Hồ Tây và Chùa Trấn Quốc

Chiều Hồ Tây, hình chụp 16 tháng 8, 2022. (NKSTTSSHNVN/ Wikimedia Commons)

Bài CHU

Những ai từng thăm Hà Nội, chắc khó quên cảm giác buổi tối, vào giờ hơi khuya một chút, đạp xe đi dọc đường Cổ Ngư xưa, tức đường Thanh Niên bây giờ, cái cảm giác gió Hồ Tây thổi vào buồng phổi, nước Hồ Tây huyền thoại lao xao chuyện ngàn xưa vọng về… Nhưng, có vẻ như đi vào buổi tối thì được cái này lại mất cái khác, được cảm nhận không gian Hồ Tây thì lại hết giờ thăm Chùa Trấn Quốc. Thôi thì đi buổi sáng sớm, bạn sẽ gặp nhiều điều thú vị.

Bắt đầu từ 4 giờ sáng, bạn đi bộ dọc theo đường Thanh Niên, một con đường thơ mộng nằm giữa hai cái hồ lớn nhất nhì Hà Nội – Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Một con đường đi vào thơ ca, có không biết bao ca khúc, bài thơ và cả những áng văn ra đời từ con đường này, một con đường vừa mênh mông vừa hạn hữu, vừa bao là vừa chật hẹp, vừa tĩnh lặng vừa chơi vơi… Và, đời sống chung quanh nơi đây, nếu như ban ngày, cộ xe ngược xuôi, những bến xe điện đưa khách đi ngắm cảnh, rồi khách du nườm nượp vào ra Chùa Trấn Quốc, rồi những bà hàng nước me nước sấu, thuốc lào, chè xanh… Nhưng, chắc bạn nào từng trải tuổi thơ chốn quê sẽ khó mà quên món này: kẹo kéo.

Tôi vốn đi nhiều nơi, có thể nói rằng 63 tỉnh thành Việt Nam, tôi đi khắp hang cùng ngõ hẻm cũng được ngót nghét 60 tỉnh, và chưa nơi đâu tôi lại gặp kẹo kéo hồn vía, mang dáng dấp tuổi thơ tôi như kẹo kéo Hồ Tây. Người bán kẹo kéo có thể là đàn ông, có thể là phụ nữ, họ chở một chiếc thùng gỗ sơn màu xanh trên một chiếc xe đạp cũ kĩ, trước xe, trên ghi-đông có treo một quả chuông đồng lắc kêu leng keng, đến bờ hồ, người bán không mời ai, chỉ oắc chuông kêu leng keng, khách đến mua thì cầm một chiếc khăn vải trắng, loại vải ga lưới mềm, mở nắp thùng và nắm lấy đầu kẹo kéo mà kéo, gồng sức mà kéo. Ví dụ khách mua mười ngàn đồng thì kéo một đoạn chừng mười phân. Cây kẹo kéo với lớp vỏ đường dẻo trắng muốt, bên trong chứa đậu phụng rang (người Bắc gọi lạc rang) thơm thơm, bùi bùi, khi cắn vào gãy rốp và nhai… Cái cảm giác đứng giữa một thành phố ngàn năm văn vật, ăn cây kẹo kéo của người bán dạo mà nhớ tuổi thơ thật khó tả cho trọn vẹn.

Đương nhiên nếu bạn đi sớm, trên đường cũng sẽ có nhiều người đi tập thể dục buổi sáng, nhưng chẳng ai để ý ai đâu, nếu thấy bạn nhìn, họ sẽ mỉm cười, chào bạn, người Hà Nội (gốc/bản xứ) khi đi chơi, đi tập thể dục vừa có nét thanh lịch, vừa có nét quyến rũ, rất dễ thương. Dọc trục đường này, nếu mệt bạn có thể ghé vào quán chè xanh hoặc tiệm bánh mì, quán cháo để thưởng thức bữa sáng, rồi tiếp tục đi, cho đến đường vào Chùa Trấn Quốc. Buổi sáng sớm, Hồ Tây sương phủ, chùa cũng mở cửa theo giờ hành chính nên giờ đó chưa có ai vào thăm và cổng im ỉm đóng, nhưng đây là cơ hội để bạn nhìn thấy sự yên tĩnh và nét cổ độ của chùa, của những tháp cổ soi mình bóng nước. Bạn cảm nhận được những câu hỏi bật ra đâu đó trong tâm thức rằng một ngàn năm trước, chùa đã hình thành như thế nào, người ta dùng phương tiện gì để chở đất đá mà xây chùa? Tại sao giữa hồ nước mênh mông sâu này lại có một doi đất nổi nên để xây chùa? Người ta đã đắp con đường Cổ Ngư này bằng cách nào? Ai đắp? Trước khi đắp đường, Hồ Thuyền Quang có phải là một phần của Hồ Tây? Có vô vàn câu hỏi đặt ra khi bạn thăm và ngắm chùa.

Thế rồi những ngôi tháp cổ, những ngôi tháp mà tuổi đã cao gấp ngót nghét hai mươi, ba mươi lần tuổi của bạn, vẫn đứng trơ gan cùng tuế nguyệt, trên nền đất lún giữa lòng hồ như vậy, tháp đã dựa vào sức mạnh nào để tồn tại. Rồi những cổ thụ, những con sóc chuyền cành, những hốc cây líp chíp tiếng chim, những hàng cau voi, những cội bồ đề, những mái ngói âm dương ngàn năm tuổi… Mọi thứ cứ như cổ tích, như tiểu thuyết giữa đời thường.

Chừng 7g30’ thì Chùa Trấn Quốc mở cửa, vì đây là địa điểm du lịch, nên bạn có thể phải mua vé, trong một số ngày chùa thả cửa tự do. Mong bạn đừng để ý nhiều lắm các sinh hoạt của sư sãi nơi đây mà hãy cảm nhận vẻ đẹp của ngôi chùa cổ cũng như các văn bia, bi ký của ngàn năm trước lưu lại. Điều này sẽ mở ra cho bạn một thế giới khác, thế giới của một Hà Nội xưa miên man…

Chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ và viên mãn!

Leave a Reply