Bài phát biểu của Luật Sư Đỗ Thái Nhiên Bài trong buổi giới thiệu THƠ Ý tại Viện Việt Học vào Chủ Nhật, 27/08/2023
Kính thưa Quý Quan Khách
Kính thưa Quý thân hữu
Trước tiên tôi xin phép được cảm ơn tác giả Võ Ý đã dành cho tôi vinh dự bước lên diễn đàn này nói đôi cảm nghĩ về thơ của Võ Ý dưới đề tựa: “Đi tìm Ý Thơ Trong Thơ Ý”
Kính thưa quý vị :
Thi phẩm Thơ Ý, 202 trang, gồm bốn tiểu mục:
1)Miền Nam Tự Do Nhân Bản.
2)Ngục Tù Cộng Sản.
3)Nín Thở Tại Saigon.
4)Đất Trời Tự Do.
Bốn tiểu mục vừa nêu hàm ngụ những thăng trầm, những chuyển biến của bốn yếu tính trong mỗi con người: Ái tính. Tự vệ tính.Nhu yếu. Và Tính xã hội.
Trong bốn yếu tính kia, ái tính là tính trội yếu hàng đầu. Thông thường khi đời sống tình ái của một người bị trúng thương thì ba nhân tính còn lại của đương sự hoặc ít hoặc nhiều sẽ bị khập khiểng.
Đi tìm Ý Thơ trong Thơ Ý không gì ngắn, gọn và chính xác hơn là đọc THƠ TÌNH của Ý.
Một cách chung nhất: Tình yêu có hai hình thái: hoặc yêu đơn phương hoặc yêu song phương. Nhà thơ họ Võ vừa sợ sầu khổ trong yêu đơn phương vừa không đủ sức quay cuồng trong yêu song phương, phi công Võ Ý bèn chọn con đường yêu mà như không yêu. Con đường này Võ Ý gọi là con đường “hình như” :
Hình như trong ánh mắt nhìn
Thấy căn duyên bỗng giật mình tĩnh say
Hình như trong sợi tóc mai
Một mùi hương lạ bỗng ngây ngất đời
(Hình Như Trong Sợi Tóc Mai, Thơ Ý trang 139)
Mặc dầu chỉ yêu theo kiểu “hình như”, đôi vai của Võ Ý bao giờ cũng nặng trĩu rất nhiều cái “hình như”. Điều đáng nói là bên dưới khối nặng trĩu kia, Võ thi nhân vẫn cảm thấy lòng chàng lúc nào cũng còn thừa cô miên tức là còn thừa chỗ để ôm đồm thêm nhiều cái “hình như” khác. Thế mới biết sức chứa bất tận của quả tim không đáy. Thơ rằng:
Hình như lộng giả thành chân
Trong mê đắm có nợ nần kiếp sau
Hình như tôi hóa thân lừa
Vai mang, vai vác còn thừa cô miên
(Hình Như Lộng Giả Thành Chân, trang. 142)
Quả tim không đáy nhưng sức chịu đựng của con người là hữu hạn. Khi tuổi đời bắt đầu đi theo triền dốc, Võ Ý thực sự cảm thấy “thân tàn sức kiệt”. Cuối con đường tàn kiệt kia, người đàn ông lịch lãm họ Vô, tên Ý (Vô Ý là tình danh của Võ Ý) chợt nhận ra một chân lý cực sáng và cực lớn. Thơ rằng:
Đáy lòng ta thủng đáy,
Ta bơi trong biển tình
Sóng nghĩa nhân xô đẩy
Biển mặn không kết tinh
…
Khi thân tàn sức kiệt
Ta gối đất nhìn mây
Mây một trời đen kịt
Sáng tim ta Ngọc này.
(Sáng Tim Ta Ngọc Này, trang 46)
Ngọc ở đây là Ngọc Huỳnh, hiền thê của Võ Ý. Điểm sáng nhất trong viên ngọc có tên là Ngọc Huỳnh chính là sau 30/4/1975, Ngọc Huỳnh đã cay đắng trải qua 12 năm vừa lo cho ba con một trai hai gái ăn học đầy đủ, vừa đều đặn gồng gánh thực phẩm ra Bắc thăm nuôi chồng là Trung Tá Võ Ý bị giam cầm trong trại tù khổ sai của CSVN.
Người đời thường nói xem văn biết người. Vậy thì, từ “thơ tình kiểu hình như” của Võ Ý , chúng ta thử tìm hiểu đâu là mối liên hệ giữa đời thơ và đời thường trong con người của Võ thi nhân .
Đời thường ở đây chính là đời binh nghiệp. Chức vụ và đơn vị sau cùng của Võ Ý là Trung Tá Phi Đoàn Trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu. Không Quân quan sát là không quân không hề tác xạ vào địch. Không Quân quan sát chỉ lặng lẽ ghi nhận tọa độ của địch, báo tọa độ kia cho đơn vị bạn để đơn vị này tùy nghi tiêu diệt địch bằng những hỏa lực thích nghi . Không quân quan sát tham chiến với vị trí là đôi mắt của quân đội. Không quân quan sát chiến đấu rất hữu hiệu mặc dầu không nổ súng. Trên trận địa quân sự, Trung Tá phi công Võ Y mang lửa đạn đến tận sào huyệt địch theo kiểu không bắn mà như bắn. Chính vì tính chính xác của Không Quân Quan Sát, CSVN đã buộc Bắc Đẩu Võ Ý phải trả giá bằng 12 năm khổ sai trong trai tù Việt Bắc.
Đời thơ của Võ Ý là cuộc trôi nổi miên viễn trên dòng “Tình Hình Như”. Trôi nổi thì mặc trôi nổi, trong tim óc của Võ Ý bao giờ cũng ghi khắc hình ảnh của viên ngoc quý, tên gọi là Ngọc Huỳnh.
Đời thường tức là đời binh nghiệp của Võ Ý, nổi bật nhất là sự kiện Trung Tá Bắc Đẩu Võ Ý đã hiên ngang chấp nhận 12 năm khổ sai như một thái độ vinh danh chính mình đã có hơn một thập niên tận tụy phục vụ QLVNCH ở cương vị đôi mát của Quân Đội.
Thuật ngữ Nhân Dân diễn tả rằng Dân là con người sống trong xã hội với đây đủ thất tình lục dục. Nhân là con người toàn thiện toàn mỹ. Nhân là công cụ hướng đạo của dân, giúp dân vượt thoát thất tình lục dục để tiến tới gần nhân, thể hiện nhân. Nhân cách của một người chính là mức độ thể hiện chữ Nhân trong dòng đời của người đó.
Nhân danh một người rất thân thiện với nhân, sống kề cận bên nhân, Bắc Đẩu Võ Ý, bằng thi phẩm Thơ Ý, tại phần kết thúc thi tập, đã ân cần và dõng dạc nói với hậu thế:
Tôi tin yêu trao lại
một biểu tượng thiêng liêng
phất phới hồn quê
mong hậu thế nâng niu gìn giữ
cho đến một ngày
tung trời quê cha đất tổ
lá cờ thiêng
Cờ vàng ba sọc đỏ
thân yêu.
(Kết, trang 160 Thơ Ý)
Trân trọng chúc mừng lễ Ra Mắt Sách của Võ Ý, Trung Tá Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu.
Kính chúc vạn an và trân trọng kính chào toàn thể quý quan khách.
Bai phat bieu va loi gioi thieu sach tho Vo Y that hay. Doc xong bai gioi thieu toi cung muon co duoc sach tho cua Vo Y de nghien ngam. Rat tran trong.