Gà H’Mong là gà ri đen, loại gà lông đen, thịt đen, nuôi lâu ngày xương cũng đen. (Tom/ Viễn Đông)
Bài TOM
Đây là món ăn có vẻ “thách đố”! Vì đâu phải chỗ nào cũng có giống gà H’Mong, nhất là xứ Tây, lục đâu ra thịt gà H’Mong mà lại giới thiệu món gà H’Mong chiên sả! Thế nhưng không hẳn vậy, cũng có thể cách chiên gà theo kiểu H’Mong và cho khẩu vị H’Mong. Liệu như thế này có ổn không? Người Việt chắc gì thích kiểu ẩm thực người H’Mong và nếu không phải vậy, dùng gà H’Mong để chiên thì lấy đâu ra?
Nhắc tới gà H’Mong, tôi nhớ lại những ngày còn sống ở Lào Cai, hồi đó đi làm thuê sau đại học. Thời gian tôi vào đại học thì bạn tôi đi học nghề, khi tôi ra khỏi trường đại học thì nó ra khỏi làng quê, làm một tay chủ thầu nghề mộc ở xứ khác, tôi gặp nó, nó dắt tôi đi phụ mộc (tức chà nhám, sai đâu làm đó, vác gỗ, khiên các đồ vật bằng gỗ…). Trong số hai chục đứa cả thợ và phụ mộc cho bạn tôi, khi xong công trình, nó giữ lại ba đứa, gọi là thân tín, đệ tử ruột, trong đó có tôi. Tuy mới làm cho nó được hơn ba tháng nhưng nó quyết giữ tôi lại, lý do giữ tôi lại thật buồn cười, không hẳn vì tin tôi mà vì tôi có chữ.
Lý do này bây giờ thì dễ hiểu, bởi thời bây giờ, người ta thuê nhân viên bán bánh tráng trộn với tiêu chuẩn cao ráo, dễ nhìn, xinh gái hoặc điển trai càng tốt, có bằng thạc sĩ hoặc cử nhân… Vì thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp đầy đường. Còn thời của tôi, số lượng thất nghiệp ít hơn, chỉ có con nhà phó thường dân mới thất nghiệp chứ con nhà cán bộ quèn, có dính một chút đến thôn, xã thì cách gì cũng có việc làm. Mà hồi đó, con nhà phó thường dân dễ gì có đứa học đại học, tiền đâu mà học, mà có học cũng không nhìn thấy tương lai nên chẳng mấy đứa hăng hái đi học.
Hồi đó, đứa có tiền đã biết khinh đứa có chữ, bạn tôi tuy không khinh tôi, vì là bạn bè, ai nỡ khinh nhau, nhưng cũng xem chuyện đại học mà nghèo là cỏ rác, cái sự bọt bèo, cỏ rác chung của xã hội rồi… Còn tin tôi thì khó mà tin, bởi những người ít chữ mà nhiều tiền chẳng bao giờ tin người có chữ mà không tiền, cái qui luật tâm lý ấy rất chung đối với người Việt
Bạn tôi tin tôi vì trước đó, lúc làm ốp trần cho nhà ông Giàng Seo Phử ngay trung tâm thành phố Lào Cai, đội của bạn tôi được nhận thầu ốp trần phòng khách, một cái phòng khách quá rộng và cầu kì, nó như cái hội trường. Chính vì nó quá lớn mà đóng trần kiểu bánh ú (từng ô từng ô ú lên trông giống như những chóp nón treo ngược) theo qui cách thường thấy sẽ rất khó nhìn, ở phòng khách nhà bình thường thì thấy đẹp, vì nó tỉ lệ với phòng, còn móc lên phòng khách nhà ông Bí thư tỉnh ủy Lào Cai (đương chức) này trông giống như treo một chiếc vỏ mít. Vậy là nhân đôi qui cách, ú to gấp đôi.
Gỗ Pơ-mu thời đó đã cấm khai thác, thế nhưng gỗ chở về nhà ông Phử hết khối này đến khối khác để ốp trần, và gỗ qui cách, đóng thùng hẳn hoi.
Đương nhiên, kẻ có quyền lực thì khác, chỉ riêng chuyện cái nhà của ông với đài truyền hình tỉnh Lào Cai đủ biết quyền lực của ông. Chuyền là nhà đang làm, ông thuê một thầy phong thủy từ Sài Gòn ra xem, ông thầy này đặt la bàn giữa nhà, nheo mắt, gọi ông lại cùng nheo mắt, hội ý một lúc, ông rút điện thoại ra gọi. Chưa đầy hai giờ đồng hồ, người ta huy động trực thăng đến dời cây trụ anteng truyền hình sang một quả đồi khác vì nó trúng tim nhà ông, chỉ có thể là ông, Bí thư tỉnh ủy, sau này lên làm trên trung ương, làm chức Trưởng ban Dân tộc gì đó, có câu phát biểu rất nổi tiếng, nôm na là “người bán vé số có thu nhập mỗi ngày một triệu đồng, suy ra, họ có thu nhập rất cao.” Sau lời phát biểu của ông, dân tình đổ xô đi bán vé số, chỉ có ông không tham, vẫn ngồi ghế trung ương, nhận lương chưa tới năm trăm ngàn mỗi ngày, bằng nửa thu nhập người bán vé số.
Nói dông dài như vậy, là vì tôi cứu được bạn tôi một pha suýt chết tại nhà ông. Gỗ ông giao là gỗ qui cách, chiều dài một mét, trong khi ú trần đã đóng nửa mét cạnh, thêm phần viền là một mét, đến các góc phải đóng to gấp đôi cả ú và viền, tức mỗi cạnh hai mét, mà đóng gỗ theo diện chéo nên thanh giữa gần ba mét, bây giờ lấy đâu ra gỗ cỡ đó, vì nó là danh mộc quốc cấm, không thể mua mà bỏ vào, trong khi hỏi ông thì ông chỉ cười, bảo tự tính lấy. Cuối cùng thanh giữa phải nối ba thanh gồm hai dành một ngắn, mà loại gỗ này yêu cầu đánh bóng, không được xịt sơn hay vecni để nó tự ra dầu theo thời gian. Nên chi vết nối lộ rất rõ.
Chiều cuối tuần, ông Phử đi thăm nhà, vào phòng khách, nhìn lên trần nhà, gật đầu khen, đến khi nhìn vào ô góc, bảo, “Gỡ mấy cái này xuống, nối vậy khó coi quá!” Cả đám xanh mặt xanh mày, vì nếu gỡ xuống thì phải gỡ gần một nửa trần mới tháo ra được, mà tháo ra xong cũng không có gỗ thanh dài để ráp, chết chắc! Thằng bạn tôi gần như bước đi không nổi, cố trèo lên giàn gỡ xuống. Và việc gỡ như vậy có thể bị loại khỏi gói thầu, mất trắng, lỗ là chắc rồi, vì nhà gần khánh thành nữa. Tôi lúc ấy nghĩ nhanh như chớp đến quẻ Ly, gồm hai gạch liên hai bên, gạch đứt ở giữa,tôi nghĩ hoặc chấp nhận chết, hoặc thử, đường nào cũng chết cơ mà!
Vậy là tôi lên tiếng, “Chúng tôi sẽ gỡ ngay thưa ông! Nhưng trước khi gỡ, cho tôi nói chuyện này, nếu ông thấy cần thiết gỡ thì ok thôi!”
“Cậu nói gì nói đi!” ông Phử hất hàm.
“Khi chúng tôi vào làm, chúng tôi có để ý thất ông gắn quẻ Hỏa Địa Tấn gần nóc nhà, chúng tôi tin chắc rằng chủ nhà mạng Kim, nên chúng tôi quyết định làm bổ trợ cho mạng Kim.”
“Bổ trợ như thế nào, cậu nói xem?”
“Gỗ thuộc hành Mộc, màu vàng của gỗ Pơ-mu thuộc hành Thổ, mà Kim khắc Mộc, sẽ tổn, trong khi Mộc khắc Thổ, Thổ cũng tổn, cả hai thứ này gắn lên khắp nhà ông như thế này là không ổn sẽ tổn cho Kim, chúng tôi đã khắc chế, khởi sinh cho ông.”
“Khắc chế như thế nào?”
“Chúng tôi chọn quẻ Ly, thuộc Hỏa, Hỏa sẽ đốt Mộc và Sinh Thổ, lúc này Thổ Vượng, sẽ bổ trợ cho Kim.”
Ông Phử quay sang ông thầy chiêm tinh, ông này gật đầu, vậy là không những bị gỡ xuống mà còn được thưởng tiền cuối tuần. Thằng bạn quyết giữ tôi ở lại với nó vì chừng đó. Riêng tôi thì nó cử cô em vợ (người H’Mong) của nó dắt đi ăn gà H’Mong.
Thú thực lúc đó tôi rất run vì không biết thằng bạn bày trò gì, nhất là tôi nghe bà tôi nói từ lúc tôi còn nhỏ rằng chớ có dại mà đụng đến con gái đồng bào thiểu số, chỉ cần nắm tay họ, được họ thích mà mình không thích thì bị chơi bùa cho tới chết. Hình như hiểu được ý tôi, cô này nói toạc móng lợn rằng, “Em chỉ dắt anh đi ăn thịt gà chứ em chả có thịt anh đâu! Vì mẹ em bảo trong nhà chỉ có em là vô tư, không tính toán với ai, mà tính anh cũng vô tư, yên tâm đi!”
Nghe tới đây thì tôi thiếu điền run bắn, vì có gì đáng sợ hơn người ta biết tỏng mình đang nghĩ gì. Nhưng giờ phải đi, vì không đi lỡ nó thư thì làm sao đây. Nghĩ vậy và đi ăn, ăn thoải mái, có chết cũng phải chết no chứ! Nghĩ vậy và ăn tự nhiên, ngon lành. Sau bữa ăn đó, tôi cũng lo mà dọt về quê, về rồi cứ nơm nớp theo dõi thử mình có gì lạ không.
Cho đến gần hai chục năm sau, tình cờ bà xã nấu món gà H’Mong xào sả, bằng thịt gà H’Mong chính hiệu, tôi mới nhớ tới món này.

Thực ra, gà H’Mong là gà ri đen, loại gà lông đen, thịt đen, nuôi lâu ngày xương cũng đen. Nhưng nếu xét về độ ngon khi chiên sả thì lại không bằng gà ta. Chỉ cần bằm nhuyễn sả, ướp nước mắm với gà chặt từng miếng, cho thêm chút tiêu bột, chút ngũ vị hương, chút đường, trộn đều, ướp chừng mười phút thì cho vào chảo dầu đã khử nóng có pha chút bơ. Cứ như vậy mà chiên, bao giờ gà chín vàng rộm, mùi sả chín quyện với ngũ vị, tiêu, đường, bơ và thịt gà thơm ngát thì vớt ra, tắt bếp, đợi nguội mà ăn.
Món này có thể ăn chung với cơm, có thể nhắm để uống với bia tươi ngày lạnh, rất ngon. Kính chúc quí vị có một bữa ăn ngon miệng, vui vẻ và ý vị!