Bông lý xào chay

Bài TOM

Không phải lúc nào trên bàn ăn có thịt cũng là tốt, cũng giống như không phải lúc nào kiêng cử rượu bia cũng là tốt. Bởi thịt nhiều chẳng tốt cho sức khỏe, cũng như kiêng cử rượu bia quá sẽ khiến cho niềm tự tin bị mất đi ít nhiều, thật! Cũng giống như món bông lý xào chay. Và, chỉ có món “chay” mới cảm nhận hết hương vị gốc, cái mâu thuẫn là ở chỗ này.

Nói tới bông lý, chắc không xa lạ gì với người Việt, nhất là người Việt xa quê, mùi hoa lý nơi đất Mỹ nếu có chắc cũng sẽ thơm dịu, không nồng nàn như mùi hoa lý trên vùng đất vốn cằn cỗi và nắng nóng, mùa hè khô khốc khốc như Việt Nam. Và đương nhiên mùi hương hoa lý sẽ nở ra không biết bao nhiêu kỉ niệm cũ, thuở thiếu thời, dưới ánh trăng vằng vặc mùa hè, mùi hoa lý thầm thĩ, ngọt ngào và nhung nhớ.

Mỗi khi mùa hè đến, bà tôi thường sửa lại giàn hoa lý, dặm thêm những cây chói gác trên giàn, thay những cây cắm bị mục và thay cả những cây trụ quá cũ. Sau đó bà cho một ít phân chuồng xuống gốc hoa lý. Và, thường, tôi để ý thấy những lúc chăm giàn hoa lý, mắt của bà đượm buồn, có lẽ bà nhớ đến kỉ niệm xưa, thuở ông còn sống, ông đã làm những công việc mà bà làm bây giờ. Thời gian, mọi thứ qua đi, có những thứ mất đi vĩnh viễn, nhưng mùi hương dạ lý trong tâm hồn thì vẫn cứ như ngày xưa, xốn xang và day dứt.

Mùi hương hoa lý, có lẽ bây giờ cũng đã nhạt nhòa ít nhiều, bởi phân bón hóa học, bởi thời tiết thay đổi, bởi đất đai ngày càng cằn cỗi và bởi không còn lấy đâu ra tre để làm giàn. Giàn bông lý phải làm bằng tre thì mùi hương mới ngọt, vị hoa mới ngon. Vì trong quá trình bò trên giàn, thân cây hoa lý tiếp xúc với thân tre, hút một số dưỡng chất từ thân cây tre đang khô, đã khô, điều này giống như một sự cộng hưởng nào đó của vũ trụ. Nhờ vậy mà một người có kinh nghiệm và ký ức về miền quê sẽ dễ dàng nhận ra đâu là hoa lý ở thôn quê, đâu là hoa lý trồng theo công nghệ, đâu là hoa lý dùng phân chuồng, đâu là hoa lý dùng phân hóa học. Điều này chỉ có thể cảm, bằng trực giác, bằng kinh nghiệm và chiêm nghiệm, rất khó để đưa ra các tiêu chuẩn.

(Tom/ Viễn Đông)

Những ngày xưa, thuở bà còn đủ sức khỏe để chăm giàn hoa lý hay chăm luống cải ngồng, chăm mấy cụm hoa bươm bướm, cái thuở bà không còn quan tâm đến chuyện thị phi, ai tranh hơn thua thì mặc, bà chỉ cần sống vui cùng con cháu và làm một thứ gì đó bà cảm thấy có lợi cho con cháu. Cái thuở mà mỗi khi buồn, nhớ ông, bà lại lòng vòng quanh vườn để chăm cây, bởi trong bóng cây có bóng dáng ông… Con người hồn nhiên và đẹp hồn hậu.

Và, có lẽ, bà không bao giờ tưởng tượng được rằng bây giờ, hoa lý sẽ đơm bông một cách thất thường, bông nhiều vô kể mà không cần phải phơi phân chuồng, không cần phải cắm thay chói, bởi kĩ nghệ trồng cây bây giờ đã khác. Và có lẽ, bà cũng không thể hình dung được bây giờ, người ta hiếm hoi lắm mới trồng giàn bông lý, bởi muốn có giàn bông lý, phải có một khoảng sân hoặc phải yêu cây cỏ nhiều lắm kia, chứ không như ngày xưa nhà nào cũng trồng một dây để cải thiện bữa ăn.

Và bữa ăn được cải thiện ngày xưa cũng chỉ bông lý xào tỏi, làm gì có thịt bò (có chứ, nhưng đâu phải ai cũng mua nổi!) xào với bông lý như bây giờ. Tỏi thời đó cũng chẳng phải tỏi mua ký này ký nọ được sản xuất trong những cánh đồng năm tấn như bây giờ, mỗi nhà lên luống, trồng vài bụi tỏi, nhà nào đông người thì trồng luôn một vồng tỏi để lấy lá, lấy củ. Nói tới hoa lý xào tỏi, có lẽ phải có tỏi ngon, tỏi sạch, không dùng phân hóa học mới cho món ngon được.

Ngày xưa, tới mùa hè, cũng là mùa thu hoạch tỏi, bà nhổ luống tỏi mang vào lặt lá, làm sạch và phơi nắng. Tỏi vừa ráo, bớt mọng và đóng đủ tinh dầu, tỏa ra mùi thơm khi nắng lên thì có thể mang vào cất. Lúc này, bà hái một ít bông lý, mang vào, chuẩn bị cho bữa trưa.

Thời nghèo khó, cũng chẳng có gì nhiều nhặng, cũng chẳng sang trọng gì cho mấy, bà lột một ít tỏi, giã dập, cho một ít dầu phụng vào chảo, phi cho dầu tới (sôi, bốc khói), bà cho tỏi vào, đợi cho tỏi hơi thơm thì cho hoa lý vào xào. Xào vừa lửa, dùng đũa đảo đều, chừng năm phút, hoa lý chuyển sang màu xanh ngọc thì cho một chút xì dầu (nước tương, tàu vị yểu), đảo đều, bắc xuống, cho vào dĩa.

Bông lý xào như vậy gọi là bông lý xào chay, không nêm bột ngọt hay bột nêm, cũng không có đường, bởi bản thân hoa lý có vị ngọt, thơm, chỉ cần xào khéo tay, đừng quá lửa là được một dĩa hoa lý xào tỏi chay thơm, ngọt, bắt mắt. Món bông lý xào chay có thể ăn với cơm hoặc nhắm với một cốc bia đều khá thú vị.

Món ăn làm nhớ đến quê kiểng một thời, nhớ đến những gì tưởng đã lãng quên và không bao giờ chạm tới, bởi trong hương vị của món ăn này, có một chút tuổi thơ, một chút hình ảnh những người xưa cũ, có một chút thuở nghèo khó mà thơm thảo tình người…

Kính chúc quí vị có một bữa cơm ngon miệng và ý vị!

(Tom/ Viễn Đông)

Leave a Reply