Điện làm điên cái đầu

Bài NGUYÊN QUANG

Hè đến, nắng nóng, thiếu nước, mọi thứ đều trở nên bức bách… Đây cũng là thời gian người dân dùng điện nhiều nhất và câu chuyện về điện làm điên cái đầu người tiêu dùng là chuyện có thật tại Việt Nam. Bởi, cũng là “dân đen” với nhau, những người khôn khéo, biết lạng lách thì tiền điện hằng tháng chẳng bao nhiêu mặc dù dùng rất nhiều, ngược lại, người không biết lạng lách, tiền điện sẽ quay đến chóng mặt. Đó là chưa nói đến chính sách về điện rất bất cập tại Việt Nam hiện nay, nó chỉ làm cho người giàu thêm giàu, người nghèo thêm nghèo.

Chỉ số lũy tuyến và điện một pha, ba pha

Hiện tại, đây là chiêu “lách luật” trong sử dụng điện và chi trả tiền điện của một số đông người “khéo léo” như ông Nguyên, một cựu nhân viên ngành điện lực chia sẻ, “Hầu hết dân Việt Nam dùng điện đều mọc nanh cả!”

“Mọc nanh, như vậy nghĩa là sao thưa ông?”

“Đó là người ta phải biến tự biến mình thành hàng quỉ quái để đối phó với ngành điện lực, họ có chiêu cả. Trước đây có chiêu cho đồng hồ chạy ngược bằng cách đấu nguồn điện ngược hoặc dùng một cái máy của Trung Quốc gắn vào ổ điện, tự đồng hồ quay ngược. Sau này họ không làm vậy được nữa bởi vì toàn bộ đồng hồ điện được đưa ra ngoài trụ điện. Họ lại đổi trò, chuyển sang thủ tục hành chính, gian trên thủ tục hành chính.”

“Gian trên thủ tục hành chính nghĩa là sao thưa ông?”

“Ngành điện qui định mỗi gia đình được mắc một đồng hồ điện. Có ba cách để gian, đầu tiên là hộ khẩu, có rất nhiều gia đình tách ra hai vợ chồng thành hai cái hộ khẩu, thậm chí một nhà đến ba, bốn hộ khẩu, mỗi cái hộ khẩu ký một hợp đồng điện và được bắt riêng một cái đồng hồ. Như vậy, trong một nhà có đến ba, bốn cái đồng hồ điện. Rồi những nhà ở vùng giáp ranh giữa hai xã, họ nộp đơn ký hợp đồng mắc điện với cả hai xã, họ mắc hai cái đồng hồ trong một nhà. Thêm nữa là chiêu đăng ký kinh doanh để mắc điện ba pha.”

“Nhưng tôi vẫn chưa hiểu họ mắc hai, ba cái đồng hồ trong nhà hoặc đấu điện ba pha để làm gì thưa ông?”

“Thì để lách tiền điện, vì điện tại Việt Nam tính theo chỉ số và lũy tuyến. Tức mỗi gia đình, tức mỗi hộ khẩu chỉ được xài trong vòng (ba) mươi chữ điện mỗi tháng, vượt quá số này sẽ bị phạt. Vượt càng cao thì phạt càng nặng, có khi xài gấp đôi tiền điện qui định thì phải nộp gấp ba, hơn gấp ba lần, nếu gấp ba lần thì phải nộp nặng nữa, gấp sáu, bảy lần. Chính vì vậy người ta mới chia ra nhiều đồng hồ, cứ đồng hồ này gần cán mốc phạt thì chuyển cầu dao sang đồng hồ khác mà xài, cuối cùng nhà nào có nhiều đồng hồ nhất thì xài điện rẻ nhất. Tức xài nhiều mà trả tiền ít. Ngược với nông dân, người không biết lách chỉ có một cái đồng hồ trong nhà, bị phạt trắng mắt luôn!”

“Như vậy, người ta kéo hai đồng hồ ở các xã giáp ranh cũng nằm trong mục đích này đúng không ông? Thế còn vấn đề điện ba pha, tức là điện kinh doanh thì như thế nào?”

“Những nhà đăng ký kinh doanh, thực ra họ cũng chẳng kinh doanh gì, nấu cái lò rượu cũng đăng ký kinh doanh để mắc được điện ba pha về nhà xài. Điện kinh doanh được ưu tiên và mạnh, ít tốn điện do điện trở không cao, điện thế rất ổn định. Và những nhà dùng điện kinh doanh thì không bị phạt lũy tuyến, trừ khi xài quá mức qui định, mà qui định điện kinh doanh cả ngàn chữ, ai mà xài tới chừng đó.”

“Như vậy, người nghèo bao giờ cũng thiệt thòi, và cách tính chỉ số điện như vậy sẽ phát sinh gian lận?”

“Đúng rồi, người nghèo thì lo đầu tắt mặt tối mà làm ăn, hơi đâu mà ngồi nghĩ ra mấy cái trò đó. Mà có biết cũng không dám làm vì mối quan hệ không có, Thực ra, những người đăng ký điện theo hộ khẩu rất lộ liễu, bên phía điện lực họ biết nhưng họ làm thinh thôi, bởi có những mối quan hệ ràng buộc với nhau trong chuyện xã hội, có phe phái, hội đoàn với nhau cả, mà nếu không có phe phái, hội đoàn bên điện lực thì cũng có bên cơ quan quản lý, bên ủy ban, nên lọt lưới tất tần tật. Nhìn chung thì cách quản lý điện và tính tiền điện như hiện tại vừa thiếu khoa học lại vừa tạo đà để gian dối, chỉ vậy thôi!”

“Theo ông thì vấn đề quản lý điện như vậy có ảnh hưởng đến nguồn điện cung cấp không?”

“Ảnh hưởng nặng nề chứ. Nhìn bên ngoài thì thấy quản lý có vẻ chặt chẽ, vì anh nào xài quá tay bị phạt. Nhưng thực ra những anh bị phạt xài không nhiều bằng những anh không bị phạt, thậm chí được xem là gương mẫu. Ví dụ mỗi gia đình được xài 30kw/h điện mỗi tháng, anh xài lên 50kw/h thì thấy anh xài quá nhiều, bị phạt. Còn nhà kia có tới ba cái đồng hồ, nó xài lên 80kw/h vẫn còn dư 10kw/h tiêu chuẩn, không những không bị phạt mà còn được đánh giá biết tiết kiệm điện, biết chia sẻ với cộng đồng. Rõ ràng, ở đây là sự gian manh chứ chả có chia sẻ gì. Nhưng cái cơ chế này nó tạo cho con người ta gian manh, chứ chẳng có gì khác!”

Điện gió, điện mặt trời khóc ròng, dân thì thiếu điện

Hiện tại, có rất nhiều trạm điện gió ở Tây Nguyên và hàng loạt trạm năng lượng mặt trời ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên phải chịu cảnh “đắp chiếu” vì không có đầu ra. Trong khi đó, nếu liên tục không có đầu ra thì chính năng lượng thừa sẽ gây phá vỡ hệ thống tiếp phát năng lượng, các trạm điện gió hàng ngàn tỉ đồng cũng như các trạm điện năng lượng hàng ngàn tỉ đồng sẽ nhanh chóng bị phá sản vì thua lỗ và khấu hao tài sản quá cao.

Ông Trung, một kĩ sư điện đang làm việc tại Tây Nguyên, chia sẻ, “Ngành điện Việt Nam, công tâm mà nói là bất cập và nhặng xị nhất khu vực.”

“Xin ông nói rõ hơn một chút về cái gọi là ‘nhặng xị’ và ‘bất cập’ này được không ạ?”

“Nhặng xì bởi vì nó chẳng ra thể thống gì, nhà nước quản lý cũng chẳng ra nhà nước quản lý bởi nó tập trung vào một số nhóm lợi ích, nó tuôn vào túi một số kẻ. Còn tư nhân vào cuộc thì chả phải tư nhân vào cuộc. Như thủy điện chẳng hạn, rất được ưu tiên, cái này các nhóm nói là tư nhân chứ thực ra là của nhóm lợi ích, cái chốn hạ cánh của một số quan chức có quyền lực trong hệ thống. Mà thủy điện thì gây ra không biết bao nhiêu tai ương cho người dân dưới vùng hạ lưu, dưới đồng bằng nhưng nó vẫn tồn tại, vẫn ăn nên làm ra, vẫn bán điện bớt cho Lào trong khi điện Việt Nam thì thiếu, phải mua lại của Lào. Cái vụ này buồn cười và nhặng xị hết sức. Bất cập là vì thiếu điện, thủy điện bán điện cho Lào, rồi điện lực lại mua lại điện của Lào, loạn cào cào, trong khi đó điện gió, điện năng lượng mặt trời bị đắp chiếu, còn điện than thì chạy hết công suất và được tính giá trên trời, phải thuê nhân công Trung Quốc, phải mua lại than Trung Quốc. Cái vụ này còn đáo để nữa.”

“Đáo để như thế nào thưa ông?”

“Than Quảng Ninh cứ than lỗ hằng năm, lên đến hàng ngàn tỉ đồng rồi nhá. Nhưng lỗ do đâu, do xuất sang Trung Quốc với giá rẻ bèo. Thế rồi nhiệt điện Việt Nam than lỗ bởi mua chất đốt giá quá cao từ Trung Quốc, cụ thể là mua than của Trung Quốc quá cao. Như vậy thì rõ ràng rồi, một thằng bán cho Trung Quốc, bị lỗ vì giá thấp quá, thằng kia, cùng một nhà lại phải mua của Trung Quốc với giá quá cao. Hóa ra Trung Quốc hưởng hết, sao Trung Quốc nó khôn thế, sao mình ngu thế? Đúng không? Hay là có gì đó bất minh? Rõ ràng ở đây có gì đó bất minh và đáo để lắm. Nói tới kinh tế Việt Nam, đụng tới kinh tế nhà nước thì chỉ thấy than lỗ, năm sau lỗ hơn năm trước và càng làm càng lỗ, nhưng cứ bù lỗ, lấy thuế của dân mà bù lỗ. Quái dị ở chỗ dân vừa đóng thuế để bù lỗ, lại vừa bị phạt vì xài nhiều, làm giảm bớt lỗ của doanh nghiệp nhà nước. Ngành điện là một ví dụ sinh động về chuyện này đấy!”

“Theo ông, có cách nào để cho dân bớt khổ hay không?”

“Có gì đâu, đơn giản quá đi mà, mọi thứ phải để người ta cạnh tranh công bằng. Ngành bưu chính ngày trước độc quyền, nhân viên bưu chính vừa hống hách vừa như cha mẹ thiên hạ. Đến khi có cạnh tranh tự do, thì bưu chính nhà nước trở thành một nhóm ngành nhỏ và chẳng còn hống hách nữa, thậm chí lịch sự ra, bởi muốn tồn tại thì phải vậy thôi. Giờ ngành điện cũng vậy, chỉ cần cạnh tranh tự do thì mọi chuyện sẽ khác ngay. Chứ để nó độc quyền, nó đủ mạnh thì đến một lúc nào đó nó cúp luôn điện thủ đô trong lúc quốc hội hay chính phủ đang họp đấy, làm gì được nhau! Không chừng lương thủ tướng hay chủ tịch Quốc Hội, tổng bí thư, chủ tịch nước chưa bằng một bát phở của giám đốc điện lực ăn đấy chứ! Muốn lành mạnh, muốn tồn tại, phải có cơ chế lành mạnh, thế thôi!”

Hiện tại, vấn đề trả tiền điện hằng tháng đang là chuyện nhức nhối của người dân cả nước. Trong khi đó, ngành điện lại chọn ba tháng nắng nóng này để cúp điện mà bảo trì máy móc, công nghệ. Kể ra cũng lạ!

Leave a Reply