(Uyển Nhi/ Viễn Đông)
Bài UYỂN NHI
Chắc chắn một điều, trong thời đại mọi thứ quay cuồng này, các mẹ sẽ có rất ít thời gian dành cho con mình, cho dù điều kiện kinh tế của các mẹ có tốt, mạnh cỡ nào thì vẫn có những thiếu vắng đối với con cái. Bởi thời đại vốn vậy, đặc biệt là tại Việt Nam, trong thời kinh tế khủng hoảng, nỗi lo chén cơm manh áo không thôi cũng đủ làm cha mẹ mệt bở hơi tai. Nói một cách nghiêm túc, ngay lúc này, chỉ có những gia đình thuộc hàng quan chức nằm ngủ một đêm tới sáng thấy tài khoản nở thêm tiền tỉ kia mới không thấy lo lắng chén cơm manh áo, nhưng họ có nỗi lo khác đấy, và con cái của họ cũng thiếu hụt nhiều thứ mà tiền không bao giờ bù vào được. Còn với những người làm ăn tử tế, nỗi trăn trở con cái càng nặng hơn, bởi chúng ta tốn quá nhiều thời gian cho việc lo lắng cơm áo gạo tiền.
Và những lúc như thế này, chúng ta cũng nên đặt ra bài toán hoặc giả những câu hỏi như: Chúng ta sinh ra để làm gì? Chúng ta lập gia thất để làm gì? Chúng ta sinh con để làm gì? Bởi khi trả lời câu hỏi chúng ta sinh ra để làm gì được, chúng ta sẽ thấy nhẹ nhõm hơn về những hối thúc vật chất, chúng ta dễ cân bằng tâm lý hơn và đồng lương èo ọp hay đồng dự trữ cuối cùng của chúng ta sẽ trở nên ý nghĩa hơn trong cái nhìn xuyên thấu về thân phận con người, lúc đó chúng ta bớt căng thẳng và yêu đời, yêu sự sống mỗi ngày, yêu thiên nhiên thân thuộc và yêu những người chung quanh mình hơn, họ trở về với bản nguyên yêu thương, họ là động lực, là lẽ sống trong chúng ta chứ họ không còn là gánh nặng nữa.
Bởi chúng ta đi đến hôn nhân để tiếp nối một dòng chảy nhân loại, để ký thác ước mơ tương lai vào con cái và con của chúng ta sẽ được chúng ta lo lắng hết mình, chăm sóc ân cần để thành người. Và con cái chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng việc kiếm tiền, nỗ lực hằng ngày nhằm làm cho cho đình đỡ vất vả hơn, sung túc hơn, êm ấm và đầy đủ hơn, con cái có điều kiện vươn cao và bay xa hơn… Chúng ta không bị sa đà trong ảo giác kim tiền, chúng ta không bị chạnh lòng hay chạm tự ái khi nghe ai đó trong bạn bè trở thành đại gia nhà đất, trở thành ông chủ mà chúng ta chỉ vỏn vẹn một ngôi nhà nhỏ, và chúng ta cũng không bị ức chế khi con của bạn bè học hành quá giỏi giang trong khi con của mình phải loay hoay đèn sách mà chẳng biết tới đâu…
Bởi chúng ta bị thế giới vật dục chi phối và mang nguyên khối nặng vật dục ấy ném vào giữa hạnh phúc gia đình, thậm chí ném vào con cái chúng ta, vô hình trung, tuổi thơ của con cái chúng ta phải chịu đựng và gánh chịu cái khối nặng phi líấy thay vì chúng được hồn nhiên, vui vẻ học tập và tự tin trong bất kì hoàn cảnh nào.
Và, khi chúng ta quay cuồng trong khối nặng ấy thì mọi thứ trở nên mệt mỏi, ê chề, rất khó, bối cảnh càng lúc càng quấn lấy chúng ta và đôi khi chúng ta tự đặt câu hỏi tiêu cực kiểu như “mình sống để làm gì vậy hè?!”, và đây là câu hỏi diễn ra khi tâm thức của chúng ta bị mất ánh sáng của tình yêu. Chúng ta hãy bình tĩnh và giữ sâu lắng để mọi tạp niệm lắng xuống, ánh sáng tình yêu quay trở lại và chúng ta nhìn thấy cả nụ cười cũng như cái chau mày hay nước mắt buồn thảm của con cái chúng ta khi chúng cô đơn vì thiếu sự ân cần của cha mẹ.
Lúc ấy, chúng ta hãy thì thầm với chính mình về tên của con mình, và lắng nghe những thanh âm của con trong tâm thức, rồi hãy đến bên con, thì thầm với con những điều bâng quơ, bất chợt nhất ghé đến, chúng ta không cần chuẩn bị câu nói gì với con đâu, tự tình yêu chúng ta dành cho con sẽ bật thành câu hỏi hay câu nói với con chúng ta trong bối cảnh tương thích. Và, cũng trong bối cảnh ấy, con chúng ta sẽ tràn đầy ngay tức thì, chúng nắm bắt được tình yêu của cha mẹ trong khoảnh khác, tình yêu thương ấy lấp đầy nỗi cô đơn của con. Và con sẽ thấy mọi thứ trở nên nhiệm màu, yêu thương đã trở lại, nỗi cô đơn được xua tan. Và mọi sự sống chỉ bắt đầu khi mặt đất đón nhận tia nắng đầu tiên, cũng như mọi kết quả tốt đẹp chỉ bắt đầu khi ánh sáng tình yêu ghé đến.
Lúc ấy, nếu con cần điều gì, bạn hãy thì thầm cùng với con, nói cho con biết đâu là việc nên làm, đâu là việc nên tránh, nên dành thời gian học tập như thế nào cho hợp lý và khi nào buồn thì hãy nói với cha mẹ để cha mẹ cùng chơi, cùng tâm sự với con.
Bởi lẽ, suy cho cùng, chúng ta tồn tại để yêu và chúng ta sinh con cũng để yêu, khi con chúng ta có đủ tình yêu thì mọi trở ngại trong đời sống này sẽ dễ dàng vượt qua hơn, mọi khó khăn trở thành một thử thách thú vị và mọi gian nan trở thành ký ức đẹp trong tương lai.
Tôi từng chứng kiến một người mẹ làm nhà giáo, với đồng lương ít ỏi vì cô ấy quyết không đi dạy thêm, tối tối, cô rủ con ra khu vực thương mại để chơi, trong lúc con chơi, cô đi rao bán những bịch đậu phụng luộc, rồi lại chơi với con. Cô là một giáo viên giỏi, nhưng cô quyết không dạy thêm, bởi cô có lý tưởng nghề của mình, nên cô rất nghèo, nghèo đến độ người chồng nỡ bỏ người vợ và đứa con gái nhỏ để theo một tiếng gọi khác, cô trở thành mẹ đơn thân và nuôi con với lý tưởng của mình.
Theo tìm hiểu, tôi biết được cô bé gái bước vào lớp một, bé học rất tự tin và thông minh, bé dễ hòa đồng và suy nghĩ có gì đó chín chắn hơn so với cùng độ tuổi.
Nói như vậy để biết trong ngàn vạn thứ cha mẹ trao cho con, không có thứ gì quý hơn lòng yêu thương, sự lắng nghe và tiếng thì thầm nhỏ to, ân cần của mẹ, của cha dành cho con!
Xin cầu chúc các mẹ có một mùa đông thật ấm áp bên gia đình, bên các con!
