Đền Thánh Anrê Phú Yên, làng đúc Phước Kiều và Dinh trấn Thanh Chiêm

Bài CHU

Khi bạn đến một nơi nào đó để thăm viếng, có thể mọi dấu vết của nơi ấy đã bị xóa sạch bởi những trận cuồng phong văn hóa, chiến tranh và lòng tham trong lịch sử, nhưng có những dấu vết không bao giờ xóa được, nó hằn sâu trong tập tính vùng miền, trên từng gương mặt con người và trong cả sinh quyển nơi ấy, có gì đó mang dáng dấp của những gì thuộc về quá khứ… Nếu bạn đủ tĩnh lặng để cảm nhận, mọi thứ sẽ hiện ra theo một chiều kích khác.

Bạn hãy để mình thật tĩnh lặng, đạp xe thong thả hoặc chạy xe máy đủ chậm để hưởng không khí tràn ngập mùi hương cỏ dại khi đi qua cánh đồng Chu Bầu, trên trục lộ DT608 nối phố cổ Hội An với thị xã Điện Bàn, hoặc giả đạp dọc theo dòng sông Hoài, rồi đến một đoạn sông Chợ Củi đã bồi lấp, còn một đoạn lạch nhỏ và bóng của sông cũ vẫn đang chảy trên các bãi biền, trên những gương mặt người nông dân nơi đây.

Giả sử bạn đi theo hướng cánh đồng Chu Bầu, bạn sẽ gặp ngã ba thị trấn Vĩnh Điện, một ngã ba của thi ca và những thi sĩ, nơi mà Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Văn Cao, Hữu Loan từng đến đây ngồi ngắm thị trấn, viết bâng quơ một thứ gì đó. Còn bạn, đến đây, nếu rẽ trái theo hướng quốc lộ 1A, đi thêm chừng 3 km nữa sẽ gặp Đền Thánh Anrê Phú Yên, nơi các Linh Mục De Pina, Alexandre De Rhodes từng làm quản xứ, truyền đạo và soạn bản chữ cái tiếng Việt. Nơi đây bây giờ đổi tên thành Đền Thánh Anrê Phú Yên, người thanh niên Phú Yên mà hầu hết trong các cuốn sách đều nói “một cậu bé người bản địa, giúp cha Đắc Lộ hoàn thành bản chữ cái tiếng Việt” chứ chẳng mấy ai biết rằng sau đó, phong trào Văn Thân đã tìm cách sát hại ông, giết ông một cách dã man vì cho rằng ông là gián điệp cho Vatican, phá hoại văn hóa xứ An Nam… Cái chết của ông nhanh chóng đánh động lương tri Vatican và một thời gian ngắn sau đó, ông được phong Thánh.

Vấn đề tôi muốn kể với quí vị ở đây không phải chuyện ông có làm gián điệp hay không (bởi Vatican không phải tổ chức chính trị, họ đào tạo gián điệp làm gì?) cũng như phong trào Văn Thân đã kết tội ông đúng hay không. Mà vấn đề nằm ở chỗ nếu xét theo góc độ văn hóa, ông Phú Yên cũng thuộc vào bậc Thánh, ông không những tử vì đạo mà tử vì văn hóa. Sự đam mê, nhiệt huyết phụng sự cho Chúa và cho Cha, cộng tác với Cha Đắc Lộ để hoàn thành bản chữ cái tiếng Việt, và nên nhớ, chỉ khi bản chữ cái được hoàn thành, cuốn tự điển Việt – Bồ – La ra đời thì câu chuyện dùng chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ mới chính thức được bàn luận với tư cách là một bước ngoặc lịch sử. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những người như chàng trẻ Anrê Phú Yên đã góp tay vào làm thay đổi lịch sử Việt Nam, nếu không có chữ quốc ngữ, cái ngàn năm nô lệ giặc tàu sẽ còn kéo dài đến bao lâu, thật khó mà biết được.

Làng Phước Kiều, nơi Đền Thánh Anrê Phú Yên tọa lạc cũng là một làng đúc đồng nổi tiếng từ thời các chúa Nguyễn đến nay, hiện tại, làng không còn hoạt động như trước, không gian yên tĩnh, dường như cả ngày chẳng nghe âm thanh gì, kể cả những cái loa karaoke vẫn thường thấy ở các xóm làng Việt Nam hiện nay. Có thể nói rằng làng đúc Phước Kiều là một ngôi làng yên tĩnh và bí ẩn, con người ở đây thân thiện vừa phải, không vồn vã săn đón người lạ, nhưng cũng không đến nỗi lạnh nhạt để ngầm xua người lạ đi nơi khác, trong làng không có khách sạn hay nhà trọ mặc dù làng có kinh tế khá vững, nhà khang trang, kiên cố. Xa xa ngoài rìa làng có một nhà trọ, bạn có thể trọ ở đó để đi dạo chơi trong làng, men theo những con đường cổ lũy mà qua phía dinh trấn Thanh Chiêm, nơi còn một ngôi chùa rất cổ tên Phước Thọ với tam quan bằng đá vôi có tuổi thọ hơn ba trăm năm vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

Từ Thanh Chiêm, bạn có thể đạp xe qua làng Đông Khương để thăm một xưởng gốm có bề dày gần trăm năm, thăm những ngôi nhà mái gỗ mái ngói đỏ, ba gian và đi dạo chơi bâng quơ để từ đó xuôi về Hội An theo hướng khác, theo trục đường Thanh Chiêm – Phú Chiêm – Hội An, đây là trục đường di sản, nơi mà trước đây, dinh trấn Thanh Chiêm tọa lạc và liền theo đó lànhững gia đình quan lại, gia đình binh lính, trại nuôi ngựa, bến thuyền, những ông đồ giúp thương gia viết đơn xin phép thông hành… Bây giờ những dấu vết ấy không còn nhưng điệu sống và phong thái của người dân nơi đây dường như vẫn còn nguyên vẹn dinh trấn trong họ. Dinh trấn đã ăn dằm trong dòng máu từ thời cao tổ của họ cho đến nay.

Dọc trục đường này, khi đi ngang làng Phú Chiêm, bạn chịu khó rẽ phải, vào một bãi sông rộng, trong đó có một khu du lịch sinh thái, bạn có thể vào trong làng sinh thái để ăn mì Phú Chiêm nếu muốn, vào thì phải mua vé, hơi bị tốn tiền, thôi lướt qua cũng được, vì làng không có gì đặc biệt, bạn quay ra trục đường chính để ghé một quán mì nào có để tên Phú Chiêm bên ngoài, nếu không nhìn thấy bạn có thể hỏi thăm, người ta sẽ nhiệt tình chỉ cho bạn, các quán thường nằm trong xóm, hoặc bạn gặp một gánh mì Phú Chiêm nào đó đang đi trên đường, nghi ngút khói, bạn gọi họ và cô bán mì sẽ ngồi xuống vệ đường, đưa cho bạn một cái ghế nhỏ, cô sẽ làm cho bạn một bát mì.

Quán hay gánh đều có giá 15,000 đồng mỗi tô, tương đương $0.70 USD, mì khá là ngon và thú vị đấy bởi có thể nói rằng mì Phú Chiêm là chúa tể của dòng họ mì. Và bạn lại lên đường, từ từ, ung dung đạp xe quay về phố cổ Hội An, giữ sức cho ngày mai đi lên núi, một con đường núi cũng khá đặc biệt.

Leave a Reply