Bài THANH PHONG
Nhân dịp Memorial Day vừa qua chúng tôi được gia đình người con rể và 5 cháu ngoại mời đi du lịch qua tiểu bang Kentucky. Một tiểu bang nhỏ nhưng có một số di tích lịch sử nổi bật như Trường Đua Ngựa lớn nhất nước Mỹ; Mammoth Cave, một hang động kỳ bí, vĩ đại mà người yếu bóng vía chưa chắc dám đi và căn nhà; nơi sinh trưởng của Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ, ông Abraham Lincoln (Abraham Lincoln Birthplace), vị Tổng Thống vĩ đại của nước Mỹ. Ngoài ra còn một vài địa điểm khác. Trong bài này, trước hết, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc về chuyến đi, cuộc sống của người Việt tại Kentucky. Trong bài sau, chúng tôi sẽ tường trình về những địa điểm mà gia đình chúng tôi có dịp đến thăm.
Chuyến bay mang số hiệu NK890 của hãng hàng không Spirit cất cánh từ phi trường LAX (Los Angeles) vào lúc 8 giờ 38 phút sáng thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023, đưa gia đình chúng tôi gồm chín người bay qua tiểu bang Kentucky. Cả chín người không được ngồi cạnh nhau, tôi và vợ tôi một người ngồi bên dãy ghế bên phải, một người ngồi dãy ghế bên trái. Tôi ngồi ở giữa, bên trái một cô gái Mỹ trắng, bên phải một ông Mỹ to con. Các con, cháu tôi ngồi phía hàng ghế ở khoảng giữa máy bay.
Cô gái ngồi cạnh tôi mới bay được khoảng 20 phút cô gục đầu xuống khóc và liên tục lau nước mắt, tôi đoán gia đình cô vừa có chuyện buồn. Rất may, con tôi thấy phía dưới có ghế trống nên xin tiếp viên cho hai vợ chồng tôi xuống ngồi cạnh nhau (tôi tin có bàn tay Chúa cứu tôi). Vì sau khoảng một giờ bay tôi bắt đầu thấy choáng váng, tôi nói cho vợ tôi biết, sau đó tôi ngất đi không còn biết gì nữa!
Vợ tôi lay gọi mãi không thấy tôi trả lời nên gọi các con, cháu báo cho tiếp viên biết. Lúc tỉnh dậy tôi thấy các tiếp viên xúm lại quanh tôi, ngồi vào ghế vợ tôi là một phụ nữ, có lẽ là y tá hay bác sĩ , một tay cô bắt mạch và luôn miệng hỏi “You OK? You OK?” tôi gật đầu, các cô tiếp viên hỏi vợ tôi, trước khi lên máy bay tôi có uống thuốc gì không? Có ăn uống gì không? Có mang theo thuốc không?
Vợ tôi lấy hộp thuốc tôi mang theo, nhưng không có toa thuốc nên các người tiếp viên và y tá lắc đầu, không biết là những thuốc gì, rồi một cô tiếp viên lấy cho tôi chai nước táo, một hộp nhựa trong có hai miếng bánh biscuits, một miếng phomai, một miếng cheese bảo tôi ăn và uống. Dù tôi đã tỉnh nhưng các tiếp viên hàng không và y tá hay bác sĩ vẫn ngồi bên tôi khá lâu theo dõi.
Phải công nhận tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của các tiếp viên trên chuyến báy vừa kể thật tuyệt vời. Phần trên tôi hơi dài dòng về chỗ ngồi và nói “tôi tin có bàn tay Chúa cứu tôi) là vì nếu tôi không được đổi chỗ ngồi để ngồi bên cạnh vợ tôi thì hai người Mỹ ngồi bên cạnh tôi họ tưởng tôi ngủ không đánh thức và rồi hậu quả sẽ như thế nào?.
Chuyến bay gần đến phi trường Louisville lại có thêm một nữ hành khách phải cấp cứu, tiếp viên hàng không mang bình oxy cho bà thở và cứu cấp. Họ gọi điện thoại cho phi công (tôi nghĩ thế). Máy bay đáp xuống phi trường Louisville lúc 3 giờ 42 phút chiều (giờ Kentucky). Hành khách được yêu cầu ngồi yên trên máy bay chờ cho nhân viên cứu thương lên đưa bà bịnh nhân kia xuống trước. Một chiếc xe cứu thương đợi sẵn, đưa bà vào bệnh viện. Sau đó, tất cả hành khách mới được ra khỏi phi cơ.
Các cháu tôi đã mướn sẵn một căn nhà “vacation house” rộng rãi để tạm cư ngụ trong thời gian ở Kentucky. Trước khi đi, tôi cũng giấu không cho các con, cháu tôi biết tôi có cô giáo dạy tôi hồi năm lớp Nhất (cách nay 64 năm) là cô Hồ Thị Đậm đang cư ngụ tại Louisville. Nhưng khi đến thành phố này, tôi ngỏ ý muốn đến thăm cô giáo của mình nên các cháu mau mắn chở tới.
Trên đường đi chúng tôi quan sát thấy nhà cửa bên này xây cất rất đẹp, đa số xây bằng loại gạch thẻ đỏ (như gạch xây Nhà Thờ Đức Bà Saigon). Nhà cô giáo tôi cũng xây bằng loại gạch đó. Chúng tôi vào nhà thăm cô. Sau nhà cô trồng mấy loại rau thơm, xà lách và rau diếp cá. Phía trước cô trồng hoa. Cô ngỏ ý mời gia đình chúng tôi ở lại dùng cơm tối tại nhà cô Lệ, bạn thân của cô nhưng chúng tôi từ chối.

Nhân dịp này, tôi hỏi thăm cô về cuộc sống của người Việt bên này ra sao? Cô cho biết, cuộc sống ở đây rất êm đềm, yên tĩnh, nhà cửa rẻ, cô nói căn nhà như căn nhà của cô giá chỉ khoảng $300,000. Với căn nhà này tại khu Little Saigon, California giá phải khoảng $900,000. Việc làm rất dễ kiếm.
Sau hai ngày ăn đồ Mỹ, các cháu tôi chở đến con đường số 3 cách phi trường Louisville khoảng 5 phút lái xe. Tại đây có một ngôi chợ Việt Nam nhỏ như chơ Quang Minh trên đường Brookhurst, Little Saigon, trong chợ cũng có đủ các loại rau, quả , thịt, cá như ở Cali. Cạnh chợ có tiệm Phở, một nhà hàng Tàu và bên đối diện có nhà hàng “Vietnam Kitchen.”
Chúng tôi vào nhà hàng này ăn uống. Trong tiệm có một số thực khách người Mỹ trắng, Mỹ đen, trên tường có treo một số Bằng Khen của các cơ sở truyền thông địa phương, khen nhà hàng có nhiều món ăn ngon, sạch sẽ, tiếp đãi chu đáo.
Chủ nhà hàng là ông Lâm thấy chúng tôi vào, ông niềm nở tiếp đón, ông Lâm cho biết, ông là người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn nên ông thông thạo tiếng Việt. Trả lời các câu hỏi của chúng tôi, ông Lâm nói, ông mở nhà hàng này đã 30 năm, khách ăn đã quen nên họ trở lại ăn nhiều lần.
Là một Phật tử, ông mau mắn cho biết khu vực này có ba chùa: Chùa Từ Ân, Chùa Phước Hậu ở số 1122 Crisland Rd, Chùa Vạn Phật Đảnh (Buddha Blessed Temple ở số 7748, 3rd Street) là ngôi chùa lớn nhất mà gia đình ông thường tới lễ Phật; còn nhà thờ Công Giáo và Tin Lành thì rất nhiều. Đúng như lời ông nói, Nhà Thờ Công Giáo ở đây quá nhiều và nhà thờ nào cũng có ngọn tháp cao vút, kiến trúc giống nhau.
Thực đơn của tiệm Vietnam Kitchen chúng tôi đếm được 104 món mà giá cả cũng tương đối rẻ. Một tô phở tái gân $15, tô Bún Bò Huế $16.75, một dĩa Mì Xào $14.25, một dĩa cơm sườn nướng $13.50; một tô bún tôm thịt nướng chả giò $16.25. Ở đây có cả món Phở Tôm $15. Ông chủ tiệm chỉ vào chai tương ớt nói với chúng tôi “Ăn Phở phải có loại tương ớt này, nhưng ở bên này không kiếm ra nữa, chúng tôi đang lo thiếu nó thì không biết làm sao.”
Ăn uống xong chúng tôi chào tạm biệt ông chủ và nhận lại câu “Cám Ơn” rất nhiệt tình của ông và tất cả nhân viên nhà hàng.
Trên đường đi, một điểm đặc biệt khác ở California, là các đèn giao thông ở đây đều treo lủng lẳng bằng sợi dây điện căng từ cột này qua cột điện bên kia, mỗi lần gió lớn nó đu đưa như đưa võng. Kentucky có nhiều xa lộ như 64, 65, 264, 265… nhưng xe cộ thưa thớt so với California, vì thế mỗi xa lộ chúng tôi đi qua tối đa chỉ có 4 làn đường, tốc độ tối đa có chỗ cho phép 70 miles/ giờ. Đường xá sạch sẽ.
Trên xa lộ 65 từ phi trường Louisville đến khu Mammoth Cave xe chạy mất hơn hai giờ, hai bên đường hầu hết là rừng cây xanh, có lẽ ở đây hay mưa nên lá cây xanh mướt, thỉnh thoảng mới có một căn nhà ẩn sau bìa rừng.
Còn trên xa lộ 61 nhiều vườn trồng ngô (bắp) mới mọc cao chưa được nửa mét, lá bắp non xanh mướt. Một điều đặc biệt khác là những cột điện cũng như các bảng quảng cáo đều rất cao, cao gấp hai lần ở California; không biết ánh sáng có đủ chiếu xuống đường hay không?
Buổi chiều chúng tôi đi thăm khu buôn bán, các cửa hàng ăn uống của người địa phương, giá cả các mặt hàng như quần áo, dày dép tương đối đắt hơn Cali, ăn uống xong chúng tôi đi bộ trên cây cầu rất đẹp, sau đó về lại phòng trọ ngủ qua đêm, chờ sáng mai đi thăm những di tích lịch sử để sẽ tường trình tiếp cùng quý độc giả Viễn Đông trong số báo tới.