Mối nguy từ các hội, nhóm

Bài NGUYÊN QUANG

Sau ba năm dịch giã nói riêng, và sau nhiều năm sống trong nền giáo dục có nhiều bất cập, sống trong nền chính trị tham nhũng và độc đoán đầy rẫy nói chung, dường như con người đã trở nên chai sạn, tâm hồn trở nên trơ lì và thách thức, bất chấp để có được thứ mà lòng ham muốn đã ngửi ra. Các hội, nhóm ở Việt Nam, cho dù đó là hội nhóm chính trị, kinh tế hay tội phạm đều có những đặc tính bất lợi cho cộng đồng, đó là Tham Vọng cá nhân đã lấn át mọi thứ.

Từ các hội, nhóm chính trị

Tôi từng làm phim và gắn bó rất lâu với những người dân Hà Tĩnh, đặc biệt là một số giáo xứ, giáo họ gần bờ biển Kỳ Anh, không ngoại trừ giáo xứ Đông Yên, việc tiếp xúc với họ cho tôi cảm giác rất lạ, ngay trong lúc dầu sôi lửa bỏng do cưỡng chế giáo xứ Đông Yên và ngay trong lúc biển chết, người dân biểu tình, đều có gì đó bất thường, mà sau này, một vị cha xứ mà tôi không tiện nêu tên, đã chia sẻ, “Hầu hết các hội, nhóm chính trị và tôn giáo đều có hình thái xôi đậu và có vẻ như mục tiêu của họ còn ghê gớm hơn cả mục tiêu của người cầm quyền.”

“Điều đó nghĩa là sao thưa cha?”

“Có lẽ anh từng chứng kiến những người gọi là đấu tranh, biểu tình chống xả thải ra biển, họ là những người nhiệt tình đấy, nhưng tôi rất tiếc rằng lòng nhiệt tình của họ cũng có lắm vấn đề. Bởi người Việt mình có một đặc tính là hăng hái như thể một chiếc bong bóng được thổi phồng, khi nó căng, nó rất nẩy, nhưng nó lại lăn lung tung và cuối cùng nó bị xì do gai đâm hoặc nó bị nổ, banh xác, đó là sự thật!”

“Xin cha diễn giải rộng hơn một chút và cụ thể hơn được không ạ?”

“Tôi đã hỏi những người tham gia biểu tình vì biển chết, họ tuyên bố rất hùng hồn, rằng họ sẽ đấu tranh đến bao giờ người Trung Quốc trả biển sạch lại cho Việt Nam mới thôi, nhịn đói đi biểu tình, chịu cực khổ, chịu hà khắc từ nhà cầm quyền, họ sẵn sàng. Thế nhưng anh biết không, chưa đầy tuần sau thì mọi sự tắt ngúm, không chỉ do chính quyền đàn áp, mà lúc đó chính quyền vẫn còn lưỡng lự, chưa có trấn áp đâu, thậm chí họ chỉ dàn trận. Nhưng vì nguồn cung cấp bị cắt đứt, ngày công đi biểu tình chưa giải quyết do người đó gặp trục trặc, vậy là tắt, chính quyền mới nhân đó mà làm mạnh tay để dập luôn.”

“Nhưng thưa cha, như vậy là do những người đi biểu tình họ không thật tâm khi nói với cha mới đúng chứ?”

“Thực ra, người dân, nhất là người dân Việt Nam mình, chẳng mấy ai quan tâm đến chính trị đâu, dân trí thấp, văn hóa thấp, kinh tế thấp, chỉ ba cái đó thấp thôi cũng đủ kéo đất nước tụt hậu cả trăm năm, thậm chí vài trăm năm. Thế nhưng những người gọi là mở mắt cho dân, những nhà hoạt động dân chủ, thì có bao nhiêu phần trăm thật, bao nhiêu phần trăm giả, đây lại là cả một vấn đề, nó thuộc về tham vọng hay lý tưởng, mà hầu hết là tham vọng, thời bây giờ tìm người lý tưởng khó lắm!”

“Xin cha nói thêm về cái gọi là tham vọng và lý tưởng ạ?”

“Nếu vì lý tưởng, người ta sẽ không nề hà gian khổ, sẽ lăn lộn và chịu mọi thứ thử thách, thậm chí chịu các khổ nạn để đi đến mục đích cao cả. Nhưng tôi quan sát, những người có lý tưởng họ thận trọng và thậm chí họ cô đơn trong tiến trình nhân loại, còn những kẻ có tham vọng thì kèm theo tính cơ hội, họ dùng một hệ thống trần ngôn sáo ngữ để ma mị cuộc đời, đến khi đạt được mục đích thì trở cờ. Mà có khi họ trở cờ khi chưa đạt mục đích kia chứ. Ví dụ như vụ biểu tình, họ đứng sau điều khiển, họ cho tiền cho dân đi biểu tình. Mà số tiền họ lên “dự án” là mỗi người năm trăm ngàn đồng (hơn $20 Mỹ kim) một ngày nhưng họ chỉ đưa có hai trăm rưỡi ngàn đồng mỗi ngày/người, đó là chưa nói tới chuyện có người được trả, có người không được trả. Rất khó nói, chuyện cắt xén, tham nhũng diễn ra ngay trong cái mà người ta đặt hi vọng nhiều nhất. Nên mọi thứ sẽ chẳng đi tới đâu được. Và vô hình trung, các tổ chức chính trị kia trở thành cái gì đó không đáng tin cậy. Có rất nhiều nhân vật từng là ngôi sao trong giới đấu tranh, thế rồi khi mọi chuyện vỡ lẽ, mới thấy họ không phải như vậy. Đó là chưa nói đến thành phần hai mang, như vậy thì nhìn chung, các tổ chức ấy ra đời càng thêm rối rắm chứ chẳng lợi ích gì!”

“Như vậy, cha có nghĩ rằng tiến trình dân chủ và tiến bộ của Việt Nam còn xa vời?”

“Tôi không dám nói là còn xa vời nhưng chắc chắn, tôi nói rằng nó không gần như chúng ta vẫn tưởng!”

Các tổ chức mới nhất

Đó là các tổ chức, các hội, đoàn không liên quan gì đến chính trị nhưng lại có cách huy động, vận động và tập hợp mang dáng dấp rất ư chính trị, kỳ thực, đó là các tổ chức xã hội đen. Như lời của ông Trịnh Bình, một người có thâm niên ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà và vào ra tù như cơm bữa kể từ ngày các băng cướp ở Đà Nẵng bị Hùng SBC cùng đội của anh ta truy lùng (Hùng SBC tức Hùng săn bắt cướp vốn dĩ là một tay công an khét tiếng giỏi võ và chuyên bắt cướp ở Đà Nẵng những năm 1980, sau này Hùng SBC bị một tay võ sĩ trẻ hạ đo ván và Hùng rút lui khỏi ngành, sống ẩn dật), chia sẻ, “Tôi vào nhóm, vào hội rồi lại ra khỏi nhóm, khỏi hội ít nhất cũng đôi chục lần, đương nhiên nhóm và hội xã hội đen thôi, nhưng chả có cái hội nào mà nghĩa khí như chuyện giang hồ ngày xưa đâu!”

“Xin ông tiết lộ thêm tí chút về cái gọi là không nghĩa khí?”

“Chuyện đó nó dài dòng lắm, nói tới mai chưa hết, giờ tôi cũng chẳng tham gia nữa và ngồi quan sát thôi, thấy mọi thứ nó cũng còn tệ hơn chứ chẳng có tốt hơn đâu!”

“Nghĩa là sao thưa ông?”

“Nghĩa là thời bây giờ, người ta không còn nghĩa khí nữa, thậm chí mỗi thanh niên đều là một ẩn số du côn, nhìn đàng hoàng vậy chứ không chừng du côn, hung hãn bất kì giờ nào, dường như cái sự học của họ nó có bạo lực từ bài học, từ nhà trường hay sao ấy. Nên có cơ hội, có dịp là họ hầm hố, kết bè kết đảng ngay, như mấy vụ gần đây, thấy mà ớn lạnh, mệt mỏi!”

“Mấy vụ gần đây là mấy vụ nào thưa ông?”

“Vụ gần đây nhất là có ba thanh niên ở ba tỉnh khác nhau, hẹn nhau trên mạng xã hội đi cướp, họ thành lập cái hội gọi là “hội cùng đường làm liều,” sau đó cùng vào miền Nam và tổ chức cướp. Qua mạng xã hội, các hội nhóm mọc ra nhiều lắm. Mà nó trông rất buồn cười, có nhiều người làm ăn cũng khá lắm, đùng cái thấy cùng đường làm liều. Nhưng đó là thành phần không có quyền lực, chứ thành phần có quyền lực mệt mỏi lắm!”

“Thành phần có quyền lực, cụ thể là thành phần nào thưa ông?”

“Đó là thành phần công chức, quan chức. Tôi nói với anh là giới công chức bây giờ họ sống liều lĩnh lắm, họ mượn cái danh mình là công chức, họ nói ra nghe đàng hoàng lắm, uy tín lắm, thế rồi kết bè kết nhóm, toa rập để lừa dân từ tiền bạc đến đất đai, thậm chí nhân danh công vụ mà cướp trắng của dân nữa kia!”

“Xin ông cho một vài ví dụ được không ạ?”

“Ui, gần đây nhất là vụ Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc công an Hải Phòng, lẽ nào anh không biết vụ này! Thì cái dạng có quyền trong tay, thiết lập những hội nhóm xã hội đen phía sau lưng để làm việc mờ ám thì đầy rẫy ra đó, Ca chỉ là một chấm nhỏ trên cái chỏm nổi của tảng băng trôi mà thôi, chứ nơi nào mà chẳng có Đỗ Hữu Ca. Anh cứ nghĩ đi, cỡ cán bộ xã, nói xin lỗi chứ đó là thành phần bám lâu mà lên chứ chẳng có tài năng hay năng lực, bằng cấp gì, giỏi lắm thì bằng cấp chạy chọt, loại bằng này là thứ ô dù che cho tội ác. Và khi tội ác chúng đủ mạnh thì liên kết với nhau thành phe cánh, hội nhóm. Bây giờ thì các nhóm, hội trong hay ngoài đảng đều na ná nhau về bản chất”

“Một lần nữa xin ông nói rõ hơn về bản chất của các nhóm trong và ngoài đảng?”

“Các nhóm ngoài đảng thì chúng ta đều thấy rồi đó, từ các nhóm hoạt động chính trị cho đến các nhóm xã hội đen, rồi một số nhóm tôn giáo, dường như mục đích cuối cùng của họ là tự do, nhưng mục tiêu trước mắt là tự do cho họ trước, chính vì vậy mà mục tiêu ra nước ngoài của họ rất là cao, nghĩa là sau cuộc tị nạn chính trị, tị nạn giáo dục bằng thuyền nhân, bằng cách này cách khác thì có thêm tị nạn dân chủ, tị nạn tôn giáo. Và các nhóm trong đảng thì thấy rồi đó, đầy rẫy, họ có quyền, có cái để nhân danh, dạng như Đỗ Hữu Ca chắc không ít đâu, mà độ khôn ranh cũng ghê gớm lắm.”

“Như vậy mọi thứ loạn cả lên, chán nhỉ!”

“Thực ra, những người lành mạnh không phải ít, rất tiếc là bọn bệnh hoạn lại manh động quá!”

Câu chuyện dừng ở đây, vì có kéo dài thêm, chỉ khiến người ta thấy chán và mất hết cả hứng thú khi nói về hiện trạng quê hương.

Leave a Reply