Hội An mùa lụt

(Nguyên Quang/ Viễn Đông)

Bài CHU

Người ta nói rằng lụt là sản phẩm du lịch của Hội An, có vẻ như không sai. Nếu như trước đây ba mươi năm, nói tới lụt Hội An, người ta nghĩ tới bùn non, dơ dáy và đói kém, thì bây giờ, ngay trong thời đại khủng hoảng này, lụt, hình như là cơ hội của thành phố biển nay, nó có nét hấp dẫn riêng của nó, bởi, sau bao tai tiếng, dường như Hội An cũng phải bắt buộc tự thay đổi cho phù hợp xu hướng thời đại, thế nên Hội An đâm ra mềm mại và lung linh trong mùa mưa lụt.

Đến Hội An mùa này, có lẽ cảm giác đầu tiên của bạn sẽ là ồ, Hội An vắng quá, chỉ thấy toàn nước và nước, nước màu vàng đùng đục phù sa, nước trôi lửng lờ, nước cứ im lặng mà chảy, người vắng… Một chút gì đó của Hội An thời bao cấp với vắng vẻ, đìu hiu nhưng lại hồn vía, lại rất Hội An, không xô bồ mời chào, không diêm dúa đèn đuốc, không màu mè trình diễn văn hóa… Một Hội An thật với vài người dắt xe lội qua những con đường còn có thể lội được để mua một thứ gì đó, cũng có thể là đi bát phố, cũng có thể là đi như là đi, chẳng biết để làm gì, nhưng đó mới là thể điệu của người Hội An gốc.

Nói tới Hội An, có thể chia thành phố này thành bốn giai đoạn lịch sử, giai đoạn trước 30 tháng 4 năm 1975, Hội An là trung tâm tỉnh lị của Quảng Nam, mọi cơ quan hành chính tỉnh đều đặt ở Hội An, sau 1975, trung tâm tỉnh lị chuyển ra thành phố Đà Nẵng, Hội An bị bỏ quên. Thời này người Hội An buôn bán nhỏ lẻ, kiếm sống bằng nhiều cách, cả việc buôn ve chai. Hầu như người dân gốc Hội An đều buôn ve chai sống qua ngày, chỉ có một số cán bộ chế độ mới là nhà cửa đàng hoàng, bề thế, còn lại nhà dân vẫn những căn nhà mái ngói âm dương xập xệ, nghèo nàn.

Những năm giữa thập niên 1990, khi kiến trúc sư Kazik nộp hồ sơ lên UNESCO xin công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới, chính quyền thị xã Hội An mới bắt đầu cho dọn dẹp các khu vực cỏ hoang bên bờ sông Hoài, trang hoàng một số thứ để chờ du lịch. Và sau khi đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Hội An, hầu hết người Hội An đều trổ một cái nghề rất mới mẽ: Vẽ.

Nghề vẽ phát sinh mọi ngóc ngách Hội An, bà mới hôm qua còn đi buôn rau hành, đùng cái hôm này trở thành họa sĩ. Mà cách vẽ ở Hội An thời đó thì toàn trừu tượng và trừu tượng. Nói xin lỗi, trừu tượng cỡ Bùi Chát bây giờ thì còn lâu mới bì nổi với các bà rau hành cải hẹ Hội An thời đó.

Có người chơi toàn máu heo, tức lấy máu heo tươi rải lên một đường uốn éo trên tấm giấy, sau đó đặt gần ổ kiến lửa, mấy con kiến bâu vào máu heo theo đúng cái vệt ấy thì bất ngờ họa sĩ dùng tấm kính ụp lên, đè cứng, kiến chết ngạt trong mớ thức ăn của chúng và họa sĩ chỉ có việc lấy máy sấy tóc ra, bật chế độ nóng nhất, sấy lên tấm giấy cho đến khi cả kiến và máu đều khô, bám vào gương, như vậy là đóng khung, bán cho khách, $5 đô la một tác phẩm. Một ngày, chỉ cần vài chục centimét khối (cc) máu heo với vài chục tấm giấy vẽ, vài chục tấm gương và khuôn có thể kiếm vài trăm đô la. Mà số tiền một trăm đô la thời đó lớn vô cùng. Với khách thì lại khác, hàng lưu niệm dễ mang, rẻ, mang kỉ niệm khám phá đầu tiên về một thành phố cổ bị ngủ quên…

Đủ các trường phái trừu tượng xuất hiện ở Hội An, và cùng với các trường phái này là cung cách vọng ngoại thấy rõ, vào bất kì cửa hàng lưu niệm nào ở Hội An, nếu là người Việt đều bị chung một cái nhìn kỳ thị, chẳng muốn tiếp và mất hết cả hứng. Nói nghiêm túc, người Việt có cái dỡ ở điểm này, mà cụ thể là người gốc Hội An thời đó. Mãi đến sau này, người Hà Nội vào Hội An, mua đất, mua nhà, họ mua rất nhiều nhà của người Hội An và người Hội An lại ôm tiền ra vùng ven mua nhà, hưởng thụ… thì cung cách tiếp khách của Hội An có phần bớt kì thị. Người Bắc, nói cho cùng họ rất khôn khéo, mọi cửa hàng của người Bắc, bất kì khách Việt hay khách Tây bước vào đều được tiếp đón nồng hậu và cho dù bạn có định vào chơi thì sau một lúc được đón tiếp, bạn thấy ngại, phải mua một thứ gì đó.

Nói như vậy không phải bất kì người Hội An nào cũng vọng ngoại, số đông người Hội An có nền nếp trong giai đoạn này họ không phô trương và không xô bồ, họ có chốn riêng của họ, đương nhiên, họ mới là linh hồn của Hội An, nghiệt nỗi, cái số đông người Hội An có nền nếp này lại không bao giờ đông bằng lớp Hội An lao động bình dân và trải qua quá nhiều cam go, buôn ve chai, trồng rau, đi đánh cá… Cuộc sống của họ trả giá qua nhiều nên khi gặp cơ hội, họ bật dậy theo cách của họ. Mãi cho đến khi người Bắc đổ xô vào thì họ bị đẩy khỏi Hội An, lúc này, Hội An còn những gia đình có nền tảng, gốc gác và vốn dĩ nền nã. Nhưng, đây cũng là giai đoạn đọ sức văn hóa, lối sống giữa những người Hồi An nền nã với người Hội An gốc Bắc.

Đến thời điểm bây giờ, có nghĩa là bước qua ba giai đoạn lịch sử mang dáng dấp du lịch, thành phố Hội An trở nên xã hội chủ nghĩa hơn bao giờ với dáng vẻ rất chi cởi mở và hiện đại của nó. Bởi hầu hết cơ chế hoạt động của thành phố đều dựa trên tinh thần này. Chộn rộn, hiếu khách, năng động… và cũng thực dụng, mọi thứ đều xoay quanh đồng tiền. Đương nhiên đây là số ít nhưng lại chi phối rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến số đông người Hội An tử tế.

Thế rồi dịch kéo qua, thế rồi người ta rao bán nhà, những gì có tính chụp giật, tạm bợ đều khó trụ lâu dài với Hội An. Những người Hội An quen sống chậm vẫn cứ tiếp tục đời sống của mình, cho dù có bất kì kiểu chính sách mới lạ, hợp lý hay bất cập nào áp lên thì thành phố này vẫn giữ đúng nhịp sống chậm của nó, bởi dù sao, những người vội vã đến, vội vã đi đã giảm đi đáng kể. Và đâu đó, những người thích sống chậm bắt đầu chọn Hội an để lưu trú lâu dài.

Mùa mưa đến, bạn nên ghé thăm Hội An, ở bất kì nơi nào trong thành phố này, bạn sẽ bắt gặp một Hội An rất lạ, Hội An của thời sống chậm và yên tĩnh, thậm chí tĩnh lặng, Hội An của những ngày xa xưa đâu đó đang hiện về…

Chúc bạn có một chuyến du lịch Hội An thật vui vẻ và thú vị!

Leave a Reply