Chay hội bí ngô

Bài TOM

Nói tới món bí, hình như cũng có một ngàn lẻ một biến tấu, từ chè bí ngô đến sữa bí ngô, rồi mứt bí ngôi, bí ngô hầm xương heo, bí ngô hầm đậu đen, bí ngôi nấu tàu hủ… Kính thưa các loại bí ngô! Thì có vẻ như, chay hội bí ngô vẫn là món gần gũi nhất, dễ thương và hiền hòa nhất.

Hiền hòa bởi vì đây là món mà người già, trẻ em hay người trung niên, thanh niên đều có thể ăn được, đều ưa thích. Hơn nữa, món này tốt cho tim mạch và cả những người bị bệnh tiểu đường. Món có hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ chế biến, dễ ăn bởi giá thành cũng rẻ và có thể biến tấu mặn hay chay tùy thích.

Thời sinh viên, có nhiều lúc cả phòng ký túc xá đứa nào cũng khô túi, những đứa có bà con thành phố thì chạy về, những đứa không có ai thì chỉ biết lặn xuống phòng đọc mà ngủ vào cuối tuần, xuống đó cứ để cuốn sách trước mặt rồi tha hồ vòng tay, úp mặt xuống bàn, ngủ. Thời sinh viên, có lẽ giai đoạn sống ở ký túc xá là khoảng thời gian đáng sợ nhất cho những đứa sinh viên nghèo như tôi, vì cả một khu toàn sinh viên và quán cơm, kiếm việc làm thêm là chuyện không tưởng. Hầu hết sinh viên phải chạy ra thành phố để làm, nhưng đó là chuyện giai đoạn 2, chứ giai đoạn 1, ở khu học xá Thủ Đức hầu như chỉ có rừng cao su, tổ mối với sinh viên, ai làm thuê cho ai, đố mà biết.

Và thường những lúc như vậy, tức lúc hết gạo, sinh viên lại nảy ra những ý tưởng dinh dưỡng khá là “khôn”, vét những đồng cuối trong túi, mua một miếng bí đỏ, mua thêm một cái trứng vịt hoặc miếng đậu hủ, mua vài ngàn đậu phụng sống. Việc mua miếng đậu hủ là dành cho lúc vẫn còn chút tiền, chứ tiền cạn thực sự thì sinh viên chọn mua một cái trứng vịt, bởi chí ít nó cũng bảo đảm được cả ngày không bị hụt năng lượng.

Đậu phụng đập dập, bí đỏ gọt vỏ, cắt thành miếng, cho vào nồi, cho thêm nước vào, nấu bí cho chín, cho thêm chút muối, chút nước mắm và tiêu, sau đó đợi nồi canh bí sôi lên thì đập cái trứng vịt thả vào. Món ăn nghe đơn giản nhưng lại rất ngon, thơm lựng mùi bí, thêm tiêu và trứng vào canh đang sôi thì tự dưng khử sạch vị tanh, chỉ còn vị trứng thơm. Chỉ chừng đó, không cần cơm, nếu có cơm nguội thì cho vào bát, chan canh bí nóng lên, coi như có một bữa đầy đủ dưỡng chất.

Đó là những ngày vét cạn túi, những ngày khá hơn thì chơi món chay hội, tức mua đậu khuôn (đậu hủ) về cắt, chiên giòn rồi để đó, tiếp theo cũng nấu bí y như công đoạn nấu bí đập trứng, nhưng khi canh bí chín thì thay vì đập trứng vào canh thì cho toàn bộ đậu hủ chiên giòn vào (đậu hủ cắt thành miếng vuông, cỡ hai lóng tay và chiên càng giòn càng ngon), cho thêm một ít muối, đường, tương bần vào nồi canh. Đợi canh sôi lại lần nữa, cho rau mùi vào.

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng vị ngọt của bí quyện với vị bùi bùi của đậu phụng, vị ngọt nhẹ của đậu hủ và có thêm chút đường, chút muối, chút tương bần… mọi thứ trở nên thanh, dễ chịu và lành tính.

Đương nhiên bây giờ, cái thời đói rã của sinh viên đã qua, chẳng ai nấu ăn đơn điệu như vậy nữa, và cũng chẳng mấy ai ăn có một món trên bàn ăn. Ít nhất trên mâm cơm có cơm trắng, có dĩa rau xào hoặc luộc, có dĩa thịt, dĩa cá… Và có thêm bát canh bí ngô, đương nhiên phải là canh bí ngô chay hội, bởi chính loại canh “lưỡng tính” này giúp cơ thể cân bằng năng lượng, không bị quá nhiều đạm, cũng không bị thiếu hụt vitamin, đặc biệt vitamin A.

Xin quý vị cứ thử nấu món bí ngô chay hội, hãy mua một lát bí ngô, một ít đậu khuôn (tùy nhu cầu), một ít đậu phụng sống, sau đó giã dập đậu phụng sống, gọt vỏ bí, cho vào nồi, cho nước vừa ngập bí, bật bếp cho nước sôi lên thì để vừa lửa cho đến lúc mùi bí ngô thơm tỏa ra thì cho đậu hủ chiên vào, cho thêm các gia vị như tiêu, hành vào và cả rau mùi khi cho canh ra bát.

Một bàn ăn với một dĩa thịt kho ngọt, một dĩa cá chiên, một dĩa rau xào, một bát canh bí, một chén nước tương dằm ớt, cũng có thể thay tương bằng nước mắm dằm ớt để chấm các miếng đậu hủ khi ăn, và một dĩa cơm trắng. Bữa cơm nhẹ, thanh, ấm áp đang chờ quí vị!

Cầu chúc quí vị có một bữa cơm ngon miệng và ý vị!

(Tom/ Viễn Đông)

Leave a Reply