Chính quyền Biden đã chấp thuận một dự án khoan dầu trị giá $8 tỷ mỹ kim. Dự án ConocoPhillips Willow này sẽ là một trong những dự án lớn nhất thuộc loại này trên đất Mỹ, khoan tìm dầu và khí đốt tại ba địa điểm trong nhiều thập niên nơi Khu Dự Trữ Dầu Khí Quốc Gia rộng 23 triệu mẫu Anh. Khu này là sở hữu của chính phủ liên bang và là vùng đất công chưa từng khai thác lớn nhất ở Mỹ.
Đây cũng là một dự án gây tranh cãi ở North Slope, Alaska, đã gặp sự phản đối gay gắt từ các nhóm bảo vệ môi trường và một số cộng đồng thổ dân Alaska. Họ cho rằng dự án này sẽ đẩy nhanh việc thay đổi khí hậu và làm hại nền an ninh lương thực.
Dự án Willow sẽ sản xuất khoảng 576 triệu thùng dầu trong vòng 30 năm, với mức cao nhất là 180,000 thùng dầu thô mỗi ngày. ConocoPhillips đã nói việc khai thác này có thể liên quan đến một việc mâu thuẫn là làm đông lại lớp băng đang tan nhanh ở Bắc Cực hầu ổn định các dàn máy khoan. Các nhóm bảo vệ môi trường cho biết dự án sẽ tạo ra một trong những “quả bom carbon” lớn nhất trên đất Mỹ, có khả năng tạo ra lượng khí thải nhiều hơn gấp đôi so với lượng khí mà tất cả các dự án năng lượng tái tạo kết hợp trên đất công sẽ cắt giảm vào năm 2030.
Cơ Quan Quản Lý Đất Đai của Bộ Nội Vụ cho biết việc chấp thuận này “tạo ra sự cân bằng” bằng cách cho phép ConocoPhillips sử dụng các hợp đồng thuê lâu dài ở Bắc Cực đồng thời hạn chế việc khoan ở ba địa điểm thay vì năm địa điểm mà công ty muốn.
Nhưng các nhà vận động môi trường và đại diện người bản địa cho rằng nó làm suy yếu nghiêm trọng chương chính sách về khí hậu của ông Joe Biden. Tổng cộng, dự án sẽ tạo ra khoảng 260 triệu tấn khí nhà kính trong suốt thời gian hoạt động của nó, tương đương với việc tạo ra khoảng 70 nhà máy nhiệt điện than mới.
Việc chấp thuận được đưa ra khi Bộ Nội Vụ tuyên bố sẽ cấm bất kỳ hoạt động khoan dầu khí nào trong tương lai ở Bắc Băng Dương của Hoa Kỳ, cũng như bảo vệ hàng triệu mẫu đất Alaska được coi là nhạy cảm đối với các cộng đồng bản địa. Nhưng quyết định của Willow vẫn khuấy động sự tức giận.
Hơn một triệu lá thư đã được gửi tới Tòa Bạch Ốc, một bản kiến nghị Change.org với hơn 3 triệu người ký tên và một chiến dịch #stopwillow lan truyền nhanh được tiến hành trên TikTok cũng như các phương tiện truyền thông xã hội khác. Việc chấp thuận dự án gần như chắc chắn sẽ phải đối phó với những thách thức pháp lý.
Hôm thứ Sáu, cựu phó tổng thống Hoa Kỳ Al Gore nói rằng các dự án kiểu này là “liều lĩnh vô trách nhiệm” và việc cho phép nó sẽ gây ra “sự hỗn loạn khí hậu.”