(Pixabay/ Pexels)
Theo một báo cáo mới từ Tổ Chức Đột Quỵ Thế Giới – Ủy Ban Thần Kinh Lancet (World Stroke Organization-Lancet Neurology Commission), một nhóm mới được thành lập để dự báo các tác động dịch tễ học và kinh tế của tình trạng này, số người chết vì đột quỵ trên toàn thế giới sẽ tăng 50% vào năm 2050 nếu không có hành động đáng kể nào được thực hiện để hạn chế tỷ lệ đột quỵ và các yếu tố nguy cơ của bệnh.
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới, gây ra 6.6 triệu ca tử vong vào năm 2020. Con số này có thể sẽ lên 9.7 triệu vào năm 2050.
Bà Bác Sĩ Sheila Martins, chủ tịch Tổ Chức Đột Quỵ Thế Giới, kêu gọi trong một văn bản dành cho truyền thông, “Sự thiếu hụt dịch vụ đột quỵ trên toàn thế giới rất nghiêm trọng. Chúng ta cần một sự cải thiện mạnh mẽ ngay hôm nay chứ không phải trong 10 năm tới.”
Các nghiên cứu gia đã tiến hành phân tích các cuộc phỏng vấn với 12 chuyên gia về đột quỵ từ sáu quốc gia có thu nhập cao và sáu quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong khi xem xét các yếu tố như tăng trưởng dân số và lão hóa.
Họ tìm thấy một số ngăn cản chính đối với việc giám sát, phòng ngừa, chăm sóc và phục hồi có phẩm chất cao. Chúng bao gồm nhận thức thấp về đột quỵ và các yếu tố nguy cơ của nó, chẳng hạn như tiểu đường, cholesterol cao, béo phì, ăn uống kém và hút thuốc.
Hầu hết các ca tử vong do đột quỵ, lên tới 91%, dự kiến sẽ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tuy nhiên, Đồng Chủ Tịch Ủy Ban, Bác Sĩ Mayowa Owolabi tại Đại Học Ibadan ở Nigeria cho biết những người trong mức nghèo ở các nước có lợi tức cao như Hoa Kỳ cũng có nguy cơ cao hơn.
Ông nói, “Ngay cả ở các nước có lợi tức cao, vẫn có sự bất bình đẳng. Tiếp xúc không đồng đều với một số yếu tố rủi ro không được điều trị hoặc được kiểm soát kém.”
Sự gia tăng đột quỵ không chỉ gây thiệt hại về thể chất cho dân số toàn cầu mà còn gây thiệt hại về tài chính.
Bác Sĩ Valery Feigin thuộc Đại Học Công Nghệ Auckland, đồng chủ tịch của Hiệp Hội, cho biết, “Đột quỵ gây thiệt hại to lớn cho dân số thế giới, dẫn đến cái chết và thương tật vĩnh viễn của hàng triệu người mỗi năm và gây thiệt hại hàng tỷ mỹ kim.”
Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng chi phí điều trị và hỗ trợ bệnh nhân đột quỵ cũng có thể tăng gấp đôi từ $891 tỷ mỹ kim vào năm 2020 lên $2.3 nghìn tỷ mỹ kim vào năm 2050. Hầu hết những tác động này sẽ ảnh hưởng lên Phi Châu và Á Châu.