Chuyện đất đai ở Việt Nam

Bài NGUYÊN QUANG

Trong khoảng thời gian quá ngắn, chưa đầy nửa thế kỉ gọi là thống nhất hai miền, nhưng cụ thể là chưa đầy một phần tư thế kỉ kể từ khi đất bắt đầu có giá tại Việt Nam, cấu trúc xã hội tại Việt nam hoàn toàn đổ vỡ. Trong đó, cấu trúc làng xã và cấu trúc gia đình bị vỡ nặng nhất. Điều này do đâu? Và, với tình hình hiện tại, liệu có hi vọng hàn gắn trở lại được không? Câu trả lời là vô cùng rối rắm và nan giải!

Từ chuyện hòa giải, hòa hợp…

Lâu nay, người ta vẫn hay nhắc đến khái niệm hòa giải – hòa hợp dân tộc với hàm ý chỉ sự gắn kết, trở lại, bình thường hóa quan hệ giữa người Việt trong nước và người Việt lưu vong chính trị vì biến cố 30 tháng 4. Và càng nhắc, càng nói đến hòa giải, hòa hợp thì câu chuyện này nghe ra ngày càng bế tắc.

Một nhà thơ, từng là nhà nghiên cứu xã hội học, ông tốt nghiệp luật khoa những năm 2000, không muốn nêu tên, chia sẻ, “Câu chuyện hòa giải hòa hợp dân tộc của Việt Nam là không lối thoát!”

“Vì sao, thưa ông?”

“Vì người ta chỉ có thể hòa hợp hay hòa giải với những chủ thể có sẵn tính ôn hòa và có sẵn ý hướng hòa giải hòa hợp. Ngược lại, mọi thứ chỉ nằm trên lý thuyết thôi, và người ta lợi dụng từ ngữ thì đúng hơn! Nếu như trước đây hai mươi năm, cơ hội hòa giải hòa hợp sẽ cao hơn bây giờ, còn bây giờ thì không”

“Vấn đề ông nêu ra rộng, thực sự rộng, nó đụng chạm đến rất nhiều yếu tố. Xin ông lý giải trước việc tại sao trước đây hai mươi năm thì có, bây giờ thì không thể hòa giải hòa hợp?”

“Vì trước đây hai mươi năm, tuy điều kiện kinh tế khó khăn, đất nước chưa phát triển, kinh tế còn nghèo, nhưng con người còn được cái lõi nhân văn, tức người ta dựa vào nhau để mà sống, vượt qua khó khăn. Tình anh em, tình hàng xóm láng giềng còn rất hồn nhiên, yêu thương nhau. Còn bây giờ, sau hai mươi năm kinh tế bùng phát, con người rơi vào thế giới kim tiền vật dục, người ta định giá với nhau bằng tiền bạc và sẵn sàng đánh đổi mọi giá trị để có nó, các giá trị anh em, bằng hữu hay ruột thịt cũng không nằm ngoài số phận này!”

“Như vậy, theo ông là do giàu có mà nên nỗi?”

“Không, nếu nói do giàu có mà trở nên tệ hại thì chắc phương Tây, Mỹ họ đã chết bảy đời rồi, vì họ giàu có gấp bội các nước mới phát triển, và họ đã giàu có hàng trăm năm rồi, mà vẫn ổn định, vẫn tiến bộ. Còn chúng ta giàu có mà không tiến bộ, là do đâu? Do đường hướng phát triển, hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam hay những nước xã hội chủ nghĩa còn nghèo nàn đều bị chung một tình trạng, đó là tham nhũng. Thời kinh tế tập trung bao cấp (1986 trở về trước) đừng tưởng không tham nhũng nhá, tham nhung tàn bạo lắm đó, chẳng qua thời đó không ai biết, và dân sợ quá nên không ai dám để ý. Còn bây giờ, mọi chuyện phơi bày, hơn nữa mệnh giá tham nhũng cũng cao hơn thời xưa rất nhiều. Cả ngàn tỉ, thậm chí dám đạp qua mạng sống của nhân dân như vụ Kit test Covid vừa rồi. Vậy thì nội tại quốc gia đã không hòa giải với nhau được rồi. Đó là chưa nói tới gia đình nữa!”

“Xin ông nói rõ hơn về vấn đề nội tại quốc gia không hòa giải với nhau được và yếu tố gia đình ạ?”

“Anh hãy nhìn vào vấn nạn phân biệt Nam – Bắc hiện nay, rồi nhìn vào mối mâu thuẫn giữa các nhóm lợi ích, nhìn vào cái lò của ông Trọng cháy bao nhiêu cũng không hết củi, nhìn vào lựa chọn của giới trẻ với đầy đủ sự hình thức, khoe mẽ và vô hồn của nó thì cũng nhận ra ít nhiều về vấn đề mâu thuẫn nội tại. Mà hầu hết, mọi người trẻ hay bất cứ người nào cũng đều bước ra từ gia đình, trong một gia đình tuy anh em ngoài mặt nói cười thơn thớt nhưng ngấm ngầm sự ganh tị, tham lam, dòm vào tài sản của nhau và câu chuyện tranh chấp đất đai, tài sản của cha mẹ để lại có thể nổ ra bất kì giờ nào thì khi ra đường, bất kì chuyện gì cũng có thể nổ thành cuộc chiến! Buồn là chỗ này. Và nguyên nhân do đâu? Đó là do nền giáo dục, một phần thôi nhá, phần còn lại là do sinh quyển chính trị. Trong một sinh quyển chính trị mà mọi giá trị sở hữu đều tạm bợ thì nó sẽ đến chỗ như vậy!”

“Xin ông bàn thêm về hai chữ ‘tạm bợ’ rất kỳ lạ này?”

“Nó tạm bợ bởi quyền sở hữu đất không có, các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo đều được nhìn dưới lăng kính của nhà lãnh đạo, nhà lãnh đạo bảo tự do rồi đó, thì nó thành tự do, những cái gì vượt ngoài tầm của lăng kính này đều bị qui chụp thành phản động, từ chỗ này con người không thấy được sự hằng cửu của đời sống, luôn trong trạng thái chụp giật. Và đáng sợ nhất là quyền sở hữu đất không có.”

“Quyền sở hữu đất không có thì liên quan gì đến cái gọi là tạm bợ cũng như không thể hòa hợp hòa giải thưa ông?”

“Vì mọi thứ không có giá trị lưu truyền, một khi bạn chỉ có một phần ba giá trị lưu truyền, bạn có thể bị ai đó nhân danh nhà nước, đại diện toàn dân đến cướp, thì cách hay nhất là bạn biến nó thành một món hàng trên thị trường, bạn nhồi giá để kiếm sống trên sự tạm bợ đó.”

Một phần ba quyền sở hữu

Tiếp tục câu chuyện với nhà thơ, tôi phải xoay sang vấn đề một phần ba quyền sở hữu và nó ảnh hưởng ra sao với đời sống xã hội Việt Nam hiện tại. Nhưng, để làm thay đổi không khí, nhà thơ lại giới thiệu một người bạn là luật sư, tên Tầm, hiện đang là luật sư khá uy tín ở miền Trung, ông Tầm chia sẻ, “Việt Nam chỉ có một phần ba quyền sở hữu đất thôi. Và đây là giềng mối của mọi trục trặc, nó khiến cho con người cảm thấy bị tạm bợ từ trứng nước.”

“Xin luật sư chia sẻ thêm về cái gọi là một phần ba quyền sở hữu đất đai cũng như hệ lụy của nó?”

“Quyền sở hữu là một khái niệm toàn diện nhằm chỉ những gì thuộc về một ai đó. Trong đó, nó phải đảm bảo ba thuộc tính căn bản, đó là Chiếm Đoạt, Định Đoạt và Sử Dụng. Phải có quyền chiếm đoạt, nó thuộc về bạn và bạn có toàn quyền định đoạt giá trị của nó cũng như có toàn quyền sử dụng nó, thì đó mới gọi là sở hữu. Với đất ở tại Việt Nam hiện nay, người cầm giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ được một quyền duy nhất là Sử Dụng Lâu Dài, còn nó vẫn thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Nghĩa là khi cần, nhà nước sẽ thu hồi đất, sẽ chiếm dụng và định đoạt nó. Đây là chuyện khốn nạn nhất cho người dân, bởi khi mua đất, người ta mua với giá hàng tỉ đồng để xây nhà, thế nhưng khi dính qui hoạch, nhà nước định đoạt giá trị, áp giá có vài chục triệu đồng hoặc vài trăm triệu đồng thì người dân từ chết tới bị thương.”

“Đây cũng có thể là những lỗ hổng pháp luật để các con cá mập xâu xé đất của dân phải không thưa luật sư?”

“Chính xác, điều này lý giải vì sao có những người giàu khủng khiếp, bước vào hàng tỉ phú đô la trong khi họ không làm ra được một sản phẩm nào cho ra hồn và việc đầu tư vào đất của họ thì rất thấp, họ bỏ một đồng mà thu đến hàng trăm đồng. Vì họ biết dựa vào cơ chế, nghĩa là họ mượn danh nhà nước, thổi những cánh đồng bạc màu (mà cái bạc màu này cũng do họ bày ra) thành đất ngàn tỉ và thu về túi một cách nhẹ nhàng. Mượn danh công trình nhà nước đến thu hồi, đền bù giải tỏa theo diện nhà nước và thu tiền về túi tư nhân là cách chơi của rất nhiều tay trùm đất đai tại Việt Nam, điều này dẫn đến tình trạng náo loạn thị trường và náo loạn xã hội.”

“Thổi những cánh đồng thành bạc màu nghĩa là sao thưa luật sư?”

“Nông dân Việt mình có cái rất tệ là bị bệnh than khổ, trông chờ vào sự cứu trợ, hỗ trợ của nhà nước cũng như các thành phần khác. Nông dân là chúa khóc, đương nhiên một phần do khổ cực, phần khác do di họa của thời gian nhận lúa công điểm, kinh tế nông nghiệp hợp tác xã và phần khác nữa là chẳng thể làm gì khác ngoài khóc. Chính vì vậy mà nông dân thì giỏi khóc. Biết tâm lý này, bọn cá mập cho người mớm, làm cho nông dân luôn than thở làm lúa thua lỗ, cho dù có huề vốn hay có lãi thì vẫn thua lỗ. Ở đây, thua lỗlàcái bẫy do bọn cá mập đặt ra.”

“Xin ông nói thêm về cái bẫy thua lỗ này?”

“Đánh vào tâm lý than khổ của nông dân, đám cò mồi cứ tới khích vào đó để nông dân than khổ trên đám ruộng, kêu ca thua lỗ. Đó là cái cớ để qui hoạch vì ruộng không có giá trị sản xuất, canh tác. Khi qui hoạch, đền bù giải tỏa thì lời than khổ thành con dao hai lưỡi với nông dân. Ruộng không canh tác được, đền bù thấp thôi, đó là cứu rồi! Kết quả là nông dân bị thiệt thòi muôn bề. Và cái thiệt thòi này sẽ tạo ra áp lực tâm lý xã hội, sự bất mãn, sự mất niềm tin và hơn hết là không thấy được sựổn định, chỉ thấy bất an. Đó là giềng mối của bất ổn xã hội. Một xã hội tự mâu thuẫn với nó thì khi xuất hiện thêm người khác, cụ thể là những người Việt hải ngoại, nó sẽ dẫn đến mối lo khác về tư lợi, về lợi ích chứ chẳng bao giờ hòa giải hay hòa hợp được!”

Câu chuyện đến đây tạm dừng, chỉ thấy rưng rức một nỗi buồn khó tả!

Leave a Reply