Cơm trộn, món ăn thương nhớ…

Bài TOM

Thời đại công nghệ, kĩ nghệ, mọi thứ chung quanh luôn vây bọc lấy con người, nhìn bề ngoài có thể tin rằng con người luôn có mọi thứ tiện ích, tuy nhiên, nhìn sâu vào nội thể, con người trở nên cô đơn, lạc lỏng và đôi khi thèm sống trong cái thuở “chưa có gì” ấy vài phút, vài giờ, thậm chí vài ngày. Bởi cái thời ấy tuy thiếu trầm trọng về vật dục nhưng con người lại chất đầy yêu thương, hi vọng và cả chút gì đó mênh mông, khó nói, nó như một thiên đường tuổi trẻ trong veo và vô nhiễm, chúng ta chỉ được phép đứng từ một góc xa để nhìn về và tưởng tiếc. Món cơm trộn, món ăn có thể nói là mộc nhất, nghèo nhất và giàu nhất. Nghe cũng lạ đúng không quý vị?

Thời nghèo khó, dường như chỉ nhà giàu và nhà quan chức mới có cơm thịt, cơm cá (mà hình như thời bây giờ, cơm thịt cơm cá cũng chỉ có ở đồng bằng trù phú, chứ vùng cao, vùng sâu, vùng xa ngay cả cơm với mắm cáy cũng đã là hiếm rồi!) chứ nhà lao động nghèo thì quanh năm suốt tháng cứ rau luộc chấm mắm cáy là quý rồi. Bởi vậy nên có được bữa thịt thì coi như bữa bồi dưỡng cho cả nhà!

Thời kinh tế tập trung bao cấp, thậm chí ngay cả thời bây giờ, khi mà đồng bằng có miếng ăn, có chút dư dả thì đâu đó ở miền núi, vùng sâu vùng xa, những em bé thiểu số phải bắt ve, bắt dế, bắt châu chấu, thậm chí bắt nhái để nướng, chiên mà cải thiện dinh dưỡng, sau những bữa cơm chỉ toàn rau rừng với muối mè hoặc nước muối. Bữa ăn như một nỗi đau đáu chung của một dân tộc tự xưng mình có bốn ngàn năm văn hiến.

Bữa ăn, đôi khi làm ứa nước mắt mỗi khi nghĩ về, tôi từng có một bữa ăn như thế, và với tôi, có lẽ bữa ăn ấy ngon nhất trần đời, một bữa ăn sau một trận đau thấy mười mấy ông trời quay cuồng, sốt miên man, sốt li bì, hồi đó làm gì có sữa để uống như bây giờ! Muốn có sữa, bà tôi phải bán năm phân vàng, một ít tiền mua thịt heo, một ít tiền mua sữa, mà mua tận ngoài “cửa hàng bách hóa tổng hợp” của nhà nước cơ! Nghĩa là đi bộ vài cây số, lén lút bán năm phân vàng, lén lút đi ra khỏi tiệm vàng và vừa đi vừa ngó chừng nhỡ có thuế vụ làm càng thì mất tiền. Vào cửa hàng, mua xong sữa, mua được mấy lạng thịt heo nữa, rồi lại đi nhanh về nhà, về đến nhà mới tin chắc rằng mình yên ổn, có sữa, có thịt cho cháu mình.

Thịt heo thì bà nấu cháo, sữa thì bà đục ra, hồi đó sữa Ông Thọ là quí nhất rồi, dùng nước cháo pha với sữa, một lon sữa uống trong vòng nửa tháng hoặc hai mươi ngày nên sữa rất nhạt, chủ yếu là nước cháo, pha thêm chút đường, chút muối. Vậy mà ngon đáo để. Còn thịt heo thì bà nấu cháo đậu xanh cho tôi giải cảm. Nấu một ít, còn một ít bà kho rim, cứ kho đi rồi hâm lại, chẳng ai đụng tới, chờ cho đến khi tôi hết sốt thì bà cho thêm một chút dầu đã khử chín với tỏi vào thịt rồi kho lần nữa. Lần này kho xong bà cho ra bát, cái nồi kho, bà cho một bát cơm vào rồi lấy đũa khuấy, trộn đều cho dầu, đường, nước thịt thấm vào cơm, trộn bao giờ cả nồi cơm đổi thành một màu cà phê cánh gián pha ca cao thì cho ra bát, cho thêm mấy lát thịt lên trên.

Quí vị cứ thử tưởng tượng sau những ngày vừa sốt, vừa đói, vừa mệt, đến khi khỏe lại, miệng thèm ăn, trong một gia cảnh khá là hàn vi như vậy, chắc chắn bữa cơm ấy phải “đi vào lịch sử” cuộc đời rồi. Tôi nhớ là lúc ấy tôi ngồi ăn ngon lành đến mức tưởng như ăn được luôn cả chiếc bát. Nhưng mà ăn vài muỗng thì bà tôi bảo dừng một chút xem thử phản ứng cơ thể ra sao hẳn ăn tiếp. Tôi phải chờ gần nửa giờ sau mới được ăn tiếp bát cơm.

Mùi vị của thịt xá xíu đậm đặc, vài miếng thịt nạc xắt hình hạt lựu, vào miếng mỡ có dính chút da cũng xắt hình ô vuông, một chút vị tiêu, hành, tỏi, vị vừa mặn vừa ngọt, thơm mùi tiêu chín, thêm chút dầu phụng beo béo… Làm sao mà quên được!

Thi thoảng, nhớ bà, tôi lại nói bà xã làm món thịt xá xíu rồi cho tôi chiếc chảo để tôi trộn cơm. Cách làm thịt xá xíu cũng đơn giản lắm, xắt một ít hành tím, thịt heo ba rọi xắt thật mỏng hoặc xắt vuông hạt lựu. Việc còn lại là phi dầu với hành tím cho hành tím chín thơm thì cho thịt heo vào đảo đều, nhỏ lửa cho chín, thịt vừa chín tới thì cho nước tương (xì dầu) vào, chừng hai muỗng canh cho nửa ký thịt heo, đảo đều xong lại cho một muỗng rưỡi nước mắm đậm đặc vào, lại đảo đều, sau đó đậy nắp, vặn hơi lớn lửa chừng hai phút, lại mở nắp, cho nhỏ lửa và đảo đều, cho chừng hai muỗng canh đường cát vào, sau đó cho nửa muỗng cà phê tiêu bột vào và đảo đều cho đến bao giờ thịt hơi săn lại, có một chút mỡ chảy xuống đáy chảo và một chút đường chuyển hóa thành đường caramen, tức hơi cháy sém, dính vào lòng chảo thì tắt bếp, cho thịt ra dĩa.

Cho hai bát cơm vào chảo, trộn đều, trộn đến khi nào đường caramen, xì dầu, nước mắm và dầu mỡ bám vào hạt cơm đều đặn thì cho ra bát, cho thêm một ít thịt xá xíu lên trên và có thể ăn được rồi.

Một bữa cơm có vẻ hơi đạm bạc này nếu có thêm chén canh rau má hay chén canh bầu, hoặc canh bí, canh cà chua nữa thì ngon tuyệt.

Kính chúc quí vị có một bữa cơm trộn thật vui, dân dã và ý vị!

(Tom/ Viễn Đông)

Leave a Reply