Con Thuyền Hy Vọng, chứng tích của niềm tin và lòng can đảm của thuyền nhân Việt Nam trên đường tìm tự do

Con Thuyền Hy Vọng đang được giới thiệu. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

GARDEN GROVE – Trưa thứ Bảy, ngày 6 tháng 5, 2023 Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (Vietnamese Heritage Museum – VHM) do ông Châu Thụy làm Giám Đốc đã tổ chức buổi giới thiệu Con Thuyền Hy Vọng tại 13962 Seaboard Circle, Garden Grove, Nam California.

Rất đông quan khách Việt, Mỹ và đồng hương tham dự, trong đó có giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa (trên 90 tuổi), Giáo Sư Trần Huy Bích, Giáo Sư TS Phạm Thị Huê (Chủ Tịch CLB Hùng Sử Việt), Luyện Thụy Vy (Phó Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ), Nghị Sĩ Tiểu Bang Janet Nguyễn, Dược Sĩ Nguyễn Đình Thức (Văn Phòng NS Janet Nguyễn), Frances Nguyễn Thế Thủy (Học Khu Westminster), Kim Ngân (Viện Việt Học), Jackie Bông và phu quân, hai nghị viên Garden Grove là Kim Nguyễn và Cindy Trần; hai vị khách đặc biệt là Tiến Sĩ Hoàng Anh Tuấn (Giáo sư giảng dạy tại Pepperdine University ) về môn Lịch Sử và Nhân Văn, ông Rick Noguchi (cựu Giám Đốc Viện Bảo Tàng Quốc Gia Nhật – Mỹ) cùng đông đảo đồng hương và các cơ quan truyền thông.

Bốn thuyền nhân: Osca Thuận Nguyễn, Thu Hà, Từ Ái và Hồng Tiên phụ trách điều hợp chương trình rất sôi động. Riêng cô Từ Ái vượt biển 19 lần không thành công nhưng sau qua Hoa Kỳ bằng máy bay. Tại địa điểm tổ chức có trưng hình bốn thuyền nhân đặc biệt: Đức Giám Mục Nguyễn Thái Thành thoát chết sau 18 ngày đói khát trên biển. Ông Nguyễn Ngọc Thành, thuyền nhân sống sót, sáng lập SAPVN; ông Đoàn Văn Nguyên nổi dậy chống cướp biển năm 1981; Ông Nguyễn Chi Long bị hải tặc bắn, viên đạn còn nằm trong ngực và nhiếp ảnh gia Lê Trị người tù 13 năm đã tặng Viện Bảo Tàng cây đàn vĩ cầm ông làm trong tù. Ngoài ra có bà An Nguyễn (Cusack) người nước ngoài tình nguyện viên giúp các trại tỵ nạn Đông Nam Á. Một số các vị này cũng có mặt trong buổi giới thiệu Con Thuyền Hy Vọng.

Bà Heidi Duy Hai (đứng) và gia đình các thuyền nhân. Người phụ nữ thứ hai từ bên phải là thuyền nhân Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã trả lời câu hỏi của Viễn Đông. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Trước khi khai mạc, ban tổ chức dành thì giờ để quan khách và thuyền nhân gặp gỡ, hàn huyên. Sau đó chương trình bắt đầu với nghi thức chào cờ VNCH và Hoa Kỳ cũng như dành phút thinh lặng tưởng niệm các thuyền nhân đã bỏ mình trên biển cả và bộ nhân chết trên rừng sâu núi thẳm khi vượt thoát tìm tự do. Kế tiếp đoàn trống Thiên Ân trình bày màn múa trống với chủ đề Con Rồng Cháu Tiên. Dứt màn múa trống, MC giới thiệu và mời ông Châu Thụy, Giám Đốc Viện Bảo Tàng có lời chào mừng quan khách và nêu lý do tổ chức buổi giới thiệu Con Thuyền Hy Vọng.

Sau khi miền Nam rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, người dân miền Nam đã liều mình bỏ quê hương tìm tự do trên những con thuyền đánh cá hay đi đường bộ qua Campuchia rồi đến Thái Lan. Bao nhiêu con thuyền đã bị đắm trên biển cả vì bão tố, vì hải tặc, vì mất phương hướng và chịu đói, khát rồi vĩnh viễn chìm vào lòng đại dương mang theo thân xác của bao người Việt.

Trong số các con thuyền ra khơi có một con thuyền mà nay được đặt tên là Con Thuyền Hy Vọng; đó là con thuyền cũ bằng gỗ chỉ dài chưa đầy 6 mét, ngang chưa tới 2 mét, không máy móc chỉ có hai mái chèo và một cột buồm vậy mà tất cả chín người gồm sáu nam: Phùng Văn Tài, Phạm Đức Nguyên, Nguyễn Văn Đình, Nguyễn Anh Dũng, Trần Đình Hoàng, Nguyễn Xuân Phát, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Thị Mỹ Phương và Phạm Thị Thanh Hằng, người lớn tuổi nhất mới 23 và người nhỏ nhất là em Nguyễn Xuân Phát (12 tuổi) đã can đảm và quyết tâm ra đi, thà chết còn hơn sống dưới chế độ Cộng Sản và họ đã khởi sự ra đi từ giáo xứ Ngọc Hà, Bà Rịa vào đêm mùng 3 tháng 9 năm 1984 với niềm tin và hy vọng sẽ đến được miền đất tự do.

Quan khách (từ trái): Don Vu, Châu Thụy, GS Lê Văn Khoa, GS Trần Huy Bích, Luyện Thụy Vy, và Trưởng Hướng Đạo Hồng Tiên. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Ông Phùng Văn Tài, một trong chín thuyền nhân cho biết, các ông có niềm tin mạnh mẽ vào Chúa và Đức Mẹ nên nhờ ánh sáng nơi đài Đức Mẹ từ chỗ xuất phát, các ông cứ nhắm hướng mà đi tới. Lênh đênh trên biển bảy ngày đêm trên con thuyền mỏng manh như chiếc lá tre trôi giữa dòng sông đang chảy xiết. Nhờ vào niềm tin và lòng can đảm, sau bảy ngày đêm may mắn họ được một tàu Pháp cứu đưa con thuyền về Pháp.

Năm 2020 Viện Bảo Tàng Di Sản Thuyền Nhân may mắn biết được tại Viện Bảo Tàng Hàng Hải thành phố Le Harve, Pháp quốc đang lưu giữ con thuyền này. Sau ba năm thương lượng với vô vàn khó khăn và tốn kém về tài chánh cũng như thủ tục, và liên lạc được với 9 thuyền nhân trên, cuối cùng Hội Đồng Quản Trị Viện Bảo Tàng Hàng Hải Pháp chấp thuận đề nghị của Viện Bảo Tàng Di Sản Thuyền Nhân Việt Nam xin chiếc thuyền trên mang về Hoa Kỳ.

Ông Châu Thụy cho biết tốn phí hơn 30 ngàn Mỹ kim. Ngoài sự tốn kém, ông còn phải tìm nơi để lưu giữ con thuyền này. May nhờ ông bà cố Thanh Sơn Tofu giúp đỡ đã có nơi an toàn cho con thuyền. Ông cũng cho mọi người biết, “Nếu ông Jean Pierre Olivier (cựu Giám Đốc) và Viện Bảo Tàng Hàng Hải Le Harve không nhận thức được giá trị lịch sử của con thuyền này thì nó đã bị phá hủy từ lâu như bao con thuyền tỵ nạn khác.”

Ngoài các lời phát biểu của ông Châu Thụy và một số quan khách, chương trình còn có sự các tiết mục văn nghệ do ca sĩ Mai Thanh Thúy, Mỹ Vân, Hậu Duệ của cộng đồng, đoàn trống Thiên Ân, biểu diễn Việt Võ Đạo của Võ Đường Vovinam và quan trọng nhất là giới thiệu Con Thuyền Hy Vọng.

Đến tham dự buổi giới thiệu này, chúng tôi đã phỏng vấn một số khách tham dự và chính thuyền nhân trên chiếc thuyền Hy Vọng để ghi nhận những cảm nghĩ của các vị đó về “Con Thuyền Hy Vọng”:

Giáo Sư Tiến Sĩ Phạm Thị Huê (Chủ Tịch CLB Hùng Sử Việt): “Chúng tôi thấy việc làm của anh Châu Thụy rất ý nghĩa và rất cần thiết, cho nên hôm nay chúng tôi đến đây để nghe giới thiệu và tận mắt chứng kiến Con Thuyền Hy Vọng và chúng tôi rất cảm kích, nhất là gặp gỡ những thuyền nhân trên con thuyền mỏng manh trên một bầu trời và mặt biển rộng lớn, bao la và Trời thương cứu được chín người như vậy, và hôm nay chúng tôi được vinh dự chúc mừng các anh chị em đó cũng như các người tỵ nạn đã thoát được chế độ Cộng Sản, và không quên tưởng nhớ hàng vạn người đã bỏ mình trên biển cả, và đây cũng là câu trả lời hùng hồn rằng, Tại sao chúng ta có mặt tại xứ sở này?”

Cô Luyện Thụy Vy và GSTS Phạm Thị Huê. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Cô Luyện Thụy Vy (Phó Chủ Tịch Hội Đồng Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ): “Tôi thấy Con Thuyền Hy Vọng hôm nay trưng bày ở đây, không những nhắc nhở lịch sử của những người vượt biển và cũng đồng thời nhắc nhở chúng ta về quá khứ đau thương của người Việt Nam đi tìm tự do, và từ chiếc thuyền mỏng manh đó mà vượt đại dương đến được bến bờ tự do, cho chúng ta niềm hy vọng vào tương lai tại xứ sở tự do này.”

Giáo Sư Trần Huy Bích: “Tôi rất cảm động được tới tham dự buổi giới thiệu về Con Thuyền Hy Vọng. Chiếc thuyền mỏng manh như thế mà dám vượt biển đã là sự cảm động rồi, và anh em rất có lòng đã đem con thuyền này từ bên Pháp tới đây, và tôi cũng rất mừng thấy bà con mình tới dự rất đông đủ, có cả các vị lão thành như giáo sư, nhạc sĩ Lê Văn Khoa trên 90 tuổi cũng tới rồi có nhiều bạn trẻ cũng tới, có già, có trẻ cùng quan tâm vấn đề này khiến tôi rất cảm động, và cám ơn anh Châu Thụy cũng như Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân Việt Nam đã làm một việc rất có ý nghĩa.”

Nhiếp ảnh gia Lê Trị: “Việc triển lãm hôm nay tôi thấy rất có ý nghĩa và tập trung những tài liệu về thuyền nhân cũng như những người H.O. có mặt ở đây, và chúng tôi có dịp gặp nhau để hàn huyên và tôi tin rằng lịch sử sẽ căn cứ vào những nhân chứng sống như tôi chẳng hạn để làm cho thế giới hiểu biết về chế độ Cộng Sản như thế nào khiến hàng triệu người phải liều mình bỏ nước ra đi tìm tự do.”

Bà Heidi Duy Hải: “Hôm nay ngày mùng 6 tháng 5, Viện Bảo Di Sản Thuyền Nhân Việt Nam, chúng tôi có cái chương trình là triển lãm chiếc ghe hy vọng và có năm người trong số chín thuyền nhân có mặt trên chiếc thuyền này, và hôm nay năm người đã đến cộng với gia đình, con cháu của họ được sinh ra tại nước Mỹ và tôi hân hạnh được chụp tấm hình kỷ niệm với năm người và Di Hải đã tới Úc gặp chị Hằng là em của anh Nguyên và chị Hạnh người đã đi trên chiếc ghe này, đó là người thứ sáu.

“Viện Bảo Tàng chúng tôi sẽ còn nhiều cuộc phỏng vấn khác với các thuyền nhân trên Con Thuyền Hy Vọng này. Tôi không nhớ hết tên chín người, chỉ nhớ và biết được anh Nguyên là người quyết định ra đi vào nửa đêm ngày 3 tháng 9 năm 1984 và chính anh là người dùng tay, dùng chân chèo chiếc ghe đó cho đến khi được tàu Pháp cứu.”

Viễn Đông cũng phỏng vấn chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, một trong chín thuyền nhân trên Con Thuyền Hy Vọng. Chị cho biết, “Chúng cháu đi từ xứ Ngọc Hà vào năm 1984, lâu quá rồi nên cháu không nhớ mọi thứ, chỉ biết rằng lúc đó cháu còn nhỏ tuổi và nghĩ rằng, chết không dễ đâu nên cháu không sợ, nhưng khi lênh đênh ngoài biển 7 ngày đêm, xung quanh toàn thấy nước và sóng biển gào thét, chẳng thấy đâu là bờ, đâu là bến rồi sóng gió vùi dập con thuyền nhỏ, lúc đó tưởng như con thuyền sẽ bị bể tan nát mới thấy chết đến nơi rồi và mới sợ.” Hiện nay chồng chị là anh Phạm Đức Nguyên cũng đi cùng chuyến vượt biển này và đang có mặt tại đây.

Cô Lê Thùy Vân: “Cách nay khoảng trên dưới 10 năm có bà Madalena Lài đã xin được chiếc thuyền tỵ nạn của người Việt từ Phi Luật Tân mang về Mỹ, bà Lài đã mang chiếc thuyền đi triển lãm khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Nhiều thống đốc các tiểu bang ra tận địa điểm triển lãm đón chiếc thuyền và phát biểu rất cảm động. Nay bà Lài đã không còn nữa, không biết Chiếc Thuyền Tự Do đó hiện giờ ở đâu? Nay ông Châu Thụy, Giám Đốc Viện Bảo Tàng lại tìm và đưa được chiếc Thuyền Hy Vọng từ Pháp về đây.

Quan khách và đồng hương cúi đầu tưởng niệm các thuyền nhân, bộ nhân đã tử nạn trên đường tìm tự do. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Con Thuyền Hy Vọng nhỏ hơn chiếc Thuyền Tự Do của bà Lài rất nhiều nên nó được đặc biệt chú ý, và chín người trên chiếc thuyền đó đáng được tuyên dương là Anh Hùng vì đã can đảm làm chứng nhân cho niềm tin và cái giá của sự Tự Do, để con cháu sau này biết cha ông họ đã phải trả cái giá như thế nào khi biết chín chết một sống mà vẫn liều mình ra đi và có thấy tận mắt Con Thuyền Hy Vọng này mới thấy thấm thía nhạc phẩm Xin Đời Một Nụ Cười do nhạc sĩ Nam Lộc sáng tác, trong đó có những câu đầy xúc động: “Tự Do ơi Tự Do – tôi trả bằng nước mắt – Tự Do hỡi Tự Do – anh trao bằng máu xương – Tự Do hỡi Tự Do – em đổi bằng thân xác – vì hai chữ Tự Do – ta mang đời lưu vong…”

Để có thể lưu giữ Con Thuyền Hy Vọng và nhiều chứng tích khác của các thuyền nhân, bộ nhân và người tỵ nạn, xin quý đồng hương vui lòng ủng hộ tài chánh cho Viện Bảo Tàng Lịch Sử Thuyền Nhân qua số điện thoại: (714) 846-8438. Email: info@vietnamesemuseum.org.

Leave a Reply