Bài NGUYÊN QUANG
Con heo đất là một hình thức tiết kiệm khác của người lao động nghèo, về sau, đó là kiểu tiết kiệm của hầu hết các gia đình, và nó có khởi điểm từ con heo thật. Nó bắt đầu từ những người buôn bán nhỏ lẻ ở các miền quê và dần đến thị thành, hành trình của con heo đất được dẫn luận qua những người từng bỏ thời gian nghiên cứu về nó và qua quan sát, kinh nghiệm của người nông dân. Con heo đất đi từ nhà dân sang nhà quan như thế nào? Nó phản ánh xã hội ra sao?
Heo đất có từ bao giờ?
Đây là câu hỏi khó, bởi heo đất là thứ ít ai để ý, nó gắn liền với đời sống lao động nghèo từ khởi thủy, nó cũng là một bước chuyển giữa nông nghiệp và thương nghiệp. Như lời nhận định của anh Phùng, một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, “Con heo đất là gạch nối rõ nét nhất giữa nông nghiệp và thương nghiệp.”
“Anh dựa trên cơ sở nào để đưa ra nhận định này?”
“Đó là những gì tôi quan sát và nghiên cứu, với nhà nông, con heo ban đầu là hình thức tiết kiệm, sau dần trở thành hình thức kinh doanh và cuối cùng là hình thức dinh dưỡng, nuôi để phục vụ dinh dưỡng gia đình, đảm bảo dinh dưỡng sạch… Ở hình thức tiết kiệm ban đầu, thường thì nhà nông sau khi xay gạo, xay lúa là dư ra một ít cám, tấm, mẻ… Họ tận dụng những thứ ấy làm thức ăn cho heo, thậm chí máy một ít lúa làm cám cho heo nữa kia, còn rau, chuối, cỏ cây trong vườn, rồi những xác mắm, ngày xưa ông bà hay muối một hủ mắm trong nhà… Tất cả những thứ đó dành cho con heo, nó cứ lớn dần và người ta chẳng cần phải đầu tư gì cho mấy, tới khi giỗ chạp, Tết nhứt thì có con heo, đỡ đi rất nhiều… Hình thức tiết kiệm đầu tiên đó.”
“Kế tiếp là sao hả anh?”
“Hình thức kế tiếp là khi người ta bước sang thương nghiệp, buôn bán và không có ruộng vườn nhiều cho mấy, hoặc giả những người làm thuê ở thành thị, họ có một con heo đất, mà con heo đất đầu tiên khá là đẹp, nó không phải là con heo rõ hình như bây giờ, nó là hòn binh bằng đất nung, phải nói nghệ nhân nghĩ ra con heo này là bậc thầy điêu khắc, tạo hình, nó tròn quay, có một núm rún trên đỉnh và có một cái miệng dẹp kề với rún, cực đẹp, người ta nhét tiền vào lỗ miệng để tiết kiệm. Những lao động nghèo, nhà buôn nhỏ lẻ thỉnh thoảng nhét vài đồng lẻ vào miệng heo, đến dịp lễ lạc hay Tết nhứt lại mang ra khui heo. Nghĩa là thay vì dùng cám thừa cơm cặn hay rau trong vườn nuôi heo thật, người ta nuôi heo đất bằng tiền lẻ có vẻ nhàn rỗi một chút…”
“Theo anh thì heo đất có từ bao giờ và nó xuất phát từ vùng nào trên đất nước?”
“Heo đất có lẽ xuất phát từ miền Trung, bởi miền Bắc có thói quen tái đầu tư những đồng bạc dù nhỏ lẻ cỡ nào, miền Nam thì làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, xài xong lại làm tiếp kiếm tiền, chỉ có miền Trung tằn tiện, khó khăn nên mới có thói quen xài heo đất. Đương nhiên đây chỉ là võ đoán, bởi vì cho đến lúc này, rất khó để biết được nó là của người Việt sáng tạo hay của người Tàu nữa kia! Nhưng dù sao, nhìn vào nước màu đất sét nung của heo đất thì nó lại rất gần với kiểu nung của người miền Trung.”
“Heo đất, theo anh thời bây giờ nó có lạc hậu hay đã thành nếp văn hóa?”
“Tôi không nghĩ là heo đất bây giờ lạc hậu, nó đã thành nếp văn hóa của người lao động, nhưng đáng nói là nó trương nở theo thời đại.”
“Trương nở theo thời đại nghĩa là sao anh?”
“Nghĩa là nó đã biến tướng, nó là hình thức trá hình của một dạng hối lộ.”
“Anh nói tới đây tôi rối mù, xin anh nói rõ thêm được không?”
“Có bao giờ anh nghe chuyện người ta trút heo đất lấy ra cả chục tỉ đồng chưa? Nghe có vẻ lạ, nhưng có đó, có những gia đình, cha, mẹ làm công chức nhà nước, đương nhiên là công chức cấp cao nhưng lương theo ngạch nhà nước thì mỗi tháng cũng không quá lương Thủ tướng được, tức không quá 25 triệu đồng (tương đương $1,100 mỹ kim), nghĩa là mỗi năm, lương của cả hai vợ chồng đều không quá 600 triệu đồng ($25,500). Vậy thì lấy đâu ra tiền nhàn rỗi, tiền thừa vài tỉ bạc cho con nít bỏ heo đất? Rõ ràng phải có một kiểu biến tướng nào đó trong tiết kiệm. Hay nói khác đi, cái con heo đất thời bây giờ là con heo đất để khoe mẽ, để thể hiện đẳng cấp gì gì đó. Đương nhiên của một số người thôi, chứ người nghèo thì vẫn cứ tiền lẻ, và con heo đất vẫn cứ mang màu sắc thần tiên, cổ tích của nó.”
Những con heo đất nhà nghèo
Chúng tôi gặp một người, sau đợt dịch, con trai của anh bị trộm vào nhà lấy mất con heo đất, mà nói đúng hơn là cướp chứ không phải trộm. Bởi khi bọn chúng vào nhà, con trai anh đang trông nhà, hỏi đi đâu, tìm ai thì chúng xông thẳng đến cướp. Anh Mãi chia sẻ, “Nhà có con heo đất, gần một năm trời rồi, chắc cũng có chừng ba triệu đồng (gần $130) trong đó, chúng nó vào rinh mất, vậy là Tết vừa rồi buồn thiu!”
“Làm sao mà anh biết được trong đó có hơn ba triệu vậy anh?”
“Nhà nông thì có cái tính đó, có nghĩa là nói bỏ heo đất là không cần biết bao nhiêu tiền nhưng thực ra, mỗi ngày phải nhịn bớt bao nhiêu thứ để dư ra vài chục ngàn đồng hoặc vài ngàn đồng mà bỏ vào, thường thì con số mình ước lượng phải thấp hơn con số thực, bởi có những khoản lẻ, khi dư là bỏ vào ngay, những khoản ấy không được thống kê.”
“Con heo đất bị mất như thế nào, xin anh chia sẻ thêm, và quan niệm con heo đất với gia đình anh có gắn bó như ông bà ta ngày xưa không?”
“Có chứ anh, nó được xem là thần tài, là phúc khí nữa là khác, nó được đặt ngay vị trí giữa trung tâm nhà, thường thì trong một ngăn nào đó của tủ thờ, tôi đặt ngay ngăn rỗng của tủ thờ, làm như vậy để con cháu trong nhà nhớ mà tiết kiệm, mà tự biết mình vốn con nhà nghèo, phải khéo ăn cho no, khéo co cho ấm và phải biết tiết kiệm, tích cốc phòng cơ. Con heo đất là lời nhắc nhở…”
“Nó bị mất như thế nào? Anh thấy tình hình sau dịch, đời sống có gì thay đổi không?”
“Thay đổi rất nhiều, tình hình trộm cắp có vẻ lộng hành, thậm chí trộm cướp chứ không còn gọi là trộm cắp nữa, xông thẳng vào nhà, đập chó bắt đi, rồi xông thẳng vào nhà lấy heo đất như chuyện gia đình tôi đã gặp không phải chuyện cá biệt. Chuyện này làm thay đổi rất nhiều thứ, ít nhất là thói quen tiết kiệm và nhắc nhở con cháu phải thay đổi, nghĩa là chẳng còn ai dám để heo đất ở vị trí dễ nhìn thấy nữa. Mọi thứ thay đổi nhiều lắm!”
Chị Một, nghệ nhân đất nung ở Quảng Nam, chia sẻ thêm, “Con heo đất bây giờ bị thay thế rồi, nên khó nói lắm, làm con heo đất cũng khác, trước đây làm bằng bàn xoay, bây giờ làm bằng khuôn đúc và nó rất chi là thị trường. Đó là chưa kể đến những con heo bằng nhựa.”
“Chị nói vậy thực tình là tôi chưa được hiểu, xin chị nói rõ hơn một chút được không?”
“Heo đất ngày xưa làm dễ, dùng bàn xoay, dùng tay, còn heo đất bây giờ phải dùng khuôn đúc, rồi sau đó tráng men, một con heo đất ngày xưa có giá chừng một đến hai ký gạo, có con chỉ có giá nửa ký gạo thôi, còn bây giờ, giá một con heo đất lên cả trăm ngàn đồng ($4.25), có nhiều con cả triệu đồng ($42.50) nếu đó là heo đất trán men quý, thậm chí vài triệu nữa kia, người bình dân thì mua heo nhựa, loại heo này rẻ, vài chục ngàn đồng, có nút đậy, để lỡ khi cần tiền thì mở nút mà lấy. Tôi để ý thấy heo nhựa có nút được mua rất nhiều kể từ sau dịch. Như vậy có nghĩa là kinh tế cũng có phần khó khăn hơn, người ta dần tập bỏ thói quen bỏ con heo đất hay heo nhựa cuối năm, mà xài lại nó cho đỡ tốn tiền.”
“Chị có thấy trong con heo đất phản ánh sắc thái xã hội không?”
“Có chứ, con heo đất phản ánh sắc thái xã hội rất là lớn, nó đi từ một con heo tiết kiệm sang chỗ con heo ăn vô cùng tận, ăn bất chấp, những con heo ăn vài tỉ mỗi năm thì rõ ràng là bất cùng tận, bất chấp rồi. Có nhiều gia đình công chức, cả đời người ta, cộng hết tiền lương lại cũng chỉ vài tỉ đồng, vậy mà mỗi năm, thậm chí người ta đập heo quí nửa năm vẫn ra vài tỉ đồng rồi. Mà đáng sợ hơn là con nít trong gia đình đó bỏ heo đất nha, chứ không phải người lớn đâu!” (1 tỉ đồng VN tương đương $42,500.)
Chuyện con heo đất tưởng chừng chỉ là chuyện tiết kiệm của những gia đình nghèo, gia đình lao động phổ thông, giới bình dân… Nhưng hóa ra, nó phản ảnh cả lịch sử, nó mang cái bóng lịch sử trong bụng rỗng của nó, chính cái bụng rỗng của con heo đất lại phát biểu thời đại của nó, như vô tình mà phân loại giàu – nghèo, thanh – trọc, thảo – tham… Nó như một thứ biểu kế chính trị và thời đại.