Đông đảo giáo dân dự Lễ Cầu Hồn tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành

Giáo dân sốt sắng tham dự Thánh Lễ Cầu Hồn tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành sáng mùng 2 tháng 11, 2023. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Bài THANH PHONG

Ngày mùng 1 tháng 11 hàng năm, Giáo Hội Công Giáo Mừng Lễ Kính Các Thánh và ngày hôm sau, 2 tháng 11 Giáo Hội lại cử hành Lễ Cầu Hồn cho các người đã qua đời. Ngoài các thánh lễ được cử hành trong các thánh đường, sáng mùng 2 tháng 11, 2023 nhiều giáo dân đã đến tham dự Thánh Lễ Cầu Hồn tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Cemetery, 8301 Talbert Ave, Huntington Beach).

Thánh lễ do Đức Giám Mục Thomas Nguyễn Thái Thành chủ tế, Linh Mục Joseph Nguyễn Thái, Giám Đốc Trung Tâm Công Giáo và một số linh mục khác đồng tế cùng hai Thầy Phó Tế phụ lễ. Ca đoàn Giáo xứ Saint Barbara phụ trách hát thánh ca.

Trước khi cử hành thánh lễ, các giáo dân đã đem hoa đến phần mộ thân nhân của mình và cầu nguyện. Sau đó vào căn lều lớn và đứng dưới các bóng cây để tham dự thánh lễ. Vào đúng 10 giờ, Đức Giám mục chủ tế, các Linh mục và Phó tế tiến lên lễ đài.

Đức Giám Mục chủ tế làm dấu thánh giá, chúc bình an cho mọi người và nói, “Chúng ta tụ họp nơi đây để dâng thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, và trong đó có ông bà, tổ tiên chúng ta; trong đó có cha mẹ, con cái của chúng ta và trong đó có bạn bè thân thuộc mà chúng ta thương nhớ họ với lòng tri ân cảm tạ cũng như tình yêu thương chân thành.

“Và với niềm tin vào Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, chúng ta cầu nguyện cho họ, để xin Chúa qua lòng từ bi của Ngài đưa họ sớm về hưởng nhan thánh Chúa trên nước Trời cùng với Mẹ Maria và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta xin Chúa thứ tha tất cả những lỗi lầm của chúng ta đã phạm trong quá khứ.”

Đức Giám Mục Thomas Nguyễn Thái Thành chủ tế và các Linh Mục đồng tế thánh lễ. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Qua hai Bài Thánh Thư và bài Tin Mừng, Đức Cha Nguyễn Thái Thành có bài giảng về ý nghĩa của Lễ Các Linh Hồn và đặc biệt về sự chết cũng như bổn phận người tín hữu còn sống phải làm gì đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người đã qua đời, “Kính thưa quý Cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể dân Chúa. Hôm nay chúng ta tụ họp nơi đây để cử hành Lễ Các Đẳng Linh Hồn, để tưởng nhớ đến những người đã khuất bóng, là những người đã có một mối liên hệ thương yêu và ơn nghĩa đối với chúng ta như ông bà, cha mẹ, bạn bè thân thuộc, chính vì thế mà tôi muốn chia sẻ một vài ý nghĩa về sự chết. Vậy cái chết là gì? Và nó đem lại cho chúng ta những bài học nào?

“Thưa quý vị, cái chết là một cuộc hành trình, là một chuyến đi cô đơn nhất, vì người ra đi sẽ phải để lại sau lưng tất cả những gì mình quyến luyến nhất, từ những người thân yêu đến tiền bạc và địa vị được gầy dựng do mồ hôi nước mắt, và nó sẽ chấm dứt tất cả những gì chúng ta đã đầu tư trong cuộc đời! Chính vì thế nó thường làm cho chúng ta bàng hoàng và sợ hãi. Thế nhưng chúng ta là những người Kitô hữu thì chúng ta phải nhìn cái chết dưới ánh sáng đức tin. Thực vậy, dưới ánh sáng đức tin thì cái chết không phải là một chấm dứt, cái chết đối với đức tin là một khởi đầu, không phải là một ra đi nhưng là “Trở về Nhà Cha”; không phải là một sự chia lìa nhưng là một sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và từ đó chúng ta rút ra những bài học quý giá.

“Bài học thứ nhất đó là ý nghĩa đích thực của cuộc sống con người, ý nghĩa đó được rút gọn trong câu giáo lý mà có lẽ mỗi người chúng ta đây đã học giáo lý và nghe câu hỏi, người ta sống trên đời để làm gì? Câu trả lời, “Thưa, ta sống ở đời để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời và thương yêu mọi người như anh em hầu ngày sau được vui hưởng hạnh phúc đời đời”. Câu trả lời này thật ngắn gọn và rõ rệt. Nếu chúng ta không hiểu được chân lý này, hay chúng ta cố tình quên lãng chân lý này thì chúng ta sẽ trở nên những kẻ lầm đường lạc lối, không còn thấy được phương hướng cuộc sống, liều mình mất đi cả chì lẫn chài, cả đời này lẫn đời sau!

“Một hoa sĩ Tây Ban Nha đã khắc trên tường nhà nguyện hàng chữ như sau “Hãy sống như là sẽ phải chết. Hãy tập làm quen với cái chết bằng tinh thần từ bỏ liên tục”. Nói đến đây tôi nhớ khi tôi đi tu ở Việt Nam thì các cha Dòng, thầy Dòng Giuse khuyên dạy các đệ tử là mỗi đêm sau khi đọc kinh thì khi lên giường ngủ nhớ làm Dấu Thánh Giá y như là làm dấu Thánh Giá lần cuối cùng; giống như lời họa sĩ Tây Ban Nha nói như vậy :Hãy sống như là sẽ phải chết, Phải tập làm quen với cái chết bằng tinh thần từ bỏ liên tục.

“Bài học thứ hai là Bài Học Khôn Ngoan: Trong mọi hoàn cảnh hãy chuẩn bị sẵn sàng để ra trước mặt Chúa mà tính sổ cuộc đời. Đừng bao giờ quên rằng chúng ta được xét xử dựa trên tình yêu. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Dựa trên tình yêu chứ không phải được xét xử theo dáng bộ bề ngoài và những việc đạo đức nặng phần trình diễn. Tôi lúc này cũng đã 70, có người nói “Cha ở đây tới hàng 7 rồi thành ra cái ngày gặp Chúa chắc cũng không xa”.

Đức Giám Mục Thomas Nguyễn Thái Thành giảng trong thánh lễ. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

“Thật ra tôi cũng nghĩ một ngày nào đó mà tôi đến gặp Chúa thì theo Phúc Âm mà tôi biết về Đức Giêsu không có hỏi tôi “Anh Thành ơi, anh làm bao nhiêu lễ?” Chúa Giêsu sẽ không hỏi tôi là xây bao nhiêu nhà thờ? Chúa Giêsu không có hỏi tôi thế này, thế kia; làm Linh Đài Đức Mẹ La Vang bao nhiêu cái? Chúa Giêsu hỏi tôi “Khi Ta khát, con có cho Ta uống không? Khi Ta đói, con có cho ăn không? Khi Ta ngồi tù con có đi thăm viếng không?” Chúa xét xử tôi theo tình yêu đối với những người đói, khát, tù đày như vậy, chứ không phải là Dâng Thánh lễ, không phải là xây Linh Đài Đức Mẹ này, Đức Mẹ kia nhưng mà Chúa hỏi về tình yêu của mình dành cho những người chung quanh.

“Bởi vậy, trong nhịp sống thường ngày chúng ta có lo thực thi bác ái hay không? Có thực tâm tha thứ cho kẻ lỗi phạm đến chúng ta không? Có biết nở nụ cười hòa giải đối với kẻ đã gây nên xích mích, có biết đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người chung quanh? Có biết làm chứng nhân cho Chúa bằng đời sống yêu thương hay không? Nếu trong cuộc sống trần gian, chúng ta đã thực sự yêu thương anh em thì chúng ta có thể tiến gần lại với Thiên Chúa. Nếu có một trái tim cảm thông với đau khổ sẵn sàng để tha thứ và ân thưởng những người thiện chí khi tâm hồn chúng ta được giao hòa cùng Thiên Chúa thì bấy giờ cái chết không còn nhuốm vẻ tang tóc bi ai nữa, vì cái chết sẽ chấm dứt những đau khổ phần xác để rồi dẫn đưa chúng ta vào miền hạnh phúc vĩnh cửu, đó là bài học thứ hai “Khôn Ngoan.”

“Bài học thứ ba tôi rút ra từ bài Phúc Âm mà chúng ta nghe hôm nay, bài Phúc Âm nói về người trộm bị đóng đinh chung với Chúa Giêsu, và anh trộm này xin Chúa điều gì? Anh có xin nhà lầu xe hơi không? Anh có xin xe Tesla hay là thứ này thứ kia không? Anh chỉ xin “Lạy Thầy, khi nào vào nước Thiên Đàng thì nhớ đến con cùng.” Anh ta chỉ mong muốn Chúa Giêsu nhớ đến anh, nhớ đến chúng ta, và nếu nhớ là đủ, không cần gì nữa hết, và đó là bài học thứ ba mà chúng ta tụ họp trong thánh lễ hôm nay, và cũng nhớ lại lời khuyên của Thánh Monica với Thánh Agutino là con của bà “Khi mẹ chết con chôn chỗ nào cũng được nhưng phải nhớ mẹ mỗi khi dâng Thánh Lễ”.

“Tôi nghe câu đó thì tôi nghĩ, nếu mà Thánh Monica mà sống ở Orange County này ngày hôm nay chắc chắn là sẽ muốn chôn ở Good Shepherd. Thánh Monica nói với Thánh Agustino “Khi mẹ chết con chôn chỗ nào cũng được nhưng phải nhớ mẹ mỗi khi dâng thánh lễ.” Cũng chính là ý nguyện mà các linh hồn tiền nhân của chúng ta muốn nhắc nhở chúng ta là con cháu của các Ngài.

“Vậy trong Thánh lễ hôm nay, xin nhớ đến linh hồn tổ tiên, những bậc cha, ông đã dấn thân xây dựng quê hương Việt Nam, đất nước từ ngàn xưa. Xin nhớ đến với lòng yêu mến, kính trọng và biết ơn linh hồn ông bà, cha mẹ đã sinh thành, suốt dòng đời sống âm thầm hy sinh nuôi dạy đời sống đức tin cho thế hệ con cháu. Xin nhớ đến linh hồn vợ chồng, con cháu, anh chị em trong gia đình đã ra đi về đời sau. Tình nghĩa con người với nhau là sợi giây vô hình luôn ghi khắc nối kết con người lại với nhau khi còn sống cũng như lúc đã ra người thiên cổ.

“Xin nhớ đến linh hồn các nạn nhân đã hy sinh trong chiến tranh, trên đường vượt biên tỵ nạn đi tìm tự do cho con đường sống. Xin nhớ đến linh hồn những vị ân nhân đã sống và làm ơn cho ta khi xưa hoặc là những người chúng ta biết đến cũng như những người chúng ta không có cơ hội biết đến họ. Họ là những người đã dấn thân, xả kỷ vào những việc đem phúc lộc cho con người. Xin nhớ đến linh hồn các bạn bè, người quen ngày xưa đã cùng chung sống, cùng học hành, làm việc với nhau.

“Xin nhớ đến linh hồn các người đã qua đời trong các cộng đoàn chúng ta. Xin nhớ đến linh hồn của Thầy, Cô giáo, những vị ân nhân đã có công khai tâm mở trí cho con người, biết đọc, biết viết, biết cách suy nghĩ, tìm tòi phát triển đời sống tinh thần mà bây giờ họ đã theo quy luật thiên nhiên trở về lòng đất mẹ.

“Xin nhớ đến linh hồn những vị Giám Mục như chúng ta ở đây thì có Đức Giám Mục Mai Thanh Lương, và các Linh Mục, những nữ tu, những Thầy Dòng đã ngày đêm âm thầm sống đời dấn thân của mình phục vụ Thiên Chúa trong khu vườn của Giáo Hội trên trần gian. Xin nhớ đến linh hồn các thai nhi đã qua đời trước khi mở mắt chào đời.

“Xin nhớ đến linh hồn những người đã qua đời mà bị rơi vào quên lãng. Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từcho các Đẳng Linh Hồn được lên chốn nghỉ ngơi hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.”

Cuối thánh lễ, Đức Giám Mục đã ban phép lành của Chúa cho mọi người.

Ca đoàn giáo xứ Saint Barbara hát thánh ca trong thánh lễ. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

Lễ Cầu Hồn trong Giáo Hội Công Giáo do Đức Viện Phụ Odilo, Đan Viện Cluny thiết lập vào ngày 2 tháng 11 năm 998 (có sách nói năm 1030) tại một phần đất do đế quốc Đức cai trị, sau lan sang Pháp. Giữa thế kỷ thứ 10, Đức Giáo Hoàng Gioan 14 đã lập Lễ Cầu Hồn trong Giáo Hội Roma và được giữ đến ngày nay.

Không chỉ có Lễ Cầu Hồn vào ngày mùng 2 tháng 11 hàng năm mà trong tất cả các thánh lễ, Linh Mục hay Giám Mục chủ tế đều cầu nguyện cho linh hồn Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ và Thân bằng quyến thuộc đã qua đời. Cũng không chỉ có tháng 11 mà hàng ngày những người Công Giáo sống đạo sốt sắng đều tham dự thánh lễ, xin lễ, cầu nguyện cho Tổ Tiên, Ông bà, Cha mẹ và thân bằng quyến thuộc của mình đã ra đi, điều đó cho thấy đạo Công Giáo không phải là đạo từ bỏ ông bà, cha mẹ như một số người tuyên truyền không đúng sự thật.

Leave a Reply