Bài NGUYÊN QUANG
Kể từ lúc dịch Covid-19 hoành hành đến nay, Việt Nam có rất nhiều qui định mới liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, có những qui định phù hợp nhưng cũng có nhiều qui định nghe ra rất kì cục, khó hiểu, mặc dù nó được cho là đúng qui định của pháp luật nhưng vẫn có gì đó bất ổn, không bình thường, đặc biệt là không bình thường về mặt khoa học, trí tuệ cũng như lòng người. Gần đây nhất là qui định về việc mặc quần áo lót khi đến nơi công cộng cũng như việc lấy ý kiến trẻ em trong dự luật đất đai sửa đổi.
Từ qui định về quần áo lót
Một người tên Hùng, là giáo viên về hưu, nói, “Kể từ cái qui định chọt mũi hàng loạt gây chết chóc và bức xúc kia, đến nay, các qui định của các ông nghe cứ như ngủ mớ, nó rất vô lý!”
“Xin anh chia sẻ thêm về sự vô lý mà anh cảm nhận được?”
“Tôi nói là có khi phải đi test tâm thần và chỉ số IQ của các ông kia gấp, đừng để tới khi xì ra rồi, tọa lọa rồi mới trình giấy chứng nhận tâm thần trước tòa án, việc đó rõ ràng quá muộn màng và kẻ tâm thần đã có tính toán từ trước. Đừng để xảy ra như vậy, rất khôi hài và chết người!”
“Cụ thể, những qui định nào anh thấy vô lý?”
“Nhiều, tôi bỏ qua các qui định chết người hồi Covid-19 nhé, tôi chỉ nói các qui định gần đây, mà gần đây nhất là qui định về việc cấm phụ nữ, đàn ông thả rông, không mặc quần áo lót nơi công cộng, phạt lên đến 10 triệu đồng ($424) nhằm giữ gương mặt xã hội. Rõ ràng, ở đây các ông định nghĩa sai về gương mặt xã hội rồi!”
“Vậy theo anh gương mặt xã hội ấy ở đâu?”
“Gương mặt xã hội chính là các cán bộ, mà thời đại trí tuệ đã đạt đến mức cao cấp, tức trí tuệ nhân tạo song hành với trí tuệ con người, điều đó cũng đồng nghĩa thế giới tinh thần của con người đã tinh tế hơn, không còn thô sơ nữa. Vậy thì gương mặt xã hội, tức các vị đại diện cho nhân dân cũng phải sạch sẽ, tươm tất. Một xã hội mà gương mặt nhem nhuốc thì rất khó nhìn.”
“Tôi thấy giới cán bộ bây giờ ăn mặc tinh tươm, sạch sẽ, lịch sự lắm cơ mà?”
“Đó là hình thức, mà chả ai làm việc bằng hình thức hết, con người làm việc với nhau bằng nội dung. Anh thử vào các quán nhậu, ngay trong giờ làm việc, đầy rẫy cán bộ ngồi trong đó, ngồi phòng vip, phòng đặc biệt, kín tiếng, có gái phục vụ, các ông đú đởn với nhau, ăn nhậu tá lả, nhưng đó chỉ là một chuyện, một góc nhỏ thôi, còn biết bao nhiêu chuyện để nói!”
“Xin anh chia sẻ thêm về những góc chưa nói tới?”
“Tôi nói sở dĩ có những qui định khôi hài hay ngớ ngẩn thì đừng vội kết luận kẻ ra qui định ấy ngu xuẩn hoặc kém trí tuệ, ban đầu tôi cũng nhầm, tôi cứ nghĩ bọn ra qui định, đề xuất ý kiến kiểu này chắc có vấn đề về đầu óc, sau đợt dịch, tiêm vaccine nhiều quá loạn não. Nhưng rồi nhìn lại, chiêm nghiệm lại, thấy không phải vậy, mà ghê gớm lắm!”
“Ghê gớm như thế nào hả anh?”
“Mỗi lần có một qui định vô lý, khoan xét đúng sai mà xét cái chuỗi hệ lụy phía sau nó sẽ có lợi cho ai. Bây giờ, cứ mỗi khi có qui định vô lý, tôi không quan tâm đến ý kiến về sự vô lý của nó nữa rồi, vì người ta nói nhiều rồi, mà tôi lần mò xem sau cái qui định này thằng nào được lợi, được miếng ngon. Bởi bây giờ, đó, như lúc nãy tôi nói về việc qui định, phải coi cái qui định này có lợi cho thằng nào, chứ đừng nói nó đúng sai nữa, bọn cơ hội nhiều quá!”
“Trong qui định mới nhất về vấn đề quần áo lót, giữ thuần phong mỹ tục, anh thấy nó ra sao?”
“Tôi nói rồi, hãy để gương mặt xã hội đừng nhem nhuốc, cán bộ phải chỉnh lại phong cách làm việc và đi ra, chứ cán bộ thì đú đởn, vào karaoke hiếp dâm đồng nghiệp, chơi bời gái gú, ngoại tình, xúi học trò đi bán dâm mà bảo dân ăn mặc lịch sự để giữ gương mặt thì đó là bệnh đổ thừa, là đánh trống lảng, không dám nhìn thẳng sự thật!”
“Anh vẫn chưa nói về qui định mới nhất?”
“Đương nhiên đó là qui định ngớ ngẩn rồi, vấn đề văn hóa, mặt bằng văn hóa không bao giờ là sự áp đặt, đương nhiên vẫn có những chế tài cần thiết để củng cố trật tự xã hội, ví dụ như Singapore họ cấm hút thuốc lá nơi công cộng, cấm và phạt rất nặng, cấm vứt rác bừa bãi, cái đó đáng học hỏi, Việt Nam cũng đang thực hiện. Nhưng vấn đề mặc gì, đi đâu, nó thuộc về cung bậc và nền tảng văn hóa xã hội, nó đến từ căn đế dân tộc, từ tâm tính con người. Một xã hội yên bình, hành xử có văn hóa, cán bộ chuẩn mực, giáo dục ổn định, xã hội nhân ái thì tự dưng con người hành xử tốt đẹp ra. Còn xã hội ta, đến hối lộ cả tình dục thì đương nhiên vấn đề khiêu dâm hay ăn mặc hở hang còn diễn ra dài dài. Giờ tự dưng bắt các công an phải đi soi tới quần áo lót của người đi đường, người ra nơi công cộng thì nói xin lỗi, giữ gương mặt xã hội hay là bêu xấu nó, trát thêm tro trấu vào nó cũng chưa biết chừng. Một xã hội nghiêm minh đến từ việc người ta tôn trọng pháp luật vàpháp luật hợp lòng người, nhưng một xã hội văn minh đến từ sự trong sạch của hệ thống quản lý và cái đẹp tâm hồn của người dân. Tôi nghĩ là vậy!”
Đến lấy ý kiến trẻ em trong dự thảo luật đất đai
Mấy ngày nay, việc Quốc Hội Việt Nam thông qua chương trình lấy ý kiến trẻ em trong dự luật đất đai gây tranh luận sôi nổi, đương nhiên theo các luật sư nhận định thì việc này đúng luật, thế nhưng theo chị Minh, một người bán cháo vịt ở một thị trấn nhỏ miền Trung, thì việc này hết sức vô lý. Chi Minh chia sẻ, “Người dân họ không có nhận xét gì vì gần như chẳng mấy ai còn đủ kiên nhẫn quan tâm việc các ông ấy làm, cứ thay đổi quyết định xoành xoạch và mấy ổng đã làm thì ai cản được mà quan tâm cho mệt!”
“Thế chị cũng không quan tâm sao?”
“Không, mình thì khác, mình là người bán cháo vịt, mình phải quan tâm chứ!”
“Người bán cháo vịt liên quan đến vấn đề này ra sao, thực sự là tôi không hiểu?”
“Mình bán cháo vịt, mình tuân thủ qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm và khi muốn bán cháo vịt cho ngon, nổi tiếng, mình phải dồn hết tâm đức vào nồi cháo của mình, phải cho nó chở cả thế sự trong đó ấy chứ!”
“Chị nói cao siêu quá, có thể nói đơn giản hơn một chút giùm tôi được không chị?”
“Ui anh, có gì đâu mà cao siêu! Anh thử nghĩ đi, hằng ngày có hàng trăm khách đến quán của mình, các trạng thái vui buồn, đau khổ hay cuồng nộ, ái ố gì mình cũng chứng kiến, dù không muốn chứng kiến thì nó cũng diễn ra, người ta ngồi nói chuyện chính trị bên dĩa tiết canh vịt với một chai rượu gạo, lúc đó người ta nói thật lòng và nói chẳng sợ ai, người ta bày tỏ quan điểm rất rõ, rồi những cuộc đời công nhân thường lui tới quán mìnhđể mua vài ngàn cháo không thịt (nhưng có nước vịt) để lấp bụng, mình thường bỏ thêm một thứ gì đó cho họ, như chân giò vịt hoặc đầu cánh cổ, hoặc vài lát thịt, đời là vậy… Mọi thứ cứ như đổ vào quán này, quán trở thành một cái quốc hội thu nhỏ và mình trở thành chủ tịch quốc hội, ngồi nghe mọi thứ đang diễn ra và chứng kiến mỗi người là một nghị gật, mình cũng thành chủ tịch gật. Buồn lắm chứ!”
“Nhưng chị vẫn chưa nói về vấn đề lấy ý kiến trẻ em, tôi cần vài lời bình luận của chị, mong chị cho vài lời?”
“Người ta, kể cả các luật sư đều cho rằng quyền góp ý thuộc về Nhân Dân, mà trẻ em cũng là nhân dân, nên việc này không sai luật. Mình thấy lạ, vì theo luật bảo vệ trẻ em thì trẻ em được quyền phát biểu và người lớn phải lắng nghe nguyện vọng của chúng, trong giới hạn độ tuổi của chúng, chúng được nói lên những quyền lợi bị lấy mất, các thứ liên quan tới quyền trẻ em, chứ độ tuổi vị thành niên thì còn có người giám hộ, tức cha mẹ hoặc cha mẹ nuôi, cô, chú ruột đại diện nuôi… Vậy thì việc lấy ý kiến trẻ em về một vấn đề không thuộc về độ tuổi của chúng quan tâm như vậy mà chưa xin ý kiến của người giám hộ, gieo rắc cho chúng ý thức về quyền lợi, về các tranh đoạt trong tương lai như vậy là tội lỗi, chẳng phải dân chủ hay khoa học gì đâu. Tuổi này chỉ biết ăn, học, chơi, nghe người lớn bảo bang và cũng chưa đủ trí khôn để bàn chuyện của người lớn, lôi chúng vào là tội lỗi, thậm chí sai luật, bởi chưa nói gì tới giám hộ, chưa nói gì tới vị thành niên, cứ cào bằng thành Nhân Dân như vậy thì khó hiểu quá!”
“Chị cảm thấy các qui định như vậy có ảnh hưởng đến đời sống người dân không?”
“Ảnh hưởng quá đi chứ anh. Nhưng bây giờ kêu ai, mọi thứ cứ nháo nhào lên cả, bữa nay qui định vậy, mai thấy sai thì thay đổi. Mà bài học xương máu nhất có lẽ là Chỉ Thị 16 hồi chống dịch Covid-19, cái chỉ thị đó đã gây chết chóc biết bao nhiêu mạng người, oan khốc lắm, thế rồi họ thấy sai, lại sửa sai, còn cái chết thì dân nhận. Giờ các ông ấy cứ hứng lên là qui định rất trái khoáy, buồn cười!”
Rồi sẽ còn bao nhiêu qui định nữa trong thời gian sắp tới? Câu hỏi này thật nhức nhối vì cái giá phải trả cho những quyết định ngớ ngẩn không hề nhỏ chút nào, thậm chí nó làm đình trệ cả một hệ thống nhân sinh đang chảy êm theo dòng. Mọi thứ thật đáng buồn!