay YouTube đã khá chính xác về nội tình thượng tầng chính trị Việt Nam nên số người theo dõi các trang cá nhân ông trên mạng xã hội có lúc lên tới cả triệu người.
Cũng vì vậy, ông Thái là một cái gai mà nhiều cá nhân, nhiều nhóm trong hệ thống chính trị, hệ thống chính quyền tại Việt Nam muốn nhổ song không nhổ được bởi ông Thái cư trú ở bên ngoài Việt Nam.
Theo chỉ thị Đảng, báo chí trong nước tố cáo từ năm 2001, Đường Văn Thái tham gia công tác đoàn tại thôn Hà Lâm 3. Năm 2009, Thái làm hợp đồng tại Trung Tâm Quỹ Đất huyện Đông Anh, Hà Nội. Năm 2013, Thái thi công chức nhưng không đậu và xin nghỉ việc. Từ năm 2016 – 2017, Thái Văn Đường theo học Thạc Sĩ Quản Lý Đất Đai tại Seoul, Nam Hàn. Từ cuối năm 2017, Thái về nước trú ngụ tại Sài gòn. Trong quá trình đi học, Thái “giao du kết thân với nhiều phần tử chống phá nhà nước Việt Nam,” và “tham gia các tổ chức hội nhóm bất hợp pháp,” và “còn lợi dụng các vấn đề như sự cố do Formosa gây ra để kích động biểu tình, bạo loạn.”
Từ Hà Nội, hôm thứ hai, 17/4, trên trang Facebook cá nhân, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, một nhà quan sát thời sự Việt Nam đưa ra bình luận trong một dòng trạng thái, viết, “Sự kiện truyền thông chưa từng có: bắt một kẻ “vô danh”, “tội” quá nhẹ, nhưng… hàng loạt báo lớn cùng đưa tin cực nhanh; lại cùng nội dung và “minh họa” bằng ảnh bắt người… Trung Quốc.”
Theo dõi diễn biến này từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo, một nhà quan sát thời sự Việt Nam từ trong nước khá quen thuộc với khán, thính và độc giả của RFA Tiếng Việt, hôm thứ Hai, 17/4, đưa ra bình luận, “Tôi cho rằng cái này là giấu đầu, hở đuôi, vụng về. Nếu người nào tinh ý một chút thì đều phát hiện ở đây có một sự gọi là đóng kịch. Thực sự là như thế, chứ làm sao mà lại đồng loạt được như thế. Tôi chắc các báo đều đối chiếu và khớp với bên trên và với nhau, và nếu không có lệnh của một ông ‘nhạc trưởng’ nào đó, từ bên công an hay bên tuyên giáo, thì làm sao các báo lại có thể làm đồng loạt được như thế?”
Chú thích hình: Đường Văn Thái (Facebook)