Đường trên núi Sơn Trà (Christophe95/ Wikimedia Commons)
Bài CHU
Những ai từng sống tại thành phố biển này, có lẽ sẽ không quên tiếng kéo cửa mỗi sáng. Có một thời, từ những năm sau 1975 đến 1990, nói về Đà Nẵng, hình như chỉ có mấy điểm: Viện cổ Chàm, đường Bạch Đằng, Cầu Vồng, Công Viên 29 tháng 3, Chợ Cồn, Chợ Hàn, Bến Phà An Hải, Núi Sơn Chà (Trà), Nhà thờ con Gà. Hình như là bấy nhiêu điểm. Và trung tâm Đà Nẵng xoay quanh bùng binh ngã năm Phan Châu Trinh, Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Trần Quốc Toản, từ trung tâm ấy, vẽ một đường bán kinh chừng 1 km là khu vực thành phố, sầm uất, phồn thịnh, còn lại là ngoại ô buồn não. Thời ấy, tiếng kéo cửa mỗi sáng và mỗi đêm như một đặc trưng của Đà Nẵng.
Những năm đầu thập niên 1980s, thành phố Đà Nẵng, nhắc tới việc mua bán tại đây, hầu như người trong quê đều nghĩ đến chợ Cồn, một khu chợ xây dựng cùng lần với nhà hát Trưng Vương, hồi đó chợ Cồn nhìn hiện đại và hoành tráng còn hơn cả các siêu thị thời bây giờ, bởi vì chưa có siêu thị, chưa có gì, chợ Cồn như một nơi mà người mua kẻ bán được tự do nhất, khỏi phải vào cửa hàng bách hóa tổng hợp, khỏi tem phiếu và nhất là khỏi phải xếp hàng, có các mặt hàng mà dân quê hay dân phố cần, chợ lúc nào cũng đông đúc, tấp nập. Và đây cũng là thời điểm dân móc túi từ Nam Định (dân Nam Định bây giờ vẫn còn tự xem mình là dân “hai ngón”, ông tổ nghề móc túi của cả nước) đổ về đây, và thời đó, người ta nói rằng Đà Nẵng có hai nơi mà dân móc túi rất sợ, đó là Tam Tòa và Cột Cờ.
Tam Tòa là tên của một phường, thuộc quận Thạc Giáng, nơi đây có bằng giang hồ khét tiếng, chuyên bảo kê gái trong khu công viên 29 tháng Ba và khu bãi rác phía trước công viên. Còn băng cướp Cột Cờ đóng ở khu vực cột cờ, thuộc trung tâm hành chính Đà Nẵng, trên đường Bạch Đằng, ban ngày rút lên núi Sơn Trà, buổi tối xuống thành phố hoạt động.
Núi Sơn Trà, còn gọi là Sơn Chà, thời đó còn xa lắc xa lơ với người thành phố, bởi vì muốn sang Sơn Trà phải qua phà An Hải, đi theo một con đường nhựa thời Mỹ để lại, đi miết cả buổi mới tới núi, tới đó rồi cũng chỉ đứng ngắm trời mây, ngắm biển một lát lại quay về, ngắm thêm hai trụ phát sóng trắng toát như hai cây nấm trắng trên đỉnh núi, vậy là đủ một buổi ngắm Sơn Trà chứ đâu có dám lên trên núi, phần sợ cọp beo rắn rết, phần sợ cướp. Mãi đến sau này, thành phố mở rộng, bán kính trung tâm kéo dài cả mấy cây số chứ không còn một cây số xoay quanh bùng binh ngã năm Phan Châu Trinh – Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản – Hoàng Diệu như trước đây.
Từ trung tâm thành phố, qua cầu sông Hàn hoặc cầu Thuận Phước, đi dọc bờ biển, cảnh quan ở đây có lẽ đẹp chẳng kém bất kì một thành phố biển nổi tiếng nào, nước biển trong xanh, những hàng dừa xanh mát rượi, những khu nghỉ mát nằm ẩn mình dưới tán lá dừa, dưới rừng dương, bạn đi qua một làng chài, trăm tuổi, ở đây vẫn còn những chiếc thúng rái tròn, những chiếc thuyền gỗ đóng từ thời xa xưa, không thể ra khơi được nữa, nằm ngủ quên bên bờ biển, dưới những cây bàng cổ, mùa thu, lá rụng đỏ một góc đường, hình ảnh cho cảm giác như đang lạc vào bức tranh mùa thu của một danh họa Levitan vậy.
Đến cuối đường biển là đường đi vào bán đảo Sơn Trà, bạn có thể gọi là núi cũng được, mà gọi là bán đảo cũng được, cách gọi nào cũng đúng, gọi là bán đảo bởi một nửa gắn với đất liền, nửa kia gắn với biển, gọi là núi bởi cảnh quan, cây cối đều mang dáng dấp của rừng già, núi cao, những con vọc chà vá chân nâu hiếm hoi còn sót lại trên mặt đất, chim chóc và cổ thụ, khỉ từng đàn, huơu, nai, hoẵng, mang túc mỗi đêm… dường như có đủ. Và bây giờ, còn có chùa núi, chùa Linh Ứng, khu nghỉ dưỡngInterContinental Đà Nẵng, và rất nhiều nhà lưu trú trên trục đường một bên là biển, một bên là sườn núi. Một dãy dài các khu biệt thự nhỏ nằm khép nép bên bờ biển, những quán xá mang hơi hướm Lương Sơn Bạc và những con người từng mệnh danh dân ba-đờ-ghe (tức dân đi biển, không tấc đất cắm dùi và sống đời sống chẳng khác nào rái cá, thật thà, ăn cục nói hòn) là chủ quán, họ vẫn giữ thói quen ăn cục nói hòn nhưng thân thiện và có phần thật thà hơn rất nhiều chủ quán chúng tôi thường gặp.
Lênđỉnh Sơn Trà, bạn có thể ghé thăm cây đa ngàn năm tuổi, lên đỉnh Bàn Cờ để ngắm toàn cảnh thành phố. Nếu thích thưởng ngoạn cảnh núi đồi thì bạn chỉ cần đi vào ban ngày, buổi tối bạn quay trở lại thành phố, vì đường đi bây giờ thuận tiện, đi và về trong vài chục phút, nếu thích trải nghiệm cảnh rừng núi ban đêm, bạn có thể tìm khách sạn trên núi để qua đêm. Tin rằng nơi đây sẽ để lại cho bạn một ấn tượng thật đẹp và lãng mạn!
Chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ và ấn tượng!