Chú thích hình: Cầu đá Lăng Cô năm 2008 (Vyacheslav Argenberg/ Wikimedia Commons)
Bài CHU
Qua khỏi đèo Hải Vân, vừa xuống chân đèo, gặp cầu đá Lăng Cô, qua khỏi cầu, trước mặt bạn là một đầm nước mênh mông, trong vắt, nằm liền núi, liền sông, liền biển và liền đồi cát thoai thoải, có thể nói rằng đứng bên đầm Lập An, vừa có cảm giác đứng bên bờ biển xa xôi nào đó, lại có cảm giác đứng bên đầm phá, đứng bên chân núi và đứng bên một sa mạc buồn tẻ, cô quạnh. Cái cảm giác này hiếm gặp khi đi qua những miền xa lạ, không phải nơi nào cũng giống vậy!
Đầm Lập An còn gọi là đầm An Cư. Đây là con đầm khá đặc biệt, có một con đường cái quan trước đây vốn dĩ quốc lộ 1A cũ đi men theo bờ đông của đầm, chung quanh đầm là con đường nhựa vòng vèo dẫn vào một xóm chài, một xóm nuôi hàu, một xóm đạo và một thánh đường nho nhỏ, nằm khiêm cung và bí ẩn bên sườn núi.
Đầm Lập An, một cái đầm rộng lớn, nước trong veo, mùa hè nước có đoạn khô rang khô rốc và người ta lội ra đào bới những con sùng biển, ốc, các loại thực vật biển hóa thạch và cả những loài động vật sống dưới đáy sâu đất biển. Những lúc như thế, đứng bên bờ đầm, cảm giác trở về thời nguyên thủy hiện ra rất rõ nét.
Cũng trong mùa hè, bên bờ đầm phía đông, bên cạnh quốc lộ 1A cũ, có những nhà hàng nổi chuyên bán các loại hải sản, món hải sản ở đây nổi tiếng một thời, cho đến khi người ta thi nhau bê tông hóa bờ đầm để làm nhà hàng và mọi sự trở nên bát nháo, chính quyền vào cuộc dở dở ương ương, làm chẳng tới đâu, mọi thứ trở nên trật tự trong mớ lộn xộn cố hữu, những cọc bê tông phơi đầy lòng đầm, mọi thứ cứ như đang trình diễn trận đánh của Ngô Quyền trên sông, nhưng các cọc nhọn không được thơ mộng như vậy. Đương nhiên hàng quán trên đầm vẫn còn vài cái hoạt động lẻ tẻ, tiếc là người đi đường chẳng còn mặn mà với những nhà hàng kiểu này nữa bởi nó vừa vô hồn, lại vừa mang bệnh chặt chém khách.
Đó là chuyện buôn bán, ăn uống trên đầm, chứ chuyện nuôi hàu trên đầm thì lại khác, ở đó bạn gặp cơ mang những bãi hàu, những cây tre được máng đầy lốp xe cũ rồi thả xuống đầm, hàu đến bám đầy các lốp xe, đến mùa thu hoạch, người “nuôi hàu” chỉ cần bơi ghe ra khiêng các thanh ngang này lên. Mỗi thanh như vậy phải tốn đến hàng chục người khiêng lên mới nổi, bởi hàu bám đầy các lốp cao su khiến nó nặng một cách khủng khiếp. Và đương nhiên càng nặng người ta càng mừng.
Vớt hàu lên xong, khâu tách vỏ hàu có lẽ là khâu công phu nhất, các phụ nữ trong làng chài được giao công việc này, họ đổ cả tấn hàu vừa thu hoạch xong lên bên đường và chờ khách đến mua thì tách vỏ, cân ký…
Bên cạnh đầm Lập An, ngoài ngôi nhà thờ bên chân núi như vừa kể, còn có thêm nhà thờ Lập An, tức giáo xứ Lập An, nằm bên đường 1A mới, nhà thờ nằm bên cạnh đồi cát và đồi cát trải dài về phía biển, nối với phá Tam Giang, tạo thành liên khúc đầm, đồi, phá… người dân nơi đây sống dựa vào biển, những chiếc thuyền đuôi nheo cũ kĩ là phương tiện làm ăn của họ.

Đi dọc theo quốc lộ 1A, có thể nói rằng đoạn đường này nên thơ nhất trên trục đường Đà Nẵng – Huế, con đường cho cảm giác nằm nghiêng nghiêng, tựa mình vào một đồng bằng hẹp bên dãy Bạch Mã, còn bên kia là phá Tam Giang, đến một bãi cát rộng mênh mông rồi lại biển Đông…
Một con đường cho cảm giác bạn có thể vừa đi vừa ngắm mây, vừa hít căng lồng ngực để cảm nhận mùi dầu tràm phảng phất trong không khí, bởi hai bên đường là những lò dầu tràm xứ Huế, người nơi đây sống chủ yếu bằng đi rừng, nấu dầu tràm và làm ruộng. Cách nhau chỉ vài cây số, nhưng đời sống trái ngược hẳn nhau, nếu như ở Lăng Cô chủ yếu dựa vào biển, kinh doanh đồ biển, làm mắm, bán quán ăn… rặt liên quan tới biển, thì ở Phú Lộc, người ta chủ yếu dựa vào rừng, vào ruộng và có gì đó buồn thảm, đời sống trầm trầm, hiền hiền, mặc cho thiên nhiên đẹp đến nao lòng, đời sống có gì đó làm bạn xôn xao và thương cảm, thật khó nói.
Trên con đường đẹp như tranh vẽ này, bạn sẽ gặp hai điểm du lịch bên đường, nếu bạn thích cảnh hoang sơ, điền dã thì nên ghé suối Voi, một khu du lịch sinh thái nằm bên rìa dãy Bạch Mã với những quán xá kiểu Lương Sơn Bạc nằm vắt veo bên cạnh một con suối nhỏ, nước chảy róc rách, càng vào sâu, men theo suối càng gặp nhiều tảng đá nằm chắn suối thành những hồ nước trong vắt. Đương nhiên tôi khuyên bạn không nên xuống tắm vì đá trơn trợt và đáy nước rất sâu, rất nguy hiểm. Hơn nữa, các quán nằm vắt vẻo trên suối không ai bảo đảm sẽ không có người tiện tay vứt rác xuống suối… Điều này khác với khu du lịch hồ Bạch Mã.
Khu du lịch hồ Bạch Mã là nhân tạo nhưng nói về mặt cải tạo cảnh quan và xây dựng thì rất thành công, thành công bậc nhất (cũng vì muốn giới thiệu với các bạn khu du lịch trên hồ này nên tôi đã cố tình bỏ qua khu du lịch Phú Ninh ở Tam Kỳ, Quảng Nam). Nơi đây, bạn có thể trải nghiệm cảm giác sống với người Sơn Cước ra sao. Chỉ cần đạp xe hoặc chạy xe máy chưa đầy năm cây số đường rừng, một cái hồ rộng mênh mông hiện ra trước mắt, giữa hồ là một hòn đảo xanh rì cây cối, trên đảo có một ngôi chùa lợp mái ngói lưu ly với cái tên Thiền Viện Trúc Lâm, chùa nhìn ra một bức tượng Phật đang tọa thiền giữa lòng hồ, quan cảnh huyền hoặc và lãng mạn, yên tĩnh mà réo gọi, thật khó để tả!