(Katie Smith/ Unplash)
Bài UYỂN NHI
Thường thì từ tháng thứ hai đến tháng thứ sáu của tuổi đầu đời, các bé chỉ biết bày tỏ bằng tiếng khóc, đói khóc, tè khóc, thèm hơi mẹ khóc, buồn ị, khóc, nóng khóc, lạnh khóc… Mọi trạng thái đều biểu đạt bằng tiếng khóc. Thế nhưng có một số bé đã bắt đầu có ngôn ngữ, biết bày tỏ cảm xúc và “mong muốn,” có bé đến tháng thứ ba đã bắt đầu u a nguyên âm, thậm chí tháng thứ hai đã bắt đầu. Đặc biệt có những bé phát ra cả phụ âm. Đương nhiên các bé có ngôn ngữ sớm phải là những bé đặc biệt.
Thường thì thời điểm bé tập nói chuyện, bé tập truyền đạt ngôn ngữ cũng là thời điểm mẹ và ba của bé gặp khó khăn nhiều nhất. Bởi mẹ đi làm lại, bởi có cả một ngàn lẻ một khoản chi cho gia đình và các khoản này lại xoay quanh bé thơ. Nhất là trong thời điểm hiện tại, nền kinh tế toàn cầu có chiều hướng đi xuống, mọi khoản thu nhập của giới lao động và mọi giới khác đều eo hẹp so với trước đây vài năm. Tình trạng đấu tranh chống phân biệt chủng tộc thái quá, tình trạng vật giá leo thang, tình trạng ngủ đông của kinh tế sau dịch… Mọi xung động thế giới đều cho thấy đời sống khó khăn rình rập và con người trở nên căng thẳng, mệt mỏi, bất an hơn bao giờ.
Mọi xung động căng thẳng của đời sống tác động trực tiếp đến ba mẹ của bé và đương nhiên, bé sẽ là người đầu tiên cũng như là người cuối cùng đón nhận mọi lo toan của ba mẹ, từ nguồn sữa, từ âm thanh hơi thở, từ tiếng nói vui buồn của ba mẹ. Những điều tưởng như đơn giản ấy nhưng lại tác động vô cùng lớn đến tương lai và số phận của bé. Bởi điều này tác động đến tính cách của bé, tác động đến quá trình hình thành nhân cách và ngôn ngữ của bé, tác động đến những gì thuộc về vô hình, không thấy được trực tiếp nhưng tương lai của bé sẽ biểu hiện đầy đủ.
Chính vì vậy mà một thiên tài có thể sinh ra trong một gia đình nghèo khổ nhưng có hạnh phúc, có yêu thương và có tôn trọng nhau và ngược lại, một kẻ độc tài, một kẻ tàn ác có thể sinh ra trong một gia đình giàu có, trí thức và uy tín nhưng lại thiếu sự đầm ấm của một gia đình thực thụ. Chuyện này không phải chưa từng có trong lịch sử, những thiên tài nghệ thuật và những tên có tội ác với nhân loại đều được sinh ra trong những gia đình như vậy.
Con cái là thiên tài của cha mẹ, đó là hiển nhiên, và để những thiên tài bé bỏng được phát triển tự nhiên, cha mẹ phải giữ không khí đầm ấm, yêu thương và để những thanh âm ngọt ngào đi vào tuổi ấu nhi của bé. Đến khi bé lớn, có thể có nền giáo dục gia đình nghiêm khắc nhưng tuyệt nhiên tin yêu và tôn trọng lẽ phải, tôn trọng nhau.

Ngay từ tấm bé, được nuôi dưỡng trong một sinh quyển chân tình và mềm mại, đương nhiên, quá trình hình thành ngôn ngữ và nhân cách cũng sẽ mềm mại hơn, thanh thoát hơn. Nhất là với các bạn đang sống ở Việt Nam, xứ sở của tiếng ồn, nếu không có tiếng ồn công nghiệp thì cũng có tiếng ồn karaoke. Không đâu siêng hát như Việt Nam, vui hát, buồn hát, không vui không buồn cũng hát, mệt hát, sảng khoái hát, lừng khừng lưng đưng cũng hát. Nhà nghèo nhà giàu nhà bình dân nhàtrí thức thi nhau hát. Hát như thể chiến tranh sắp nổ ra, hát cho át tiếng bom… Trẻ em sơ sinh gặp cảnh này khổ không gì bằng.
Bởi với những bé thơ, thời gian từ một tháng đến sáu tháng là khoảng thời gian vô cùng nhạy cảm về âm thanh. Chỉ cần nghe tiếng ồn vài hôm, các bé đã biết truyền đạt bằng ngôn ngữ có gắn phụ âm, sẽ “quát nạt” rất khó chịu, đây là cơ chế phản ứng của các bé, và cũng là cách đề kháng với nỗi sợ mơ hồ khi tiếp xúc với môi trường ồn ào.
Tôi từng có kinh nghiệm và chứng kiến một cảnh không mấy vui vì chuyện này. Thường thì ba mẹ của bé có nhà bên cạnh hát karaoke chỉ còn nước đóng cửa phòng thật kín, đã đóng kín rồi mà vẫn còn nghe âm thanh dộng thì chỉ có nước bắt taxi đi tìm một chỗ yên tĩnh, hoặc nhà có xe riêng thì lên xe tìm chốn yên tĩnh. Nhưng đâu phải ai cũng có tiền nhiều để sắm xe hơi riêng hoặc có dồi dào để đi taxi, khổ vô cùng.
Gần nhà tôi có hai gia đình của hai anh em sống chung với nhau, người anh lớn tuổi, rượu chè suốt ngày, người em lo làm ăn, thương vợ con. Hai người hiếm muộn con, cưới nhau hơn mười năm mới sinh được em bé, sau khi đã chạy chữa rất nhiều nơi. Tới khi em bé tròn tháng thì ông anh hết nhịn nổi, bật karaoke hát, em bé chịu không nổi tiếng ồn, khóc liên tục.
Vậy là người em ban đầu xin anh đừng hát, xin hoài không được thì yêu cầu, yêu cầu không được thì quát nạt yêu cầu… Kết quả hai anh em choảng nhau, may sao không có ai bị gì, người em đương nhiên sức khỏe tốt hơn, vật ông anh ngã lăn quay, cha mẹ can ngăn, cuối cùng đâu lại vào đó, anh anh em em. Nhưng ít ra cũng đỡ được vài tháng karaoke ồn ào.
Nói như vậy để thấy cái khổ của người làm cha làm mẹ biết thương con, mình lo lắng cho con mình, mình thương cả những đứa bé bằng con mình, thế nhưng hàng xóm họ đâu có thương con mình, cả con họ cũng chưa chắc họ thương, nghịch lý nằm chỗ này, nên cái khó cho việc nuôi con nhỏ là vậy. Và chẳng còn cách nào khác là khắc phục, chịu đựng, vượt qua, và hãy lắng nghe bé nói.
Bé có những cách bày tỏ của bé luôn làm cha mẹ ngạc nhiên, hiểu rằng thế giới này, trong sự hiểu biết của mình còn quá hẹp, chính con thơ đã mở ra cho mình một cánh cửa nhìn vào thế giới, ở đó, thiên đường trong những tiếng ua a…!
