Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) bắt tay Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada tại thủ đô New Delhi năm 2018. (Wikimedia Commons)
Mối quan hệ giữa nước Canada ở Bắc Mỹ với Ấn Độ đang bị rạn nứt vì một án mạng xảy ra ở tỉnh British Columbia, nơi có nhiều người gốc Á Châu sinh sống. Thủ Tướng Justin Trudeau cho biết có “những cáo buộc đáng tin cậy” rằng chính phủ Ấn Độ đã có liên quan đến vụ bắn chết một nhà lãnh đạo nổi tiếng của đạo Sikh ở British Columbia.
Hôm thứ Hai ông Justin Trudeau nói với các thành viên quốc hội rằng chính quyền Canada đang điều tra xem liệu “các đặc vụ” của New Delhi có bàn tay dính vào vụ sát hại ông Hardeep Singh Nijjar, 45 tuổi, xảy ra vào ngày 18 tháng Sáu bên ngoài một ngôi đền Sikh ở Surrey, ngoại ô thành phố Vancouver nơi có cộng đồng người Sikh khá lớn.
Ông Trudeau nói, “Các cơ quan an ninh Canada đã ráo tiết theo đuổi các cáo buộc đáng tin cậy về mối liên hệ tiềm ẩn giữa các đặc vụ của chính phủ Ấn Độ và vụ sát hại một công dân Canada. Bất cứ sự tham gia nào của chính phủ nước ngoài vào việc giết hại một công dân Canada trên đất Canada đều là sự vi phạm chủ quyền không thể chấp nhận được.”
Nà Ngoại Trưởng Mélanie Joly cho biết thêm rằng một nhà ngoại giao hàng đầu của Ấn Độ đã bị trục xuất khỏi Canada hôm thứ Hai. Bà Joly nói với các phóng viên, “Chúng tôi sẽ luôn bảo vệ người Canada. Chúng tôi hy vọng sự hợp tác toàn diện của Ấn Độ sẽ giải quyết được vấn đề này.”
Ông Trudeau đã đến Ấn Độ vào tuần trước để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 và nói với quốc hội rằng ông đã nêu vụ sát hại với Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Những động thái từ chính phủ Canada có thể làm tệ hơn mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước. Tuần trước Bộ Trưởng Thương Mại Canada đã thông báo hoãn chuyến công tác tới Mumbai dự kiến diễn ra vào tháng 10 mà không đưa ra lý do.
Canada là quê hương thứ hai của gần 800,000 người Ấn theo đạo Sikh, nhiều người trong số họ sống ở Surrey thuộc miền tây Canada và Brampton ở miền đông, một vùng ngoại ô ngay bên ngoài thành phố Toronto. Một số người Canada theo đạo Sikh ủng hộ phong trào độc lập của Khalistan, muốn tạo ra một quốc gia có chủ quyền ở Punjab, bắc Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ phản đối mạnh mẽ phong trào ly khai này.
Ông Modi, thường được mô tả là người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Hindu, đã nói chuyện với ông Trudeau vào tuần trước tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G20. Sau đó, văn phòng của ông Modi mô tả các cuộc biểu tình ủng hộ Khalistan ở Canada là “thúc đẩy chủ nghĩa ly khai và kích động bạo lực chống lại các nhà ngoại giao Ấn Độ, gây thiệt hại cho các cơ sở ngoại giao và đe dọa cộng đồng người Ấn Độ ở Canada.”
Chính phủ Ấn Độ đã cáo buộc ông Najjar, một người theo chủ nghĩa dân tộc theo đạo Sikh, về tội khủng bố và đưa ông vào danh sách đen. Ấn Độ cũng rao tiền thưởng cho việc bắt giữ ông Najjar. Vào năm 2016, ông Najjar đã viết một lá thư cho Thủ Tướng Trudeau và nói những cáo buộc của Ấn Độ là vô căn cứ. Najjar nói rằng hoạt động của ông là “hòa bình, dân chủ và được bảo vệ theo Hiến Chương Về Dân Quyền và Tự Do của Canada”.
Sau khi Najjar bị giết trong khuôn viên Gurdwara – một ngôi đền của người Sikh – nơi ông làm chủ tịch, Tổ Chức Sikh Thế Giới của Canada gọi cái chết của ông là một “vụ ám sát” và kêu gọi chính phủ Ottawa hãy điều tra vai trò của Ấn Độ trong vụ sát nhân này. Cảnh sát British Columbia hồi tháng trước cho biết họ đã xác định được ba nghi phạm trong vụ giết người, mặc dù danh tính của họ chưa được xác định. Chưa có lệnh bắt nào được đưa ra.
Jagmeet Singh, lãnh đạo Đảng Dân Chủ Mới của Canada và là một người theo đạo Sikh, cho biết trên X (Twitter), rằng ông sẽ “không bỏ sót một bước nào trong việc theo đuổi công lý, bao gồm cả việc buộc Narendra Modi phải chịu trách nhiệm.”
Ông Najjar từng đến Canada và xin tỵ nạn chính trị vào năm 1997, với lý do ông bị cảnh sát Ấn Độ đánh đập, tra tấn tại Punjab. Sau khi đơn tỵ nạn bị bác bỏ, ông thành hôn với một phụ nữ Canada và được ở lại đất nước. Khi đó ông hành nghề thợ ống cống để sinh sống, cùng lúc hoạt động trong phong trào ly khai Khalistan.
Vụ vi phạm chủ quyền Canada này gợi nhớ trường hợp đặc vụ Cộng Sản Việt Nam từng đến Bá Linh, Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mang về Hà Nội năm 2017.