Chè bắp, món ăn dân dã mà khó quên

(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM

Những năm 1995 của thế kỉ trước, nhắc tới Hội An, người ta nói tới “bên ni bên nớ”, tức chưa bao giờ Hội An, một thành phố được đánh thức sau giấc ngủ dài với đủ các công việc lao động bỗng chốc vươn mình làm Thánh Gióng ngành du lịch, khách quốc tế kéo hết đoàn này đến đoàn khác tham quan lại có đời sống cách biệt giữa hai bờ sông Hoài đến vậy. Một bên ni giàu có, phồn thịnh và rất lạ ở trung tâm, một bên nớ hiền hòa, tĩnh lặng và buồn tẻ bên kia sông với những quán bánh tráng đập nho nhỏ, quán chè bắp nho nhỏ, khiêm cung… Nơi có món chè bắp khó quên.

Nói Hội An bên ni bên nớ bởi hồi đó, thời mới làm du lịch, người Hội An cũng lắm nhiêu khê, vô cùng kì thị với khách, nếu nói Huế làm du lịch thất bại vì đối xử tệ với khách ở giai đoạn đó thì Hội An cũng không kém, khách Việt bước vào các cửa hàng là bị mời ra ngoài hoặc thậm chí đuổi khéo. Tình trạng này kéo dài cho đến khi Nguyễn Sự lên làm chủ tịch rồi bí thư Hội An thì mọi chuyện mới thay đổi. Nói cho cùng thì Nguyễn Sự có công giữ khách du lịch lại cho Hội An bằng chính sách chấn hưng văn hóa kịp thời của ông ta. Chứ muộn một chút, có lẽ tình trạng Hội An còn thê thảm hơn những nơi khác vì thiếu cái lõi văn hóa. Ở Hội An, chuyện bên ni bên nớ rất là rõ nét, những gia đình trí thức khi chuyển sang làm du lịch, họ có cách tiếp xúc và tầng bậc văn hóa riêng của họ, những gia đình người Hoa có nền tảng làm ăn kinh tế của họ nên thích nghi rất nhanh với công nghiệp du lịch, chỉ những người Quảng bình dân gặp thời làm du lịch là hết sức phức tạp, hành xử thô lỗ và thiếu những chuẩn mực cần thiết của văn hóa.

Thời mà bên ni là những dãy cửa hàng bán quà lưu niệm mà chỉ có khách Tây bước vào thì được đối đãi tốt đẹp, ân cần, còn khách Việt bước vào thì bị đuổi khéo hoặc đuổi trắng trợn. Còn bên nớ, tức bên kia cầu Cẩm Nam thì buồn thỉu buồn thiu, chẳng có gì ngoài mấy cái quán lụp xụp. Mãi gần mười năm sau, tức giữa thập niên 2010 của thế kỉ 21, các hàng quán bên kia cầu Cẩm Nam mới được xây dựng khang trang và du lịch bén mùi sang bên nớ, mọi thứ trở nên sạch sẽ, hiện đại.

Tôi còn nhớ những năm cuối thập niên 1990, một người cậu của tôi ở Sài Gòn về Hội An mua đất để kinh doanh, người bạn của ông chỉ tay sang bờ Cẩm Nam, nói ông nên mua đất ở đó, ông lắc đầu, ngán ngẫm vì thấy bên kia cỏ mọc hoang vu, chỉ vài ba quán lụp xụp. Thế rồi sau cái ngày ông đứng lắc đầu chưa đầy mười năm, đất bên khu vực um tùm cỏ mọc kia bỗng dưng thành đất vàng, giá cho thuê mặt bằng của bên kia sông (nhìn từ Chùa Cầu) bây giờ đã đắt hơn khu trung tâm.

Và, cái thời mọi thứ lên ngôi thì bánh đập, chè bắp cũng lên ngôi, cũng được xem là ông hoàng bà chúa trong ẩm thực bình dân, thời mà thứ gì cũng có thể được phong thần, phong hoàng phong cháu hoặc xưng hoàng xưng chúa, ca sĩ hát như vịt đực cũng tự nhận mình là ông hoàng thì nghĩa lý gì chuyện một chén chè bắp được tung hê. Thế nhưng hình như thứ gì được tung hê hoặc tự tung hề thái quá cũng trở nên lạc lẽo, vô duyên. Chè bắp là một ví dụ, không hiểu sao chén chè bắp bây giờ, mọi người cứ khen lấy khen để nhưng tôi lại thấy nó nhàn nhạt, thiếu thiếu thứ gì đó và thừa thừa thứ gì đó. Có lẽ là thiếu cái chân chất tình người mà lại thừa kiểu cách và mọi thứ có gì đó không thật. Điều này càng làm tôi nhớ đến chén chè của Bà Tư già, một người mà đám học trò nghèo tụi tôi xem như một bà ngoại khác của mình.

Hồi đó bà Tư nghèo lắm, đi bán tò he trên chỗ cổng hội quán Phúc Kiến, thi thoảng chúng tôi đạp xe xuống Hội An chơi, ghé lại trò chuyện, lần đầu, lần sau, nhiều lần trở thành quen với bà. Rồi có bữa, bà Tư rủ về nhà chơi, tụi tôi phụ bà Tư mang tò he đất nung về và đứa bạn tôi viết mấy câu thơ theo kiểu con nít, học trò, nôm na là bà Tư ngồi thu lu dưới một vòm trời cũng nhỏ thu lu và cái dáng ngồi thu lu của bà chiếm một chỗ nhỏ nhoi như cái chấm giữa vũ trụ buồn. Nghe vậy, bà Tư nói, “Bay làm thơ làm bà giật hết cả mình, hay quá!”

Vậy là bà ra hái mấy trái bắp nếp vào lột vỏ, rửa sạch và bắt đầu gọt từng lớp mỏng hạt bắp vào chiếc bát. Sau đó cho vào nồi, cho thêm hai bát nước rồi bắc lên bếp nấu, chừng nửa tiếng sau, mùi bắp chín tỏa ra thơm nức. Nhưng bắp khi gột từng lớp nấu chè, mùi sữa của nó thơm hơn rất nhiều so với bắp nấu.

Chừng nửa tiếng, với mức lửa rất nhỏ, bà Tư cho đường cát vào, đường ít hơn các loại chè đậu khác, bà Tư nói rằng nếu cho nhiều đường sẽ quá ngọt, bản thân bắp đã có vị ngọt, chỉ cho thêm một lượng đường bằng 70% đường vào nồi chè đậu là tốt, chuẩn luôn.

Chưa đầy nửa giờ đồng hồ thì đã có nồi chè bắp thơm lừng, tụi tôi ngồi lại và mấy cái bụng đói học trò thì biết rồi, món ngon, thanh và thơm, chẳng khách sáo làm chi.

Tôi đi học xa, mãi mười năm sau mới trở lại thăm chỗ bà Tư, đúng mười năm tôi mới đi Hội An thăm thú đúng nghĩa, trước đó toàn đi làm và băng vội qua phố cổ chứ chưa bao giờ để ý chuyện gì. Tự dưng tôi nhớ bà Tư, ghé lại nhà bà Tư, cảnh lạ quá, hỏi thăm bà Tư thì gặp một giọng nói người miền Bắc, cho biết bà đã dọn nhà đi chỗ khác lâu rồi. Cố vớt vát, chạy lên chỗ hội quán Phúc Kiến, chẳng thấy bòng dáng bà đâu, đành buồn vậy.

Lại về nhà, nhờ bà xã nấu cho nồi chè bắp, theo cách của bà Tư đã nấu. Đương nhiên cũng sẽ rất ngon, bởi nồi chè của nàng nấu chân chất và chứa chan. Hóa ra, bất kì món ăn nào, có chứa chan tình cảm thì nấu lên mới ngon, mới có hồn. Thôi thì quí vị thử nấu một nồi chè bắp cho người thân của mình đi, dễ nấu lắm, bắp vừa đủ hạt, không quá non mà cũng đừng già (gọi là bắp dầy), hái về, lột lá, lột râu, rửa sạch và dùng dao gọt từng lớp mỏng hạt bên ngoài. Việc còn lại là nấu, nấu bằng cả yêu thương. Tôi nghĩ sẽ rất ngon và ý vị!

Cầu chúc quí vị có một bữa chè bắp thật ngon, thật thanh, thật ý vị!

Leave a Reply