Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ mời dự chương trình hòa nhạc ‘A Lifetime of Music’ mừng Giáo Sư Lê Văn Khoa 90 tuổi vào ngày 16 tháng 9

Bài BĂNG HUYỀN

Chương trình hòa nhạc ‘A Lifetime of Music’ với các sáng tác và biên soạn của Giáo Sư Lê Văn Khoa

Giáo sư Lê Văn Khoa là một người nghệ sĩ đa tài trong nhiều lãnh vực nghệ thuật, bằng tài năng đặc biệt của mình, ông đã đóng góp rất nhiều cho âm nhạc và nhiếp ảnh, ông từng là giáo sư môn nhiếp ảnh tại Đại Học Salisbury State College, Maryland (1976-1977), là người Việt đầu tiên có ảnh triển lãm ở Quốc Hội Hoa Kỳ. Trong gia tài âm nhạc rất đa dạng, phong phú và đồ sộ của ông có khoảng 600 nhạc phẩm và hòa âm. Cái cốt lõi cơ bản nhất, sâu sắc nhất hình thành nên giá trị di sản của ông chính là gốc rễ văn hóa Việt Nam đã ăn sâu vào huyết quản, vào trái tim, vào ký ức với những hình ảnh quê hương khó phai nhòa trong tâm thức giáo sư Lê Văn Khoa.

Cả cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Giáo Sư Lê Văn Khoa bị quyến rũ bởi âm nhạc truyền thống dân tộc, thế nên trong hầu hết các tác phẩm mà ông sáng tác, từ những bản giao hưởng đến những ca khúc, hợp xướng, tấu khúc … người nghe đều cảm nhận được chất dân tộc Việt rất đẹp và độc đáo, được chuyển tải, thể hiện trong từng cung bậc và giai điệu âm nhạc giàu xúc cảm, người nghe có thể cảm nhận sự hào hùng, khí phách nhưng lại rất mê hoặc, cuốn hút trong từng giai điệu. Những tác phẩm nhạc Việt do Giáo Sư Lê Văn Khoa sáng tác đã được trình diễn ở nhiều quốc gia, nhạc Việt do ông biên soạn đã được dạy ở vài trường đại học Hoa Kỳ và trường nhạc ở Ukraine.

Những khán giả yêu thích tác phẩm âm nhạc của giáo sư Lê Văn Khoa sẽ khó mà bỏ qua một sự kiện âm nhạc độc đáo do Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ (VAPSO) tổ chức để mừng thượng thọ 90 tuổi của Giáo Sư với buổi hòa nhạc “A Lifetime of Music” sẽ diễn ra vào 7 giờ tối thứ Bảy, ngày 16 tháng 9, 2023, tại Robert B. Moore Performing Arts Theatre của trường Orange Coast College (địa chỉ 2701 Fairview Road, Costa Mesa, CA 92626).

Đây là chương trình được thực hiện rất qui mô với một dàn nhạc giao hưởng 50 nhạc sĩ (đầy đủ các phần của một dàn nhạc giao hưởng chính thức); Và sự tham gia của dương cầm thủ Nguyễn Vân Anh (từ Úc châu), cùng nghệ sĩ vĩ cầm Nguyễn Phúc Hải; nghệ sĩ cello Melody Versoza, ban hợp xướng Little Saigon Master Choral gồm có 70 ca sĩ, chưa kể phần góp mặt của lực lượng ca sĩ hùng hậu trong phần đơn ca gồm các ca sĩ Ngọc Hà, Bích Liên, Mộng Thủy, Bích Vân, Teresa Mai, Bảo Châu, Nam Trân, Vasa Diệu Nga, Phạm Hà, Lê Hồng Quang, Trịnh Hoàng Hải sẽ trình diễn các nhạc phẩm Việt Nam do Giáo Sư Lê Văn Khoa sáng tác, biên soạn, viết hòa âm…

Nhạc sĩ dương cầm Vân Anh (Hình cung cấp)

Chương trình hứa hẹn nhiều hấp dẫn

Nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng (VAPSO Music Director) đảm nhận phần điều khiển dàn nhạc của chương trình, cho biết, “Chương trình lần này là mừng Giáo Sư Lê Văn Khoa 90 tuổi. Ông đã bỏ ra gần như hết cuộc đời ông cho âm nhạc, cho nghệ thuật nhiếp ảnh. Ông đã đóng góp rất nhiều cho nền âm nhạc Việt Nam và âm nhạc quốc tế. Đó là điểm nhấn chính để Hội Hiếu Nhạc Việt Nam tổ chức chương trình này để mừng sinh nhật ông và vinh danh ông. Cách nay 10 năm, Hội Hiếu nhạc Việt Mỹ đã tổ chức chương trình nhạc vinh danh GS Lê Văn Khoa năm ông 80 tuổi. Năm nay nhân sinh nhật 90 tuổi của ông. Chúng tôi vinh danh ông thêm lần nữa.

“Trong chương trình lần này có tất cả 21 tác phẩm gồm khí nhạc và ca khúc. Mười sáu bài của GS Lê Văn Khoa. Năm bài của tác giả khác, nhưng do GS Khoa soạn hòa âm. Chương trình lần này không có nhạc ngoại. Các tác phẩm đều là nhạc Việt. Các tiết mục rất phong phú, nhiều màu sắc và nhiều thể loại khác nhau. Sẽ có những bài độc tấu violin. Độc tấu cello. Độc tấu piano. Hòa tấu cho dàn nhạc. các ca khúc có đơn ca, tam ca, hợp ca.”

Ca sĩ Melody Versoza (Hình cung cấp)

Nhạc trưởng Trần Chúc từng là đồng nhạc trưởng với Giáo Sư Lê Văn Khoa, Nguyễn Khánh Hồng trong chương trình mừng sinh nhật GS Lê Văn Khoa 80 tuổi vào năm 2013 đã nhận xét, “Điều rất hãnh diện về dòng nhạc Lê Văn Khoa là đã tạo niềm cảm hứng và rung động cho nhiều nhạc sĩ không chỉ gốc Việt mà cả người Mỹ, người Ukraine… tiếp nhận đầy cảm hứng, để rồi tất cả đã nỗ lực tập luyện và trình diễn các nhạc phẩm của Lê Văn Khoa, đem đến sự thăng hoa cho người thưởng ngoạn. Các bản nhạc trình diễn là sự rung cảm thực sự từ nhạc sĩ đến nhạc sĩ, mà những người sáng tạo thường trân quý nhau bằng tiếng gọi ‘tri âm’ hay ‘tri kỷ’.”

Nhạc trưởng Trần Chúc nhận xét GS Lê Văn Khoa không chỉ là một dương cầm thủ và một nhạc trưởng tài hoa, mà sở trường về sáng tác của Lê Văn Khoa nổi bật trong hai lãnh vực: ảnh hưởng nhạc Cổ Điển, và nhạc dân tộc Việt Nam, được trình diễn bằng nhạc khí Tây Phương và cả nhạc khí dân tộc. Ông đã đem cái đẹp của Tây phương (hòa âm) và cái đẹp của Việt Nam (giai điệu) để hòa trộn với nhau, tạo nên một âm sắc độc đáo trong tác phẩm của mình.

Với tài phổ nhạc dân gian miền Nam bằng nhạc ngữ cổ điển Tây Phương, GS Lê Văn Khoa đã chứng tỏ tài năng đặc biệt khi ông viết cho nhiều loại khí nhạc, nhứt là piano, sở trường của ông, còn khi viết cho violon thì luôn réo rắt, viết cho cello thì thật tình tứ. Và ông còn viết cả cho flute, clarinette, nhạc khí nào ông cũng viết một cách xuất thần và giàu cảm xúc.

Nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng, nhạc sĩ dương cầm Vân Anh và Dàn nhạc Giao hưởng Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ (Hình cung cấp)

Nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng bật mí vài tiết mục sẽ trình diễn trong chương trình “A Lifetime of Music” vào ngày 16 tháng 9 sắp tới, mở màn sẽ là hòa tấu tác phẩm Oveture 1975 (trong bản giao hưởng 1975 của GS Lê Văn Khoa) kể về biến cố lịch sử 1975 trên quê hương Việt Nam. Sau tiết mục này tiếp theo là ca khúc Mơ Về Quê Tôi do Phạm Hà hát, kể về khát vọng cùa người Việt mơ về một quê hương thanh bình và tiếp theo sẽ là ca khúc Bình Minh Trên Quê Hương do Lê Hồng Quang ca, kể về một bình minh đẹp đẽ, thanh bình trên quê hương Việt Nam. Hiền thê của GS Lê Văn KHoa, ca sĩ Ngọc Hà sẽ hát Nhớ Em.

Sau bài Nhớ Em là tác phẩm Memory do Thomas Lovasz độc tấu violin. Ca khúc Bóng Chiều của GS Lê Văn Khoa qua tiếng hát của Vasa Diệu Nga. Bác sĩ, ca sĩ Bích Liên sẽ hát Nhặt Cách Sao Rơi (sáng tác Vũ Thành- Lê Văn Khoa hòa âm).

Nhạc sĩ dương cầm Vân Anh sẽ độc tấu tác phẩm của GS Lê Văn Khoa bài Ta Tắm Ao Ta và Remembrance. Bài Ta Tắm Ao Ta là tác phẩm được các nghệ sĩ bên Ukraine rất thích và từng trình diễn nhiều lần và được đưa vào giáo án dạy trong nhạc viện Ukraine.

Kết thúc phần một sẽ do ban hợp ca Little Saigon Master Choral gồm 70 người và dàn nhạc giao hưởng khoảng 50 người trình diễn ca khúc Mẹ Trùng Dương (Phạm Duy) do Lê Văn Khoa soạn hòa âm. Các thành viên của ban hợp xướng là từ những thành viên của các ban hợp ca yêu thương thầy Khoa đóng góp trong chương trình. Ca trưởng Đỗ Mạnh Chu điều khiển phần hợp ca.

Bài Romance sẽ do nhạc sĩ Nguyễn Phúc Hải độc tấu violin. Phần tam ca Bích Vân- Teresa Mai- Bảo Châu hát ca khúc Nhắn Chim Trời của GS Lê Văn Khoa. Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn (Phạm Đình Chương- Lê Văn Khoa soạn hòa âm) do Mộng Thủy ca. Nhạc Chiều Năm Đó qua tiếng hát của Teresa Mai. Melody Versoza sẽ hát ca khúc The Last Time của GS Lê Văn Khoa.

Kết thúc chương trình sẽ là ca khúc Ca Ngợi Tự Do của GS Lê Văn Khoa do hợp ca Little Saigon Master Choral trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng.

Ca sĩ Phạm Hà và Teresa Mai (Hình cung cấp)

Nhận xét về hòa âm của GS Lê Văn Khoa, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng chia sẻ, “Tôi rất thích phần hòa âm của thầy Khoa với ban hợp ca và dàn nhạc giao hưởng. Thầy Khoa thực hiện rất nhiều CD do các nghệ sĩ bên Ukraine đàn rất hay. Tôi rất thích cách thầy Khoa chọn hợp âm rất đẹp, kế tiếp là có nhiều màu sắc. Mỗi hợp âm của thầy Khoa chọn có nhiều màu sắc, điểm nhấn để nổi bật câu nhạc đó lên. Đó là tài của thầy Khoa. Khi nào thì cho kèn Oboe lên. Lúc nào thì cho cây violin solo nổi lên. Lúc nào thì cho dàn nhạc cùng hòa tấu nghe như biển động, dâng trào như trong tác phẩm Ca Ngợi Tự Do, rồi ban hợp ca cất tiếng hát để ca ngợi tự do của con người.”

“Hoặc như trong bài Mơ Về Quê Tôi, mở đầu là âm nhạc gợi nhớ những khắc khổ đau đớn về quê hương, rồi anh chuyển sang đoạn nhạc cung Thứ, tạo ra khung cảnh rất êm đềm, sáng sủa. Đặc biệt là anh dùng tông Thứ làm cho đoạn nhạc ra màu sáng. Khi viết đoạn nhạc mô tả tình cảm, thì anh lại dùng cung Trưởng. Đây là những đặc sắc của anh Khoa, tạo nét riêng trong âm nhạc của Lê Văn Khoa.”

Nói về bài “Ca Ngợi Tự Do” (trích từ bản giao hưởng “Việt Nam 1975” của Lê Văn Khoa) nhạc trưởng Trần Chúc cho biết bài hợp xướng này được chia ra hai phần, phần đầu mang tính chất tranh đấu, có tính cách hận thù, người dân Việt Nam cực khổ trong chiến tranh và biến cố 1975. Để nói về sự đau khổ quằn quại trong chiến tranh, có một đoạn, Giáo Sư Lê Văn Khoa đã dùng bài “Ru Con” của miền Nam, “Gió mùa thu, mẹ ru mà con… ngủ. Năm canh chày… thức đủ vừa năm…”.

Nhạc trưởng Trần Chúc giải thích, “Đây là một bài hát ru rất hay, không chỉ trong tâm tình mà thôi, mà chính cái ngập ngừng, cái tức tưởi, chưa ra hết dòng nhạc liền lạc, mà ngừng lại trong nửa nhịp. Chính cái dừng lại trong tiếng khóc như nấc nghẹn, trên nhịp điệu, đã rất diễn tả rồi, rất thích hợp diễn tả sự đau khổ. Đến đoạn hai có tính cách hy vọng vui tươi, hướng về tương lai của dòng giống Việt Nam trong tự do, âm nhạc đoạn này thật tươi vui.”

Nhạc trưởng Trần Chúc nhận xét, “Anh Lê Văn Khoa viết cho hợp ca rất độc đáo. Có nhiều người viết hòa âm cho hợp ca, chỉ là sự ráp những nốt nhạc vô theo đúng hợp âm thôi, còn anh Khoa khi viết cho hợp ca, anh biết dùng chất liệu của từng loại giọng để diễn tả ý nghĩa của tác phẩm. Như giọng nữ cao là giọng kim, càng lên cao thì càng sáng lạn. Như bài “Việt Nam- Việt Nam” (Phạm Duy), có hai đoạn nhạc giống nhau, như đoạn đầu anh bắt đầu với giọng trầm của nam (thường thấp hơn giọng nữ một quãng 8) để nói đến tâm hồn đang chiến đấu, lòng đau khổ… anh muốn tạo nên những tiến trình xúc động của tâm tình để đưa đến đoạn sau “Việt Nam trên đường tương lai, Lửa thiêng soi toàn thế giới, Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời…” là đoạn nói lên ánh sáng, niềm hy vọng trong tương lai.

“Khi đó anh lại đổi qua giọng nữ. Giọng nữ sáng lạn hơn để nói về tương lai. Nếu là người viết hòa âm chỉ biết ráp nốt thông thường, thì sẽ không ra được những ý tưởng này. Nếu so sánh với các hòa âm khác cho cùng những ca khúc này, người ta thấy ngay sự khác biệt. Hòa âm của anh càng nghe càng hay. Anh không chỉ đem hòa âm vào dòng nhạc, mà còn biết giọng hát nào thích hợp với đoạn nhạc đó, với ý nghĩa của bài hát lúc đó, để tạo nên một tác phẩm đỉnh cao, oai hùng nhưng đầy cuốn hút và mê hoặc.”

Không chỉ trân trọng và ngưỡng mộ tài năng âm nhạc của GS Lê Văn Khoa, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng rất quý tính tình của GS Lê Văn Khoa, “Anh là bậc thầy, bậc đàn anh của tôi, nhưng lúc nào anh cũng xem tôi như bạn, luôn từ tốn, lắng nghe những góp ý khác anh. Những lúc tôi đề nghị anh trong hòa âm, anh luôn sẵn sàng nghe. Mỗi lần anh gửi bài qua cho tôi, riêng phần violin vì tôi chuyên về nhạc cụ này, nên đã đề nghị anh nên sửa lại phần này để dàn dây chơi sẽ đẹp hơn. Anh luôn đồng ý. Anh không nề hà tốn kém khi thực hiện những tác phẩm nghệ thuật âm nhạc, nhiếp ảnh. Tự bỏ tiền túi đi qua Ukraine thu âm dàn nhạc giao hưởng những tác phẩm của anh, không hề nghĩ sẽ thu lại lợi lộc gì hết. Anh rất khiêm tốn và rộng rãi, tặng miễn phí những bài nhạc của anh cho những ai cần biểu diễn.”

Dàn nhạc Giao Hưởng của Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ (Hình cung cấp)

Về những khó khăn của ban tổ chức thực hiện chương trình hòa nhạc “A Lifetime of Music,” nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng cho biết, “Khó khăn nhất là tài chánh. Muốn có tài chánh thì phải bán vé được và có những nhà bảo trợ. Bán vé là khó nhất vì nhóm anh em chúng tôi đều là nghệ sĩ, chỉ giỏi về âm nhạc thôi, không rành marketing. Chúng tôi bàn nhau nếu không thành công trong việc bán vé thì chúng tôi tự bỏ tiền túi ra để bù lại.

“Hy vọng những khán giả trong cộng đồng yêu mến GS Lê Văn Khoa sẽ mua vé đến thưởng thức chương trình hòa nhạc lần này. Và có thêm những nhà bảo trợ giúp ban tổ chức đủ chi phí để chúng tôi có đủ tài chánh gửi tặng thầy Khoa một món quà ý nghĩa trên sân khấu.

“Quý vị nào chưa bao giờ đi nghe dàn nhạc Hiếu Nhạc Việt Mỹ trình diễn thì hãy đến xem chương trình lần này để cảm nhận được cái hay của âm nhạc hòa tấu, hợp ca, độc tấu… qua các tác phẩm của GS Lê Văn Khoa. Mong rằng quý vị khán giả sẽ đến tham dự chương trình thật đông, để cảm nhận một chương trình được thực hiện rất quy mô và chia sẻ cùng GS Lê Văn Khoa những tâm tình tuyệt đẹp qua âm nhạc của ông.”

Được biết cũng trong buổi hòa nhạc“A Lifetime of Music,” nhóm thân hữu của Giáo Sư Lê Văn Khoa sẽ phát hành hai tuyển tập: “Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam” do hơn 70 tác giả là những vị nổi tiếng từ nhiều lãnh vực, như nghệ sĩ, khoa học gia… viết về giáo sư Lê Văn Khoa, với khoảng 100 bài và nhiều hình ảnh màu, bìa cứng, giấy lán. Tuyển tập “Lê Văn Khoa- Hồn Việt và Ước Mơ” có khoảng 100 bài viết của nhiều tác giả từng làm việc với GS Lê Văn Khoa trong hơn 70 năm qua. Sách dày 350 trang, in đẹp, bìa cứng.

Quyển sách về GS Lê Văn Khoa sẽ ra mắt khán giả trong đêm nhạc (Hình cung cấp)

Vé xem chương trình: Sponsor $200. VIP $100. General: $70, $50, $40, $30, đã được bán tại Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ-Vietnamese American Philharmonic, điện thoại 714-418-0109, địa chỉ 9140 Trask Ave, # 200 Garden Grove, CA 92844, hoặc gọi Diane Bùi (714) 824 -9447, hay gọi Bolsa Tickets (714) 418-2499)

Leave a Reply