(Image by John Lach/ Pexels)
Bài UYỂN NHI
Nuôi con là một quá trình lâu dài, hay nói khác đi, đó là công cuộc của một đời người. Tuy rằng tuổi thơ, tuổi mới lớn rồi đến tuổi trẻ của các con bên cạnh chúng ta chừng 18 năm, cao nhất là 25 năm, sau đó thì các con tự lập, thành danh và có đời sống riêng. Thế nhưng thử đặt lại đời sống của chúng ta, sẽ thấy rằng cha mẹ chúng ta chưa bao giờ rời bỏ chúng ta mặc dù chúng ta đã hoàn toàn rời bỏ cha mẹ để về một tổ ấm mới. Mỗi vấp váp hay thành toại của chúng ta đều có bóng dáng của cha mẹ, khi chúng ta thành công, cha mẹ hạnh phúc, khi chúng ta thất bại, cha mẹ đau buồn và nghĩ ngược về quá khứ…
Cái “quá khứ” ấy chính là chúng ta hôm nay và tuổi thơ của các con. Có nghĩa là nếu thấy chúng ta vấp váp điều gì đó, cha mẹ sẽ tiếc rằng chưa trang bị cho chúng ta đầy đủ. Và điều ấy, giấc mơ ấy của cha mẹ là của chúng ta bây giờ, chúng ta dạy con của mình ngoài yêu thương còn có lòng trắc ẩn, ngoài công bằng còn có lòng vị tha, ngoài trí thông minh còn biết chịu trách nhiệm.
Tôi từng chứng kiến một người cha khi dắt con nhỏ của mình đi chơi, cháu bé vấp chân ngã và khóc vì đau, vậy là người cha cúi xuống đánh đám cỏ, mắng đám cỏ cho con thỏa dạ và nín khóc. Nhưng, cách này vô hình trung làm cho con chúng ta ảo tưởng về tính độc tôn, về sự đương nhiên không có lỗi của bản thân. Thay vì làm vậy, những người cha Do Thái sẽ hỏi han con mình đau như thế nào để xoa dịu, sau đó cha của bé sẽ xin lỗi vạt cỏ vì con mình đi không cẩn thận, nhỡ ngã làm đau vạt cỏ và cũng tâm sự với vạt cỏ rằng con của mình cũng đau chân lắm. Cách làm này khiến cho bé thấy rằng lần sau bé phải đi cẩn thận hơn để khỏi làm đau vạt cỏ và khi biết vạt cỏ cũng biết đau thì bé tự khắc sẽ hết thấy đau. Lòng trắc ẩn của bé được đánh thức ngay phút giây ấy.
Tôi cũng từng chứng kiến đôi người mẹ vì trước đó sinh toàn bé gái, đến khi sinh được bé trai thì biến bé trai thành niềm may mắn, mặc định với sự may mắn và niềm hạnh phúc của gia đình, bé trai được đối đãi như ông trời con và các chị gần như cúc cung phục vụ, tận tụy và cưng chiều bé trai hết mức. Điều này, nếu như người Đức, họ sẽ rất mừng nhưng cách mừng của họ là dạy cho bé trai quan tâm đến các chị nhiều hơn, bởi bé là người đàn ông duy nhất, người có sức mạnh duy nhất trong gia đình nên rồi đây bé sẽ cáng đáng những việc mà người phụ nữ không thể làm được do bản lĩnh và chân yếu tay mềm… Cách dạy này vô hình trung giúp cho bé trai xác lập được trách nhiệm bản thân và thấy được tầm quan trọng của một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình. Điều này cũng vô hình trung dạy cho bé trai kĩ năng sống, biết bao dung, vị tha và có bản lĩnh, sau này lớn lên sẽ dễ thích nghi với đời sống, không bị tính ích kỉ. Nói khác đi, càng thương con, chúng ta càng phải dạy cho con biết yêu thương, biết chia sẻ, biết yêu thương, biết bao dung và quảng đại.
Trong trường hợp khác, một bé gái được ra đời sau khi các anh trai đã lớn, đương nhiên bé gái sẽ được cưng chiều mọi đường, từ cha mẹ, từ các anh. Thế nhưng nếu như chỉ cho các anh cưng chiều và bé gái muốn gì được nấy thì hoàn toàn thất bại, chúng ta phải dạy bé gái cách hành xử đúng mực của một người em, phải biết triết lý “bông lúa càng nặng hạt càng biết cúi đầu”, phải dạy cho bé biết chia sẻ. Và hơn hết, chúng ta đặt câu hỏi: “Mình có trọng nam khinh nữ hay không?” Khi đã tự trả lời rằng mình đối xử công bằng với các con, không trọng bên nào bỏ bên nào, thì hà cớ gì mình phải cưng chiều bé gái theo kiểu “kệ, con gái tội nghiệp, con gái thiệt thòi, con gái…” Không, chúng ta không để con gái chúng ta thiệt thòi, chúng ta có một chiếc bánh thì bẻ làm nhiều phần đều nhau cho cả con trai và con gái, chúng ta có một chút tiền hay chút của hồi môn thì chia đều cho con trai và con gái, chúng ta có tri thức và lòng yêu thương chúng ta cũng phải chia đều cho con trai và con gái thông qua giáo dục gia đình. Khi chúng ta thương con gái quá đỗi và bất chấp đúng sai, cưng chiều thái quá là chúng ta đang bất công với con gái mình về mặt giáo dục đấy!
Và đương nhiên, với cả con gái và con trai, chúng ta đều phải dạy bài học đầu tiên là “khiêm cung và yêu thương”. Bởi nếu có khiêm cung mà không có yêu thương thì đó là sự chịu đựng, thỏa hiệp để được việc hoặc giả sự chịu đựng, cúi đầu vì hèn nhát. Nếu có yêu thương mà không có khiêm cung thì tính ngông cuồng sẽ trỗi dậy và nhanh chóng giết chết lòng yêu thương. Yêu thương chỉ tồn tại khi con người biết khiêm cung đúng mực và sự khiêm cung chỉ có giá trị khi nó chở lòng yêu thương, tính trắc ẩn.

Khiêm cung và yêu thương người thân, khiêm cung và yêu thương cỏ cây, vạn vật, khiêm cung và yêu thương với bạn bè, xã hội, khiêm cung và yêu thương với những trang sách… Và ngay trong lời nói, nếu như trước đây bạn thường chỉ đường cho shipper qua điện thoại rằng: “hãy đến căn biệt thự số… đường… khu phố… cổng màu vàng…” chẳng hạn, thì ngay từ giây phút này, bạn nên cho con nghe cách nói chuyện của mình qua điện thoại rằng: “hãy đến khu phố… đường… sẽ gặp một căn nhà ấm cúng hoặc căn nhà nho nhỏ có cổng màu vàng…” Đó là một cách dễ nhất, ngay từ chỗ ở, giúp con bạn nhận biết sự khiêm cung của ba mẹ. Và khi có đủ yêu thương, người ta sẽ biết khiêm cung, khi có đủ khiêm cung, người ta dễ dàng duy dưỡng lòng yêu thương.
Cầu chúc các mẹ luôn đồng hành cùng các con một cách viên mãn! Và luôn để các bé thấy mình được yêu thương, được đối xử công bằng, nồng ấm!