Bài NGUYÊN QUANG
Đến lúc này, các bị cáo ra trước vành móng ngựa (nhận tội sau khi đã chạy chọt, chối quanh chối quất, khóc lóc… khá là tốn kém đấy!) để nhận bản án mà nếu như tòa không tuyên nặng thì chẳng biết ném gương mặt của đảng cầm quyền vào đâu… Câu chuyện cho thấy mức độ thối nát cũng như sự vô luân của giới quan quyền Việt Nam hiện nay. Và, nó vô hình trung đánh thức lương tri dân tộc, dù ít hay nhiều, đó là sự đánh thức cần thiết để con người dám sống, dám nói và dám đối mặt để bảo toàn giá trị con người của mình hơn.
Nhớ lại những đoàn rồng rắn
Nói tới những đoàn rồng rắn, trong suốt mùa dịch, Việt Nam, đi đâu cũng gặp các đoàn rồng rắn, từ rồng rắn chờ nhận rau, lương thực tiếp viện ở Sài Gòn cho đến rồng rắn chạy trốn khỏi thành phố, rồng rắn chờ ngoáy mũi test Covid-19… Không khí còn tệ hơn chiến tranh, nhà nhà đóng cửa, phố phường im hơi, thôn quê, người ta mang đất đá, thép gai chặn các lối vào ra… Mọi thứ đảo lộn và kinh hoàng chưa từng thấy.
Chị Linh, một người dân Sài Gòn, hồi tưởng, “Mình may mắn sống sót, bởi hồi đó, nếu không chết dịch thì cũng chết đói thôi. Kinh hoàng quá!”
“Giờ nhìn lại, chị có cảm nhận như thế nào?”
“Rõ ràng việc chống dịch, cho đến giờ này, chỉ có thể nói là cách làm việc quá chủ quan và ngu dốt. Nếu không ngu dốt thì cũng độc ác! Vậy thôi!”
“Vì sao chị cho rằng nếu không ngu dốt thì cũng là độc ác?”
“Ngu dốt vì cách hành xử vừa thô lỗ, vừa ti tiện, thiếu khoa học đã đẩy sự việc đến chỗ bế tắc. Ngu dốt vì không có ai đi ngăn sông cấm chợ để cách ly con vi trùng trong tình trạng thiếu hụt kinh tế, đói lả và mọi thứ cứ loạn xà ngầu lên thì làm sao còn đủ bình tĩnh mà chống dịch, đó là chưa nói đến tình trạng người ta lén lút. Mà một cái lỗ mối mới nguy hiểm cho thân đập, chứ những cái van xả không bao giờ là chỗ phá đập cả, chính những người lén lút đi lại mới là mối nguy. Nhìn chung, cách chống dịch của các ông đầy ngu dốt và tội ác!”
“Chị vẫn chưa giải thích về điều chị gọi là tội ác?”
“Thực sự đấy là tội ác sau khi nhìn lại tiến trình đầy máu lạnh nhưng lúc nào cũng bu lu boa loa rằng vì dân, vì sức khỏe nhân dân… kì thực là một lũ tham tàn, toa rập với nhau chọt mũi nhân dân để kiếm ăn, chúng làm giàu trên mồ hôi, xương máu, tính mạng của nhân dân. Có thứ tàn độc, gian ác nào khủng khiếp hơn thứ tàn độc, khủng khiếp của những kẻ lợi dụng nỗi đau, lợi dụng lúc nhân dân, đất nước nguy khốn để kiếm ăn, để làm giàu. Vụ chuyến bay giải cứu, vụ buôn kit test là những vụ nổi cộm về tội ác của bọn quan chức mất tính người. Thật là buồn khi đất nước có những kẻ máu lạnh như vậy!”
“Lúc dịch, gia đình chị gặp những khó khăn gì và cái gì làm chị cảm thấy kinh hoàng?”
“Lúc đó, cũng như hàng triệu người trong thành phố này, cái thành phố có ngót nghét năm triệu dân, chúng tôi bị đóng băng trong căn nhà nhỏ chưa đầy ba lăm mét vuông. Anh cứ tưởng tượng ba lăm mét vuông chia đều cho bảy người, vị chi mỗi người chưa đến năm mét vuông sinh hoạt thì thở, sống kiểu gì? Đó là chưa nói đến ở thành phố này có rất nhiều gia đình phải sống chen chúc trong nhà trọ, phòng chưa đầy hai chục mét vuông, có khi mười mét vuông đã chứa đến cả chục con người, vào ra cựa quậy trong chừng đó. Nhưng nghiệt ngã hơn là những gia đình chen chúc trong vài mét vuông, có nhà chỉ có bốn mét vuông thôi. Cảnh này khác nào nhốt tù! Nhưng ở tù thì có cơm nhà nước, còn ở tù kiểu này, phải thoi thóp chờ từng cọng rau, hạt gạo và đói rã họng thì sống sao cho được. Đó là chưa nói đến cảnh lâu lâu bị lùa ra cả một đám để chọt mũi, test. Khốn nạn, quá khốn nạn!”
Nhà giam lịch sử
Một nhà giáo hưu trí, không muốn nêu tên, chia sẻ, “Đợt chống dịch Covid-19 vừa rồi là một cách biến đất nước thành một nhà tù vĩ đại, nhà tù lịch sử!”
“Chữ nhà tù lịch sử này nên hiểu theo nghĩa nào là đúng đây thưa thầy?”
“Hiểu theo nghĩa nào cũng được. Một nhà tù lịch sử vì trong vòng chưa đầy một tháng nó đã kết án tử hình hơn nửa vạn người, tức hơn năm chục ngàn con người bị đưa vào tử trại và cuối cùng là cho đến bây giờ vẫn có nhiều người còn trong diện thất lạc tro cốt. Mà nói chính xác hơn là việc thất lạc ấy xem như vĩnh viễn vì giữa lúc mọi thứ loạn cào cào lên vậy, mọi thứ chết chóc, loạn cào cào chỉ vì để phục vụ cho một nhóm người tham lam và tàn độc!”
“Thầy thấy những nhân vật liên quan đến chuyến bay giải cứu họ như thế nào? Và theo thầy, đó có phải là những con người đã phạm tội ác tày đình, hay còn một thứ tội ác nào cao hơn?”
“Đương nhiên là còn một thứ tội ác cao hơn cho dù vô tình hay cố ý. Bởi những kẻ phạm tội chỉ là quan chức tép riu ở trung ương và địa phương, những quan chức đầu ngành, thậm chí nguyên thủ quốc gia một khi đã dung túng dưới trướng những kẻ phản phúc dân tộc như vậy thì không thể nói là vô tội được. Nhưng, với cơ chế quản lý hiện tại, thật khó để tin những kẻ bề trên vô tội. Vấn đề là họ có đủ lực để chạy tội, hoặc giả vì một thứ gì đó họ chưa bị sờ gáy chứ lẽ nào!”
“Trong phiên tòa về chuyến bay giải cứu, hoàn toàn vắng mặt các nạn nhân, thầy thấy vấn đề này như thế nào?”
“Muôn đời rồi, nạn nhân có nguy cơ vắng mặt và bốc hơi nếu như nạn nhân ấy là dân đen, thường dân không có gì ngoài hai chữ ‘thường dân’. Đó là sự đời, nhất là sự đời này được treo lên cái móc chính trị xã hội chủ nghĩa nữa thì nó sẽ có lắm vấn đề thật khó để nói nên lời. Một phiên tòa, nó cho chúng ta thấy rằng đã có biết bao nhiêu con người Việt Nam đau khổ, có trốn ra nước ngoài rồi mà vẫn chưa thoát cái căn cước Việt và cuối cùng, khi có biến, khi hữu sự, họ phải cắn răng, gồng lưng, vắt đến giọt máu cuối cùng để chi trả, để được sống sót trong danh nghĩa hàm ơn kẻ đã ăn đến giọt máu cuối cùng của mình. Tôi là người sống qua hai chế độ, Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thời trước, sống trong chiến tranh, chết chóc nhưng tôi chưa bao giờ thấy con người tệ hại, tàn độc và cái chết trở nên rẻ rúng, ê chề như bây giờ. Con người bây giờ lươn lẹo và máu lạnh, nhất là giới cán bộ quan chức, miệng thì leo lẻo lên giọng đạo đức nhưng sẵn sàng làm giàu trên cái chết, trên sinh mạng của đồng loại. Chỉ có máu lạnh mới vậy thôi!”
“Theo thầy, giáo dục có góp phần làm nên cớ sự hiện tại khộng?”
“Nói giáo dục góp phần làm nên cớ sự hiện tại là nói cho vui. Vì mấy chục năm nay làm gì có giáo dục trên đất nước này! Mà chỉ có tuyên truyền bằng con đường giáo dục. Bởi giáo dục thì phải có yếu tố nhân cảm làm trung tâm, sau đó tri thức, khoa học, sáng tạo và cả độc sáng. Nhưng, tại Việt Nam thì sao? Hơn 70% chương trình đều lồng ghép chính trị, có các môn chính trị trực tiếp như giáo dục công dân, đạo đức, xã hội học, kinh tế chính trị Mác Lê nin, chủ nghĩa xã hội khoa học… Đó là chưa nói đến hằng năm, vào cuối mùa hè, thầy cô phải đi học chính trị, những người được ăn học, đào tạo bài bản phải lên ngồi ghế học trò để nghe các ông viết chữ còn chưa đúng chính tả ngồi giảng chính trị. Giảng đúng giảng sai gì cũng phải nghe, chớ dại mà phản đối, phản biện, đụng tới là úp nồi gạo. Thử nghĩ, trong một sinh quyển ngợm mùi chủ nghĩa và sặc mùi chính trị như vậy thì làm sao gọi là giáo dục được”
“Như vậy, theo thầy, nguyên nhân của sự đổ đốn hôm nay là do đâu?”
“Đó là cái quyền quá lớn dành cho đảng viên Cộng sản, vì độc đảng, độc tài nên họ bắt buộc phải tự chia phe, chia nhóm lợi ích để cân bằng trong suốt quá trình tồn tại, phát triển. Nhất là khi kinh tế tư nhân phát triển, khu vực kinh tế tư nhân có thể phình to và trở thành nhóm sức mạnh riêng bất kì giờ nào, khu vực đảng với tính đại đồng sẽ trở nên mất sức mạnh nếu không có các nhóm cá mập bên trong. Đây là tiến trình bắt buộc của lịch sử, mà lựa chọn chia phe nhóm lợi ích để tồn tại, củng cố sức mạnh là lựa chọn không thể nào khác đi được nhằm cân bằng sức mạnh kinh tế với khu vực kinh tế tư nhân. Một khi các nhóm lợi ích trong đảng nổi lên, thao túng thì sẽ có bất chấp, cướp bóc, đấu tố… Mọi thứ sẽ hết sức khó lường, bởi họ nắm trọn quyền lực trong tay và bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích. Vụ chuyến bay giải cứu hay vụ kit test Việt Á là những ví dụ điển hình.”
“Theo thầy, liệu còn nước cứu không?”
“Tôi chưa bao giờ bi quan, bởi trong con người có hai mặt, tốt và xấu song hành, đảng viên Cộng Sản cũng là con người, nếu mọi thứ vận hành theo cơ chế văn minh thì mặt văn minh của họ sẽ nổi trội, nếu mọi thứ vận hành theo cơ chế rừng rú thì con vật trong họ sẽ trỗi dậy, ai cũng vậy thôi!”
“Như vậy chung qui do cơ chế? Nhưng đổi cơ chế có dễ không thưa thầy?”
“Dễ hay khó không phải là câu hỏi xác đáng mà tồn tại như thế nào và tồn tại bao lâu, tồn tại có hợp lý không mới là vấn đề, nếu anh nhìn rộng ra, anh buộc phải thay đổi để tồn tại. Những chuyện tồi tệ gần đây cho thấy như vậy, chính trị không phải là câu chuyện đốt lò mà là câu chuyện trồng rừng. Hãy trồng những cây gỗ quý, gỗ hữu ích thay vì trồng những cây củi quá tốn thời gian và diện tích!”
Câu kết đầy triết lý của vị thầy giáo dù sao cũng tạo ra được chút năng lượng xanh cho cuộc nói chuyện. Bởi giữa lúc này, mọi chuyện cứ quay cuồng và rối bời, chẳng biết đâu là hay, đâu là dở, vì có bao giờ thấy cái gì hay đâu!