Tổng Thống Joe Biden gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 10 tháng 9, 2023. (The White House)
Bài VI ANH
Tinh thần Mỹ, chánh tri Mỹ rất thực dụng, có câu: Không có thù muôn thuở, không có bạn muôn đời, chỉ có lợi ích là trên hết. Thủ Tướng CSVN Võ Văn Kiệt suốt thời kháng chiến ở Miền Nam sống nhờ kinh tế Mỹ, từng tuyên bố “đánh Mỹ cứ đánh, đồ mỹ tốt cứ xài”. Khi ra Bắc làm Thủ Tướng thì tinh thần và tư tưởng thực dụng theo kiểu Mỹ đã giúp ông Kiệt vượt bao khó khăn về ý thức hệ cộng sản và phe phái trong đảng để chuyển hệ tư duy, chuyển sang kinh tế thị trường cứu nền kinh tế CSVN hết ăn độn tới bây giờ.
Sau này ông Nguyễn Phú Trọng, một lãnh tụ CS bảo thủ kinh điển, kỳ thị Bắc-Nam sau nhiều năm củng cố đảng quyền và nhà nước, công du Mỹ gặp Tổng Thống Barack Obama trong Phòng Bầu Dục nơi làm việc của tổng thống Mỹ. Tổng Bí Thư Đảng CSVN đã quyết định phát triển đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, và mới đây chính Tổng Thống Mỹ Joe Biden và lão làng như ông Trọng cũng gặp nhau tại Văn Phòng Trung Ương Đảng CS để trao đổi thông báo đối tác chiến lược toàn diện, loại cao nhứt mà VN chỉ mới trao cho một ít nước thân với CSVN thôi.
CSVN đã giả dối với nhân dân về một số nội dung. Họ cố ý bỏ qua, phiên dịch khác ý và phổ biến những ý kiến bị sửa chữa của tổng thống Mỹ tranh thủ cho nhân quyền VN.
Cụ thể, theo hãng tin Reuters, giới quan sát của giới đấu tranh nhân quyền, bản tin về chuyến công du Hà Nội của Tòa Bạch Ốc gồm hơn 2,600 chữ, nhưng lãnh vực nhân quyền chỉ chiếm có 112 chữ, bao gồm cả những tựa nhỏ. Bị báo chí chất vấn ở Hà Nội, Tổng Thống Biden cho biết đã đề cập chủ đề này với “tất cả những ai” mà ông gặp. Tại Ấn Độ, vấn đề nhân quyền đã không được đề cập công khai, nhưng trong cuộc họp báo ở Hà Nội, nguyên thủ Mỹ tuyên bố có nhấn mạnh tầm quan trọng việc tôn trọng nhân quyền và tự do báo chí với thủ tướng Ấn Độ Modi.
Theo tổ chức Human Rights Watch, việc đề cập riêng những chủ đề này là chưa đủ vì cả Ấn Độ và Việt Nam đều bị cáo buộc vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, như nạn phân biệt sắc tộc ở Ấn Độ hay chống lại các quyền công dân và chính trị cơ bản ở Việt Nam.
CSVN dùng kỹ thuật truyền thông bá đạo và dư luận viên CS cắt dán, phiên dịch đổi nghĩa, chửi cha hơn pha giọng, của CSVN khiến TT Biden bị phê bình trên đài RFI của Pháp cho là Tổng Thống Biden đặt lợi ích chiến lược lên trên vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và Ấn Độ.
Kể ra cuộc vận động của chánh quyền Biden là một thành công lớn. Đây là mức cao nhất trong lãnh vực ngoại giao mà cho tới giờ CSVN mới chỉ dành cho bốn nước: Nga, Ấn Độ, Nam Hàn và Trung Quốc. Đây là một thông báo mang tính biểu tượng cao đi cùng với hàng loạt thỏa thuận thương mại, chính trị – ngoại giao, kinh tế – thương mại – đầu tư, hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục – đào tạo, hợp tác khí hậu, năng lượng, môi trường và y tế, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác văn hóa – giao lưu nhân dân – thể thao – du lịch, hợp tác quốc phòng – an ninh trong đó có lãnh vực linh kiện bán dẫn.
Về chủ đề nhân quyền nhạy cảm, CSVN chỉ trả tự do cho một nhà đối lập chính trị và cắt bỏ hay thay lời phát trên truyên thông của CSVN. Nhưng trái đất bây giờ quá nhỏ với Internet, trang mạng xã hội, CSVN đâu có thể lấy tay che mặt trời, hay đổi trắng thay đen.
Tuy vậy, CSVN không những lén nói xấu Mỹ mà còn dâng công cho Trung Cộng để lấy lòng Trung Cộng, kính biếu cho Trung Cộng chính sách ngoại giao được gọi là “ngoại giao cây tre” được đích thân tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng định nghĩa: “gốc phải khỏe, thân phải chắc nhưng cành phải mềm dẻo.” Hà Nội sẽ phải giữ cân bằng vì muốn trở thành đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ, nhưng vẫn khôn khéo với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Và Tổng Thống Joe Biden của Mỹ cũng không phải tay vừa. Ngay trong ngày công du thứ nhất, ông khẳng định chuyến thăm Việt Nam của ông không nhằm mục đích khơi mào một “cuộc chiến tranh lạnh” với Trung Quốc mà thể hiện mối quan hệ bền chặt hơn với Hà Nội tạo lập “nền tảng cho sự ổn định” toàn cầu qua việc xây dựng các mối quan hệ của Mỹ ở khắp Châu Á.
Nhưng ngày 11/09/2023, sau khi có văn kiện trong tay, TT Joe Biden ca ngợi quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam đã “bước vào một thời kỳ mới.” Hai nước cảnh báo “mọi mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực” ở Biển Đông, dù không nêu đích danh Trung Cộng, nhưng đây là một thông điệp rõ ràng gửi tới Bắc Kinh.
Hoa Kỳ “cam kết tiếp tục ủng hộ sự phát triển của Việt Nam về năng lực phòng vệ” trong bối cảnh Trung Quốc đòi chiếm gần hết Biển Đông, thường xuyên quấy nhiễu tầu thuyền và hoạt động của các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền. Đây là một trong những điểm chính trong Tuyên Bố Chung về nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên tầm “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” được Nguyễn Phú Trọng và Joe Biden thông báo ngày 10/9/2023.
Tổng Thống Biden có rất nhiều lý do chọn công du Việt Nam Việt Nam có lợi thế về kinh tế vào lúc mà nhiều tập đoàn Mỹ đi tìm những “bãi đáp” mới thay thế cho Trung Quốc. Nhiều nước khác như Nam Hàn hay Đài Loan “trực chỉ” Việt Nam, xem quốc gia này là một giải pháp thay thế cho Trung Quốc. Ngân Hàng Thế Giới dự phóng tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 đạt 6.3 % lại càng thúc đẩy đầu tư nước ngoài quan tâm đến quốc gia này. Trong tám tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đã đạt $18 tỷ đô la, tăng 8% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Washington xem VN là một “đối tác then chốt” để Mỹ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc trong một số lãnh vực. Hà Nội mong muốn được các nước ở bên ngoài hỗ trợ, kể cả Hoa Kỳ để đối phó với những động thái hăm dọa của Bắc Kinh.
Dù vậy Việt Nam không muốn liên kết, không muốn đứng về phía Mỹ. Về phía Washington, chính quyền Biden xem Việt Nam là một đối tác quan trọng hơn, nhưng Việt Nam cũng không phải là một đồng minh của Mỹ như Phi Luật Tân hay Nhật Bản. Việt Nam không đồng quan điểm với Hoa Kỳ về nhiều mặt.
Riêng liên quan đến Trung Quốc thì Việt Nam có cùng quan điểm với Hoa Kỳ, và Việt Nam xem Trung Quốc là một mối đe dọa hiểu theo nghĩa Trung Quốc là một cường quốc đang muốn xét lại trật tự quốc tế. Về kinh tế, tất cả các doanh nghiệp trên thế giới đang muốn di dời cơ sở khỏi Hoa Lục, nên họ chú ý trước hết đến Việt Nam. Như vậy nhìn chung, Việt Nam là một đối tác then chốt trong mắt Hoa Kỳ.
Hôm đầu tháng, ông Biden đã khẳng định chính phía Việt Nam mong muốn nâng cấp quan hệ với Mỹ để chứng minh với Bắc Kinh rằng họ “không đơn độc”. Trái lại, một số nhà bình luận cho rằng, Tòa Bạch Ốc đang muốn tranh thủ cảm tình của Hà Nội vào lúc mà Trung Quốc và Nga đều đã thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam, Trung Quốc là từ năm 1998.
Mỹ cần hợp tác với Việt Nam về cung ứng chip khi tìm cách giảm lệ thuộc Trung Quốc
Về phía Việt Nam, cái khó là làm thế nào để mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ không làm phật lòng Trung Quốc, một nước láng giềng quá lớn ở sát cạnh. Chẳng thế mà năm ngày trước khi đón Tổng Thống Biden, hôm 5/9 tại Hà Nội, tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã tiếp trưởng Ban Liên Lạc Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu.
Trung Quốc ngày 11/9 kêu gọi Mỹ “từ bỏ quyền bá chủ và tâm lý Chiến Tranh Lạnh” trong quan hệ với các nước Châu Á sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Biden.