Thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai trong hình chụp của Adam Jones từ Canada năm 2019. (Adam Jones/ Wikipmedia Commons)
Bài CHU
Từ trung tâm thị trấn Bắc Hà, đi lòng vòng thăm chợ phiên Bắc Hà, một khu chợ rực rỡ sắc màu và sặc sỡ núi đồi vào cuối tuần, nếu may mắn bạn gặp một buổi sáng mưa, đi dạo qua những gian hàng rau củ quả, mua vài trái lê rừng, na rừng, mua một bịch lạc đỏ ủ muối, rồi mua một chiếc bánh chưng gói nếp cẩm, cho vào túi xách, lang thang qua các gian hàng phở lợn, phở bò, phở trâu, để cảm nhận mùi vị của từng loại phở bằng mũi và đến một góc chợ trâu, xem người ta ngả giá để mua bán những con trâu béo ú, người dắt trâu về coi như có thêm người bạn đồng hành cùng ra gieo trồng ruộng bậc thang… mọi thứ có gì đó rất cổ tích.
Lòng vòng một lúc trong rừng sắc màu, bạn có thể ghé qua gian hàng bán hoa lan rừng, mật, sáp ong rừng, rồi ghé qua chỗ người ta mua bán chim rừng để nuôi, gian hàng hớt tóc, đặc biệt là ghé qua chợ chó, một khu chợ nhỏ, nằm bên góc chợ gà, chó Bắc Hà nổi tiếng tinh khôn và trung thành, thế nên người dưới Hà Nội lên đây săn lùng chó về nuôi không ít…
Lang thang đã một hồi, bạn tìm một góc đồi bên cạnh thị trấn ướt lạnh này mà giở bịch lạc ra ngồi lột, nhâm nhi, phải ăn kiểu như vậy mới thấu được cái tự do bát ngát của xứ sở toàn núi rừng và thiên nhiên len lỏi trong từng mạch máu này.
Chợ phiên Bắc Hà tan tầm vào lúc 12 giờ trưa, lúc này, bạn có thể về khách sạn nghỉ ngơi để rồi thuê xe máy, đi tiếp lên Bản Phố, một buôn nhỏ nằm bên cạnh thị trấn Bắc Hà, đây cũng là nơi có khá nhiều kỉ niệm với tôi thời còn lang thang đi làm phụ mộc. Tôi làm việc gần khách sạn Sao Mai (thời đó Sao Mai là khách sạn lớn đầu tiên có mặt ở Bắc Hà), tối tối ba bốn đứa rủ nhau lên Bản Phố để chơi.
Người dân Bản Phố thân thiện và không hiểu sao họ có thiện cảm đặc biệt với người nói giọng miền Nam, tôi nhiều lần suýt bị bắt rể ở đây nhưng nhờ “thông minh” mà trốn được, nhóm anh em tôi đi bốn đứa, trừ tôi ra, ba đứa còn lại đều làm rể Bản Phố. Hồi đó, cứ nghe người miền Nam lên thì các em Bản Phố chuẩn bị cơm, rượu, thịt chuột và ngải cứu xào trứng để đãi các anh. Thường thì ăn có kèm uống, các ông bạn tôi vì sĩ diện, uống tới, say khướt. Còn tôi thì ngay từ đầu xác định không thể ở rể được nên uống vài ly thì thả cho say, uống cầm chừng, người lảo đảo…
Nhờ tôi thả cho say, không gắng gượng gì nên mấy anh trai Bản Phố lại rất thương, thấy thằng người Kinh này không có âm mưu bắt gái bản, tỏ ra ân cần chăm sóc tôi, đến khuya, tôi đi về, có đứa tình nguyện cõng xuống thị trấn. Bù cho mấy ông bạn tôi say khướt, nằm ngủ luôn tại nhà các em, vậy là các em tha về nhà, xây tổ, cho ở rể luôn. Gái H’Mong bắt trai Việt dễ lắm, mấy chai rượu, ít dĩa mồi, chờ các anh trai say thì lúng la lúng liếng mắt đưa tình. Thử tưởng tượng rượu uống say khướt, có em H’Mong ngồi cạnh, da trắng hồng, mịn màng, cứ chăm sóc, nâng khăn sửa túi, rồi bế vào giường ngủ. Cách gì để không bị bắt nếu như ngay từ đầu không đặt quyết tâm “không ở rể”?!

Từ Bản Phố (nơi có nhiều cô sơn nữ xinh đẹp nhất nhì Bắc Hà), lội đường núi chừng mười cây số, toàn lên dốc, lên dốc và lên dốc… đến những đoạn có thể vói tay vớt từng cụm mây xốp, đi tiếp lên đến gần đỉnh núi, nơi con người thở chung với mây, nơi đây được xem là ngã ba của mây – Hoàng Thu Phố.
Không biết cái tên Hoàng Thu Phố này có phải do một người H’Mong nào đó xưa kia nhớ cố hương mà đặt tên hay không? Nhưng ở đây, người H’Mong mới đúng nghĩa H’Mong, vì đã nói tới người H’Mong thì phải nhắc đến những đỉnh núi cao, người H’mong luôn chọn đỉnh núi cao và lạnh để sống, đó như một niềm kiêu hãnh trong vô thức tập thể của người H’Mong. Nơi đây, người ta thỏa sức sáng tạo và làm ăn, dường như mọi nguồn nông sản đặc biệt, đặc trưng của H’Mong đều từ đây mà xuống chợ.
Các nương ngô (bắp) trồng lưng chừng núi, lưng chừng mây, đây cũng là lò rượu ngô nổi tiếng của người H’Mong, rượu ngô Bắc Hà. Và đây cũng là nơi mà bạn len lỏi vào từng con đường nằm chênh vênh bên sườn núi, bạn sẽ gặp một vài khoảng rừng trống, có những cây chè Shan tuyết hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi, thân hình sù sì, già cỗi, chúng nở ra vài bông hoa trắng đục, li ti và những đọt chè xanh như những giọt nước bé tẹo đọng trên thân cổ thụ, người ta hái chúng về để phơi, ủ thành chè tuyết san thượng hạng.
Đương nhiên câu chuyện chè shan tuyết còn rất dài dòng về độ ngon cũng như tính thật giả của nó. Nhưng, cảm giác bạn cheo leo trên đỉnh mây, ngồi ở một quán ngã ba cao vòi vọi và uống trà, hít hà khí lạnh trong mây, nhìn ra xa xa, nằm treo trên các sườn đồi là những ngôi nhà H’Mong là có thật, mọi thứ vừa thân thiện, gần gũi lại vừa như đâu đó trong xứ sở cổ tích, thần thoại.
Cũng xin nói thêm, thời bây giờ đã có đường du lịch, tráng nhựa, xe hơi có thể chạy lên tận ngã ba mây. Nhưng bạn có dám mạo hiểm chạy xe hơi hay không là chuyện khác. Dù sao thì đường lên Hoàng Thu Phố cũng là cung đường đẹp bậc nhất xứ Việt, và đến đây, sẽ có rất nhiều điều để bạn ghi nhớ, ấn tượng, ngạc nhiên và ồ lên vì vỡ lẽ một điều gì đó…
Xin cầu chúc bạn có một chuyến đi hấp dẫn và vui vẻ!