FDA thảo luận về ‘tử cung nhân tạo’ cho trẻ sơ sinh

Vào năm 2017, các nghiên cứu gia tại bệnh viện nhi đồng Children’s Hospital of Philadelphia đã thí nghiệm kỹ thuật tạo tử cung nhân tạo cho một con cừu sinh non. Họ đã giữ cho cừu được sống 28 ngày trong túi đựng chất lỏng và được khử trùng. (The Children’s Hospital of Philadelphia)

Sinh thiếu tháng đã trở thành một vấn đề ngày càng gia tăng ở Mỹ. Số trường hợp sinh non tăng từ 10.1% tổng số trẻ sinh năm 2020 lên 10.5% vào năm 2021, theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC).

Trong khi đó, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết sinh non là nguyên nhân số một giết chết trẻ em dưới 5 tuổi. Ngoài nguy cơ tử vong, trẻ sinh non thường bị các vấn đề sức khỏe suốt đời như khó thở, rối loạn đường tiêu hóa, các vấn đề về thị giác và thính giác, chậm phát triển và bại não. Nguyên nhân là do phổi và óc của thai nhi phát triển muộn trong thai kỳ, chưa đủ sức hoạt động tốt khi em bé sinh thiếu tháng.

 Tử cung nhân tạo cho con người sẽ là một tiến bộ khoa học có thể giúp giải quyết vấn đề sinh non. Sinh non xảy ra với tỷ lệ cao ở người Mỹ gốc Phi châu, cao hơn 50% so với người da trắng và người gốc Tây Ban Nha.

Tử cung nhân tạo chưa từng được thử nghiệm trên người, nhưng những thiết bị tương tự đã được sử dụng trong một số trường hợp để nuôi lớn động vật thành công.

Các cố vấn cho Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ FDA sẽ họp trong tuần này để thảo luận về các quy định, đạo đức và khả năng tạo ra tử cung nhân tạo nhằm tăng cơ hội sống sót mà không tạo vấn đề sức khỏe lâu dài cho những trẻ sinh non. Vào thứ Ba, trong ngày đầu tiên của cuộc họp kéo dài hai ngày, các cố vấn đã xem xét thử nghiệm trên con người sẽ diễn ra như thế nào.

Tử cung nhân tạo không được thiết kế để thay thế người mang thai; nó không thể được sử dụng từ khi thụ thai cho đến khi sinh ra. Nó có thể được sử dụng để giúp những trẻ được sinh ra trước 28 tuần mang thai, tức trường hợp cực kỳ non tháng. Ít hơn 1% trẻ sơ sinh được sinh ra sớm như vậy. Trẻ sinh ra càng sớm thì nguy cơ tử vong càng cao. Theo một nghiên cứu năm 2022 được công bố trên tạp chí JAMA, chỉ có khoảng 30% trẻ sinh ra ở tuần thứ 22 sống sót và dưới 56% sống sót khi sinh ra ở tuần thứ 23.

Tử cung nhân tạo có thể giúp em bé phát triển thêm trong những giai đoạn cuối cùng khi phổi và óc đang phát triển. Giống như tử cung con người, nó sẽ cung cấp oxygen, chất dinh dưỡng và hormone.

Trẻ sinh non phải ở trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh tức NICU, nơi chúng có thể nhận được dinh dưỡng đặc biệt, chăm sóc tim, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và hỗ trợ hô hấp.

Các NICU thường thành công trong việc chăm sóc trẻ sinh non trong giai đoạn đầu đời, nhưng luôn có nguy cơ nhiễm trùng tại bệnh viện. Và nếu em bé cần dùng máy thở, máy này có thể làm tổn thương lá phổi nhỏ bé của chúng.

Trước khi FDA chấp thuận thử nghiệm với con người trong tử cung nhân tạo, các nhà khoa học phải chứng minh rằng thiết bị này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng và phát triển, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong và các vấn đề về sức khỏe, có thể so sánh với việc chăm sóc bằng công nghệ và kỹ thuật hiện có trong NICU.

Leave a Reply