Cõi Tạm! Ngọc Hoài Phương!

Bài LETAMANH

Sau một loạt mưa gió bão bùng cuối tháng Hai, mới qua tháng Ba; vừa bơi xong một giờ dưới hồ trồi lên, tôi vừa vào ngồi hưởng nước ấm và những vòi nước xoa bóp Jacuzzi thì điện thoại reo. Bên kia đầu dây là nhà văn, nhà thơ Vũ Uyên Giang, hiện định cư Georgia báo tin nhà thơ – nhà báo Ngọc Hoài Phương đã từ trần. Tôi giật mình ngạc nhiên và thảng thốt, nghĩ rằng mình ở sát nách với ông anh Ngọc Hoài Phương mà sao chẳng hề biết tìn buồn nầy, đúng là không thể chấp nhận được!

Sẵn cầm phôn, tôi gọi luôn nhà báo Nguyễn Thanh Huy để xác nhận. Huy cho biết, bạn già Ngọc Hoài Phương mới “xuống ga cuối” (ý của nhà văn Huy Phương) ngày 28 tháng 2, 2023. Cơn buồn chợt thấm và nhức nhối, bạn bè quen biết lần lượt ra đi. Nhớ những lần ra quán cà phê gặp hàng loạt các nhân vật “khét tiếng”: Chủ báo Đỗ Ngọc Yến, Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, Bác Sĩ Lê Văn Thại, nhà báo – nhà thơ Ngọc Hoài Phương, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nhà thơ Du Tử Lê, nhà văn Huy Phương, bình luận gia Bùi Bảo Trúc, nhà báo Hà Tường Cát… và nhiều nữa, không nhớ hết những cây bút tuyệt vời, những bác sĩ có máu nghệ sĩ đã trở về cát bụi!

Nhà thơ Ngọc Hoài Phương mới vừa nằm xuống, tôi viết những dòng nầy để nhớ đến anh. Tôi nhỏ hơn anh hai tuổi, anh tuổi Tỵ tôi tuổi Mùi. Có lúc gặp nhau, anh vuốt vuốt hàm râu mép mĩm cười nói với tôi:

“Cõi tạm mong manh giọt nắng / Đường trần cười mĩm tự thắng cõi mê!

Quả thật “cõi mê” và “cõi tạm” vẫn hiện diện trong ta phải không! Nhà thơ Ngọc Hoài Phương là “dân Bắc Kỳ 1954,” anh thường cười đễu thừa nhận như thế! Còn tôi, dân “liên Khu 5,” con nhà địa chủ, ông nội tôi sắp bị đem ra tòa án nhân dân đấu tố thì Hiệp Định Geneve cứu; đến năm 1963 cũng “Trung Kỳ di cư” vào Saigon !

Hãy nghe nhà báo Phương Kều (biệt danh của Ngọc Hoài Phương) tự thuật:

“Tôi là dân “Bắc Kỳ Di Cư” 1954 sau khi hiệp định Genève chia đôi đất nước. Quê quán tại làng Quan Đình, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nhưng trong thời Pháp thuộc, làng tôi và một số làng kế cận được sát nhập vào Quận Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc Yên. Trên giấy tờ ghi ngày sinh của tôi là 18 tháng 10 năm 1942, nhưng bố tôi lại bảo thật sự tôi tuổi Tân Tỵ [1941].

“Là con trai lớn trong một gia đình gồm 10 anh em (7 trai, 3 gái) qua 2 đời Mẹ (Cả hai bà đều là con gái họ Đàm nổi tiếng của làng Me, Từ Sơn, Bắc Ninh). Như vậy, theo người miền Bắc thì tôi được gọi là “Cậu Cả”. Tôi bị ám ảnh bởi cái chức “Cậu Cả” này suốt nhiều năm sau khi khám phá ra một chi tiết khá lạ lùng về gia đình mình. Số là Cụ Cố của tôi vốn không phải là người con trưởng mà, anh của cụ mất sớm nên cụ mới được đôn lên làm con trưởng.

“Rồi đến đời Ông Nội tôi cũng vậy, Ông Bác tôi mất sớm nên Ông Nội tôi thành Con Cả. Rồi Bác Thành của tôi, nghe nói đã qua đời khi mới hơn mười tuổi nên Bố tôi thành Cậu Cả… Và đến đời tôi… rét, chẳng biết sẽ “ở lại” hay “ra đi” vào tuổi nào?

“Nhưng rồi, Hiệp định Genève chia đôi đất nước, Bố tôi quyết định rời bỏ Hà Nội, đưa gia đình di cư vào Nam. Đúng là một cuộc đổi đời: nhà cửa, tài sản, ruộng vườn… bỏ hết! Và dĩ nhiên tôi cũng xin gửi trả lại đất Bắc hai tiếng “Cậu Cả” vì ở miền Nam, người con trai trưởng được gọi là “Anh Hai.” Cho đến nay, khi trả lời cuộc phỏng vấn này, tôi đã lướt qua hai cuộc đổi đời để đến mốc “Thất Thập Cổ Lai Hy”, vượt qua bờ “Bảy Bó” rồi thì, cái chuyện – nói theo thơ Du Tử Lê – “đi với về cùng một nghĩa như nhau.”

Anh Ngọc Hoài Phương là một cây bút học trò nổi tiếng rất sớm, đã có mặt trên các báo Sai Gòn, trên báo Ngôn Luận, với phụ bản “Bé Ngôn Bé Luận.” Suốt thời gian là cậu học trò trung học đến ký giả của các báo nổi tiếng Sài Gòn xưa, anh chưa hề có những tác phẩm cho riêng mình. Ra hải ngoại, với Báo Hồn Việt, anh được nhà văn Việt Dzũng gom góp những bài thơ giăng mắc tứ phương của anh, xuất bản thành “Cõi Tạm.” Nhà thơ – nhà báo Ngọc Hoài Phương mê nghề báo và luôn hướng về những con chữ của thơ văn!

Ta thử xem một đoạn ngắn lời tự tình của chị Phương Dung, phu nhân nhà báo nhà thơ Ngọc Hoài Phương:

“Ông nhà tôi ham vui thơ phú, văn chương từ hồi còn ở trung học. Sau đó chính thức gia nhập làng báo Việt Nam năm 1964 (đặc phái viên kiêm phụ tá Tổng Thư Ký nhật báo Thời Luận của cụ Nghiêm Xuân Thiện). Sau biến cố 1975, tại Hoa Kỳ, ông tiếp tục nghề cũ với chức vụ Phụ Tá Tổng Thư Ký tuần báo Trắng Đen của ông Việt Định Phương. Tiếp theo đó là phụ tá chủ nhiệm tạp chí Hồn Việt (1979 – 1989). Chính thức trở thành chủ nhiệm kiêm chủ bút từ năm 1990 đến nay.”

Những dòng này viết ra khi nghe nhà thơ “Phương Kều” Ngọc Hoài Phương âm thầm ra đi trong những ngày bão tố Cali! Nhớ đến anh như những lời ghi trong “Cõi Tạm.” Với con số 82 cũng là đã thọ; với cuộc đời anh cũng an vui nhờ tấm bình phong của hiền thê Phương Dung đảm đang! Anh thường ngồi cà phê mỗi sáng và lúc nào cũng thăm hỏi gần gũi bạn bè văn hữu thân quen.

Với anh “Cõi Tạm” rời xa
Cõi trường cửu ấy nhạt nhòa tháng năm
“Phương Kều” về xứ xa xăm
Nhớ nhau duyên nghiệp con tằm vương tơ!

Vĩnh biệt người anh trân quý!

(Ngày 1 tháng 3 năm 2023)

Nhà thơ Ngọc Hoài Phương ngồi giữa đeo kiếng râm, đứng cạnh phía sau là letamanh. Hai người ngồi bên trái là Nguyễn Mạnh Trinh, Đỗ Tăng Bí; người ngồi bên phải là Bùi Hồng Sĩ. (Facebook)

Leave a Reply