Bài NGUYÊN QUANG
Chuyện hiệu trưởng trường huyện, trường xã đi xe hơi vài tỉ, vài chục tỉ đồng, chiều chiều chơi golf, chơi tennis, ăn nhà hàng hạng sang và ở biệt thự mà bên trong biệt thự ấy chứa toàn đồ gỗ cao cấp, có giá hàng tỉ đồng không còn xa lạ gì ở Việt Nam. Vậy nhưng, có không ít những học trò miền núi phải bắt ve sầu để xào, nướng mà ăn với cơm, phải hái rau rừng, may mắn thì hái được lá gừng non để xào mà ăn với cơm. Chuyện chảy nước mắt xảy ra nhan nhản, hằng ngày, khắp ngõ ngách, thế nhưng nước mắt người nghèo luôn chảy tràn tỉ lệ với rượu bia hạng sang của giới chức.
Ăn tán tận lương tâm
Đó là lời nhận xét đầy cay đắng của một giáo viên tên Bình, đã về hưu non sau nhiều năm xin nghỉ việc mà bị từ chối, bởi theo thầy Bình thì, “Dạy bây giờ, nghỉ càng sớm thì càng có hi vọng sống thọ thêm vài năm!”
“Dạ, thầy nói như vậy có phải là tình hình chung của toàn ngành hay cá biệt?”
“Không, đây là trường hợp cá biệt, nếu không muốn nói là của riêng mình tôi cùng với một vài người gặp tâm lý như tôi thôi. Bởi bây giờ, nghề nhà giáo kiếm ăn tốt quá, dễ gì người ta chịu buông cơ chứ!”
“Kiếm ăn dễ quá? Như vậy nghĩa là sao thưa thầy?”
“Thì lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ, có từ thứ chi mô! Làm hiệu trưởng thì ăn từ tiền xây dựng nhà trường cho đến các quĩ, trong đó có cả quĩ của cha mẹ học sinh họ cũng thò tay vào khoắn, trước đây có thông tư 55 của Bộ Giáo Dục cấm họ đụng tới tiền quĩ lớp, nhưng họ vẫn đụng, mãi gần mười năm sau khi thông tư 55 ban hành thì mới có chuyện giảm bớt nhúng tay vào. Nhưng chừng đó ăn thua gì, chỉ riêng chuyện cho học sinh thuê lại chính cái ghế của các em để nghỉ trưa cũng đã thu tiền tỉ hằng tháng. Ăn kiểu đó thì làm sao họ buông tha được!”
“Riêng hiệu trưởng thì có rất nhiều khoản để chấm mút, nhưng giáo viên thì sao?”
“Hiệu trưởng gặm cục bự, cục xương có nạc, còn giáo viên cũng còn tí gân, tí da dính trên cục xương ấy, không đáng kể. Nhưng đâu phải lúc nào cũng cầm cục xương chính sách mà gặm, người ta tự biết mua cả một con về mà lấy xương ấy chứ, học trò chính là cục xương còn nạc, thậm chí là con thịt của những giáo viên biết khai thác tiền bạc từ cha mẹ học sinh. Một mặt ép điểm, mặt khác phàn nàn với cha mẹ học sinh, mặt khác nữa lại mở lớp dạy kèm, dạy thêm… Tiền, nhà cửa, xe cộ từ đó mà ra chứ từ đâu! Đó là chưa nói đến những khoản khác, từ chạy điểm cho cán bộ, rồi dạy kèm cho các ông bà tại chức, nghề nhà giáo cũng có một ngàn lẻ một thứ để ăn, để liếm mép nếu như nhà giáo chỉ cần nghĩ tới tiền. Thời buổi bây giờ, suy cho cùng, người chịu thiệt cuối cùng và nặng nề nhất vẫn là người lao động có con đang đi học!”
“Theo thầy, người chịu thiệt cuối cùng là người lao động có con đi học, vậy đâu sẽ là người chịu thiệt đầu tiên, rồi chịu thiệt ở giữa, gần cuối…?”
“Ờ, thì người chịu thiệt đầu tiên phải kể đến chính người đã làm cho người khác bị thiệt. Bởi vì anh thiệt, anh phải lấy lại, và lấy có lãi, nên người khác lại thiệt hơn. Ngành sư phạm là ngành được nhà nước ưu tiên học không tốn tiền, không phải nộp bất kì đồng học phí nào, thế nhưng học xong ra ngồi ngáp gió chứ đâu dễ chi có chỗ mà đi dạy. Phải bỏ ra rất nhiều thứ, từ tiền bạc cho đến công đi lại, mối quan hệ, thậm chí nhiều khi phải hối lộ cả tình dục để vào được biên chế, chuyện này xảy ra nhan nhản, do cơ chế mà nên, nó tuy giấu trong bóng tối nhưng cái cơ chế quản lý giáo dục hiện tại lại là thứ đại dịch, thứ hang ổ để cho loài sâu bọ tham nhũng và hối lộ, tội lỗi sinh nở tốt nhất. Chính vì phải trả giá ngay từ đầu nên người ta lấy lại, nhắm mắt nhắm mũi mà lấy. Thế mới là khốn nạn!”
“Xin lỗi thầy trước khi hỏi câu này! Thế thầy có từng trả giá hoặc làm cho người khác phải trả giá một lần nào đó trong quá trình dạy học?”
“Nguyên tắc của mình nó khác người, thế nên mình mới xin về hưu sớm. Mình không chịu nổi cảnh vặn vẹo học trò để lấy tiền. Mà anh biết rồi đấy, việc học hành, bao giờ cha mẹ cũng hi sinh cho con cái nhiều thứ, hi sinh để cầu tương lai cho con khá hơn, hi sinh để con khỏi khổ như mình, hi sinh để con khỏi dốt giống mình… Có một ngàn lẻ một lý do để cha mẹ hi sinh cho con. Ngay trong thời điểm bây giờ, nếu Việt Nam có một nền giáo dục tốt, thì sự hi sinh của cha mẹ dành cho con sẽ nhanh chóng làm cho đất nước quật cường. Rất tiếc là hiện tại, mọi thứ lộn xộn quá!”
Ước mơ nhỏ nhoi từ núi rừng
Trên đây là tâm sự của một thầy giáo về hưu, vị thầy này thỉnh thoảng có tổ chức các chuyến hàng tình thương ngược lên miền thượng để tặng học sinh miền núi. Và trong một lần gần đây nhất, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với học sinh miền núi khi đi cùng với thầy, gặp những học sinh người Vân Kiều ở Khe Sanh, Hướng Hóa – Quảng Trị, một cháu bé tên Diếc, chia sẻ, “Tụi cháu chỉ ước mơ có cơm ngày ba bữa để đi học, nhưng dễ gì!”
“Vì sao lại khó có cơm ngày ba bữa, cháu có thể chia sẻ với chú không?”
“Vì muốn cơm ngày ba bữa nhà phải giàu, mà ở đây nhà cháu nghèo, không có cơm ăn mùa giáp hạt nữa cơ, lấy đâu ra ba bữa!”
“Nếu có cơm ngày ba bữa, cháu sẽ học tới lớp mấy?”
“Cháu ước mơ mình học tới đại học, hiện tại không có cơm ba bữa nhưng cháu vẫn ước mơ học tới đại học, cháu ước mơ làm bác sĩ hoặc y tá để giúp bà con, chữa bệnh cho ba mẹ cháu…”
“Ba mẹ cháu năm nay bao nhiêu tuổi? Nhà cháu đông anh chị em không?”
“Dạ ba mẹ cháu năm nay bốn mươi tuổi, nhà cháu có bốn anh chị em, đứa nào cũng siêng học hết nhưng chị Hai của cháu đã nghỉ học vì ba mẹ bảo thôi chị nghỉ cho mấy đứa cháu học chứ ba mẹ nuôi không nổi cả bốn đứa, giờ tụi cháu học không giống như thời ba mẹ cháu đâu, hồi đó học sướng hơn!”
“Nghĩa là sao, chú không hiểu?”
“Ba mẹ kể là hồi xưa ba mẹ đi học được nhà nước nuôi cơm ăn học, giờ tụi cháu được bữa cơm trưa nhưng khó nuốt lắm, hầu hết tụi cháu phải mang theo thức ăn như măng rừng, rau rừng, bữa nào trúng mánh thì được ong, ve”
“Ong, ve, tụi cháu chế biến kiểu gì?”
“Thì tụi cháu xào thôi, cho một chút mắm vào là có bữa ăn bổ dưỡng. Nhưng ong, ve hay nhái bây giờ cũng hiếm gặp rồi, người ta bắt bán cho quán nhậu hết. Hồi ba mẹ cháu đi học là cứ ưa ở lại lớp, vì ở lại lớp thì năm sau được học sinh giỏi tiếp, được thưởng. Còn tụi cháu thì mong sao học cho nhanh hết chương trình mà thi vào đại học. Nhưng nói vậy thôi chứ vào đại học thì lấy tiền đâu mà học. Ước mơ cho vui vậy thôi, cơm còn không đủ ăn thì mơ chi cho cao vời!”
“Năm nay cháu học lớp mấy?”
“Dạ cháu học lớp chín (chúng tôi nhìn cứ tưởng cháu là học sinh lớp năm – TG), còn mấy năm nữa là thi đại học rồi, mọi thứ cứ qua vèo vèo, mà ba mẹ cháu nghèo lắm, có cố làm cũng không khá lên nổi, đâu phải cứ muốn giàu là làm nhiều mà giàu được đâu, số phận hết chú ơi!”
“Cháu cũng không nên bi quan, bởi có nhiều khi, sau một cơ hội nào đó ghé đến, mọi thứ thay đổi không ngờ cháu ạ. Nhưng căn bản mình phải giữ vững niềm tin và quyết tâm, đến khi cơ hội tới thì mình mới đủ sức mà tiếp nó!”
“Dạ, cháu cảm ơn chú! Hồi chú đi học có khổ không?”
“Có chứ cháu, chú cũng là người Việt Nam giống như cháu thôi, cũng cơm bữa đói bữa no khi đi học, rồi học xong ra trường chẳng biết đời về đâu, mọi thứ cơ hội thường rất ít ghé những nhà nghèo, nó chỉ ghé nhà nào nghèo mà thật quyết tâm cơ!”
“Chú nói vậy thì cháu tin rằng một ngày nào đó cháu sẽ thay đổi cuộc đời!”
“Đúng rồi, cháu phải tin như vậy, có khổ cỡ nào cũng quyết tâm mà bám lấy sự học, chỉ có con chữ mới cứu rỗi được đời mình! Giờ chú hỏi thêm cháu câu này, giả sử chú là ông bụt, ví dụ thôi nha! Thì cháu nhắm mắt và ước điều gì?”
“Cháu sẽ ước mình có một bộ áo quần mới, một chiếc cặp mới, một cuốn sách mới và có một ổ bánh mì thịt thì càng ngon!”
“Vậy thì cháu mở mắt ra đi, cháu sẽ có mấy món này, chú mới nhờ ông bụt giúp cháu rồi!”
Câu chuyện còn dài lắm, hầu hết là những câu hỏi của bé Diếc hỏi tôi, và trong mọi câu hỏi của bé, dường như hàm chứa một câu hỏi rất lớn mà cháu không dám nói thẳng với tôi, đó là, “Tại sao người ta tham lam quá vậy chú? Tại sao bữa ăn trưa của tụi cháu bị xén bớt? Tại sao người ta xén lát thịt của tụi cháu để uống bia?”
Những câu hỏi như vậy cứ đau đáu trong lòng những đứa trẻ ngoan hiền và chăm học nơi núi rừng cô tịch. Những câu hỏi như vậy cứ như một vết thương hằn sâu trên nền giáo dục Việt Nam bây giờ!