Đâu phải người mẹ nào cũng giàu có!

Hội An 2003 (Benoît Prieur/ Wikimedia Commons)

Bài UYỂN NHI

Hôm nay, tự dưng tôi có cảm xúc đặc biệt với những người mẹ nghèo, có lẽ, tôi vừa gặp một người mẹ nghèo và cô ấy khiến tôi chạnh lòng từ chiều tới giờ. Ánh mắt, gương mặt và sự nhấp nha nhấp nhỏm muốn ngỏ lời của cô ấy khiến tôi thấy nhoi nhói trong lòng. Và, trong một chừng mực nào đó, điều ấy khiến tôi nghĩ nhiều hơn về sứ mệnh làm mẹ. Đôi khi tôi thầm thán phục những người mẹ nghèo, bởi họ rất dũng cảm, và có chút gì đó bao la, mênh mông…

Chuyện là cô bé này hàng xóm, có quan hệ bà con họ hàng xa với ông xã tôi, lâu nay cũng ít qua về, vì mỗi người mỗi việc nên cũng ít có dịp gặp nhau. Cô bé còn nhỏ tuổi, năm nay mới bước vào tuổi đôi mươi, cô đi học nghề, rồi làm thuê trên thành phố, thế rồi gặp chuyện gì đó tợ như cạm bẫy, cô quay về quê với nỗi buồn chất nặng trong lòng.

Thế rồi cô gặp một chàng trai, cậu này cũng rất nghèo, mẹ mất sớm, thật thà, bỏ học sớm để đi làm công nhân phụ giúp cha nuôi mấy đứa em nhỏ và người bà ốm đau liên miên… Họ yêu nhau, quyết định đi đến hôn nhân và họ sắp có con. Nhưng, có vẻ như mọi chuyện khó khăn chồng chất.

Có lần, họ đi dạo buổi tối (người quê có tập tục cho mẹ sắp sinh đi dạo mỗi tối để sau này dễ sinh), gặp ông xã tôi, chào hỏi nhau, ông xã tôi hỏi thăm nhiều điều và biết được họ rất khó khăn, phải về sống chung với người bà gần nhà tôi vì nhà của chàng trai khó khăn, không có phòng ốc gì, lại đông em và phải chăm người bà ốm đau nằm một chỗ…

Vậy là về lại nhà mẹ, mà mẹ cũng sống nhờ nhà người cô chồng. Mọi thứ trở nên u uẩn, nghèo, khó, khổ có đủ. Ông xã tôi nghe tình hình, dặn, “Hai em có gì khó khăn cứ sang gặp anh chị, trong khả năng giúp được, anh chị sẽ không bao giờ từ chối, nhớ nha!” Cô bé và chồng “dạ”. Thế rồi im lặng, cho đến tối hôm qua.

Cô bé chạy xe vào sân gọi tôi, tôi chạy ra, ngạc nhiên vì thấy cô bụng mang dạ chửa mà lại đi xe máy một mình, loại xe của công nhân hay đi, loại xe rất lanh chanh, khó điều khiển. Cô hỏi tôi có áo quần cũ của bé sơ sinh thì tặng cho cô, vì mua mắc quá, cô cũng không có tiền, gia đình cô đang gặp khó khăn. Tôi mời cô bé vào nhà, hỏi thăm tình hình thai kỳ. Cô ngồi nói chuyện, mặt buồn xo, giọng yếu ớt (bởi từ sáng tời giờ (gần 6 giờ chiều) chỉ mới ăn một ổ bánh mì thịt của mẹ mua cho, chồng đi làm công nhân khu công nghiệp, sáng đi sớm, tối mịt mới về, mọi thứ cô tự lo.

Nghe vậy, tôi thấy buồn, hỏi thăm thêm về thai kỳ, tình hình sức khỏe của thai ra sao. Cô nói lẽ ra đi khám thai mấy ngày trước vì đã đến tuần phải khám, siêu âm nhưng không có tiền… nói đến đây cô bé dừng, ngồi thừ ra. Ánh mắt của cô cho thấy cô đang muốn cầu cạnh chúng tôi điều gì đó, nhưng ngại, không dám nói ra. Tôi cũng để thử, “thi gan” với cô bé xem sao. Và cô ngồi mãi đến lúc chúng tôi dọn cơm tối thì đứng dậy chào, ra về, chỉ dặn tôi nhớ để dành hết áo quần trẻ em cho cô. Tôi gật đầu, đợi cô mở lời, nhưng cô vẫn im lặng.

Cô ra đến sân, tôi quan sát dáng đi của cô bé, dường như trong dáng đi mệt mỏi, chán chường và có chút gì đó “chẳng biết ngày mai sẽ về đâu” ấy, có gì đó cố gắng, cố chống chọi với mệt mỏi. Tôi gọi cô dừng lại, hẹn cô sáng mai sang nhà để tôi tặng một chút tiền đi khám thai, áo quần thì cô bé cứ yên tâm, đừng lo… Cô “dạ” một tiếng nghe giống như vừa cất một khối đá to, nặng ra khỏi lồng ngực. Cô nổ máy xe, chạy về nhà. Tự dưng, một buổi tối có chút gì đó bùi ngùi kéo qua gia đình tôi. Sáng hôm sau, tôi gọi điện thoại sớm, dặn cô bé nhớ ăn uống, nếu chưa ăn sáng thì sang ăn cùng chúng tôi, cô “dạ” và chưa đầy mười phút đã có mặt. Tôi tặng cô chút tiền đi khám thai. Gương mặt cô sáng lên hẳn so với buổi tối qua. Chiều về cô báo với tôi rằng thai rất ổn định, phát triển bình thường, vậy là tôi mừng.

(Uyển Nhi/ Viễn Đông)

Lúc này, tôi và ông xã lại soạn áo quần trẻ sơ sinh, các thứ cần thiết cho bà mẹ và em bé sau sinh để tặng cho cô bé. Trong lúc trò chuyện, chúng tôi nhận ra vợ chồng cô bé này đáng nễ thật, bởi hầu hết thời bây giờ, người ta chọn lọc dữ lắm, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn, nếu có thai, người ta cũng “chọn lọc”, việc này như một xu hướng thời đại ở Việt Nam bây giờ, bởi hầu hết các bà mẹ đều sợ tương lai, đều sợ khi sinh con ra lấy gì mà sống, lấy gì mà nuôi. Và để giữ đứa bé, nâng niu cho bé ra đời là cả một quá trình đấu tranh đối với những đôi vợ chồng trẻ. Và họ đã vượt qua mọi khó khăn, vượt qua nỗi lo tương lai, vượt qua cái nghèo và tuổi trẻ khốn khó để sinh con. Chỉ có những người mang tính thể Mẹ cao mới có thể đủ dũng cảm để lựa chọn như vậy.

Trong cuộc sống này, những bà mẹ sợ tương lai, những ông cha bỏ mặc tương lai cho vợ và cuối cùng đi đến quyết định “chọn lọc” không phải là ít. Nhưng cũng có những người mẹ thà ẵm con đi ăn xin chứ không nỡ lòng nào bứt con ra khỏi nắm ruột của mình. Giữa thời đại người ta nói ra tiền tỉ này tỉ nọ, người ta có thể vứt tiền qua cửa sổ, vậy mà không có tiền để đi khám thai, để biết mình thiếu chất gì, cần làm gì để bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi là cả một vấn đề đau đầu và dám sống. Có lẽ, chính vì vậy mà vợ chồng tôi thấy thương cô bé như đứa em út, thậm chí đứa con của mình.

Tự dưng, tôi nghĩ đến hàng ngàn bà mẹ lao động nghèo phải chịu đựng biết bao cay đắng để sinh con, thiếu ăn, thiếu mặc, chỗ ở nhà trọ rày đây mai đó, tiền bạc lúc nào cũng hụt trước thiếu sau. Họ cần những bàn tay ấm áp, chia sẻ, cho dù rất nhỏ của đồng loại. Tự dưng, lúc này, tôi lại nghĩ đến những bàn tay bé xinh, những ngón tay bé xinh, nhỏ xíu trong tấm phim chụp được của bé trong bụng mẹ, mẹ mừng vì hình hài con đầy đủ, mẹ mừng vì rồi đây giữa cuộc đời, mười ngón tay bé xíu trên bàn tay xinh kia cũng biết úp chút hơi ấm lên bàn tay đồng loại đang ngửa ra chờ đợi vì cái lạnh số phận, và đôi khi cũng biết ngửa tay đón nhận một chút ân huệ của đời sống… Cuộc đời thật ngắn mà cũng thật dài, có những cuộc đời, những người mẹ cần sự chia sẻ của chúng ta – những đồng loại trắc ẩn!

(Uyển Nhi/ Viễn Đông)

Leave a Reply