Cổng chùa Từ Hiếu tại Huế. (Bùi Thị Đào Nguyên/ Wikipedia)
Bài CHU
Ở Huế, có đến hai Huế trong Huế, đó là Huế tả ngạn sông Hương và Huế hữu ngạn sông Hương. Đứng trên Huế tả ngạn sông Hương, tức đường Lê Lợi, bạn sẽ gặp một ít màu sắc, không khí của Huế dưới triều Nguyễn và Pháp Thuộc, với một ít kiến trúc Pháp pha tạp với kiến trúc đình chùa, một ít Gothic pha trộn với một ít Pagoda. Đứng ở hữu ngạn sông Hương, bạn sẽ gặp một ít đời sống của lính thú vây lớp lớp kinh thành, và qua khỏi những cổng thành bằng gạch, qua những chiếc cầu đá, bạn bắt gặp không gian vàng son xưa cũ, gặp một điều gì đó thổn thức sử lịch. Ở cả hai nơi Tả và Hữu ngạn Hương Giang, bạn đều có thể ngược về phía núi để gặp (có thể nói rằng) một nền văn hóa khác.
Sở dĩ tôi nói khi ngược về phía núi, bạn sẽ gặp một nền văn hóa khác bởi ở thượng nguồn Hương Giang, không còn không khí của thời Thuộc Pháp hay không gian cung cấm triều nhà Nguyễn, không còn một đời sống kinh kỳ, mà thay vào đó là mùi nhang khói, mùi trầm của những phủ, điện, chùa, lăng tẩm. Hay nói khác đi, càng xuôi về biển, bạn càng gặp một sự số gắng bám lấy đời sống tục lụy, càng ngược về phía núi, bạn càng gặp một đời sống dần buông bỏ và chạm với điều gì đó thuộc về ánh sáng tâm linh.

Có thể mỗi người có mỗi cảm nhận khác biệt, không ai giống ai, nhưng đời sống thường hằng diễn ra như nó vốn có, không thể khác đi được, dường như nhịp sống, điệu sống của Huế khi ngược về phía núi có vẻ chậm dần, tịch tại, không còn xô bồ hay bon chen. Ngay cả người nông dân đầu tắt mặt tối, khi ngược về phía núi, bạn sẽ bắt gặp những vườn bưởi, vườn hoa huệ, vườn cúc, đầm sen… hình ảnh con người di chuyển, vận hành có vẻ cũng chậm lại, đời sống yên tĩnh và không xô bồ. Cho dù ngược về phía núi ở tả ngạn hay hữu ngạn đều gặp y cảnh như vậy.
Có lẽ, đầu tiên nên ngược về phía núi ở đường Lê Lợi, đoạn này nói là ngược về hướng núi thì đúng hơn, bạn đi theo đường Điện Biên Phủ, qua khỏi dốc Bảo Quốc, chùa Từ Đàm (một ngôi chùa nổi tiếng thời đấu tranh Phật Giáo những năm 1960 – 1963 ở Huế) bạn bắt đầu gặp không khí nửa quê nửa chợ, với đời sống con người đang chen lẫn với đời sống mơ hồ cõi khác, với nhiều căn nhà, nhiều khu phố liền kề với nghĩa trang. Qua khỏi Đàn Nam Giao, bạn đi tiếp đến chùa Từ Hiếu, một ngôi chùa nằm chênh chếch trên sườn đồi, con suối phía trước chùa được cải tạo thành một dòng sông hoa sen.
Chùa Từ Hiếu là nơi Cố Thiền Sư Pháp Định (người giữ Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự – chức vụ cao nhất trong Giáo Hội Phật Giáo thời nhà Nguyễn) đã bỏ chức vụ Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự ở triều đình, về nhà, lên núi (Từ Hiếu bây giờ) dựng một am nhỏ bên cạnh bờ suối để hằng ngày câu cá, nấu cháo cho mẹ, bởi mẹ của Thiền sư rất thích món cháo cá. Việc phá giới của ngài bị không ít đồng đạo lên án, tuy nhiên, có một vài vị chân tu lại ngưỡng mộ ngài nên giúp đỡ ngài xây dựng thảo am để tu tập. Sau này, ngài được một số thái giám trong triều đình giúp đỡ, quyên góp tiền bạc để ngài xây dựng chùa sau khi thân mẫu qua đời. Tổ đình Từ Hiếu ra đời từ đó.

Từ Hiếu cũng là nơi tu tập, ra đi và trở về của Học giả – Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chùa Từ Hiếu là ngôi chùa đặc biệt, gần như duy nhất tại Việt Nam, trong khuôn viên chùa có một nghĩa trang dành cho các Thái Giám. Những người này cũng là các nhà hảo tâm, thiện tâm góp tiền xây dựng chùa. Với dòng tộc, làng xóm thời đó, cứ một người chấp nhận làm thái giám thì cả họ được nhờ, được cấp đất, miễn thuế. Các thái giám hi sinh bản thân, cống hiến cho dòng họ và làng xóm không nhỏ, thế nhưng thay vào đó, họ lại chịu một đời sống thị phi, chẳng mấy ai trong dòng tộc nghĩ về họ, thậm chí còn xem họ như một vết nhơ của dòng tộc. Chính vì vậy mà đời sống của thái giám về già rất cô đơn, tội nghiệp.

Chùa Từ Hiếu (còn gọi Tổ Đình Từ Hiếu, nơi phát tích của dòng Thiền Hành mà ngài Nhất Hạnh là đệ tử chân truyền và phát dương quang đại sau này) là nơi trở về, yên nghỉ của các thái giám sau một cuộc đời quá nhiều cay đắng và cô tịch. Ở đây, bạn sẽ trải nghiệm rất nhiều cảm giác mà không nơi nào có được, cái cảm giác dạo qua các cổ tháp, nghe tiếng chân mình lạo xạo trên lá, nghe tiếng của ngàn xưa vọng về đâu đó…
Chùa Từ Hiếu cũng là nơi có những loài hoa thân gỗ rất đẹp và lạ, bạn có thể ngồi cả ngày để thiền theo cách của bạn. Bởi nơi này mọi thứ đều bàng bạc không gian thiền, cỏ cây ngấm mùi hương thiền, điều đó giúp bạn thanh lọc được nhiều điều bên trong để rồi tiếp nhận nguồn năng lượng mới, để về nghỉ ngơi, sáng mai lại tiếp tục ngược lên thượng nguồn phía hữu ngạn sông Hương mà tiếp tục cảm nhận một đời sống, một nền văn hóa khác, rất khác!