SANTA CLARA – Sự sụp đổ của hai ngân hàng Silicone Valley Bank (SVB) và Signature Bank trong tuần qua đã gây lo ngại trong giới tài chính. Ngày Chủ Nhật, các nhà quản lý ngân hàng đã đưa ra một kế hoạch nhằm bảo đảm cho những người gửi tiền tại SVB, một bước quan trọng để ngăn chặn sự hoảng hốt do sự sụp đổ của ngân hàng mà đa số thân chủ là giới kỹ thuật điện toán.
Sự sụp đổ của ngân hàng Silicone Valley Bank trụ sở ở Santa Clara, Bắc California đã được xem là lớn hàng thứ nhì trong lịch sử Hoa Kỳ. SVB từng báo cáo có tài sản trị giá $212 tỷ mỹ kim trong quý thứ tư năm 2022. Vào năm 2008 Washington Mutual sụp đổ với tài sản khoảng $300 tỷ.
SVB ở California và Signature Bank ở New York đã bị đóng cửa vào Chủ Nhật vì nguy cơ gây hoảng hốt có hệ thống. Những người gửi tiền tại hai nhà băng này có quyền truy cập vào tiền gửi của họ bắt đầu từ thứ Hai, một phần của các biện pháp mà các viên chức đã chấp thuận vào cuối tuần. Ngân hàng Signature từng là một ngân hàng tài trợ được ưa chuộng bởi các công ty trong lãnh vực tiền điện tử.
Bộ Tài Chính đã chỉ định cả SVB và Signature là rủi ro hệ thống, và Bộ có quyền giải thể cả hai tổ chức theo cách có thể “bảo vệ hoàn toàn tất cả những người gửi tiền.” Quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC sẽ được sử dụng để chi trả cho những người gửi tiền, nhiều người trong số họ không được bảo hiểm do giới hạn $250,000 đối với tiền gửi được bảo đảm.
Cùng với quyết trên, Quỹ Dự Trữ Liên Bang cũng cho biết họ đang tạo ra một Chương Trình Cấp Vốn Cho Ngân Hàng mới nhằm bảo vệ các tổ chức bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của thị trường do thất bại của SVB.
Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang Jerome Powell, bà Bộ Trưởng Tài Chính Janet Yellen và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết trong một thông báo chung, “Hôm nay chúng tôi đang thực hiện các hành động quyết liệt để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng của chúng ta.”
Sự việc sụp đổ trong 48 giờ của SVB bắt đầu vào cuối ngày thứ Tư, 8 tháng 3, khi ngân hàng này gây hoang mang cho giới đầu tư với thông tin rằng họ cần huy động $2.25 tỷ để củng cố bảng cân đối kế toán. Ngay sau đó là sự sụp đổ nhanh chóng của một ngân hàng vốn rất được kính trọng, đã phát triển cùng với các doanh nghiệp công nghệ cao tại Thung Lũng Điện Toán. Các thành viên của cộng đồng đầu tư mạo hiểm bắt đầu than phiền về vai trò của các nhà đầu tư khác trong sự sụp đổ của SVB.
Nguồn gốc cho sự sụp đổ của SVB bắt nguồn từ sự hỗn loạn do làn sóng tăng lãi suất gây nên. Khi các khách hàng startup rút tiền gửi để duy trì hoạt động trong môi trường IPO và huy động vốn tư nhân bị đóng băng, SVB bắt đầu nhận ra tình trạng thiếu vốn. Ngân hàng này buộc phải bán tất cả trái phiếu sẵn sàng để bán với khoản lỗ $1.8 tỷ, SVB cho biết vào cuối ngày thứ Tư.
Nhu cầu đột ngột về nguồn vốn mới, đặc biệt là sau sự sụp đổ của ngân hàng Silvergate trong lãnh vực tiền điện tử, đã gây ra làn sóng rút tiền gửi khác vào ngày 9/3. Khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã khuyến nghị những công ty thuộc danh mục đầu tư của họ rút tiền.
Các khách hàng của SVB cho biết ông giám đốc điều hành Greg Becker đã không tạo được niềm tin khi kêu gọi họ giữ bình tĩnh vào chiều thứ Năm.
Kết quả, khách hàng đã rút một khoản tiền gửi đáng kinh ngạc là $42 tỷ tính đến cuối ngày thứ Năm tuần qua. Cơ quan quản lý cho biết vào cuối ngày hôm đó, SVB có số dư tiền mặt là âm $958 triệu, và không thể huy động đủ tài sản thế chấp từ các nguồn khác.
Chỉ là trường hợp cá biệt? Cho đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro lan truyền từ sự sụp đổ của SVB vẫn thấp. Họ nói rằng sự sụp đổ của SVB hoàn toàn khác so với khủng hoảng tài chính 15 năm trước. Khi đó, các ngân hàng chấp nhận rủi ro quá mức và mọi người nghĩ rằng tất cả đều ổn định. Còn bây giờ, ai cũng lo ngại, nhưng nền tảng của các ngân hàng lại tốt hơn rất nhiều.
Chú thích hình: Trụ sở ngân hàng SVB tại Santa Clara (Photo by Minh Nguyen / Wikimedia Commons)