Bài PHÚC QUỲNH
Sáng nay, một lần nữa tôi lại nghĩ đến chuyện thay lá cờ Mỹ. Tấm vải màu đỏ-trắng-xanh mà tôi sắp treo trước nhà mừng Lễ Độc Lập July Fourth đã quá cũ, cắt may không được khéo, có nếp nhăn ở đường chỉ nối ở góc trên, mà tôi lại dùng ống nước màu trắng mua ở tiệm Home Depot làm lõi cờ, khoét hai cái lỗ gắn đinh ở dưới ống nước để xoắn nó vào thanh gỗ trước nhà. Ống nước còn in những ký hiệu gì đó chắc liên quan đến kích thước, mã số của nó. Trông là biết ngay cờ nhà làm, hơi rẻ.
Chúng tôi đã có lá cờ đó hơn 20 năm, nên có lẽ đã đến lúc mua một lá mới được may cắt chuyên nghiệp hơn, đẹp hơn, lớn hơn, có lõi cờ trên đỉnh đầu gắn một con chim ưng biểu tượng sự hùng mạnh, tự do tung cánh của nước Mỹ.
Vào mùa thu năm 2001, trong thời gian sau biến cố khủng bố ngày 11 tháng 9, chúng tôi cũng bàng hoàng, đau buồn, và tức giận như hàng triệu người Mỹ khác, khi thấy nước Mỹ bị tấn công ở New York, Washington, và Pennsylvania. Chúng tôi cũng muốn bày tỏ tinh thần đoàn kết không khuất phục trước cái ác, quyết tâm chống lại quân khủng bố, không phải bằng hận thù mà bằng tình người yêu thương nhau hơn, trân quý sự sống, biết nghĩ đến người khác, nên chúng tôi treo cờ trước nhà.
Thế nhưng lúc bấy giờ tìm được một lá cờ để treo không phải dễ, các tiệm đã bán hết sạch cờ, ngay cả tiệm bán hàng rẻ dưới $1 mà tìm một lá cờ nhỏ xíu bằng bàn tay cũng không ra. Ai cũng muốn có một lá cờ Mỹ để thể hiện lòng yêu nước, bày tỏ tinh thần đó trước nhà, trên xe, trên chiếc áo mặc ra đường. Mọi người đã bất mãn trước hành động khủng bố bằng máy bay của nhóm al-Qaeda, giết gần ba ngàn người vô tội.
Nhiều người Mỹ, và cả người Việt ở khu phố Little Saigon đây, đã mua vải để may cờ tặng mọi người. Qua một người quen, chúng tôi may mắn nhận được một lá cờ lớn bằng chiếc áo gối do ai đó may ở nhà để truyền đi thông điệp bất khuất của những người yêu chuộng tự do.
Ngày đó có được một lá cờ để treo là quý vô cùng, không cần biết đẹp hay xấu, miễn có cờ màu đỏ-trắng-xanh bay trước nhà. Cờ tặng free nên không có sẵn thanh cây để cắm, khiến tôi phải tận dụng tài năng… làm vườn của mình. Nhờ đang sửa dàn tưới cây ngoài sân, tôi nghĩ ra cách dùng ống nhựa trắng luồn vào phần lõi của lá cờ; ống rộng nửa inch dài một thước, vừa y, màu trắng cũng hợp, trừ mấy chữ in màu đen chiếm một phần ba chiều dài, thôi kệ, tinh thần là quan trọng.
Thời khủng hoảng đó, trong lúc chính quyền cần soạn thêm luật để bảo vệ đất nước, đưa ra những biện pháp chặt chẽ hơn để kiểm soát sự di chuyển của người dân ở phi trường, mọi người phải chấp nhận một lối sống mới khi mà sự đi lại không còn dễ dãi như trước, luôn nghi ngờ, lo lắng mỗi khi gia nhập đám đông, thì về phần mình, tôi hài lòng với lá cờ treo trước nhà, rất hãnh diện với sự đóng góp của bản thân.
Suốt mấy tháng trời, mỗi khi mở cửa đi làm hoặc trở về nhà, thấy lá cờ là tôi nhớ tới những anh lính trẻ cỡ tuổi con tôi đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ đất nước ở đâu đó, tại Trung Đông, Nhật Bổn, Alaska, hay ở ngay tiểu bang California đây. Nhờ họ mà tôi được sống tương đối yên ổn, chỉ lo đi làm kiếm tiền trả bill, rảnh rang thì… tỉa cây, tưới lá.
Lá cờ mà tôi nhận được vào mùa thu năm 2001 đó đã được treo trước nhà đều đặn mỗi năm, nhân Ngày Độc Lập, Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong, Ngày Cựu Chiến Binh chẳng hạn. Suốt 22 năm từ đó đến nay.
Thật ra thì màu cờ Hoa Kỳ đã gắn liền với tôi từ năm 1975, gần gũi hơn nữa là vào năm 1976. Tôi may mắn thoát khỏi Việt Nam đúng ngày quân cộng sản miền Bắc chiếm miền Nam cuối tháng Tư 1975. Rời trại tỵ nạn, tôi được đi học với các bạn Mỹ từ mùa thu năm 1975 ở Pennsylvania. Từ đầu năm 1976, nhà trường cũng như trong xã hội, truyền thông Hoa Kỳ đã có nhiều chương trình nhắc tới kỷ niệm 200 năm lập quốc 1776-1976. Trong lớp “home class,” ông thầy của tôi trông tuy cù lần, đeo kiếng cận, thân hình mập tròn, tưởng ông khó chịu nhưng lại luôn có nụ cười thân ái, cử chỉ hòa nhã, và một tinh thần yêu nước mãnh liệt. Không rõ vì năm 1976 đó là năm đặc biệt, hay năm nào cũng vậy đối với ông, mỗi ngày, trước khi buổi học bắt đầu, ông luôn dành chừng năm phút để nhắc nhở đám học trò về những lý tưởng cao cả của nước Mỹ: tinh thần tự do, bao dung, trợ giúp kẻ yếu, thẳng thắn, chấp nhận ý kiến của đa số, tôn trọng chủng tộc, tôn giáo của người khác, vân vân, coi đó là bổn phận của mỗi công dân.
Vào thứ Hai đầu tuần, ông thầy (Mr. Reiter, tôi còn nhớ) có thông lệ rút trong ngăn kéo một lá cờ nho nhỏ, lớn hơn một bàn tay, và chọn một học sinh làm nhiệm vụ mang lá cờ đó cắm vào nơi dành riêng cho quốc kỳ ở góc phòng trước lớp, đến thứ Sáu thì ông rút cờ cất đi, đầu tuần sau lập lại thông lệ của ông. Đến hôm tôi được chọn, ông nhìn theo tôi bước chầm chậm, trịnh trọng cầm cờ với cả hai bàn tay, không đi lưng tưng hay loắng thoắng như mấy em Mỹ hồn nhiên cắm lá cờ cái phịch vào lỗ. Cắm xong tôi quay lại, ngượng ngùng khi thấy Mr. Reiter nhìn tôi một cách trìu mến, mũi ông đỏ lên như cảm động, trong khi các bạn học của tôi thì mỗi đứa lo làm chuyện riêng ở bàn cá nhân, miễn không nói chuyện ồn ào. Không chỉ là học trò di dân duy nhất trong lớp, tôi cũng là đứa học sinh da vàng đơn độc giữa đám trẻ gồm đa số da trắng, với sáu, bảy đứa da đen, em nào cũng mặc áo quần sạch sẽ, tươm tất, mang màu sắc thời trang, chỉ có tôi còn mang theo thói quen áo trắng quần xanh từ quê Nha Trang. Tôi cũng là đứa ốm nhất, rạm nắng nhất, nhỏ con nhất, chỉ cao tới nách của đám bạn.
Mà cũng có lẽ nhờ là học trò di dân nên tôi được ông thầy ưu ái, tôi đoán vậy. Mùa xuân năm đó trường có thi đua sáng tác nhân dịp kỷ niệm 200 năm của nước Mỹ. Ông thầy tìm mọi cách cho các “con” của ông tham dự. Đứa thì ông khuyên nên viết văn, đứa thì ông cho mấy vật liệu để nắn thành hình Chuông Tự Do, còn tôi, ông giải thích hoài mà tôi vẫn cứ ngớ ra, vì tiếng Anh tiếng… em còn yếu quá. Cuối cùng ông chỉ tay về hướng lá cờ trong góc phòng, rồi đưa cho tôi một tờ giấy trắng khá dầy, ra hiệu cho tôi vẽ lá cờ để tham dự cuộc thi như các bạn. Ông nói “Yes, yes?” hai, ba lần để hỏi ý tôi, rồi vui mừng khi nghe tôi đáp lại “Yes, yes!”
Nhớ lại hồi tiểu học ở Nha Trang tôi cũng từng vẽ lá cờ vàng ba sọc đỏ, màu quen thuộc của tuổi thơ, màu cờ phủ trên quan tài của cha tôi thời nội chiến, được cô giáo khen, nên tôi cặm cụi vẽ lá cờ Mỹ, cố gắng làm sao cho nó cũng tung bay phất phới hướng lên cao, có đủ bảy sọc đỏ, sáu sọc trắng, với khung xanh đầy đủ năm-mươi ngôi sao trắng, không thiếu cái nào. Cuối buổi học hôm đó, ông thầy vui lên khi thấy tôi nộp bài như mấy học sinh khác. Vài tuần sau ông vui mừng thông báo “lớp mình” có người trúng một giải thưởng. Đó chính là lá cờ tôi vẽ, được hạng nhì.
Tôi thấy mình vẽ đâu có gì hay đâu (giờ cũng vậy, có lẽ còn tệ hơn trước), mà Thầy Reiter cứ nhắc đi nhắc lại cái giải thưởng đó với cả lớp suốt mấy ngày. Tôi không hiểu thầy nói gì với đám học trò, chỉ biết được mấy chữ “người tỵ nạn Việt Nam” mà tôi đã nghe quen trong trại tỵ nạn từ Phi Luật Tân đến Fort Indiantown Gap ở Pennsylvania. Sau này tôi nghiệm ra, vẽ đẹp không chắc là điểm ông thầy muốn nhắc nhở đám bạn mới quen của tôi (“thằng” Rodney da đen cao lớn dạy tôi cách chụp banh football sao cho không bị “lủng” ngực, “thằng” Daniel da trắng thuộc hạng cù lần nerdy như tôi dạy tôi cách cưa gỗ trong giờ “shop” để làm một món nghệ thuật treo trên tường). Có lẽ ông muốn nói đến sự may mắn của đám “con” của ông được sống trong một đất nước yêu chuộng tự do, yêu quý mạng sống con người, không dùng bạo lực để giải quyết bất đồng ý kiến. Ông không muốn chúng xem sự tự do là chuyện đương nhiên, ở xứ nào cũng có sẵn, không phải vậy đâu.
Còn tôi, lá cờ đó đã giúp tôi giảm bớt sự tổn thương tự đáy lòng trong những ngày còn đến lớp ở Pennsylvania. Làm sao không đau khi biết lá cờ vàng từ quê hương giờ chỉ là một kỷ niệm? một kỷ niệm đẹp, bi tráng nhưng đã thuộc về quá khứ. Tôi thuộc thế hệ cuối cùng từng sống với màu cờ vàng ba sọc đỏ trên quê hương của mình. Việt Nam bây giờ nằm trong tay những thế hệ khác, những người của cờ đỏ. Họ nói màu đỏ tượng trưng cho tinh thần cách mạng, sao vàng ở giữa là dân tộc, và năm cạnh của ngôi sao là năm tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng. Họ nói thì nói vậy, còn mỗi người nhìn thấy lá cờ như thế nào thì tùy kinh nghiệm bản thân. Ấn tượng về cờ cộng sản là sự tranh đấu – nói một cách hoa mỹ, còn nói dễ hiểu hơn là sự giành giật quyền lợi – như loài thú. Tôi ở xứ tự do nên có quyền nói lên ý kiến của mình về lá cờ ở bên kia bờ đại dương: màu đỏ là màu của máu, màu của chủ nghĩa quốc tế được vay mượn để nhuộm máu của dân tộc da vàng bị bao vây ở giữa, sự hy sinh của các tầng lớp nhân dân đã bị lợi dụng, bóc lột để củng cố quyền lực cho một đảng độc quyền cai trị.
Còn màu cờ Mỹ mang ý nghĩa gì? Họ nói bảy dòng sọc đỏ mang ý nghĩa dũng cảm và cương quyết; sáu dòng trắng là sự thanh khiết, trong sáng; và xanh dương là biểu tượng cho sự cảnh giác, kiên trì và công lý. Gẫm xem những lý tưởng đó có đúng với tinh thần của nước Mỹ không? Đó có phải là những lý tưởng cho nhân loại không?
Một lá cờ với những lý tưởng như vậy đã đến với chúng tôi trong những ngày hoạn nạn, hoang mang nhất của nước Mỹ, được tô đậm thêm với tinh thần đoàn kết, yêu thương, trân quý sự sống chống lại cái ác. Một lần nữa tôi đổi ý, muốn giữ lại lá cờ đã treo trước nhà hơn hai-mươi năm dù nó đã cũ, giữ lại những gì mà tôi tin là quý nhất đối với những ai thật sự yêu chuộng tự do, yêu thương con người.
