Xác một nạn nhân được đưa ra ngoài trưa thứ Hai, 31 tháng 7, 2023. (Hình: Dân Trí)
BẢO LỘC – Những tin tức cập nhật cho thấy sườn đồi bị sạt lở tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng hôm Chủ Nhật là một nông trại trồng sầu riêng trên đất rừng. Người ta nghi ngờ đất rừng chưa được khai khẩn đúng quy tắc để trồng cây ăn trái, khiến đất không được giữ chặt bởi rễ cây, đưa đến hậu quả sạt lở khi có mưa lớn và gây thiệt mạng cho bốn người gồm ba cảnh sát viên và một cựu công an nghĩa vụ.
Tin trong ngày thứ Hai cho biết ba cảnh sát viên đã được nhà nước vinh danh bằng việc cấp chứng chỉ tổ quốc ghi công. Ba người này là trung tá Nguyễn Khắc Thường (quê Nam Sách, Hải Dương); thiếu tá Lê Quang Thành (quê Triệu Phong, Quảng Trị); đại úy Lê Ánh Sáng (quê Thạch Hà, Hà Tĩnh). Người thứ tư thiệt mạng là ông Phạm Ngọc Anh, cựu chiến sĩ công an nghĩa vụ, sống gần trạm cảnh sát giao thông nơi ba cảnh sát viên công tác.
Trước đó, sáng Chủ Nhật, ngày 30-7, mưa lớn diễn ra từ sáng sớm gây sạt lở đất đá với khối lượng lớn, cây cối gãy, đổ xuống đường ngăn chặn giao thông, khiến nhà cửa trong khu vực đèo Bảo Lộc bị thiệt hại.
Trước tình hình cấp bách, giám đốc công an tỉnh Lâm Đồng ra lệnh cho các cơ quan phụ thuộc gồm phòng cứu hỏa, phòng cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, công an TP Bảo Lộc, công an huyện Đạ Huoai thực hiện các biện pháp cứu nạn, điều hành giao thông.
Ba cảnh sát viên nói trên làm việc tại Trạm Mađanguôi, thuộc huyện Đạ Huoai. Khi đang điều hành giao thông trên đường đèo Bảo Lộc, họ được ông Phạm Ngọc Anh trợ giúp.
Đến khoảng 2g30 trưa, ông Anh bị đất đá sạt lở vào người; ba cảnh sát viên chạy đến cứu giúp thì bất ngờ hàng ngàn mét khối đất đá đổ ập xuống, vùi lấp hết bốn người bên dưới. Ba cảnh sát viên khác đã thoát chết.
Địa điểm xảy ra tai nạn thuộc địa phận thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, giáp ranh với xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc.
Vì khối lượng đất đá vùi lấp rất lớn, chôn bốn nạn nhân bên dưới khối đất đá, nên đến trưa thứ Hai thì hết thảy bốn tử thi mới được mang ra ngoài.
Nguồn tin của báo Tuổi Trẻ Online cho biết toàn bộ diện tích trồng sầu riêng phía sau lưng trạm cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc là đất lâm nghiệp, tức là đất rừng chứ không phải đất nông nghiệp.
Báo Tuổi Trẻ viết rằng đồi sầu riêng này do một người đàn ông tên Bi sống trong khu vực miếu Ba Cô trồng từ năm 2019. Tin cho biết ông Bi dẫn nước từ các con suối về để tưới vườn sầu riêng chứ không khoan giếng như nhiều thông tin trước đó.
Trong khi đó, các báo Lao Động và Dân Trí dẫn lời ông Đặng Văn Chinh, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thị trấn Đạ M’ri, cho hay vào chiều thứ Hai rằng vườn sầu riêng thuộc sở hữu của bà Đặng Thị Lộc, cư trú trong cùng thị trấn. Ông Bi nêu trên có thể chỉ là người chăm sóc vườn cây sầu riêng chứ không hẳn là chủ nhân.
Các quan chức lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho rằng không có cơ sở để nói khu sầu riêng phía sau trạm cảnh sát là nguyên nhân chính gây sạt lở. Họ cho rằng sạt lở do nhiều yếu tố kết hợp, trong đó nguyên nhân chính do kết cấu đất bazan và mưa quá lớn gây biến đổi kết cấu chung trong khu vực.

Trong khi đó, ngoài Tuổi Trẻ, các báo khác gồm cả Lao Động, Dân Trí, Pháp Luật TPHCM, đều ghi nhận rằng nơi sạt lở là “một đồi sầu riêng, không có cây rừng bao phủ.”
Ông chủ tịch thị trấn nói với Lao Động và Dân Trí rằng bà Lộc đã sinh sống tại khu vực này mấy chục năm nay, bắt đầu canh tác ở ngọn đồi nói trên từ trước năm 1985 đến nay, và trồng cà phê, mít, bơ, còn sầu riêng “bà mới trồng lại tại đây.”.
Nói thêm về hiện trạng đất tại vùng đồi trồng sầu riêng của bà Lộc, chủ tịch Chinh cho biết rằng vào năm 2008, ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã quyết định đưa diện tích đất này ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp.
Khu đất trồng sầu riêng rộng khoảng 1 mẫu hectare với tuổi đời cây khoảng từ 3 đến 4 năm, bao quanh vùng trồng sầu riêng là rừng thiên nhiên. Báo Lao Động cho biết “xung quanh khu vực sạt lở không còn các lớp thảm thực vật dày đặc như các khoảnh rừng liền kề ở khu vực đèo này.”
Theo quan sát của đài VOA từ Hoa Kỳ, nhiều người dân trong nước đặt câu hỏi vì sao lại có thể cho phép chặt cây rừng và trồng sầu riêng ở một nơi trọng yếu như vậy. Họ cho rằng phá rừng làm vườn đã dẫn đến một kết cục bi thảm nhưng đó là một hậu quả đã được báo trước.
Điều đáng quan tâm là khu đồi bị sạt lở không phải là nơi duy nhất ở đèo Bảo Lộc có những khoảng rừng bị chặt trụi, để trồng cây công nghiệp hay cây ăn trái, nơi chính quyền địa phương đã làm ngơ cho dân phá rừng để trồng sầu riêng.
Và như thế trong tương lai sẽ còn nhiều vụ sạt lở khác, không chỉ ở tỉnh Lâm Đồng mà trên khắp cao nguyên miền Trung và miền Bắc, nơi rừng bị chặt phá để làm giàu cho các cán bộ.
Sau khi đến quan sát nơi xảy ra thảm họa, phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã tuyên bố, “Đây là bài học không chỉ riêng cho Lâm Đồng mà cho cả nước.”