Chè bí ngô, bổ dưỡng và thanh mát

Bài TOM

Có những phép toán rất buồn cười, nhưng nó tồn tại và thường hằng trong cõi người, bởi nếu nó không tồn tại, thì con người hoặc là trở nên nghèo khổ kinh niên hoặc không còn lý lẽ để tồn tại. Nói nghe có vẻ to tát, ghê gớm quá, nhưng kì thực, bài toán về ẩm thực nghe đơn giản vậy chứ vô cùng quan trọng, nó quan trọng từ việc duy trì, bổ sung dinh dưỡng cho đến duy trì, bổ sung túi tiền và cả duy trì, bổ sung hạnh phúc gia đình. Món chè bí ngô cũng là một phép toán hay.

Bình thường, khi bạn có nhiều tiền, đương nhiên không cần phải đặt ra hàm số hay phương trình nào cả cho việc ăn uống gia đình, đơn giản, thích thì nấu cơm, không thích thì tìm một món gì đó ăn tối, bởi mình đang có tiền mà! Những ngày giữa tháng thì chắc chắn phải nấu cơm rồi, và phải nghĩ ra món gì đó để vừa ngon miệng, lại vừa túi tiền và không đe dọa thiếu hụt ở phần cuối tháng.

Đến cuối tháng thì chắc chắn là một ngày như mọi ngày, nấu cơm thôi, đương nhiên phải cân nhắc làm sao cho khoản chi tiêu đừng vượt quá khả năng cho phép. Và những lúc như vậy, nếu gặp bất kì chuyện phát sinh gì rất là đau đầu. Nhưng, người Việt có cái may mắn là ai cũng biết ăn bí, thậm chí ăn bí thấy ngon, có người nghiện món bí, từ bí đao cho đến bí đỏ, tức bí rợ.

Món bí đỏ được xem là món ăn phổ dụng và gần gũi với người Việt, trong đó, nhà nông gần gũi với món này nhất bởi hầu như ở quê, bất kì gia đình nào, cứ đến tháng Mười Một, tháng Chạp âm lịch, khi trời đất trở lại mùa nắng ấm, khí dương chuyển vận, cây cối có thể sinh sôi, đâm lộc trổ cành thì người ta bắt đầu vụ mùa, vỡ đất, gieo trồng, cơ mang các thứ rau củ quả, trong vườn có thêm dây bầu dây bí, điều đó thành nếp nhà nông.

Bông bí ngô (Tom/ Viễn Đông)

Dây bí khi chưa trổ nụ, đơm trái thì có thể cắt đọt bí vào xào tỏi, đến khi trổ nụ, người ta vẫn hái bớt các bông đực và đọt bí để xào trong lúc chờ trái bí. Từ lúc trổ nụ cái cho đến khi thành bí tốn hết hai tháng, có loại tốn ba tháng. Nhưng muốn có trái bí, người nông dân phải trông chừng, sáng sớm ra vườn xem nụ bí nở chưa để kiếm bông đực mà thụ phấn cho nụ, có như vậy nụ mới phát triển thành trái. Và việc tiếp theo là chờ cho bí lớn, bí già, hái vào nhà, trét một quệt vôi lên vỏ bí và cùi bí để tránh các loại côn trùng xâm nhập, đợi đến mùa giáp hạt, thiếu thức ăn mới mang ra dùng.

Thường thì tháng Ba âm lịch là mùa giáp hạt, thời bây giờ không có mấy ai thiếu lúa và đói vào mùa giáp hạt như xưa. Thế nhưng năm nay thì lại khác, hầu như nông dân nào cũng đói, bởi trước đây người ta trông chờ vào đồng lương con cái đi làm công nhân, trông chờ con heo con gà… Còn năm nay, công nhân mất việc dài dài do dịch cúm Vũ Hán để lại hậu quả, mùa màng thất bát, mọi thứ trông chờ vào hạt lúa, người nông dân khó khăn bội phần, trái bí, trái bầu trở nên thân thương đến lạ. Và hơn bao giờ, lúc này trái bí đỏ lại giúp cho người nhà nông an thần, yên tâm mà sống.

Bí ngô (Tom/ Viễn Đông)

Chỉ cần có chục trái bí trong nhà là yên thân rồi, nhưng nhà nông thì mấy ai không có đôi mươi trái bí. Việc còn lại là xay nếp, cà đậu xanh và cắt bí, gọt bí mà nấu nồi chè bí ngô. Chè bí ngô là món dễ nấu nhất, lành tính nhất với những người không may bị bệnh tim mạch hay tiểu đường. Bởi lượng đường cho vào chè bí ngô là ít nhất có thể nhưng nồi chè vẫn ngọt thanh, thơm tho và hấp dẫn lắm lắm.

Đầu tiên là cắt bí, gọt bí, cắt thành lát vừa, đừng quá mỏng, cỡ bằng ba lóng tay là chuẩn, sau đó vo nếp, đậu xanh rồi cho bí, nếp, đậu xanh vào một thể, cho nước vào ngập bí, tỉ lệ nấu thường 70% bí, 30% nếp và đậu xanh, việc còn lại là bật lửa, mở lửa vừa, thỉnh thoảng dùng đũa khuấy đều dưới đáy nồi để nếp khỏi bị cháy sém.

Khi chè bắt đầu sôi, cho lửa nhỏ lại rồi đợi đến lúc chè sền, nếp, đậu và bí quyện thành một màu của bí đỏ thì cho đường vào, lượng đường rất ít, chỉ bằng 50% so với một nồi chè bình thường, sau đó đợi cho chè sôi trở lại, đường tới một chút, chừng 5 phút thì tắt bếp. Chè bí đỏ có thể ăn nóng, vừa thổi vừa ăn, có thể để nguội rồi bỏ tủ lạnh. Cả ăn nóng và lạnh đều rất thú vị.

Hơn nữa, chè bí đó có điểm rất thú vị là có thể ăn thay bữa, bởi độ ngọt của chè không gây ớn và hàm lượng đường trong chè cũng không cao, người bị tiểu đường, bị tim mạch vẫn có thể dùng được. Riêng với người già, trẻ em và người có sức khỏe bình thường thì đây là món thanh nhiệt, giúp tăng cường trí nhớ và giảm stress số một!

Xin cầu chúc quí vị có một bữa ăn ngon miệng, thanh mát và đầm ấm!

Chè bí ngô (Tom/ Viễn Đông)

Leave a Reply