Cha mẹ Nguyễn Văn Chưởng ròng rã kêu oan cho con trai hơn chục năm nay.
Bài BÁO ĐẤT VIỆT
Báo đảng hồi năm 2019 dẫn lời Đỗ Hữu Ca kể lại chuyện “phá án” vụ Nguyễn Văn Chưởng “trong 45 ngày” và “mỗi ngày chỉ ăn một gói mì,” nhưng sự thật là ông ta đã ép cung, tra tấn để Chưởng phải “thừa nhận toàn bộ tội ác.”
Theo báo Đời Sống Pháp Luật, khi vụ sát hại thiếu tá Nguyễn Văn Sinh, cảnh sát hình sự Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An xảy ra vào tháng 7, 2007, Đỗ Hữu Ca còn là phó giám đốc Công an thành phố Hải Phòng.
Đỗ Hữu Ca kể, “Ban đầu, ban chuyên án rất bí, bởi tại hiện trường chỉ thu được duy nhất một mảnh giấy xi măng và nghi là vỏ bọc của một con dao dài do hung thủ dùng để chém thiếu tá Sinh. Cùng thời gian đó, xuất hiện nhiều tin đồn như, Sinh đi làm về gặp cướp, bị giang hồ sát hại, Sinh chỉ có hai con gái nên tìm cách có con trai rồi bị đánh ghen. Thậm chí còn có thông tin do Sinh làm ăn bất chính trong thời gian công tác ở huyện Cát Hải nên xảy ra mâu thuẫn và bị kẻ thù sát hại….”
Có tin cho biết có hai người bán một con dao tại địa bàn với giá 200,000 đồng. Ca chỉ đạo thu con dao đó và bắt hai người này.
Ca kể, “Khi hai đối tượng được đưa về trụ sở, tôi sang ngay. Mở cửa bước vào tôi hỏi lớn, “Mày dùng cái gì chém?” Đối tượng khai, “Cháu dùng dao.” Tôi hỏi tiếp, “Mày dùng bao gì bọc dao?” Trả lời, “Giấy xi măng.” Lúc đó thì mọi lo lắng trong lòng đã được giải tỏa, đây chính là chìa khóa để “mở” vụ trọng án. Lời khai của đối tượng trùng khớp với tang vật thu được tại hiện trường.”
Nguyễn Văn Chưởng, thời điểm đó 25 tuổi, công nhân công ty Đại Phát, bị Ca và thuộc cấp chọn làm “hung thủ,” sau đó dùng nhục hình, bức cung để anh này phải “thừa nhận toàn bộ tội ác.”
Ca cho biết, “Sau ngày xảy ra vụ án, tôi mất ăn mất ngủ, có ngày chỉ ăn một gói mì tôm. Cả tháng trời, tôi nhốt mình trong phòng làm việc, không về nhà. Đó không còn là ý thức điều tra tội phạm, mà là tình anh em. Nếu không tìm ra hung thủ thì đó là một món nợ với chính cấp dưới của mình.”
Trong khi đó, những năm sau, bức thư của Chưởng lén gửi ra từ nhà tù nói rằng bị Dương Tự Trọng, người phó của Ca, đánh đập, bức cung, nhục hình.
“Thế là họ đánh con tới tấp, không để cho con nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu? Và họ nói “Không làm gì thì tao mới đánh chứ làm gì thì đã không bị đánh” và họ lại tiếp tục đánh con tiếp và dùng còng số 8 treo… chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất….”
“Khi ở trên trại Kế, Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức “Chưởng vô tội.” Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan….”
Theo công luận, Dương Tự Trọng và Đỗ Hữu Ca là hai nhân vật chính, đạo diễn dàn dựng vụ án này.

17 năm trôi qua, Chưởng vẫn chưa bị thi hành án. Và bây giờ khi Ca, Trọng thất thế, Ca đang bị tạm giam [vì tội tham nhũng), Trọng mới đi tù về trong hai vụ án khác, có suy đoán cho rằng việc công bố thi hành án Nguyễn Văn Chưởng là có lý do.
Không loại trừ khả năng, vụ án sẽ được lật lại. Khi đó, Dương Tự Trọng và Đỗ Hữu Ca sẽ phải thừa nhận mình dàn dựng vụ án như thế nào, nếu như hai ông này còn sót lại chút lương tri.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh bình luận, “Hầu hết các vụ án oan ngất trời của Việt Nam, đều dựa chính vào lời khai của nạn nhân và chữ ký. Thế nhưng con đường đến những bản khai nhận tội đó, ít ai biết là máu và nước mắt đã được lau sạch, chỉ còn lại lấp lánh chiến công và sự ngạo nghễ của công an điều tra. Các trường hợp tử tù khi may mắn được minh oan, đã kể lại những nhục hình kinh hoàng, nếu không nói là thú vật từ công an điều tra.
“Trăm triệu dân đen Việt Nam, cứ chiếu theo những gì đã xảy ra, thì ai rồi cũng có thể là những người phạm tội hợp pháp, một khi bị đưa vào đồn công an để điều tra “đấu tranh” tội phạm. Một khi có điềm chỉ và nghi ngờ mơ hồ, việc tiến đến định danh, định hình câu chuyện phạm tội là sự sáng tạo bằng vũ lực của người điều tra, mà chính báo chí nhà nước đã từng khẳng định.
“Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tối cao của nhà nước, đã từng trơ trẽn khẳng định với báo chí rằng vụ án Hồ Duy Hải, là thớt và dao thì mua ở chợ để góp vào, chứ không có tang vật hiện trường, nhưng vẫn xác định là án giết người hoàn chỉnh, thì liệu đó có phải là tấm gương điên loạn cho bất kỳ cơ quan điều tra nào đang hành sự noi theo hay không?”
