Hàng rong nay về đâu?

Bài NGUYÊN QUANG

Khi bạn đi qua một con phố, hay đi qua một con đường có nhiều bóng cây, hình ảnh gánh hàng rong của các mẹ, các chị, những xe hàng rong của các cô như thể một bông hoa đời gắn vào tâm hồn bạn. Họ là những người vô danh trong cuộc đời này, thế nhưng khi nghĩ về một nơi chốn nào đó, hình ảnh họ hiện ra như một biểu tượng đời sống phố xá… Thật khó nói. Thế rồi dịch đến, thế rồi những chiến dịch bài trừ hàng rong của nhà nước nhằm “vãn hồi trật tự” thành phố… Thế rồi đời sống hàng rong trở nên điêu đứng, nay họ về đâu?

Ba mũi tấn công vào gánh hàng rong phố cổ

Từ Hà Nội, một họa sĩ tâm sự, “Những hàng rong vắng bóng dần ở các đường phố Hà Nội, họ rất gần gũi, nhưng phải nói là họ tan tác.”

“Họ gần gũi như thế nào và tan tác ra sao thưa anh?”

“Họ gần gũi bởi đời sống của người thành thị từ giới nhà giàu đến giới bình dân đều có tương tác, mua bán với họ. Nhất là giới bình dân, chiều đi làm về, chờ họ ngang qua mua bó rau, bó đọt bí hay vài củ quả gì đó để qua bữa. Thế nhưng họ tan tác vì mũi tấn công thứ nhất, đó là nhà nước. Nhà nước muốn cho đô thị có bộ mặt giàu có hay văn minh gì đó, đã qui hoạch họ theo cách dẹp bỏ và họ tự tìm đến chợ để mà bán, nôm na là cấm hàng rong. Chỉ mới mũi tấn công thứ nhất thì họ đã mệt rồi.”

“Ngoài mũi tấn công nhà nước thì còn mũi nào nữa hả anh?”

“Nhìn chung thì hiện tại, hàng rong đang bị một trận giáp công từ ba hướng. Mũi thứ nhất từ nhà nước, mũi thứ hai từ dịch giã và mũi thứ ba từ suy thoái kinh tế. Mũi thứ nhất đã nói rồi, mũi thứ hai, bán hàng rong có hai nguồn thu, nguồn tại chỗ và nguồn vãng lai, dịch xong, dường như sau ba năm tê liệt, giờ có thở lại cũng thoi thóp, sức mua rất hạn chế, hàng rong ế ẩm. Và mũi thứ ba là suy thoái kinh tế, hiện tại, dường như nhà nhà tiết kiệm, người người tiết kiệm, mua một thứ gì cũng phải suy nghĩ, đắn đo. Những món quà vặt từ trái cây cho đến rau củ đều phải nhón bớt mỗi thứ một ít. Nhìn chung, sức mua kém thì hàng rong chỉ còn nước dẹp gánh.”

“Gia đình anh thường mua hàng rong không?”

“Ở Hà Nội này, dường như hàng rong là bạn hằng ngày của giới bình dân, tôi là một họa sĩ nghèo, con cái tôi sống dựa vào tiền bán tranh của tôi và hàng rong là chỗ cứu rỗi cho cái túi tiền eo hẹp của chúng tôi. Nếu không có hàng rong, lúc nào cũng chui vào siêu thị thì chúng tôi chỉ đủ để loay hoay với cái ăn, chẳng còn tiền đâu mà lo cho con đi học. Đời sống người bình dân gắn liền với hàng rong. Mà đâu riêng gì Hà Nội này, khắp các thành thị trên cả nước, nơi nào có đời sống bình dân thì có hàng rong, bởi hàng rong thuận tiện nhiều thứ.”

“Cụ thể là thuận tiện những gì thưa anh?”

“Người bình dân, với chi phí eo hẹp của đời mình, thường chọn những gì rẻ nhất và thuận tiện nhất có thể. Ví dụ như chạy xe ra chợ vừa tốn thời gian lại vừa tốn tiền xăng, thôi thì chờ các bà bán thịt lợn đi qua, mua một tí, rồi các bà bán rau đi qua, mua một tí, các bà bán cá đi qua, lại mua một tí, vậy là đủ dinh dưỡng cho cả ngày mà đỡ nhiều thứ. Đặc biệt hàng rong bao giờ cũng rẻ hơn hàng sạp trong chợ. Vì hàng rong mua tận gốc, bán tận ngọn mà lại không tốn tiền môn bài chỗ ngồi nên luôn rẻ hơn chợ một chút, có nhiều thứ rẻ bằng nửa ngoài chợ. Nhờ vậy mà người bình dân sống được.”

“Vậy, khi hàng rong bị dẹp bỏ, người bình dân sẽ khổ?”

“Đúng vậy, người bình dân phải khổ hơn nhiều, chỉ có ai từng sống trong cảnh bình dân và từng mua từng mớ rau mớ tép của hàng rong thì mới thấy được cái hồn, cái vía của nó. Còn các ông ngồi trên cao, ăn sang, xài tiền như vứt qua cửa sổ, có thấu hiểu được nỗi niềm của người dân nghèo đâu. Các ông chỉ thấy chướng tai gai mắt. Thậm chí Nguyễn Văn Đực còn đề xuất qui hoạch khu phố cho nhà giàu và người nghèo không được tới gần khu nhà giàu nữa kia. Chỉ có dân nghèo mới thấu hiểu nhau thôi!”

Hàng rong về đâu?

Ở phố cổ Hội An, Quảng Nam, tình trạng hàng rong lại được thả nổi, chính quyền để người bán hàng rong đi bán thoải mái để cải thiện đời sống. Nhưng, có một nghịch lý là giới bình dân ở Hội An rất ít, chủ yếu sống ngoại vi thành phố, bên trong khu phố cổ là nhà hàng và quán xá cao cấp, những gia đình khá giả, giàu có sống ở đây. Những hàng rong Hội An cũng chủ yếu bán đồ lưu niệm, gương lược, các thứ xa xỉ phẩm đối với người bình dân. Và lối bán hàng rong ở Hội An có gì đó rất giống với kiểu bán hàng rong ở Sapa, nó khác xa những người bán hàng rong ở Sài Gòn.

Chị Điểu, một người bán hàng rong lâu năm ở Sài Gòn, chia sẻ, “Mùa này tôi phải dạt về Hội An và đổi loại hình bán, mà cũng thấy chẳng ra chi, chắc rồi cũng phải nghỉ thôi!”

“Ở Sài Gòn chị bán hàng gì vậy chị?”

“Trong đó tôi đẩy xe trái cây đi bán, ban đầu tôi đẩy xe mía đi bán nhưng rồi bị thu mất cái xe, thôi thì chuyển sang xe trái cây, may là chưa bị thu nhưng dịch giã, đói gần hai năm, chạy về quê, giờ nghe vào lại Sài Gòn thì sợ rồi, sợ dân phòng, sợ công an, sợ dịch, sợ ế ẩm, nợ tiền nhà trọ. Có cả trăm ngàn nỗi sợ khi vào đó. Giờ vào đến Hội An, chưa bị chính quyền rượt đuổi, nhưng mà sợ thứ khác, đó là mình chẳng thể trụ nổi!”

“Chị có thể nói vể cái gọi là sợ thứ khác ấy không?”

“Mình nếu chỉ đi bán hàng lưu niệm thì mỗi ngày kiếm có được bao nhiêu đồng đâu. Hầu hết bán hàng rong kiểu gương lược này khác ở các thành phố du lịch đều có kéo theo một thế giới ngầm đằng sau họ, ở đó họ vừa là cò cuốc, vừa là người buôn bán, vừa là đàn anh đàn chị, đủ các kiểu. Như vậy họ mới khá. Còn mình bán hàng rong chay thôi thì không bao giờ đủ ăn cả!”

“Chị nói thêm về thế giới ngầm ấy đi? Tại sao chị biết được?”

“Cái này khó nói lắm, nhưng khi công an sờ gáy thì lộ ra, tôi từng chứng kiến nhiều người đi bán gương lược kèm với ma túy, mục đích chính của họ là bán và giao hàng ma túy. Nhưng họ có cái bình phong là người bán hàng rong. Rồi cũng có một số người mà tôi nghi là an ninh, họ cũng lang thang vào thế giới hàng rong. Những người đó thì sống thoải mái, vô tư, còn mình bán hàng rong không thôi, chịu chi nổi, rớt ngay!”

“Nhưng trước đây chị cũng từng bán hàng rong và sống được đó thôi?”

“Đó là chuyện trước đây, thời đó nhà nước chưa làm gắt, dân hàng rong chay nhiều, mà ai cũng dựa vào hàng rong thì có giá chuẩn, dễ bán, còn dân hàng rong giả mạo thì bao nhiêu họ cũng có thể bán, bán cho nhẹ vai nên mình theo họ thì lỗ chết. Trước đây dễ thở lắm, còn bây giờ, sức mua của khách cũng chẳng là mấy mà người bán hàng rong thì nhiều gấp đôi, gấp ba. Bởi vì công nhân thất nghiệp, rồi nhân viên nhà hàng thất nghiệp, tất cả đổ ra bán hàng rong, làm shipper hoặc bán hàng online. Đất chật người đông hơn ngày xưa nhiều. Người bán thì tăng mà người mua thì giảm, cạnh tranh khốc liệt lắm!”

“Chị có bao giờ nghĩ rằng mình sẽ về nhà, cuốc đất trồng rau không?”

“Có chứ, đó là ước mơ đó chứ. Nhưng mà giờ nhà đâu, đất đâu nữa mà về. Tôi đi lâu năm, đất đai ở nhà anh em, chị em họ bán hết rồi, giờ về chỉ có cái nhà chui ra chui vào vậy thôi, muốn làm vườn thì phải có cái vườn mới làm chứ, đất giờ phân lô hết rồi, con người thì phân li, chẳng còn tình cảm quê kiểng như xưa nữa, về cũng chán!”

“Chị quê ở đâu vậy chị?”

“Tôi ở Mộ Đức, Quảng Ngãi, quê bây giờ cũng buồn rồi, chẳng còn chi để về đâu. Mà giả sử như có còn để về, thì nông sản bây giờ cũng đâu có ra chi. Làm cho lắm vào, Trung Quốc nó ngừng xuất khẩu một cái thì chết đứng hết trơn! Làm chi cũng thấy mệt mỏi và tuyệt vọng. Vì mình là dân nghèo, chứ mình kha khá một chút thì khác rồi! Đời là vậy, thằng nghèo thì nghèo triền miên, thằng giàu thì giàu nứt đố đổ vách. Nhưng nói vậy thôi chứ ông Trời có mắt. Rồi mọi thứ cũng đâu vào đó à. Như mình, giờ vẫn sống được. Thế chứ khối ông giàu cho lắm, quyền cho lắm, tới khi ông Trời phạt một cú thì đứng sựng, chẳng còn gì!”

“Chị tính bán hàng rong như vậy bao lâu nữa?”

“Đời chưa biết về đâu, trước đây tôi còn có gia đình, thế rồi gia đình ly tán, chồng thì theo một cô khác, con thì giờ cũng lớn rồi, lập gia đình riêng rồi, nhưng chúng nó cũng khổ, nên mình không thể dựa dẫm chúng được. Tôi tính gắng gượng thêm vài tháng hay vài hôm, tùy vào may rủi mua bán. Rồi về quê, thuê một mảnh đất bãi để trồng rau, tôi nghĩ chắc cũng đủ sống, cơm muối qua bữa rồi cũng xong. Chỉ mong rằng nông sản đừng rớt thêm nữa. Tôi cũng đang chờ đợi đây, hi vọng sẽ khá hơn!”

Chờ đợi, hi vọng… trạng thái này lẽ ra của những người mới lập nghiệp, người trẻ. Với chị Điểu, đã bước sang tuổi lục tuần, cái tuổi người ta “tri thiên mệnh” và không còn phải bon chen, thì chị lại phải chờ đợi, hi vọng vào thời giá, vào nông sản, để rồi nếu mọi thứ ổn định một chút thì thuê một mảnh đất để “cắm dùi” những ngày hậu vận. Nhắc tới chuyện nông sản gần đây nghe thật là buồn. Xin hẹn với quí vị ở bài sau!

Leave a Reply