Chuyện vượt biên thời nay

Bài NGUYÊN QUANG

Vượt biên, tị nạn chính trị, tị nạn giáo dục, tị nạn văn hóa… đó là những khái niệm dành cho vượt biên hạng sang. Và con số này chiếm phần không nhỏ trong xã hội Việt Nam, nghiệt nỗi, nó thuộc về giới nhà giàu gồm cán bộ và chân rết trong các nhóm lợi ích. Một số đông còn lại chọn vượt biển, ngay lúc này, sau đại dịch kinh hoàng và chết chóc có tên cúm Vũ Hán, những người Việt lại vượt biển, con số vượt biển lớn vô cùng so với con số vượt biên hạng sang vừa kể trên.

Vượt biển thời nay

Dũng, một người dân sống ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, chia sẻ, “Nếu con em học xong lớp 12 em cũng cho vượt biên. Ở đây mai mốt sẽ thay đổi nhiều lắm!”

“Thay đổi về chuyện gì vậy anh Dũng?”

“Nhà cửa chừng vài năm nữa người ta sẽ xây dựng khác bây giờ. Vì ở đây, nhà nào cũng có người vượt biên.”

“Vượt biên bằng cách nào? Và nhà nào cũng có người vượt biên, nghĩa là sao?”

“Thì vượt bằng đường biển, hầu hết dân vùng ven biển từ đây ra đến Quảng Ninh, Móng Cái và từ đây vào đến Cà Mau đều vượt biển, sau đợt dịch này họ vượt biển nhiều lắm, nhà nào cũng có người vượt biển, đi để cứu gia đình chứ không thì đói nhăn răng thì sao?”

“Nhưng các trại tị nạn dành cho vượt biển bây giờ đã đóng cửa, rồi họ sang đâu? Và làm sao sang được khi mọi thứ bây giờ đều rất khó?”

“Ồ không, thời bây giờ vượt biển dễ hơn nhiều. Bởi vì đi đánh cá phải hai tháng, ba tháng ngoài biển, không như ngày xưa đi vài hôm rồi về. Bây giờ người ta sang tận Papua New Guinea để đánh cá, lặn hải sâm. Hễ đi sang trót lọt thì vượt luôn, không trót lọt thì quay về như đi đánh cá dài ngày, chẳng ai biết. Đầu tiên là lên tàu đi đánh bắt xa bờ. Thời bây giờ không như ngày xưa đâu!”

“Nhưng tôi vẫn muốn nói rằng các trại tị nạn đã đóng cửa?”

“Không, cần gì trại tị nạn, bây giờ vượt biên là sang Mexico, bên đó sẽ vượt biên sang Mỹ bằng đường bộ.”

“Nhưng rồi biên phòng bên đó người ta bắt thì làm sao?”

“Không đâu, sẽ có người quen bảo lãnh, có dịch vụ bão lãnh mình đường hoàng, cứ mỗi chuyến vượt biên mình bỏ ra chừng hai lăm ngàn đô la ($25,000) là được, mọi chuyện còn lại đều có đường dây lo cả!”

“Rồi sang bên đó làm gì, anh có biết không?”

“Sang làm thuê, làm chui hoặc làm có bảo lãnh, tùy hên xui, không phải lúc nào cũng được bảo lãnh. Nhưng làm cách nào thì đồng lương cũng rất khá và chỉ cần đi lọt, làm việc chừng hai năm thì số tiền mang về phải gấp bốn, năm lần số tiền bỏ ra. Nhờ vậy mà người ta mới xây được nhà lầu, xe hơi.”

“Liệu anh có chắc rằng con số thu về sẽ lớn hơn gấp vài lần so với con số bỏ ra hay không?”

“Giả sử như số tiền thu về chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn một chút cũng chấp nhận đi!”

“Vì sao?”

“Vì nếu như thu về ngang với tiền bỏ ra, tức là sang đó gặp khó khăn, gặp thất nghiệp, thiếu việc. Nhưng cho dù có thiếu việc thì cơ hội kiếm việc vẫn có, và sức lao động mình bỏ ra được trả xứng đáng. Hơn nữa, hiện tại, tại Việt Nam thất nghiệp đầy rẫy ra đó, nếu cứ ôm hai mươi lăm ngàn kia mà ăn thì được mấy năm đây! Rồi chết đói hay sao? Phải đi là vì vậy!”

“Đây là số tiền rất lớn cho việc đầu tư vượt biên, theo anh thấy, người ta lấy đâu ra mà đầu tư như vậy? Và có nhà nào có nhiều người đi vượt biên không?”

“Thường thì cầm cố, thế chấp nhà đất. Vượt biên là chơi lối đánh ‘bối thủy dựa lưng vào sông’, không có đường lui, chính vì vậy mà người nào đi, tức là đặt quyết tâm, sống chết cũng ráng mà làm, mà cày để có tiền mang về chuộc lại nhà và làm giàu. Trường hợp một nhà có nhiều người đi cũng có không ít, người đi trước sẽ tìm cách gởi tiền về để kéo người theo sau, cứ như vậy mà đi!”

“Có khi nào người ta đi với giấc mơ làm công dân Mỹ, trường hợp con trai anh, nếu anh cho đi thì chủ hướng của anh là gì?”

“Làm công dân Mỹ, có thẻ xanh là ước mơ của không riêng gì em đâu, ai cũng mơ ước như vậy và luôn tìm cơ hội để vượt biên. Vượt biên xong rồi tính tiếp.”

“Thế nhưng theo báo chí Việt Nam nói thì có 71% người Việt sống ở Mỹ có ước mơ quay về Việt Nam để sống?”

“Em nghĩ báo chí nói không sai đâu?”

“Nghĩa là sao?”

“Có lẽ báo chí lấy ý kiến, thăm dò những người già đang sống bên Mỹ, và em tin là 71% người cao niên, người già đang sống ở Mỹ muốn về Việt Nam an dưỡng và qua đời tại Việt Nam. Vì tới tuổi hưu, tiền gởi vào tài khoản hằng tháng rồi, có ở Mỹ cũng vô ích mà buồn tẻ nữa, thôi thì về Việt Nam cho có quê hương, có người cùng nói giọng nói với mình, chứ người già qua Mỹ học tiếng có được mô nà! Chính vì vậy mà cái con số 71% mong về Việt Nam sống là hơi ít, em nghĩ phải 95% người già muốn về Việt Nam lận!”

“Thế còn 5% kia sao không muốn về, theo anh?”

“Con cái họ thành đạt, sống ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc hoặc các nước châu Âu hết rồi, họ về đây cũng chán. Hơn nữa, có nhiều người Việt nhưng tâm tính của họ lại Tây, họ thích đọc sách, thích ngắm cảnh nhưng chẳng thích tám chuyện đâu, nên họ lại ưa ở luôn, chẳng ưa về đâu!”

Lõi kinh tế kiều hối

Điều khiến tôi ngạc nhiên đến tột độ chính là ý kiến, “Lõi kinh tế Việt Nam chính là kiều hối,” sau khi trò chuyện với một Tiến Sĩ kinh tế không muốn nêu tên, hiện đang là giảng viên của một trường đại học kinh tế khá lớn tại miền Trung Việt Nam. Ông chia sẻ, “Nói một cách nghiêm túc thì cái lõi kinh tế Việt Nam nằm gọn trong hai chữ Kiều Hối.”

“Tôi thực sự ngạc nhiên về nhận định này, xin thầy chia sẻ thêm? Bởi vì thực tế cho thấy kinh tế Việt Nam trong vòng hai mươi năm nay rất phát triển, mấy năm trở lại đây, nguồn FDI gần nhưđã thay chỗ cho ODA?”

“Đúng là trước đây kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào ODA, hay nói khác đi là chúng ta phụ thuộc vào các khoản viện trợ, tức vốn không hoàn lại hoặc vay ưu đãi. Thời gian sau này, chúng ta kêu gọi đầu tư và hàng núi tiền từ bên ngoài đổ vào Việt Nam theo diện đầu tư, FDI chúng ta tăng một cách đột biến. Nhưng nó không phải là nòng cốt, cái lõi kinh tế của Việt Nam, thậm chí chúng ta đang trả giá cho nó quá nhiều!”

“Xin thầy nói thêm về vấn đề FDI tăng và trả giá?”

“Nhà đầu tư xông vào Việt Nam vì đây là một quốc gia có nguồn tài nguyên giàu có, từ tài nguyên thiên nhiên cho đến tài nguyên con người, có giá cho thuê mặt bằng hết sức rẻ, vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam để xây dựng, sản xuất, thuế chúng ta thu về cũng tàm tạm. Nhưng bù vào đó là chúng ta có nguồn lao động rẻ mạt, người ta đầu tư, thuê lao động giá rẻ, mua nguyên liệu cũng như các loại đất hiếm, tài nguyên rất rẻ, sản xuất xong, đóng thuế và lượng tư bản còn lại vẫn chảy về túi của họ ở quốc gia của họ. Hay nói khác đi, chúng ta có một con gà đẻ trứng vàng, họ sang thuê và nuôi trong một thời gian, cho nó ăn, nó đẻ trứng vàng và số vàng người ta thu về bao giờ cũng gấp vài trăm lần số cám, thóc đã bỏ ra”

“Nhưng dù sao thì kinh tế Việt Nam vẫn có phát triển, thưa thầy?”

“Đương nhiên là người ta sang đây, người lao động có việc làm và có thu nhập ổn định hơn so với làm nông, làm các công việc thuộc về nông nghiệp… Do vậy chúng ta phải phát triển chứ, không nhiều thì ít. Nhưng tài nguyên dần cạn kiệt, chúng ta vẫn mãi là người làm thuê trên chính ngôi nhà chúng ta. Còn những ông chủ của chúng ta thì thi thoảng mọc lên vài ông nhưng lại dựa dẫm vào thế lực nhóm, lợi ích nhóm và chỉ loay hoay kiếm ăn, làm giàu trên tài nguyên đất, tài nguyên rừng. Thế thôi, chúng ta chưa tạo ra được những nguồn sản xuất bền mặc dù kĩ sư, chuyên gia người Việt giỏi, nhưng chảy máu chất xám sang nơi khác”

“Và cái lõi kinh tế vẫn là kiều hối, xin thầy phân tích thêm về ý này?”

“Chỉ có kiều hối là khoản tiền thu về mà không trảgiá bằng sức lao động trong nước, nghĩa là người cầm tiền kiều hối của người thân gởi cho vẫn giữ được chi phí cơ hội, vẫn được đi làm để kiếm sống và cái đồng kiều hối ấy trở thành vốn ròng nếu không tiêu xài phung phí, thậm chí nó có thể nở ra dễ dàng nếu biết làm ăn, kinh doanh. Và mỗi năm con số kiều hối gởi về từ các quốc gia tư bản rất là nhiều, mấy chục năm nay, nó trở thành tảng vàng trong nhân dân, nó trở thành gương mặt kinh tế, bởi nó không hề đánh đổi tài nguyên, môi trường hay văn hóa gì sất, nó là đồng tiền ròng!”

“Và theo thầy tình hình vượt biên diễn ra rất nhiều trong thời gian gần đây là dấu hiệu tốt hay xấu?”

“Đó là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế bền vững, nhưng lại là dấu hiệu xấu trong quản trị nhà nước. Bởi nhà nước quản trị càng kém thì kinh tế càng èo ọp và lượng người đào thoát sang các quốc gia khác để kiếm ăn càng cao. Rất tiếc là tôi phải nói như vậy. Nhưng dù sao cũng phải tin rằng người Việt rất năng động, đây là mấu chốt của vấn đề tương lai!”

Dù sao, nhận định cuối cùng của vị thầy giáo ưu thời mẫn thế này cũng mang lại một chút vui trước những gì đang diễn ra, cho cái nhìn có phần lạc quan tuy hơi buồn!

Leave a Reply