Chung quanh chuyện Hội An thu tiền vé vào thành phố

Bài NGUYÊN QUANG

Hội An, một thành phố du lịch nổi tiếng thế giới, một điểm đến hứa hẹn của khách du lịch bốn phương, cũng là nơi được xếp vào diện đông khách nhất nhì Việt Nam, sánh ngang Sapa – Lào Cai, và là thành phố chịu mở cửa du lịch sớm nhất sau đại dịch Covid-19 với nhiều chính sách hấp dẫn du khách. Thế nhưng, đùng một cái, chính quyền thành phố tuyên bố từ ngày 15 tháng 5 năm 2023 sẽ bán vé cửa thành phố với giá 80,000 đồng/vé/người ($3.40) đối với người Việt Nam, riêng với du khách nước ngoài, mức giá là 120,000 đồng mỗi vé ($5.10). Điều này tạo ra rất nhiều ý kiến khác nhau, và ngay lúc này, ý kiến của người dân nói chung hình như đang đứng về một phía, những người làm công tác quản lý du lịch đứng về một phía. Như vậy, câu chuyện này sẽ đi đến đâu?

Hội An những ngày dịch

Nói tới một thành phố du lịch mà ở đó, tình người đậm đà, hồn hậu bậc nhất, có lẽ không thể không nhắc đến người Hội An, thành phố Hội An. Bởi chỉ có thành phố Hội An mới có chuyện giữa tâm dịch mà nhân viên của bất kì nhà hàng, khách sạn hay quán sá nào cũng có thể sống yên, có cái để mà sống qua ngày mặc dù không đến chỗ làm. Bởi chủ thuê việc đã có chế độ cho người lao động của họ khá chỉn chu và hậu hĩ.

Chị Hằng, làm tạp vụ, chủ yếu rửa chén bát và quét dọn ở một nhà hàng trong thành phố Hội An, chia sẻ, “Nói về tình người thì người Hội An rất là tuyệt vời, các chủ thuê việc đối xử với nhân viên rất tốt. Trong đợt dịch vừa rồi, chị em, anh em làm thuê ở Hội An như chúng tôi không lâm phải cảnh đói, mà chỉ có một số chủ thuê mới đói!”

“Nói chủ thuê mới đói nghĩa là sao thưa chị?”

“Thì có nhiều chủ thuê phá sản sau đợt dịch, họ giữ nhân viên, không sa thải và trả lương đều đặn, những tháng đầu trả 100% lương, đến những tháng sau thì trả 70%, rồi 50% cho đến khi bán bàn ghế, trả mặt bằng. Nhìn cảnh này thấy thương lắm!”

“Chị có biết những chủ thuê ấy bây giờ kinh doanh hay làm gì ở đâu không?”

“Nhiều chủ thuê phá sản và đương nhiên có một số người giờ đi làm thuê, có người làm thuê lại cho chủ mới, trên chính cái nhà hàng trước đó họ làm chủ. Giờ gặp nhau, thấy cũng buồn.”

“Chị cho tôi hỏi thêm, liệu chị có gặp hoàn cảnh như vậy không, tức chủ cũ làm thuê cùng với mình?”

“Thì tôi đang nói về người chủ cũ của tôi đó, giờ chị ấy cũng đi bưng bê cho chủ mới, mà gần đây, chủ mới người miền Bắc vào đây kinh doanh nhiều lắm. Nói chung là sau một đợt dịch, có đến phải hơn ba chục phần trăm chủ kinh doanh phá sản. Nhưng khi gặp lại nhân viên cũ của họ, nhìn chung họ nhận được sự kính trọng và yêu thương hết mực, bởi họ đã hành xử rất người, rất là tình người với người lao động chúng tôi!”

“Sắp tới đây Hội An sẽ bán vé vào thành phố, chị thấy chuyện này như thế nào?”

“Tôi thấy buồn cười, bởi vì khách họ tới Hội An là họ tiêu tiền triệu, thậm chí vài chục triệu đồng, cả trăm triệu đồng, và tiền thuế nhà nước thu được từ các doanh nghiệp là con số vô cùng lớn, vậy thì hà cớ gì phải bán cái vé cho nó bần tiện như vậy. Khi ta đã đón được khách lớn, mà nếu không có khách lớn thì cũng phải có chính sách càng mở rộng, càng thông thoáng thì người ta càng đến với mình. Bán vé vào thành phố là một kiểu suy nghĩ tũn mũn, ham con tép mà bỏ con tôm, sẽ đi đến thất bại!”

“Thất bại như thế nào, chị có đoán được không?”

“Thất bại nhiều thứ lắm, mình là dân lao động mà mình còn nhìn ra, huống chi họ là dân cán bộ, có bằng này bằng nọ sao lại không nhìn ra vấn đề nhỉ! Chỉ riêng uy tín của Hội An không thôi cũng đã là quá tệ, bởi nó chỉ cho thấy một cái thành phố mà ở đó, cơ quan quản lý không nghĩ ra được chuyện gì lớn hơn chuyện thu tiền của khách. Mà nếu như có bán vé, thì Hội An sẽ thành một thành phố du lịch đầu tiên và duy nhất của thế giới có bán vé vào thành phố. Trong khi đó Hội An đâu có đến nỗi nghèo đói gì. Rất tiếc!”

“Tiếc cái gì thưa chị?”

“Tiếc rằng khi quản lý một thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế nhưng suy nghĩ và tư duy của lãnh đạo lại manh mún, lại mang tính chất bụi chuối mụt măng, chả ra làm sao cả! Hỏng!”

Quan chức nói gì? Du khách nói gì?

Một cựu quan chức khá lớn của thành phố Hội An, không muốn nêu tên, chia sẻ, “Chỉ có bọn ngu mới nghĩ ra được cái trò tủn mũn này thôi, chứ người có tư duy, biết nghĩ cho thành phố sẽ không bao giờ nghĩ như vậy! Bởi vì số tiền này quá lớn!”

“Lớn như thế nào và xin ông chia sẻ thêm về vấn đề ông gọi là ‘tủn mũn’?”

“Mỗi năm, trung bình có đến hơn năm triệu lượt khách trong nước và hơn một triệu khách quốc tế đến Hội An, như vậy lấy con số 80,000 nhân với năm triệu chẳng hạn, sẽ ra số tiền bốn trăm tỉ đồng ($17 triệu). Nghe đơn giản vậy nhưng con số bốn trăm tỉ đồng, thậm chí mùa du lịch cao điểm sẽ lên đến gần cả ngàn tỉ đồng mỗi năm. Và con số này không ai quản lý được, tự cung tự cấp, tự xã hội hóa chi tiêu, nó quá lớn nên người ta tìm cách vắt, vậy thôi!”

“Vậy con số này có còn là con số tủn mũn?”

“Tư duy con người không đồng nghĩa với con số nó nhẩm tính ra lớn hay nhỏ, tôi nghĩ là vậy, số tiền thì lớn thật, nhưng nếu qui về mỗi cá nhân du khách để so sánh họ đến với Hội An, họ đâu chỉ tiêu vài chục ngàn đồng đó, đúng không? Nếu làm một bài toán kinh tế mà thu được tám chục ngàn để mất đi một triệu là quá ngu xuẩn, đó là chưa nói đến uy tín của thành phố, uy tín của con người Hội An và hệ lụy sau này!”

“Tôi đang nghĩ đến hệ lụy sau này, xin ông chia sẻ thêm về hệ lụy mà ông đang hình dung?”

“Cái mất của Hội An sẽ là tình trạng náo loạn trong đời sống, bởi không có gì đáng sợ hơn một thành phố du lịch bỗng dưng có những con mắt điện tử và con mắt của người dân theo dõi khách, mà theo dõi để thu tiền vé, theo dõi để phạt tiền, hành xử này vô hình trung đẩy đến chỗ vô văn hóa, không thể chấp nhận được trong thế giới văn minh. Vậy đấy, tôi nghĩ rằng hệ lụy lớn nhất lại là vấn đề dân tình sau này và đặc biệt một khi nhà nước, chính quyền ra tay chém khách như vậy thì hiệu ứng lây lan của nó về phía người dân sẽ không nhỏ chút nào!”

Đồng cảm với ông cán bộ hưu trí cao cấp của thành phố, một khách du lịch đến từ Nha Trang, anh Chìa, cũng lắc đầu, “Uổng quá, tôi nghĩ nếu chọn thu tiền theo cách này thì quá uổng. Thực ra khách đến đây, đã đi du lịch thì nghĩa lý gì vài chục ngàn đồng, nhưng một khi chính qui hóa cái việc thu tiền như vậy thì quá kém, vẫn có cách khác để lấy tám chục ngàn nhưng tế nhị và khéo hơn nhiều, nhưng nếu như thấy quá cần thiết kia, chứ cũng không nên thu!”

“Xin anh chia sẻ cách thu tương đương mà tế nhị ông vừa nói?”

“Thay vì thu trực tiếp từ vé, chỉ cần một chút chiết khấu nhỏ ở các dịch vụ, và dịch vụ Hội An chỉ cần tăng chừng 0.03% là có thể đưa về cho thành phố số tiền vô cùng lớn mà khỏi phải bán vé.”

“Nhưng sẽ vô cùng khó để quản lý cái 0.03% đó?”

“Đúng rồi, nhưng cách gì thì anh cũng đã tổ chức đội ngũ theo dõi khách để biết đâu là khách thật đâu là bà con giả vào thăm người nhà đó thôi, hãy biến đội ngũ này thành một đội thống kê, nghe sang trọng và có giá trị hơn, chứ ai mà một thành phố tầm cỡ du lịch quốc tế lại chơi ba cái trò bán vé, tận thu, rồi cho người theo dõi… Đủ các trò trẻ con. Lẽ ra các ông phải làm được một cái gì đó có tư duy xứng tầm với thành phố các ông đang quản lý mới đúng, ai lại đi làm ba cái trò rẻ tiền như vậy được chứ! Và không chừng đó là trò phản động!”

“Trò phản động nghĩa là sao thưa anh Chìa?”

“Tất cả các nhà quản lý thành phố, chắc chắn họ là đảng viên Cộng sản, họ mới được lên làm tới lãnh đạo. Mà lâu nay, những chuyện động trời, từ tham nhũng, vơ vét cho đến cướp đất của dân, làm nhà trái phép, xây dựng vô tội vạ, ăn cướp của dân ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng… đều là đảng viên cả đấy. Điều này chưa đủ làm mất uy tín của đảng lãnh đạo hay sao mà bây giờ, chính các ông đang quản lý một thành phố du lịch mà có thể ví nó như cửa ngõ quốc tế, nơi khách quốc tế đến nhiều nhất, lại bày ra ba cái trò chẳng giống ai như vậy, rõ ràng, dù cố ý hay không thì các ông cũng đang cố tình chứng minh thêm rằng người Cộng Sản không có khả năng quản lý kinh tế, chỉ biết tận thu và tệ hơn nữa là chỉ biết tính những chuyện tủn mũn, bất chấp…” Câu trả lời của anh Chìa khiến tôi bàng hoàng, bởi thành phố Hội An, suy cho cùng, nó là một thương cảng mà người Nhật, người Hoa và người Bồ Đào Nha đã xây dựng trở nên sầm uất, phồn thịnh, đến thời trước khi có du lịch, nó tàn tạ trong đói kém, rồi kiến trúc sư Kazik, người Ba Lan đã dành hết nhiệt huyết của ông để trình hồ sơ lên UNESCO xin công nhận di sản văn hóa thế giới. Để rồi từ đó, Hội An một lần nữa khởi sắc. Thế rồi, biết trả lời sao đây khi đặt câu hỏi, người Việt đã làm được gì cho Hội An trước và sau khi bán vé? Thật là khó trả lời!

Leave a Reply