Đồi Vọng Cảnh (Дмитрий Чан/ Wiki Commons)
Bài CHU
Cũng tuyến sông Hương, đi trước thành nội Huế, đi về hướng Bắc, gần tới đường ray xe lửa thì rẽ trái, qua cầu Bạch Hổ, gặp ga Huế, dọc bờ Nam sông Hương, chọn đường Điện Biên Phủ, đi mãi về phía núi, qua khỏi chùa Từ Hiếu, tiếp tục men theo hướng núi, sẽ là một tuyến đường đẹp nao nao khó tả, ở đây có đủ phong vị của đền đài, lăng tẩm, chùa chiền và đời sống vương giả song hành cùng đời sống cần lao, một bức tranh Huế khác hiện ra trước mắt. Đồi Vọng Cảnh, lăng Tự Đức, như một thế giới khác, của Huế mấy trăm năm trước, đang đứng trước bạn.
Đồi Vọng Cảnh cao 43 thước (mét) so với mực nước biển, bên dòng Hương Giang nhìn từ núi Ngọc Tản. Ở đây, bạn sẽ thấy được những rừng thông bát ngát, những mái ngói đơn sơ của các ngôi làng. Đặc biệt, từ trên đồi bạn sẽ nhìn thấy điện Hòn Chén, nhìn sông Hương uốn lượn qua các danh thắng, ngang qua thành cổ Huế, xuôi về biển.
Đồi Vọng Cảnh không phải là điểm đến đông đúc với du khách chen chúc như các điểm du lịch vốn “hot” hiện nay. Đây là phong cảnh thiên nhiên có pha thêm đôi nét chấm phá từ bàn tay con người, và đây cũng là nơi còn rất vắng vẻ, một sự vắng vẻ nổi tiếng của xứ Huế.
Trước đây, đồi Vọng Cảnh chính là điểm dừng chân nghỉ ngơi và thưởng ngoạn cảnh đẹp của các vị vua. Xung quanh ngọn đồi là các lăng tẩm của các vua: lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Xương Thọ, lăng Thiệu Trị, lăng bà Thánh Cung… Mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng nơi đây vẫn lưu giữ nét cổ sơ vốn có, tạo ra phong khí của buổi ấy, cái buổi còn vua chúa và dân đen lầm than.
Đồi Vọng Cảnh tọa lạc tại địa chỉ 102 Huyền Trân Công Chúa, Thủy Biều cách trung tâm thành phố Huế 7 cây số (km) và núi Ngự Bình chỉ vài km. Đường đi đến đây khá bằng phẳng. Thời gian thích hợp nhất để đến đồi Vọng Cảnh và chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp thơ mộng của Huế là lúc chiều tà, hoàng hôn buông xuống. Thời gian vào tầm 5 giờ chiều mùa đông và 6 giờ chiều vào mùa hè. Lúc này, mặt trời khuất dần sau những ngọn núi, mây ngả sang màu cam đỏ, bầu trời chuyển sang màu cổ đồng kì quái, đẹp lạ lùng.
Đứng trên Vọng Cảnh, bạn được thỏa thích ngắm nghía những công trình kiến trúc lăng tẩm đồ sộ, nguy nga xen lẫn những khu vườn với vô số loại quả ngọt như: nhãn, quýt, cam, cau, thanh trà… Và hay nhất là bạn chọn lên đồi Vọng Cảnh sau khi thăm lăng Tự Đức ở gần đó.

Được mệnh danh là một trong những công trình đẹp nhất thời nhà Nguyễn, lăng Tự Đức là nơi yên nghỉ của ông vua thi sĩ Tự Đức. Với kiến trúc cầu kì và tinh tế, bao bọc bởi một không gian xanh mượt của núi rừng cây cỏ, lăng Tự Đức được xây dựng như một bài thơ, phù hợp với một tâm hồn thi sĩ lãng mạn, mộng mơ nhưng không kém phần uyên bác, thâm thúy!
Lăng Tự Đức được vua Tự Đức cho xây dựng như một chốn nghỉ ngơi, thoát khỏi việc triều chính. Theo sử sách ghi lại, Tự Đức là vị vua nổi tiếng của thời nhà Nguyễn, với thời gian tại vị lâu nhất trong 13 vị vua thời này. Tên thật của ông là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Sinh ra là con trai thứ của vua Thiệu Trị, đáng nhẽ ngôi vị ngai vàng phải do người con trai cả là Hồng Bảo đảm nhận nhưng do tài năng không đủ lại không có ý chí, tính cách ham chơi, thất thường nên Hồng Nhậm, tức vua Tự Đức được vua cha trọng dụng đưa lên ngai vàng, tiếp quản ngai vàng của cha trị vì đất nước.
Nhưng Tự Đức không phải là một vị vua thạo việc triều chính, tính toán khôn lường mà tính cách đơn thuần, hiền lành, đôi lúc có phần nhu nhược, đúng như tính cách của một thi sĩ uyên nho. Cuộc đời làm vua của Tự Đức không mấy suôn sẻ và có màu sắc bi quan khi gặp phải thời thế chiến tranh xâm lược, nội bộ triều đình lại lục đục, anh em bất hòa, thống nhất. Tự Đức cũng không có con cái, người hay suy nhược đau ốm nên ông quyết định tránh khỏi những thị phi. Ông cho xây một lăng tẩm thứ hai như một nơi để ông nghỉ ngơi, tiêu sầu và phòng trừ lúc đột ngột qua đời.
Bước trên những bậc tam cấp làm bằng đá, Khiêm Cung Môn hiện lên như một thế đối đẹp mắt với hồ Linh Khiêm ở trước mặt. Một tòa nhà hai tầng được xây dựng theo kiểu vọng lâu, nằm bên con hồ mang yếu tố “minh đường” để “tụ thủy”, “tích phúc”,hồ mọc đầy hoa sen.
Không chỉ có những bông sen ngát hương mà giữa hồ còn có các hòn đảo nhỏ để người ta trồng các loài hoa hay nuôi thú. Một khung cảnh tao nhã đến nao lòng! Một trong những điểm dừng chân không thể không kể tới trong khuôn viên hồ Linh Khiêm đó chính là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ. Đây là nơi vua hay ngồi đọc sách, làm thơ,…
Cảnh sắc của lăng Tự Đức tựa như một bức tranh mang đầy màu sắc cổ điển với những cây cầu bắc ngang qua vào lòng hồ nhỏ. Với những hàng thông xanh rì rào, bạn sẽ được trải nghiệm một không gian trong lành, thoáng đãng, và không khó để có được một bức ảnh check in cực kì “cổ điển,” đậm đà màu sắc “cổ trang.”
Bước vào trong Khiêm Cung Môn là không gian nghỉ ngơi của nhà vua nên cầu kì về kiến trúc cũng như không gian xung quanh. Chính giữa đó chính là điện Hòa Khiêm, là nơi vua ngồi làm việc. Hiện tại, đây chính là nơi đặt bài vị của vua và hoàng hậu để dân chúng có thể đến đây để thăm quan và thắp hương. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, là nơi nhà vua nghỉ ngơi, hiện là nơi thờ vong linh của mẹ vua Tự Đức.
Gần lăng của vua có ngôi mộ của Lệ Thiên Anh, một cung phi giỏi cầm ca, thi phú nhưng có cuộc đời đầy bi thương. Bạn sẽ biết nhiều hơn về cung phi này khi bạn đọc tiểu sử về nàng, được gắn gần ngôi mộ bé xinh của nàng.
