Biển Đông, ác mộng của Trung Cộng

Bài VI ANH

Các nước láng giềng của Trung Cộng lo ngại Bắc Kinh áp dụng bài học Nga xâm lược Ukraine, sẽ xâm lược một vài nước như Đài Loan. Nên một số nước ở Á Châu Thái Bình Dương đang tăng cường liên kết chặt chẽ hơn. Trong đó có Mỹ, Nhật, Phi, Úc , tham gia cùng tuần tra phòng chống Trung Cộng ở Biển Đông. Và quân đội Nam Hàn cùng Hoa Kỳ ngày 03/03/2023 loan báo tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất trong 5 năm gần đây vào cuối tháng Ba ở miền Bắc Thái Bình Dương. Tình hình đó biến Biển Đông thành ác mộng của Trung Cộng.

Trung Cộng sẽ cô đơn, bị cô lập khi có chiến tranh. Kể cả Cộng Sản Việt Nam cũng né tránh vì sợ bị văng miểng của đồng minh tự do đánh Trung Cộng. Trái lại Đài Loan, dù theo qui chế một quốc gia hai chế độ đối với Trung Cộng, phải bảo vệ chủ quyền và độc lập của đảo quốc trước tham vọng đất đai muốn thôn tính đảo quốc này, nên chắc chắn đứng vào phía Mỹ vì Mỹ đã công khai bán vũ khí khí tài giúp cho Đài Loan để bảo vệ tự do, dân chủ của đất nước và nhân dân của mình.

Thực vậy. Trước khi Nga xâm lăng Ukraine, Chủ Tịch Tập Cận Bình tuyên bố Putin là “bạn không giới hạn.” Sau đó nhà ngoại giao cao cấp nhứt của Trung Cộng tuyên bố liên minh Trung-Nga là cứng rắn như bê-tông. Còn Mỹ thì cảnh báo Trung Cộng nếu giúp đỡ, viện trợ quân sự cho Nga là Trung Cộng vượt lằn ranh đỏ, và sẽ bị phản ứng cứng rắn của Mỹ.

Thế cho nên Biển Đông bên hông Trung Cộng và Mỹ dậy sóng. Mỹ là nước bên một bờ củaThái Bình Dương. Mỹ và đồng minh và đối tác siết chặt hàng ngũ phòng chống Trung Cộng. Tiêu biểu như ngày 28/02/2023 Phi Luật Tân đồng minh lịch sử của Mỹ đàm phán để có thể đưa Úc và Nhật Bản vào kế hoạch tuần tra chung trên Biển Đông với Hoa Kỳ, trong vùng biển chiến lược Biển Đông.Tuần tra chung để bảo đảm có quy tắc ứng xử và tự do hàng hải. Bắc Kinh tức giận, Trung Cộng từng tuyên bố chủ quyền phần lớn trong vùng biển này.

Úc và Hoa Kỳ đã thảo luận riêng về các cuộc tuần tra chung với Phi Luật Tân, giữa những lo ngại về sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi có khoảng $3.4 nghìn tỷ đô la thương mại đi qua mỗi năm.

Cụ thể Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân ba bên và các cuộc tuần tra chung với các nước này sẽ “tốt cho Phi Luật Tân và cho toàn bộ khu vực,” ông Jose Manuel del Gallego Romualdez, Đại Sứ Phi Luật Tân tại Hoa Kỳ, nói, đồng thời thêm rằng “Chúng tôi muốn có tự do hàng hải.”

Nói là làm, Mỹ một đại cường quốc nằm bên bờ Á Châu Thái Bình Dương tổ chức tập trận ở Biển Đông giữa căng thẳng với Trung Quốc. Tin AP 14/02/2023 cho biết nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (phía trước) và USS Nimitz di chuyển theo đội hình ở Biển Đông trong bức ảnh do Hải Quân Hoa Kỳ cung cấp vào ngày 6/7/2020. Hoa Kỳ thường xuyên cho tàu đi qua khu vực này để thực hiện quyền quyền tự do hàng hải và hàng không.

Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đang tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh về vụ bắn hạ một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

Hạm Đội 7 có trụ sở tại Nhật Bản cho biết, hôm Chủ Nhật nhóm hàng không mẫu hạm tấn công USS Nimitz và Đơn Vị Viễn Chinh Thủy Quân Lục Chiến số 13 đã tiến hành “các hoạt động của lực lượng tấn công viễn chinh tổng hợp” ở Biển Đông.

Thông báo cho biết các cuộc tập trận liên quan đến tàu chiến biển, lực lượng mặt đất và máy bay đã diễn ra vào thứ Bảy nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm bắt đầu hoặc liệu chúng đã kết thúc hay chưa.

Trung Cộng tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và phản đối mạnh mẽ hoạt động quân sự của các quốc gia khác trên tuyến đường thủy đang tranh chấp, nơi vận chuyển hàng hóa có trị giá hơn 3 nghìn tỷ Mỹ kim mỗi năm.

Hoa Kỳ không hề có tham vọng đất đai ở Biển Đông, nhưng phải bảo vệ tự do hàng hải , con đường huyết mạch này. Mỹ thường xuyên cho tàu đi qua các tiền đồn kiên cố của Trung Cộng ở quần đảo Trường Sa, khiến Bắc Kinh phản đối dữ dội.

Hoa Kỳ cũng đang tăng cường liên minh quốc phòng với Phi Luật Tân, quốc gia đối mặt với tình trạng xâm phạm các đảo và ngư nghiệp của lực lượng Trung Quốc và các hạm đội trên danh nghĩa dân sự nhưng do chính phủ hậu thuẫn.

Các cuộc tập trận của quân đội Hoa Kỳ đã được lên kế hoạch trước. Chúng diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh càng trở nên trầm trọng hơn do tranh chấp ngoại giao gây ra bởi quả khinh khí cầu bị bắn rơi trong tháng qua trên không phận Hoa Kỳ, ở ngoài khơi bờ biển tiểu bang South Carolina.

Kể từ đó, Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen sáu thực thể của Trung Quốc mà họ cho là có liên quan đến các chương trình hàng không vũ trụ của Bắc Kinh như một phần trong phản ứng của họ đối với vụ việc.

Hạ Viện Mỹ cũng nhất trí bỏ phiếu lên án Trung Cộng vì “sự vi phạm trắng trợn” chủ quyền của Hoa Kỳ và nỗ lực “lừa dối cộng đồng quốc tế thông qua những tuyên bố sai sự thật về các chiến dịch thu thập thông tin tình báo của họ.”

Còn nhóm QUAD đồng minh thân cận với Mỹ hôm 03/03/2023, theo hãng tin AFP, bên lề cuộc họp nhóm G20 ở New Delhi, các ngoại trưởng các thành viên nhóm QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn và Úc) đã có một cuộc họp riêng. Trong tuyên bố chung do nước chủ nhà Ấn Độ công bố sau cuộc họp, nhóm QUAD nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế” ở vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuyên bố chung khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết chống lại mọi hành động đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng hoặc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.”

Những hành động của Trung Quốc khiến nhóm Bộ Tứ QUAD đoàn kết hơn. Trong năm qua, ngày 24/05/2022, bốn nhà lãnh đạo đã gặp lại nhau tại Tokyo. Hội nghị thượng đỉnh này là điểm nhấn trong chuyến công du đầu tiên của ông Joe Biden tới Á Châu trên cương vị tổng thống Mỹ, khi ông tìm cách thúc đẩy liên minh mạnh hơn và quan hệ đối tác chặt chẽ hơn để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

“Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương do Hoa Kỳ xây dựng, nhân danh tự do và cởi mở, thực sự nhằm mục đích tạo bè phái,” ông Vương Nghị, Ngoại Trưởng Trung Cộng, nói hôm 22/05 khi ông Biden kết thúc chuyến thăm Seoul, Nam Hàn và chuẩn bị tới Tokyo, Nhật Bản.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng Bộ Tứ không phải là một NATO Á Châu. Theo giới chuyên gia, tính linh hoạt của nhóm QUAD như một diễn đàn không chính thức cho phép xây dựng nhiều quan hệ đối tác hơn và mở rộng các lĩnh vực hợp tác, bao gồm Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ – Thái Bình Dương mới mà Biden khởi động ở Tokyo.

(Hình: Một chiếc phi cơ đa năng MV-22 Osprey thuộc đội “Thiên Thần Xấu Xí” của Thủy Quân Lục Chiến (Marine Medium Tiltrotor Squadron (VMM) 362) đang bay trên trên mẫu hạm USS Nimitz tại Biển Đông ngày 11 tháng 2, 2023. U.S. Navy Photo)

Leave a Reply