Bài THANH PHONG
WESTMINSTER – Càng gần đến ngày 30 tháng 4 lòng người dân Việt ly hương càng nhớ về quê hương da diết, nhớ những kỷ niệm khó quên tại thủ đô Saigon hoa lệ, nhớ giàn hoa cũ, nhớ cả những vạt nắng Saigon, nhớ những buổi chiều trên nương rẫy có tiếng chim hót líu lo rồi đau buồn khi con thuyền viễn xứ đưa ta đến miền đất lạ.
Những ký ức đó được các nhạc sĩ trải lòng trên các nốt nhạc và một nhóm anh chị em yêu nhạc, yêu quê hương, yêu tiếng đàn lời ca đã tổ chức một buổi văn nghệ tại hội trường nhật báo Người Việt vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023 mang tựa đề Quê Hương – Tình Ca Muôn Thuở.
Chương trình khai mạc rất đúng giờ; đó là một ưu điểm. Tuy nhiên, một số đồng hương phải ra về vì không còn chỗ ngồi, không tìm được chỗ đậu xe khiến ban tổ chức cũng áy náy trong lòng nhưng biết làm sao hơn khi buổi văn nghệ mang tính cách “Hát Cho Nhau Nghe,” không bán vé vào cửa nên khả năng tài chánh chỉ có thể thuê hội trường báo Người Việt với giá $500 cho buổi trình diễn.
Bà Bích Thủy, Trưởng Nhóm, cùng một số người khác trong Ban Tổ Chức như bà Kim Loan, Kim Huệ, đã mong quý khán giả thông cảm để có thể tổ chức lần thứ hai vào khoảng tháng 10 tới, nhóm sẽ chuẩn bị tốt hơn.
Chương trình được mở đầu với ca, nhạc sĩ Lê Hồng Quang và bè nữ trong hai nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Phạm Duy Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi và Tình Hoài Hương, để gợi lại hình ảnh ngày nào bỏ quê hương ra đi và nơi chân trời xa lạ mãi vọng về cố hương cách xa ngàn dặm.
Tiếp đến là giọng ca đầm ấm của bà Bích Thủy qua hai nhạc phẩm của Phạm Duy: Tình Ca và Nương Chiều; rồi Xuân Vũ đơn ca Tôi Muốn Mời Em Về của Việt Dzũng. Kim Nhung với nhạc phẩm Nắng Paris, Nắng Saigon; Kim Huệ đơn ca Hải Ngoại Thương Ca của Nguyễn Văn Đông.
Duy Khang hát Dưới Dàn Hoa Cũ của Tuấn Khanh. Thúy An đơn ca hai nhạc phẩm của Phạm Duy Thuyền Viễn Xứ và Kỷ Vật Cho Em. Kim Huệ với nhạc phẩm Nhạt Nhòa của Tuấn Khanh.
Trong chương trình có một số bác sĩ, nha sĩ có giọng hát rất lôi cuốn người nghe như BS Vương Đức Hậu nghẹn ngào trong nhạc phẩm Biết Bao Giờ Trở Lại của Ngô Thụy Miên. Nhạc phẩm Nỗi Lòng Người Đi qua giọng hát điêu luyện của Bác Sĩ Quang Tố; Nha Sĩ Kim Loan làm nhiều người thổn thức với nhạc phẩm Đêm Nhớ Về Saigon của Trầm Tử Thiêng và Lời Cuối của Nguyên Vũ; Kim Nhung và Tố Loan song ca “Bóng Người Đi” của Văn Phụng; Liên Khúc Cửu Long Giang và Khi Tôi Chết qua tiếng hát Vũ Anh.
Cũng trong dịp Tưởng Niệm Tháng Tư Đen, một số nhạc phẩm khác nhắc nhớ về niềm đau khi phải lìa xa quê hương ra đi như các nhạc phẩm: Ru Con Đêm Tản Cư, Thơ Đan Thanh, Vi Nguyễn phổ nhạc, Thuyền Viễn Xứ với tiếng hát ngọt ngào của Thúy An. Tháng Tư Đen của Xuân Vũ và do chính tác giả trình bày. BS Đức Hậu và Xuân Vũ song ca Saigon Vĩnh Biệt của nhạc sĩ Nam Lộc làm lòng người xao xuyến, Kim Huệ với nhạc phẩm “Nhạt Nhòa” sáng tác của Tuấn Khanh.
Tưởng Niệm Tháng Tư Đen nếu không nhớ đến các chiến sĩ QL/ VNCH đã hy sinh cho quê hương đất nước là cả một thiếu sót lớn. Nên ngoài các nhạc phẩm viết về cuộc di tản buồn như đã nói ở trên, còn nhiều nhạc phẩm viết về lính như Một Mai Giã Từ Vũ Khí, Hát Cho Người Nằm Xuống, Anh Đi Chiến Dịch, Chuyện Hoa Sim, Ngày Xưa Trìu Mến, Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển, Kỷ Vật Cho Em, Trở Về Huế, và Chiều Mưa Biên Giới Anh Đi Về Đâu của Nguyễn Văn Đông qua các tiếng hát: Alan Võ, Đức Hậu-Quang Tố, Vi Nguyễn Vũ Anh, Thúy An, Kim Nhung – Tố Loan; Kim Loan.
Mặc dù không ai tự nhận mình là ca sĩ nhưng các tiếng hát trong chương trình đều được khen ngợi nồng nhiệt của khán giả qua những tràng pháo tay tán thưởng vang dội. Hai nhạc phẩm cuối của chương trình là Vô Cùng thơ Huỳnh Tấn Anh do Võ Hoài Phúc phổ nhạc và Alan Võ đơn ca. Nhạc phẩm Chiều Thơ Hồ Dzếnh, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ nhạc và toàn ban hợp ca kết thúc chương trình trong tiếng vỗ tay rất lâu của tòan thể khán giả.