Đà Nẵng, điểm đến đáng yêu. Kỳ 1: Một thuở và cà phê thư viện

Cầu Rồng Đà Nẵng (Chu/ Viễn Đông)

Bài CHU

Đến Đà Nẵng, có thể nói có quá nhiều chỗ để đi thăm thú. Và, Đà Nẵng là một thành phố kỳ lạ nhất trong các thành phố tại Việt Nam. Một thành phố vừa có biển, vừa có núi, vừa có nhà quê lại vừa có thành thị. Và đương nhiên con người ở đây vẫn giữ hiền hòa, nhẹ nhàng và chân chất. Bạn nên ghé Đà Nẵng và cố gắng ở lại cho được vài ngày chứ đừng “cưỡi ngựa xem hoa”.

Nhớ Đà Nẵng những ngày sau 1975, thành phố dường như xơ xác, chẳng khác Sài Gòn mấy. Hồi đó, muốn đi xe từ quê ra phố, phải chờ cả mấy giờ đồng hồ, có khi chờ cả ngày, mà xe tới rồi đó cũng chưa chắc đã được đi vì người đi quá đông, người già và trẻ em bị loại ra khỏi chuyến đi (chứ không được ưu tiên như bây giờ) bởi tài xế sợ họ lên xe bị lấn ép, ngộp thở, ngất xỉu. Xe chạy từ quê ra phố mở cửa toang hoác để lấy gió, vì bước lên xe, người nào may mắn có chỗ ngồi, còn lại thì đứng chật ních, nóng nực không thể chịu được, mong sao xe chạy, gió lùa vào thì dễ thở hơn. Trời mưa mà đi xe buýt thì mức độ ướt át của những người ngồi hai dãy ghế là miễn bàn, thế nhưng người ta vẫn bám ghế, vì dễ gì có chỗ ngồi. Chiếc xe Renault thời Pháp để lại có sức chở chưa tới mười người nhưng nhà xe lúc nào cũng chở trên năm mươi người. Sau xe là một cái thùng than to luôn cháy hừng hực, bởi xe chạy bằng than, nhiên liệu quá hiếm, đầy đường là mụn than, bụi bặm…

Đà Nẵng có hai bến xe, bến xe liên tỉnh ở phường Khuê Trung, rộng và nhếch nhác (bây giờ là siêu thị Big C và cửa hàng Blue), một bến khác nằm ngay ngã tư Hùng Vương và Phan Châu Trinh (bây giờ là quảng trường trước nhà hát Trưng Vương), bến này cũng nhếch nhác, mùa mưa thì sình lầy và nước đen loang khắp nơi. Hình ảnh tôi nhớ nhất ở bến xe liên tỉnh là những nhóm giang hồ, họ chuyên móc túi và gây sự, dường như có thanh niên nào ở quê ra mà đeo đồng hồ, mặc quần tây áo trắng là cách gì cũng bị họ vây lấy rồi tìm cách gây sự, móc túi.

Thời đó, Đà Nẵng có một cảnh sát tên Hùng, biệt danh Hùng SBC, tức Hùng săn bắt cướp (tôi nghĩ, nếu có một cảnh sát cộng sản tốt đẹp, có lẽ phải nhắc tên anh Hùng này đầu tiên). Hùng chuyên đi theo những thanh niên trong quê ra để ngầm bảo vệ và tác nghiệp khi cần thiết, anh giỏi võ và quả cảm đến độ các băng cướp Đà Nẵng nghe tên Hùng xuất hiện thì lo lảng đi nơi khác. Sau này tôi tình cờ gặp anh trong quán cà phê, anh đã già, nhưng phong thái bất cần đời và nghèo khổ của anh thì không tránh vào đâu được. Hình như anh về hưu với mức lương vừa đủ uống cà phê, phải phụ vợ bán quán…

Ở bến xe nội tỉnh (thời đó còn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, mọi cơ quan hành chính tỉnh đều đóng ở thành phố Đà Nẵng), hình ảnh làm tôi nhớ nhất vẫn là những chú thương binh phía bên kia, họ chống cặp nạng gỗ, đứng ngửa mũ bên lề cuộc đời, họ khép vào một góc bến xe, ở đó, họ im lặng và đứng, im lặng như những con chim  bị thương đứng ngắm cuộc bay nhảy của động loại. Ai đó thương tình, dậy lòng trắc ẩn thì ngó trước nhìn sau, nếu không bị quan sát liền ghé đến tặng họ vài xu độ nhật. Hình ảnh ấy cứ ám lấy tuổi thơ tôi, khi nói về Đà Nẵng, tôi nhớ đến những người thương binh chống nạng đứng trầm ngâm bên bến xe và những tờ báo Liên Xô cũ, những chiếc vỏ lon bia mang về làm quà ở quê.

Mỗi khi thăm thành phố về quê là tôi mang về vài xấp báo Liên Xô, vài chục cái vỏ lon bia, nước ngọt để tặng bà con chòm xóm. Báo Liên Xô dùng để bọc vở, vỏ lon bia, nước ngọt thì mài nhẵn trên miệng, bỏ đi phần nắp trên và dùng giấy nhám rà thật nhẵn hoặc mài trên đá mài mịn cho nhẵn, thành chiếc ly uống nước. Chắc các bạn U40, U50 vẫn còn nhớ những chiếc ly bằng vỏ lon bám đầy màu nước chè?!

Không gian yên tĩnh bên trong cà phê thư viện (Nguồn hình: wikidanang)

Đà Nẵng hồi đó còn cầu Vồng và bến phà qua An Hải, còn những chiếc tàu viễn dương đậu chật cảng Bạch Đằng, còn những xóm nhà chồ trên sông Hàn. Đến những năm cuối thập niên 1990, Đà Nẵng thay da đổi thịt, đời sống kinh tế phát triển một cách bất thường. Thế nhưng những gì khiến cho bạn nhớ lâu, nhớ mãi về Đà Nẵng, lại là những điểm cũ, những gì thuộc về ký ức, kỉ niệm, và tất cả những điểm bạn cần đến, khiến bạn thấy thú vị, có lẽ cũng quanh quẩn ở những nơi còn dấu vết cũ.

Bữa nay bạn check in Đà Nẵng, bạn hãy nghỉ ngơi, và thoải mái ăn uống, nếu thích bún chả cá thì đến đường Nguyễn Chí Thanh, thích bún bò thì có quán Bà Diệu ở 17 Trần Tống, quán Thủy trên đường Đống Đa, quán bà Thương trên đường Trần Quốc Toản. Những con đường này ngắn, đi dạo tìm thú vị hơn là biết địa chỉ cụ thể. Sau đó, bạn ghé thư viện Đà Nẵng bên bờ sông Hàn, ở đường Bạch Đằng, đoạn gần các khu nhà cổ của Pháp, đây là một thư viện có từ thời Pháp, cảnh quan nơi đây vẫn chưa thay đổi mấy.

Một buổi chiều Đà Nẵng có thể trôi qua êm đềm, nhẹ nhàng trong mắt bạn, để chuẩn bị cho ngày mai, bạn thuê xe đạp hoặc xe máy du ngoạn Đà Nẵng.

Không gian yên tĩnh bên trong cà phê thư viện (Nguồn hình: wikidanang)

(Kỳ tới: Sơn Trà, bán đảo thần tiên)

Leave a Reply